Bài học trước thảm họa tại Campuchia

Thứ Ba, 30/11/2010, 19:05
Mặc dù lễ quốc tang và cầu siêu cho gần 350 người chết trong vụ giẫm đạp tại Lễ hội Té nước tối 22/11 đã qua đi, công tác khắc phục hậu quả vẫn đang được khẩn trương tiến hành, nhưng dư âm về thảm họa này tiếp tục đeo bám những người thân cùng các cơ quan chức năng Campuchia bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Những con số thương tâm

Buổi quốc tang và lễ cầu siêu cho gần 350 người chết bắt đầu từ 7h sáng 25/11 với sự có mặt của Thủ tướng Hun Sen, phu nhân Bun Rany Hun Sen cùng toàn bộ nội các Campuchia, các thành viên trong Hội đồng Nhà nước và các nghị sĩ để đặt hoa tại hiện trường vụ tai nạn. Trong ngày 25/11, tất cả các hoạt động vui chơi trên cả nước Campuchia đều tạm dừng, các cơ quan chính phủ và cơ sở tư nhân đều treo cờ rủ.

Thủ tướng Hun Sen đã đề nghị chính quyền Phnom Penh xây tháp lưu giữ tro và hài cốt của các nạn nhân để tưởng niệm những người thiệt mạng và nhắc nhở đất nước và người dân về thảm họa khủng khiếp này. Thi thể những người thiệt mạng đã được chôn cất và hỏa táng trong ngày 24/11.

Trước đó, Thủ tướng Hun Sen đã gọi đây là thảm họa tồi tệ nhất kể từ thời Khmer Đỏ trong thập niên 70 thế kỷ trước, đồng thời lên tiếng xin lỗi người dân và kêu gọi mọi người cùng cố gắng vượt qua nỗi đau. Thủ tướng Hun Sen cho biết, chính phủ sẽ hỗ trợ 5 triệu riel/nạn nhân thiệt mạng (hơn 1.000 USD/người) trong thảm họa trên. Chính phủ Campuchia cũng kêu gọi ủng hộ tiền mặt và vật dụng cho các nạn nhân vụ giẫm đạp. Ông Keo Chup Tay Ma, Chủ tịch thủ đô Phnom Penh cho biết, đây là thảm họa khủng khiếp nhất sau thời kỳ diệt chủng của Khmer Đỏ.

Một số người thoát nạn dù đang bị thương nặng cũng cố gắng đến để cầu nguyện cho mình và cho những người đã chết. Không chỉ người dân Campuchia, Việt kiều và nhiều người nước ngoài sống, làm việc ở Campuchia cũng đã đến cầu nguyện cho các nạn nhân. Vì có quá nhiều người tập trung tại hai bên bờ sông nên cảnh sát đã phải tăng cường nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đến dự lễ cầu siêu.

Ngày 25/11, Bộ trưởng Phúc lợi xã hội Ith Samheng đã đính chính về số người chết, từ 456 xuống 347 (trong đó có 221 phụ nữ) và số người bị thương cũng giảm từ 755 xuống 395 so với thông báo trước đó. Cơ quan chức năng đã khuyến cáo về khả năng khai tăng người thiệt mạng để nhận tiền cứu trợ và bồi thường. Tuy nhiên, người ta hy vọng số người chết sẽ dừng lại, còn những người bị thương nhanh chóng xuất viện để sớm trở lại cuộc sống bình thường. Tại Phnom Penh có gia đình mất tới 6 người thân, còn tại tỉnh Ta Keo có gia đình chết 4 người con.

Theo thống kê mới nhất, có 20 người gốc Việt Nam chết, bị thương và mất tích tại lễ hội té nước tối 22/11. Danh tính của những người xấu số đã được chứng thực. Theo đó, người nhiều tuổi nhất bị chết là bà Nguyễn Thị Bế (54 tuổi), còn người trẻ nhất (18 tuổi) là chị Nguyễn Thị Chại (trong số 5 phụ nữ), số còn lại là 4 cháu bé ở độ tuổi từ 6 đến 13. 10 người bị thương và 1 người mất tích chưa xác định được danh tính. Những người kể trên sống tại tỉnh Kandal và thủ đô Phnom Penh.

Tang thương nhất là gia đình bà Nguyễn Thị Ẩn ở Phnom Penh khi cùng lúc hai con ruột là Nguyễn Thị Bình (22 tuổi), Nguyễn Văn Sóc (13 tuổi) cùng cháu ngoại là Tan Phali (6 tuổi) đều bị tử vong trong thảm họa.

Theo ông Lê Công Đầy, Ủy viên thường trực của Hội Người Việt ở Phnom Penh cho biết, nếu tối 22/11 không có đoàn cải lương từ trong nước sang Phnom Penh biểu diễn phục vụ Việt kiều thì số người Việt chết có thể còn cao hơn. Và ngay sau khi biết tin, ông và các đồng nghiệp đã đi khắp các bệnh viện trong thủ đô để tìm người Việt gặp nạn.

Được biết, trong số những người bị thương có 4 người bị gãy tay, chân và được điều trị tại các bệnh viện như Calmette, một trong những bệnh viện chính của thủ đô.

Cây cầu nơi xảy ra thảm họa và những người cầu nguyện.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Trong tuyên bố chiều 24/11, Bộ trưởng Phúc lợi xã hội Ith Samheng cho biết, một số tử thi đã được đưa về nhà ngay sau vụ tai nạn, còn một số người bị thương cũng đã chết tại nhà, do đó con số thống kê khó chính xác. Trong mấy ngày qua, nhiều người Campuchia đến để tìm ảnh người thân trong những bản tin về người thiệt mạng. Nhiều người chết hụt sau thảm họa cho biết, không thể ngủ được bởi cứ nhắm mắt là hình ảnh khủng khiếp của tối 22/11 lại hiện ra. Nhiều nạn nhân đã chết do ngạt thở vì chen lấn. Bộ Y tế Campuchia cho biết, công tác điều trị cho những người bị thương vẫn đang được tiến hành tích cực, nhưng khó khăn nhất hiện nay là xác định danh tính người thiệt mạng.

Chính phủ đã thành lập ngay Ủy ban quốc gia do Phó thủ tướng Sok An lãnh đạo với sự tham gia của tất cả bộ trưởng và thứ trưởng. Tướng Sok Phal, Phó giám đốc Cảnh sát Quốc gia đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban Điều tra thảm họa cho biết, các nạn nhân không thể chết vì điện giật bởi dòng điện cung cấp cho hệ thống đèn màu trên cầu chỉ 12 vol, nên không đủ để gây chết người. Tướng Sok Phal cũng khẳng định, thảm họa trên không liên quan gì đến khủng bố.

Trước đó có một số tin đồn về ngộ độc thực phẩm hàng loạt hoặc là xảy ra cướp bóc khiến người dân hoảng loạn, dẫn tới chen lấn, giẫm đạp lên nhau. Sau khi thảm họa xảy ra, chính quyền Campuchia đã nhanh chóng thành lập 3 ủy ban để điều tra nguyên nhân vụ việc, xác định danh tính của các nạn nhân và tìm hiểu nguyên nhân cái chết của từng người.

Được biết, vẫn còn một số trẻ em đang ở Trụ sở Cảnh sát Phnom Penh vì chưa có người thân đến nhận. Trong khi đó một số người mẹ vẫn chưa tìm được con bị mất tích bởi chúng còn quá nhỏ nên không nhớ nổi địa chỉ của gia đình.

Ông Pung Kheau Se, Chủ tịch Ngân hàng Canadia, chủ sở hữu đảo Kim Cương và cầu Koh Pik cho biết, đã hỗ trợ tiền cho các nạn nhân của vụ giẫm đạp, theo đó thân nhân có người chết nhận 1.000 USD/người và bị thương 200 USD/người.

Bài học rút ra từ thảm họa

Lễ hội té nước kéo dài từ ngày 20 đến 22/11 và là lễ hội thường niên lớn nhất ở Campuchia, nhưng... đảo Koh Pik (Kim Cương) vốn là một cồn cát nhỏ trên sông Bassac và hiện đang bị người dân đặt cho cái tên "hòn đảo bẫy" sau thảm họa giẫm đạp tối 22/11. Ông Prum Sokha, người đứng đầu Ủy ban điều tra cho biết, thảm kịch xảy ra do dòng người đổ lên cầu đến đảo Kim Cương dự Lễ hội quá đông. Ngoài ra, họ không biết Koh Pik là cầu treo nên khi rung lắc, một số người tưởng cầu sắp sập nên đã la hét, hô hoán khiến đám đông hoảng loạn và xô đẩy giẫm đạp lên nhau.

Tướng Sok Phal bổ sung, vì nhiều người có mặt trên cầu đến từ các tỉnh và là lần đầu tiên đi cầu treo nên không biết cầu rung lắc là việc bình thường, do đó, khi cầu rung lắc mạnh với số lượng người đông, cộng thêm lời hô hoán "cầu sắp sập" khiến đám đông hoảng loạn và xô đẩy nhau dẫn đến thảm kịch này.

Cảnh sát trưởng Phnom Penh Touc Na Roth cho biết, cây cầu Koh Pik và đảo Kim Cương chưa biết hoạt động trở lại vào khi nào vì nó vẫn đang bị phong tỏa. Ông Touc Na Roth cho biết, khoảng 6 triệu người đã có mặt tại lễ hội té nước.

Tuyên bố của cơ quan chức năng trùng với lời khai của nhiều người thoát chết trong tối 22/11, đó là cầu không có chân, chỉ có dây cáp, nên đông người sẽ bị nhún khiến người ta nghĩ sập cầu và hoảng loạn đã xảy ra khi mọi người cố gắng chen lấn, xô đẩy và giẫm đạp lên nhau để qua cầu. Được biết, khi tai nạn xảy ra, trên cầu có khoảng 8.000 người.

Điều đáng nói là đường dẫn từ cầu vào đảo Kim Cương vốn là 1 chiều nhưng trong lúc tổ chức Lễ hội, nhà đầu tư đã mở thành đường 2 chiều nên khi xảy ra thảm họa, dòng người từ 2 phía đã lao vào nhau dẫn tới tình trạng giẫm đạp lên nhau. Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên tai nạn xảy ra tại lễ hội té nước - năm 2007, 5 người Singapore đã chết khi chiếc thuyền rồng chở 22 người bị lật tại một cuộc đua thuyền.

Thi thể các nạn nhân đang được xác minh để chuyển cho người thân.

Theo phát ngôn viên chính phủ Khieu Kanharith, họ đã không lường trước được tình huống tai nạn giẫm đạp lên nhau - không chú trọng tới vấn đề kiểm soát đám đông, chỉ quan tâm tới công tác bảo đảm an ninh cho tàu thuyền, cũng như tính tới việc cứu hộ nếu thuyền bị lật, đồng thời kiểm soát nạn trộm cắp, móc túi. Ông Khieu Kanharith cũng cho biết, một công ty tư nhân chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trên đảo Kim Cương bởi đây là khu vực của tư nhân, do đó lực lượng an ninh là của họ, cảnh sát chỉ giúp ở vòng ngoài. Được biết, trong lúc xảy ra thảm họa, hơn 10.000 binh sĩ phụ trách an ninh và 2.000 người thuộc lực lượng phản ứng nhanh đã khẩn trương hỗ trợ người dân thoát khỏi thảm họa.

Tuy nhiên, một số người thân của nạn nhân đã bày tỏ sự giận dữ đối với công tác an ninh cho lễ hội - Tại sao cảnh sát không làm tròn nhiệm vụ? Tại sao để thảm họa xảy ra... Họ cũng chỉ trích cơ quan chức năng gây ra tình trạng tắc nghẽn trên cầu treo vì phong tỏa một cây cầu khác dẫn vào đảo Kim Cương, bất chấp số lượng người tham gia lễ hội quá đông. Các nhân chứng còn chỉ trích sự phản ứng chậm chạp và lúng túng của giới chức hữu quan khi xảy ra thảm họa.

Giới chuyên môn cho rằng, thảm kịch là một bài học kinh nghiệm cho chính quyền Phnom Penh - họ phải có sự chuẩn bị tốt cho những sự kiện lớn và quan trọng - nhà chức trách phải có kế hoạch sơ tán, phòng cháy chữa cháy và chuẩn bị chu đáo đội ngũ y tế dự phòng

Được tin tối 22/11 tại Lễ hội nước diễn ra ở Phnom Penh, Campuchia đã xảy ra thảm họa lớn làm hơn 300 người chết và hàng trăm người bị thương, ngày 23/11, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi Điện chia buồn đến Quốc vương Campuchia Norodom Shihamoni.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gửi Điện chia buồn đến Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Samdech Hunsen; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gửi Điện chia buồn đến Chủ tịch Thượng viện Samdech Chea Sim và Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã gửi Điện chia buồn đến Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Hor Namhong.

Đồng chí Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia cũng gửi lời chia buồn tới Văn phòng Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Hoàng gia Campuchia Men Sam An, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã quyên góp được 150.000 USD từ sự đóng góp của gần 1,5 vạn cán bộ, nhân viên để chuyển tới Hội Chữ thập đỏ Campuchia trong thời gian sớm nhất, giúp đỡ các gia đình có người bị nạn. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cùng các nhà hảo tâm Việt Nam đã có hành động cụ thể chia buồn, động viên, giúp đỡ các nạn nhân Campuchia.

Ông Quách Hữu Tuấn, Tham tán cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết, cán bộ và nhân viên Đại sứ quán đã và đang quyên góp tiền để ủng hộ gia đình các nạn nhân trong thảm họa. Sáng 25/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã tổ chức quyên góp tiền giúp đỡ các nạn nhân.

Quỳnh Trang - Tuấn Cường (tổng hợp)
.
.