Bài học này không của riêng ai

Thứ Năm, 10/03/2011, 16:45
Khi các cuộc biến động chính trị mà người ta đặt cho cái tên mỹ miều là "cách mạng hoa nhài" xảy ra ở một số quốc gia Bắc Phi và Trung Đông, với hậu quả là Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali phải chạy ra nước ngoài, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phải từ chức.

Và nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Gaddafi đang đứng trước nguy cơ không kiểm soát được tình hình hết sức rối loạn ở đất nước ông..., các thế lực thù địch với Việt Nam và một số phần tử cơ hội chính trị ở trong nước hí hửng mong "hương nhài" sẽ tỏa đến nước ta.

Có những kẻ không những mong mà đã hành động, dẫu biết đó chỉ là ảo vọng.

Nguyễn Đan Quế là một ví dụ.

Phần tử cơ hội chính trị từng có ba tiền án, tiền sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia này đã hì hục chế tác và phát tán cái gọi "Lời kêu gọi toàn dân", với  ảo tưởng viển vông rằng Việt Nam có thể biến thành một Ai Cập hoặc một Libya.

Nguyễn Đan Quế và những kẻ đứng sau ông ta đã nhầm.

Việt Nam đâu phải là Ai Cập hay Libya.

Không khó để nhận biết những nhân tố tạo ra sự khác biệt giữa nước ta và các quốc gia ở Bắc Phi và Trung Đông, nơi đang diễn ra khủng hoảng chính trị, mà chính những nhân tố này đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm sự ổn định về chính trị và xã hội ở Việt Nam, trong đó quan trọng hàng đầu là lòng dân.

Khái niệm "thế trận lòng dân" đã được hình thành trên cơ sở đó.

Tuyệt đại bộ phận nhân dân ta vẫn tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng cầm quyền. Về bản chất, Nhà nước ta là nhà nước dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân. Và trên thực tế, quyền làm chủ và các quyền cơ bản khác của người dân đã được tôn trọng. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là một thực tế không thể phủ nhận.

Nhờ những thành tựu này mà xã hội ngày càng ổn định, đất nước  ngày càng phát triển, trở nên cường thịnh hơn, có vị thế cao hơn và uy tín hơn trên trường quốc tế; và đời sống, cả vật chất lẫn tinh thần, của đại bộ phận nhân dân  đã được cải thiện rất đáng kể, nếu không nói là đã giàu lên trông thấy (ở các mức độ khác nhau). Không thế, làm sao Việt Nam được công nhận đã về đích sớm trong việc thực hiện mục tiêu đầu tiên về xóa nghèo trong 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc với tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 9,45% trong năm 2010.

Chúng ta cũng không né tránh một thực tế là tình trạng tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu mà một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nhưng thoái hóa biến chất phạm phải hoặc những biểu hiện tiêu cực khác vẫn tồn tại trong xã hội khiến người dân bức xúc, thậm chí bất bình. Nhưng đây là sự bức xúc, bất bình  đối với những "con sâu" - một thiểu số những kẻ làm bậy trong bộ máy công quyền - chứ không phải đối với chế độ, vì thực tế đó không phản ánh bản chất của chế độ ta.

Lợi dụng thực trạng trên và nhất là trong bối cảnh đang diễn ra các rối loạn chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông, các thế lực thù địch với chế độ ta, nhất là bọn cơ hội chính trị, đang tung ra các "chiêu" lừa phỉnh, kích động dân chúng xuống đường biểu tình, với hy vọng tạo được áp lực, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương pháp "bất bạo động" theo kịch bản của "cách mạng màu".

Nhưng nhân dân ta đủ tỉnh táo để không bị lôi kéo, xúi giục.

Mặt khác, vẫn còn đó những bài học cay đắng của một số quốc gia từng xảy ra “cách mạng màu”, mà hậu quả là xã hội rơi vào tình trạng bất ổn triền miên, kinh tế bị đình đốn và mức sống của người dân suy giảm thảm hại, như Ukraina sau "cách mạng Cam" hoặc Kyrgyzstan sau "cách mạng hoa Tulip".

Tunisia, Ai Cập, Libya và một số quốc gia khác ở Bắc Phi và Trung Đông  nay lại sa vào "vết xe đổ" của “cách mạng màu”. Họ đang đứng trước một tương lai mờ mịt khi đất nước rơi vào rối loạn hoặc ở trong tình trạng chính quyền cũ sụp đổ nhưng chính quyền mới chưa hình thành hoặc đã hình thành (lâm thời) lại bị chia năm xẻ bảy do mâu thuẫn lợi ích giữa các phe phái, chưa kể những mất mát đau thương và thiệt hại trước mắt do tình trạng bắn giết lẫn nhau, do kinh tế bị tê liệt... mà kết cục dân chúng là người lĩnh đủ.

Bài học này không của riêng ai

N.Q.U.
.
.