“Bàn cờ lớn” ở Kavkaz

Thứ Bảy, 19/02/2005, 07:36
“Bàn cờ lớn” là thuật ngữ chính trị do Huân tước Rediard Kipling, nhà văn và là nhà tình báo Anh, đưa ra lần đầu tiên trong thế kỷ XIX, khi bàn về sự đối đầu chiến lược giữa đế quốc Anh và Nga hoàng ở Trung Đông. Thời đó, nước Nga đang trên con đường chinh phục Trung Á, còn Vương quốc Anh thì dùng mọi khả năng và thủ đoạn nhằm ngăn chặn cuộc “thập tự chinh” của Nga tiến vào khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này của thế giới.

Sau đó, vào cuối thế kỷ XX,  thuật ngữ này được nhà nghiên cứu chính trị Mỹ, cựu Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ Jimmy Cater sử dụng lại trong cuốn sách nổi tiếng mang tựa đề “Bàn cờ lớn”. Hồi đó, cuộc chiến tranh ở Afghanistan được các học giả chính trị ở Mỹ đánh giá là một trong những ván cờ trong “Bàn cờ lớn”. Tất cả những biến cố tiếp sau đó ở Trung Đông và Cận Đông như cuộc đột nhập của Taliban vào Kabul, vụ giết hại Shah - Musuda, cuộc đối đầu giữa người Pakistan theo đạo Hồi và người Ấn Độ theo Hindu giáo đều được coi là những “ván cờ nhỏ” trong “Bàn cờ lớn”.

Trên thực tế, một số người chơi trong “Bàn cờ lớn” đôi khi vượt ra khỏi sự kiểm soát và thể hiện “tính độc lập vô lối”. Chính điều đó đã xảy ra với cái gọi là “Phong trào Taliban” vốn được các tỉ phú công nghiệp dầu mỏ Mỹ đánh giá là “đội tiền duyên” đang góp phần tạo ra thế ổn định trên một khu vực có các tuyến đường ống dẫn dầu then chốt từ Trung Á tới các khu vực công nghiệp mới, trước hết là ở Nam Á và Đông Nam Á mà không cần phải đi qua lãnh thổ các nước “kém tin cậy” như Iran, Trung Quốc và Nga. Nhưng vì thể hiện “tính độc lập vô lối” mà Taliban đã bị các ông chủ tiêu diệt không chút thương xót trong cái gọi là “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”. 

Mikhail Leonchiev cho rằng, chủ nghĩa khủng bố quốc tế giáng nhiều đòn vào nền kinh tế thế giới nhưng hiện nay không ai nhìn thấy, cũng không ai nghe thấy chúng tại các trung tâm tài chính quốc tế. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế có một số trung tâm hỗ trợ như Israel, Iraq và Kavkaz. Ngoài ba trung tâm này, không ai nói đến các tổ chức khủng bố cỡ lớn. Vì sao lại là IsraelIraq? Vì đây là những điểm then chốt nằm  ngay bên cạnh mạng lưới đường chuyển tải dầu mỏ và các trung tâm động viên những người Hồi giáo chống lại “những kẻ vô đạo”.

Do đâu, gần đây khu vực Bắc Kavkaz của Nga bị lôi cuốn vào quỹ đạo lợi ích của các siêu cường? Vì phần dầu mỏ chủ yếu của Nga được chuyển tải qua Kavkaz: 50 triệu tấn dầu mỏ được chuyển qua hệ thống của Hãng dầu mỏ Transneft và 22 triệu tấn khác được chuyển qua đường ống dẫn dầu của Nga - Mỹ - Kazakhstan. Giờ đây, khi xuất hiện thêm đề án đường ống dẫn dầu của Mỹ đi qua Bacu - Tbilisi - Jakhan và Kazakhstan đang xem xét khả năng hợp tác với ai, thì các chiến binh khủng bố bắt đầu hướng hoạt động phá hoại của chúng đến Bắc Kavkaz, phá hoại nỗ lực của Nga trong việc thỏa thuận hợp tác chiến lược với Kazakhstan.

 

Ở đây có hai đề án xuất khẩu dầu mỏ cạnh tranh nhau. Một là đề án Bacu - Tbilisi - Jakhan mang tên Tổng thống đầu tiên của Kazakhstan Aliev và một của “Phong trào Taliban” cũng được các tác giả bên kia đại dương dàn dựng. Họ là người của hai “con cá kình” trong ngành công nghiệp dầu mỏ của thế giới. Một là Hãng America Hess mà ông chủ của nó có quan hệ gắn bó với gia đình G.Bush và với Dennis Thatcher, con trai cựu nữ “Thủ tướng thép” của nước Anh hiện đang làm việc trong Hội đồng quản trị của Hãng Dầu mỏ Anh British Petroleum.

 

Hai là Hãng KB&R chuyên thiết kế và lắp đặt các đường ống dẫn dầu cũng có lợi ích rất gắn bó với gia đình đương kim Tổng thống Mỹ G.Bush và Phó tổng thống Dick Cheney. Nếu liên kết hoạt động của hai hệ thống đường ống dẫn dầu đi qua Gruzia và Azerbaizan với sự gia tăng hoạt động khủng bố ở Bắc Kavkaz, với các biện pháp của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế hoạt động chuyển tải dầu mỏ của Nga qua cảng Bosfor của nước này và với những  nỗ lực mạnh mẽ đến mức khác thường của Tòa đại sứ Mỹ ở Ucraina để cho đề án dẫn dầu qua cảng Odetsa không đi theo hướng có lợi cho Nga,  thì có thể thấy rõ bức tranh toàn cảnh của một âm mưu lớn nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu mỏ - một nguồn thu nhập quốc dân chủ yếu của nền kinh tế Nga.

 

Theo logic của Leonchiev, có thể thấy từ khu vực Bắc Kavkaz bị tàn phá, các đường ống dẫn dầu chủ yếu của Nga với khoảng 80 triệu tấn sẽ phải đi qua Ucraina, Belorusia, Ba Lan và khu vực Cận Baltic. Lúc đó, sự hợp tác giữa Nga với Kazakhstan trong việc chuyển tải dầu mỏ cũng sẽ không thể thực hiện được, còn khả năng và toàn bộ dầu mỏ khai thác được với công suất khoảng 50 triệu tấn ở biển Caspi sẽ phải chuyển qua đường ống dẫn dầu của Mỹ đi qua Bacu - Tbilisi - Jakhan.

Kịch bản trên đây của Leonchiev rất gần với sự thật vì nó phù hợp với những biến cố xảy ra trong 10 năm trở lại đây trong lịch sử nước Nga và chúng ta cần theo dõi các biến cố chính trị ở Bắc Kavkaz, ở Ba Lan và trên toàn bộ không gian hậu Xôviết từ lăng kính của “Bàn cờ lớn”, trong đó lợi ích dầu mỏ của những “con cá kình” trong thế giới tài phiệt và công nghiệp thế giới sẽ đóng vai trò then chốt và chủ yếu

Lê Minh Quang (Theo "Poly-ru" và "Kavkaz.forum")
.
.