Kỷ niệm 75 năm khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940 – 27/9/2015):

Bắc Sơn – Đây núi rừng chiến khu

Thứ Sáu, 25/09/2015, 11:30
Vào một ngày tháng 7/2011, tôi đang uống rượu cùng với họa sĩ Khắc Y, họa sĩ Trịnh Đệ và một người bạn của tôi là anh Cao Bá Dương tại quán rượu nhỏ của ông Thảo ở số 24 Ngõ Huế, bỗng nhận được điện thoại của họa sĩ Quân từ Bắc Sơn gọi về. Anh là giảng viên Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, dẫn một tốp họa sĩ đi thực tập tại Bắc Sơn. Biết tôi có nhiều duyên nợ với Bắc Sơn mà chưa trả được nên anh mời tôi lên. Tôi mừng quá nhận lời ngay.

Sáng hôm sau, chúng tôi khởi hành từ 7 giờ. Một cuộc đi "phượt" bằng xe máy của bốn "anh già" ở độ tuổi "xưa nay hiếm". Qua Cầu Đuống thì trời đổ mưa.

Chúng tôi đi bằng hai chiếc xe máy cũng đã quá đát. Cao Bá Dương đèo tôi, còn Trịnh Đệ đèo anh Khắc Y. Chúng tôi đội mưa đi trong sự háo hức pha chút máu bốc đồng của “văn nghệ sĩ dở hơi”.

Sau một cuộc hành trình dài hết "leo đèo lại lội suối" chúng tôi cũng đến được thị trấn Bắc Sơn. Họa sĩ Quân đón chúng tôi đi về xã Hưng Vũ. Trời vẫn mưa luốt thuốt. Con đường trải nhựa uốn lượn nhấp nhô như một dải lụa ẩn hiện giữa những dãy núi hùng vĩ nhòa trong mưa. Thi thoảng lại thấy những xóm nhà sàn của bà con dân tộc Tày nằm ven chân núi dọc hai bên đường. Mùi hương thuốc lá từ những lò sấy thủ công tỏa ra thơm ngát khiến chúng tôi cảm thấy ấm hẳn lên sau một chuyến đi dài.

Thuốc lá Bắc Sơn là một thương hiệu nổi tiếng, một nguồn thu không nhỏ góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc nơi đây. Trong những năm chiến tranh, ở Hà Nội chúng tôi may mắn lắm mới có thể mua chui được một vài lạng thuốc lá sợi của Bắc Sơn về cuốn bằng giấy pơ-luya hút là đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Những ai đã từng hút và cuốn những sợi thuốc vàng óng, mềm mại, thơm phức của Bắc Sơn một lần thì không bao giờ có thể quên được.

Chúng tôi đến thôn Nà Nuầy xã Hưng Vũ đã 2 giờ chiều. Ông Dương Công Đức chủ nhà và cũng là trưởng thôn cùng gia đình ra tận đường đón chúng tôi. Dáng người mảnh khảnh nhỏ nhắn với đôi mắt sáng và nụ cười hiền lành, e lệ, có phần bẽn lẽn, ông Đức đưa chúng tôi lên nhà. Sự tiếp đón chân tình, giản dị như đón những người thân trở về của gia đình, khiến chúng tôi quên đi cái sự mệt, sự đói và sự ướt.

Bữa cơm hôm đó trên căn nhà sàn rộng hơn 100 m2 thật đầm ấm, vui vẻ, thấm đẫm tình người, tình đời. Ông Đức mang ra một hũ rượu thuốc quý mời chúng tôi. Hóa ra ông Đức là một thầy lang nổi tiếng trong vùng. Năm 14 tuổi ông theo nghề thuốc do cha mẹ và ông bà truyền lại. Thảo nào mà rượu của ông thơm và ngon thế.

Ông vui vẻ bảo chúng tôi: "Các bác cứ uống thoải mái đi, rượu của em bổ lắm. Hôm nào các bác về, em sẽ biếu mỗi bác một thang". Mọi người cười vui. Hũ rượu vơi dần… Họa sĩ Quân đã ngà ngà, lắp bắp tiết lộ cho mọi người biết tôi là con của tác giả bài "Bắc Sơn". Mọi người ồ lên rồi không ai bảo ai đều đồng thanh hát vang bài "Bắc Sơn", khiến cho mấy đứa cháu của ông Đức đứng bật dậy trố mắt nhìn…

Ông Lâm, Bí thư chi bộ của thôn Nông Lục, có mặt hôm đó bắt tay tôi nghẹn ngào: "Hôm nay em vui quá. Bác biết không, toàn thể dân Bắc Sơn từ trẻ đến giả, ai cũng thuộc bài "Bắc Sơn". Chúng em còn ra nghị quyết bằng văn bản hẳn hoi: "Bất cứ ai trước khi kết nạp Đảng phải thuộc 3 bài hát. Quốc tế ca - Quốc ca và nhất thiết phải thuộc bài Bắc Sơn".

Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn. Ảnh: La Nam.

Ông Đức vui chuyện tiếp lời: "Ngày xưa dân chúng em đói khổ lắm, không có cả nồi để nấu cơm nên khi có bài hát của cụ, dân chúng cứ hát câu "Bắc Sơn đây núi rừng chiến khu thành Bắc Sơn không có nồi nấu cơm".

Nghe ông Lâm và ông Đức nói, tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động. Tiếc rằng cha tôi khi còn sống đã không có dịp lên với bà con Bắc Sơn để được biết chuyện này. Tôi  lặng đi… Mọi người đề nghị tôi kể lại về hoàn cảnh ra đời của bài "Bắc Sơn" do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác. Sự chân tình đó của mọi người làm sao tôi có thể từ chối được…

…Khoảng trung tuần tháng 9/1980 tôi đến thăm cha tôi tại căn gác nhỏ ở 108 Yết Kiêu. Ông bảo tôi:

- Huyện ủy Bắc Sơn vừa về đây mời bố lên dự lễ kỷ niệm 40 năm khởi nghĩa Bắc Sơn, nếu con rảnh thì đi cùng bố. Họ sẽ cho xe về đón.

Tôi mừng quá, nhận lời ngay.

- Bao lần bố muốn lên thăm Bắc Sơn mà không được. Là tác giả của bài hát "Bắc Sơn" nhưng lại không biết Bắc Sơn ở đâu.

Nghe cha nói, tôi cũng  ngỡ ngàng. Tôi bèn hỏi ông:

- Bố chưa lên Bắc Sơn vậy làm sao bố lại sáng tác được?

- Chuyện là thế này. Cuối năm 1945, bác Nguyễn Huy Tưởng viết một vở kịch về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và nhờ bố làm một bài hát cho đội du kích Bắc Sơn. Bố nhận lời và làm bài “Bắc Sơn” cho vở kịch, theo trí tưởng tượng. Đầu năm 1946, vở kịch "Bắc Sơn" của bác Tưởng được công diễn tại Nhà hát Lớn, bài "Bắc Sơn" của bố được khán giả hoan hô nhiệt liệt. Sau đó bài "Bắc Sơn" được truyền đi khắp nơi và trở nên nổi tiếng.

Nghe cha kể, tôi biết vậy nên không hỏi thêm gì nữa. Tôi hy vọng cuộc đi Bắc Sơn cùng ông tới đây sẽ có điều kiện để tìm hiểu thêm.

Nhưng rồi cuộc đi lên Bắc Sơn năm đó không thành. Ngày Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Bắc Sơn cho xe về đón, cha tôi lại bị ốm nên không đi được. Thật  đáng tiếc… Mãi sau này, sau ngày cha tôi mất, tôi mới được bà Nghiêm Thị Đức là chị ruột của mẹ tôi kể lại cho nghe về hoàn cảnh ra đời của bài "Bắc Sơn".

Sau Cách mạng tháng Tám, vào khoảng trung tuần tháng 9, nhạc sĩ Văn Cao được ông Nguyễn Thành Lê và ông Nguyễn Khang đưa về nhà in Rạng Đông ở phố Hàng Bông để tiếp tục trình bày và in hai tờ báo Độc Lập và Lao Động. Văn Cao đến nhà in Rạng Đông trực tiếp trình bày báo, sửa morát và kiêm thêm nhiệm vụ bảo vệ.

Tại đây, hình ảnh người thiếu nữ xinh đẹp con bà chủ nhà in, trong tà áo dài màu tím thướt tha ngồi bán hàng sau quầy sách báo đã khiến trái tim cô đơn của Văn Cao rung động… Để rồi sau này ông mới có điều kiện vẽ chân dung người vợ thân yêu của mình trong tà áo tím của những ngày đầu khi ông gặp bà. Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời, đã có người trả giá rất cao để xin mua bức chân dung sơn dầu đó. Ông từ chối bảo: "Đây là vợ tôi. Sao tôi có thể bán vợ tôi được!".

Khoảng trung tuần tháng 12/1945, Văn Cao đang làm việc tại nhà in thì nhà thơ Xuân Diệu đến. Xuân Diệu hỏi: "Cậu làm nhạc cho vở kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng đấy à?". Văn Cao ngạc nhiên: "Mình chỉ được hắn cho xem kịch bản chứ có thấy nói năng gì tới việc nhờ mình làm nhạc đâu”. Xuân Diệu cười nói: "Tớ thấy tên cậu trên pa-nô quảng cáo treo khắp phố nên mới qua đây hỏi”. Văn Cao lắc đầu:  "Nguyễn Huy Tưởng bỏ bom mình rồi”.

Bữa cơm trưa hôm đó, mọi người thấy Văn Cao đăm chiêu như nghĩ ngợi điều gì đó trong suốt bữa ăn. Khi người nhà định dọn bàn, ông ngăn lại. Mọi người thấy ông lấy đũa gõ vào từng chiếc bát rồi lắng tai nghe… Sau đó ông xếp những chiếc bát trước mặt lần lượt theo âm thanh từ thấp đến cao tạo thành một bộ đàn gõ bằng bát. Văn Cao lấy  đũa gõ… Những nốt nhạc ngân vang…

Một tiếng sau, Văn Cao mới sáng tác xong, ông lặng lẽ đứng dậy để người nhà dọn bàn. Bộ đàn bát tự tạo của Văn Cao bị đem đi rửa. Bài hát "Bắc Sơn" đã ra đời như thế đấy.

Đối với tôi, mỗi khi giai điệu hào hùng của bài Bắc Sơn nổi lên: “Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió/ Đau lòng bao năm sống lầm than đây đó/ Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng/ Còn vang khe núi tiếng quân oai hùng…” tôi lại thấy gai gai trong lòng. Hình ảnh của những: “Toán chiến sĩ bước về châu xưa xây đồn/ Đoàn người Việt mới quyết hy sinh một lòng/ Gươm đao chung sức phá xiềng cùng chặt gông/ Ra tay đắp nền xây châu Bắc Sơn…” cứ chập chờn ẩn hiện trước mắt tôi giữa một không gian âm u “…Rừng núi ngân tiếng hú căm hờn…” ám ảnh và thôi thúc tôi phải về với Bắc Sơn…

Bữa cơm hôm đó kéo dài đến tận chiều tối… Sáng hôm sau, chúng tôi tạm biệt gia đình để tiếp tục cuộc hành trình đi thăm các địa danh lịch sử của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Chúng tôi đến đình Nông Lục, một ngôi đình đẹp tọa lạc trên một gò đất cao ven đường thuộc thôn Nông Lục, xã Hưng Vũ, đã thấy ông Hoàng Đình Lâm, Bí thư chi bộ cùng một số bà con trong xóm đứng đón.

Chúng tôi may mắn gặp được cụ Hoàng Doãn Thạch 84 tuổi, người chiến sĩ lão thành duy nhất còn lại của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Cụ cho biết tối ngày 26/9/1940, Châu ủy Bắc Sơn cùng Chi bộ Hưng Vũ  đã họp tại đây để quyết định kế hoạch vũ trang khởi nghĩa. Năm đó cụ mới 16 tuổi, được giao nhiệm vụ đứng gác cho cuộc họp. Ngày hôm sau 27/9, Ban khởi nghĩa đã phát động quần chúng nhân dân xã Hưng Vũ đánh chiếm đồn Mỏ Nhài thành công nhanh chóng.

Đồn Mỏ Nhài được Pháp xây dựng kiên cố trên đồi cao với nhiều đồn bốt, hầm hào được xây bằng đá. Giờ đây dấu tích của một thời "Đồn cao vách đá nép mây huy hoàng" đâu còn nữa. chỉ còn lại những nền móng với vài mảng tường đá lô cốt nham nhở…

Thị trấn Bắc Sơn nằm lọt thỏm trong một thung lũng rộng lớn bốn bề bao quanh bởi những dãy núi đá cao sừng sững ẩn hiện trong những áng mây trắng bồng bềnh trên nền trời ngát xanh. Một thị trấn được quy hoạch gọn gàng sạch sẽ và thanh bình nơi miền biên ải. Tôi chợt nhìn thấy tấm biển của Ủy ban nhân dân thị trấn Bắc Sơn, nên quyết định vào để hỏi thăm địa chỉ và thủ tục tham quan Bảo tàng Bắc Sơn.

Đang lớ ngớ không biết hỏi ai thì gặp ngay đồng chí Thá, Phó Chủ tịch. Nghe tôi trình bày, anh Thá vui vẻ mời tôi lên phòng khách trên gác. Sau đó anh bảo tôi: "Chả mấy khi các bác lên với Bắc Sơn, để tôi mời anh Lượng, Chủ tịch về gặp gỡ các bác”.

Mấy phút sau thì đồng chí Chủ tịch cùng một vài cán bộ của ủy ban bước vào. Cảm nhận của tôi khi tiếp xúc lần đầu với vị Chủ tịch thị trấn là tác phong giản dị và lịch lãm. Hóa ra anh Lượng cũng là người đồng hương Nam Định với tôi. Anh từng tham gia quân đội, đóng quân tại đây. Sau khi ra quân anh lập gia đình và ở lại đây công tác cho đến nay tuổi đời đã gần một hoa giáp, mái tóc đã điểm màu sương khói của Bắc Sơn nhưng ánh mắt anh vẫn sáng trong và bình lặng. Chúng tôi nói chuyện rất cởi mở, thân mật.

Để tranh thủ thời gian, chúng tôi xin phép được đi thăm Bảo tàng Bắc Sơn. Tiễn chúng tôi ra tận đường, anh Lượng bảo: "Trưa nay mời các anh ăn bữa cơm thân mật với anh em chúng tôi. Tôi đã báo cáo với lãnh đạo huyện. Các anh nên ở lại chơi với Bắc Sơn vài ngày, Huyện sẽ bố trí chỗ ăn nghỉ…". Biết không thể từ chối được tấm lòng nhiệt tình và chân thành đó, chúng tôi nhìn nhau… và nhận lời.

Bảo tàng Bắc Sơn tọa lạc trên một khu đất rộng, đắc địa gần chân đèo Tam Canh, đằng sau là núi, trước mặt là con đường lớn như một dòng sông. Bức tượng đài Khởi nghĩa Bắc Sơn hoành tráng giữa khuôn viên cây xanh là biểu tượng đẹp ghi nhận những đóng góp to lớn của quân và dân Bắc Sơn anh hùng, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bảo tàng có kiến trúc mô phỏng như một ngôi nhà sàn lớn của đồng bào dân tộc Tày.

Bà Dương Thị Tốt, Giám đốc bảo tàng niềm nở đón tiếp và dẫn chúng tôi tham quan bảo tàng. Những di chỉ khảo cổ, những di vật phong phú quý giá của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã cho chúng tôi hiểu rõ thêm về một vùng đất lịch sử giàu truyền thống dựng nước và giữ nước tiếp nối từ ngàn đời xưa đến nay.

Tạm biệt Bắc Sơn, tạm biệt những sắc áo chàm dung dị "pha màu gió" đã lưu lại trong lòng tôi một tình cảm ấm áp, một nỗi luyến tiếc không nguôi. Tôi chợt nhớ đến câu nói của vị Chủ tịch thị trấn: "…Đối với nhân dân Bắc Sơn, ngày kỷ niệm khởi nghĩa Bắc Sơn là một ngày tết, ngày hội lớn. Nhân dân các dân tộc đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất, cơm đùm cơm nắm đổ về trung tâm huyện để dự mít tinh, xem biểu diễn văn nghệ, xem thi đấu thể thao… và cùng nhau hát bài "Bắc Sơn". Nhờ có bài hát "Bắc Sơn" mà nhân dân cả nước biết đến địa danh này của chúng tôi. "Bắc Sơn" là niềm tự hào của nhân dân chúng tôi. Cám ơn nhạc sĩ Văn Cao".

Kỳ Sơn, tháng 9/2015.

Văn Thao
.
.