Bán đảo Triều Tiên: Năm của những hội nghị thượng đỉnh!

Thứ Tư, 26/12/2018, 10:28
Vẫn còn đó những bất đồng chưa thể giải quyết nhưng, nhìn một cách tổng thể, 2018 được xem là năm khá thành công đối với tiến trình ngoại giao trên Bán đảo Triều Tiên. Từ một “thùng thuốc súng” luôn trong tình trạng sẵn sàng phát nổ, khu vực tiềm ẩn nhiều bất ổn này đã có sự thay đổi nhanh chóng.

Nhà lãnh đạo, đồng thời là Chủ tịch đảng Lao động của Triều Tiên Kim Jong-un chính là người đã mang lại sự thay đổi đầy ấn tượng này.

Từ việc liên tục thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và hạt nhân, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chuyển sang thử nghiệm các triển vọng ngoại giao nhằm chứng tỏ rằng ông là một nhà lãnh đạo như bao nhà lãnh đạo khác trên trường quốc tế.

Sau khi tuyên bố chuyển từ việc cùng phát triển kinh tế và hạt nhân sang việc chỉ tập trung duy nhất vào phát triển kinh tế trong phiên họp của đảng Lao động hồi tháng 4/2018, ông Kim Jong-un đã dấn bước vào một môi trường quốc tế hòa bình có lợi cho việc phát triển kinh tế.

Với việc tham gia một loạt cuộc gặp thượng đỉnh, trong đó với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (3 lần), với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (3 lần) và một cuộc gặp mang tính bước ngoặt với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore, ông Kim Jong-un đã tận dụng sự công nhận của quốc tế dành cho ông để tăng uy tín ở trong nước. Những cuộc tiếp xúc này ngay lập tức làm dịu bớt ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nền kinh tế CHDCND Triều Tiên.

Bằng cách giảm bớt sự thù địch với 2 quốc gia mà ông từng coi là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh CHDCND Triều Tiên, đó là Mỹ và Hàn Quốc, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên dường như đang thể hiện nỗ lực thay đổi môi trường an ninh bên ngoài.

Tiến trình “bình thường hóa” của ông Kim Jong-un nhận được sự ủng hộ cần thiết từ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đã kiên trì bênh vực cho tiến trình hòa bình gắn với phi hạt nhân hóa như một sự thay thế cho những nỗ lực quốc tế trước đây nhằm kéo CHDCND Triều Tiên vào tiến trình phi hạt nhân hóa trên cơ sở hòa bình.

Trong cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại khu phi quân sự Panmunjom hồi tháng 4, ông Moon Jae-in đã tìm cách gắn kết hội nghị thượng đỉnh với tiến trình này bằng việc thể chế hóa hợp tác liên Triều trong 3 lĩnh vực: quan hệ liên Triều, giảm căng thẳng quân sự và phi hạt nhân hóa. Sau đó, vào tháng 5, ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un đã gặp nhau lần thứ hai tại Panmunjom với nỗ lực cứu vãn cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump  trong cuộc gặp tại Singapore, tháng 6-2018.

Hội nghị thượng đỉnh tại Singapore giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un là cuộc gặp đầu tiên, chưa từng có giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Sự kiện này đã trở thành thành tựu ấn tượng nhất đối với nền ngoại giao CHDCND Triều Tiên năm 2018. Thông cáo gồm 4 điểm được đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh bao gồm các cam kết cải cách quan hệ Mỹ-Triều, thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, hợp tác để tiến tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” và tiếp tục trao trả thi hài những tù binh (POW) và những người mất tích (MIA) trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, được xem đột phá lớn ngoài mong đợi.

Bất chấp những nỗ lực liên tục của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức khác nhằm khởi động các cuộc đàm phán cấp sự vụ Mỹ-Triều, phía CHDCND Triều Tiên lại thích một cách tiếp cận chỉ giữa các nhà lãnh đạo để vượt qua những ngờ vực lẫn nhau. Và vì thế, các quan chức Mỹ và CHDCND Triều Tiên vẫn chưa bắt đầu nhiệm vụ khó khăn là xây dựng kế hoạch chung, bao gồm các hành động từng bước cụ thể hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa.

Những nỗ lực của ông Moon Jae-in nhằm gắn kết với nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giúp khôi phục các hoạt động giao lưu văn hóa-thể thao liên Triều, nối lại 2 vòng đoàn tụ gia đình và thành lập văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn biên giới Kaesong thuộc CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, hai miền Triều Tiên cũng đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về chất lượng và tình trạng hệ thống đường sắt của CHDCND Triều Tiên nhằm khôi phục kết nối đường sắt liên Triều.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng diễn ra hồi tháng 9, ông Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký kết Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA),  giúp giảm các cuộc tập trận quân sự gần khu phi quân sự (DMZ), thiết lập các khu vực cấm máy bay và tàu thuyền, dỡ bỏ các trạm gác bên trong DMZ và tiến hành các hoạt động trao trả các thi hài binh lính thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên bên trong DMZ. Thỏa thuận CMA đánh dấu bước thực hiện đầu tiên đối với các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh kể từ khi hai miền Triều Tiên lần đầu tiên nhất trí theo đuổi các sáng kiến như vậy hồi năm 1991.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Tuy nhiên, những bước đi ý nghĩa hướng tới hòa bình giữa hai miền Triều Tiên lại hoàn toàn trái ngược với sự bế tắc đang diễn ra liên quan đến cách thức tiến hành phi hạt nhân hóa. Bế tắc trong việc phi hạt nhân hóa làm dấy lên câu hỏi liệu các biện pháp giảm căng thẳng thông thường mà không có tiến trình tương xứng hướng tới phi hạt nhân hóa có thể tạo lập nền hòa bình lâu dài hay thay vào đó sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự.

Sự bế tắc này cũng nhấn mạnh các giả định đối lập hoàn toàn của Mỹ và CHDCND Triều Tiên trước hội nghị thượng đỉnh Singapore. Washington cho rằng việc ép buộc CHDCND Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa có thể thành công, còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại muốn giành lấy sự chấp thuận của quốc tế nhờ vào những thành công hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Mặt khác, 3 cuộc gặp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm nay cho thấy sự phụ thuộc địa chiến lược Trung-Triều mang tính lịch sử đã quay trở lại, bất chấp việc ông Tập Cận Bình tỏ ra không mấy hài lòng với sự phát triển hạt nhân của CHDCND Triều Tiên suốt 5 năm qua. Việc ông Kim Jong-un nỗ lực hướng tới Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc CHDCND Triều Tiên cần có chiều sâu chiến lược để làm cơ sở ràng buộc với Hàn Quốc và Mỹ đã cuốn trôi sự ức chế và chán ghét lẫn nhau để quay trở lại việc hợp tác chiến thuật như một hàng rào chống lại sự bất ổn khu vực.

Chiến dịch bình thường hóa của ông Kim Jong-un vẫn chưa hoàn thiện trong sự ràng buộc cấp lãnh đạo với Nhật Bản và Nga. Đồng thời, những ảnh hưởng ngoại giao liên Triều và Mỹ-Triều vẫn là một con đường khó đoán định đối với nền hòa bình và tiến trình phi hạt nhân hóa. Nếu 2017 là năm của những cuộc thử nghiệm tên lửa, 2018 là năm của những hội nghị thượng đỉnh, có lẽ chỉ có nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới biết năm 2019 sẽ mang lại điều gì.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.