Bắc Ailen: Bắt giam Chủ tịch Sinn Fein Gerry Adams

Thứ Hai, 12/05/2014, 17:25

Ngày 30/4 vừa qua, Chủ tịch đảng Sinn Fein Gerry Adams đã bị Cảnh sát Bắc Ailen bắt tạm giam 4 ngày, đến ngày 4/5 đã được trả tự do. Hiện ông Adams chưa bị buộc tội danh nào, nhưng sự việc đang gây quan ngại về nền hòa bình vừa được xác lập vài năm ở đất nước này đang bị đe dọa nếu những vấn đề liên quan đến ông Adams vẫn tiếp tục được xới lại.

Theo báo chí Anh, ông Gerry Adams bị bắt tạm giam 4 ngày tại Đồn Cảnh sát Belfast để điều tra về vụ việc một quả phụ tên Jean McConville mất tích, sau đó bị giết chết và vùi mất xác vào năm 1972, để lại 10 đứa trẻ mồ côi. Ông Adams bị cảnh sát tạm giam để thẩm vấn liên quan đến vụ án McConville.

Trong một đoạn ghi âm lời kể của một thành viên IRA tên là Brandan Hughes "Bóng tối" trong cái gọi là Dự án Belfast về những vụ việc xảy ra trong thời kỳ Bắc Ailen chìm trong xung đột bạo lực giữa 2 phái Tin Lành và Thiên Chúa giáo thập niên 70 và 80 thế kỷ XX, Brandan Hughes "Bóng tối" nói rằng, Adams là người chỉ huy lực lượng "biệt đội thần chết" chuyên bắt cóc và thủ tiêu những người đối nghịch với IRA, trong đó có McConville.

"Bản án" mà IRA dành cho McConville là tội làm gián điệp cho phái Ulster (trung thành với Hoàng gia Anh). Tuy nhiên, sau đó, các lãnh đạo IRA phát hiện ra sự thật McConville không phải là gián điệp, nhưng phải gần 30 năm sau, năm 1999, sau nhiều năm chần chừ và bối rối, IRA - thủ phạm giết hại McConville mới chính thức công khai nhận trách nhiệm và tự nhận lãnh việc truy tìm hài cốt McConville. Đến năm 2003, hài cốt McConville đã được tìm thấy gần bãi biển ở quận Louth. Khai quật hài cốt cho thấy McConville đã bị bắn một phát đạn vào đầu.

Trong khi cuộc tìm kiếm hài cốt McConville đang diễn ra thì 2 học giả người Ailen sống ở Mỹ đã đứng ra lập một dự án ghi lại "lịch sử bằng giọng nói" nhằm lưu giữ những lời chứng của người trong cuộc ở Bắc Ailen. Dự án Belfast ra đời do Trường đại học Boston chủ trì.

Những người thực hiện Dự án Belfast đã tìm gặp những người trong lực lượng IRA từng tham gia các hoạt động bạo lực ở Bắc Ailen gần 30 năm trước để phỏng vấn, ghi âm, nhưng với điều kiện là những lời kể, tự thú của họ phải được giữ kín cho đến khi nào họ chết mới được công bố công khai. Và Dự án Belfast đã làm đúng như cam kết.

Năm 2008, Brendan Hughes "Bóng tối" qua đời. Năm 2010, Trường đại học Boston quyết định cho phát chương trình "Giọng nói từ đáy mộ" (Voices From the Grave) đầu tiên để công bố đoạn ghi âm lời kể của Brendan Hughes.

Trong đoạn ghi âm, Brendan Hughes nói rằng, biệt đội thần chết thực hiện các vụ bắt cóc thủ tiêu ở Bắc Ailen thời đó có tên là "The Unknowns" (Vô danh), và "Gerry nắm quyền kiểm soát biệt đội này".

Thời xung đột vũ trang, Brendan Hughes vừa là đồng đội vừa là bạn chí cốt của Gerry Adams. Vì thế lời kể của ông càng được tin cậy hơn. Chương trình đã gây chú ý mạnh mẽ không chỉ trong cộng đồng người Ailen ở Mỹ mà cả ở Anh và Ailen. Nó làm sống lại cuộc điều tra về vụ mất tích và cái chết của McConille và hàng chục người khác.

Trong khi đó, Dolours Price, một cựu thành viên IRA khác, cùng tham gia Dự án Belfast với Hughes "Bóng tối", đã tự mình phá bỏ "luật im lặng", phát biểu trên báo chí Mỹ tự nhận mình chính là người đã chở McConville đến địa điểm hành quyết ở quận Louth năm xưa (Price qua đời năm 2013).

Chủ tịch Sinn Fein Gerry Adams.

Năm 2011, Cảnh sát Bắc Ailen (PSNI) tiến hành thủ tục yêu cầu Trường đại học Boston bàn giao tất cả băng ghi âm giọng nói các cựu thành viên IRA trong Dự án Belfast để phục vụ cuộc điều tra. PSNI đã được Bộ Tư pháp Mỹ hỗ trợ, tống đạt lệnh cho Trường đại học Boston bàn giao các băng ghi âm của Hughes "Bóng tối" và Price cho Cảnh sát Bắc Ailen. Một cuộc chiến pháp lý trước tòa án kéo dài 3 năm và cuối cùng phần thắng đã thuộc về Cảnh sát Bắc Ailen.

Phán quyết của tòa án vào tháng 9/2013 buộc Trường đại học Boston phải bàn giao 11 tài liệu (băng ghi âm) cho phía Bắc Ailen. Có các đoạn ghi âm trong tay làm bằng chứng, việc PSNI bắt giữ Adams để điều tra chỉ là vấn đề thời gian. Và việc đó đã được thực hiện vào ngày 30/4/2014.

Ngay từ khi cuộc chiến pháp lý quanh các băng ghi âm Dự án Belfast diễn ra vào năm 2011, John Kerry khi đó là Thượng nghị sĩ bang Massachusetts đã đánh tiếng với Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton hãy vận động người Anh từ bỏ yêu cầu chuyển giao các  cuộn băng ghi âm này về Bắc Ailen vì nó có thể đe dọa nền hòa bình chưa bền vững ở Bắc Ailen. Tuy nhiên, lời cảnh báo của ông Kerry đã không được chấp nhận. Và vụ việc PSNI bắt giữ ông Gerry Adams đã chứng minh lo ngại đó của ông Kerry.

Phó Thủ tướng Bắc Ailen Martin McGuinness (người của Sinn Fein) đã ra thông báo gọi vụ bắt giữ ông Adams là hành động có động cơ chính trị, là hành động mang tàn tích của Cơ quan Royal Ulster Constabulary cũ (lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Ulster), hoàn toàn không có lợi cho sự ổn định hiện nay của Bắc Ailen.

Bà Jean McConville và các con trước khi bị bắt cóc và thủ tiêu.

Những ai quan tâm đến tình hình Bắc Ailen những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI đều biết rằng Bắc Ailen có được cuộc sống hòa bình, ổn định như hôm nay chính là nhờ các bên xung đột ký kết một hiệp ước quan trọng có tên là Ngày Thứ Sáu tốt lành (Good Friday Agreement) vào năm 1998, và Gerry Adams chính là một trong những nhân tố quan trọng đưa đến việc ký kết hiệp ước đó.

Vì thế, giới phân tích ở Mỹ và Anh đều nói rằng, nếu Cảnh sát Bắc Ailen quyết đi tìm công lý đến cùng cho nạn nhân McConville bằng việc điều tra cặn kẽ vai trò của Gerry Adams trong giai đoạn khói lửa năm xưa ở Bắc Ailen, chẳng khác nào nhát búa bổ vào nền hòa bình ở Bắc Ailen để "thử độ bền" của nó.

Ngày 4/5, đường phố Bắc Ailen chứng kiến cảnh náo loạn đầu tiên khi hàng trăm người theo phái cộng hòa biểu tình phản đối việc bắt giữ ông Adams. Tình hình chỉ tạm ổn sau khi ông Adams được trả tự do. Nhưng cuộc điều tra đối với ông về vụ McConville vẫn chưa kết thúc, và người ta chưa biết sắp tới chuyện gì sẽ xảy ra

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.