Bán đảo Triều Tiên: Tạm thời tháo ngòi nổ chiến tranh
Rạng sáng ngày 25/8, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí được một thỏa thuận nhằm tháo ngòi căng thẳng có nguy cơ đẩy bán đảo Triều Tiên vào một cuộc xung đột vũ trang. Cuộc đàm phán khẩn cấp được diễn ra từ ngày 22-8 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi Hàn Quốc và Triều Tiên ký hiệp định đình chiến năm 1950-1953, sau các cuộc đấu pháo và nổ mìn ở biên giới hai nước.
Thỏa thuận gồm 6 điểm nhưng quan trọng nhất là việc Bình Nhưỡng lên tiếng bày tỏ “hối tiếc” về các hành động khiêu khích gần đây và miền Nam đồng ý có điều kiện chấm dứt việc dùng loa phóng thanh phát các chương trình tuyên truyền xuyên biên giới vào lãnh thổ miền bắc bắt đầu từ 12 giờ ngày 25/8 (tức 3 giờ giờ GMT). Phía Triều Tiên cũng đã nhất trí chấm dứt tình trạng chiến tranh. Ngoài ra, Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí sẽ tiến hành một cuộc đối thoại liên chính phủ tại Seoul hoặc Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất có thể nhằm cải thiện quan hệ liên Triều, cũng như sẽ tiếp tục đối thoại và đàm phán về các vấn đề khác.
Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, Kim Kwan-jin (phải) họp với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ngày 22/8/2015. |
Bên cạnh đó, hai miền đồng ý tiến hành cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào dịp Trung thu sắp tới và tiếp tục tổ chức các cuộc đoàn tụ trong tương lai, đồng thời sẽ tiến hành phiên họp giữa Hội Chữ thập đỏ hai miền vào đầu tháng 9 tới để chuẩn bị cho các cuộc đoàn tụ này. Cuối cùng, hai nước đồng ý thúc đẩy giao lưu dân sự trên nhiều lĩnh vực.
Trước đó hôm 24/8, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã yêu cầu một lời xin lỗi từ nước láng giềng vì trước đó trong tháng Bình Nhưỡng đã cài mìn bẫy gây thương tật cho 2 lính biên phòng Hàn Quốc. Seoul khẳng định sẽ không ngưng các chương trình tuyên truyền qua loa phóng thanh tại biên giới hai miền nếu Triều Tiên không chịu xin lỗi. Bình Nhưỡng phủ nhận trách nhiệm về vụ việc.
"Chúng tôi cần một lời xin lỗi rõ ràng và các biện pháp ngăn chặn tái diễn các hành động khiêu khích và tình trạng căng thẳng này. Bằng không, Chính phủ Seoul sẽ có các bước tương ứng và sẽ tiếp tục các chương trình phát thanh qua loa phóng thanh" - Tổng thống Park nhấn mạnh tại cuộc họp với các phụ tá hàng đầu.
Sau khi cáo buộc Bình Nhưỡng gài mìn trong khu phi quân sự vùng biên giới bên phần lãnh thổ của Hàn Quốc làm 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương, Seoul gần đây cho tái tục các chương trình phát thanh xuyên biên giới với nội dung tuyên truyền chống Bình Nhưỡng. Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm việc này được lặp lại. Tuần trước, hai miền Triều Tiên bắn pháo qua lại trong vùng phi quân sự gần cột tháp loa phóng thanh. Bình Nhưỡng phủ nhận liên can tới những việc này và yêu cầu chấm dứt các chương trình phát thanh xuyên biên giới, gọi đó là chiến tranh tâm lý.
Các cuộc đàm phán khẩn tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở biên giới liên Triều khởi sự hôm 22/8 ngay sau khi đáo hạn thời hạn chót mà Bình Nhưỡng đề ra yêu cầu Seoul hoặc là ngưng các chương trình phát thanh qua biên giới vào miền bắc hoặc phải đối mặt với các cuộc tấn công quân sự.
Các cuộc đàm phán tiếp diễn trong 3 ngày mà không có bất kỳ dấu hiệu tiến bộ nào. Mỗi bên cử một giới chức quân sự và một nhà ngoại giao cấp cao làm đại diện thương thuyết. Trong lúc các bên còn đang đàm phán, những ồn ào bên ngoài vẫn tiếp tục leo thang. Hôm 23/8, Bình Nhưỡng huy động hàng chục tàu ngầm và tăng gấp đôi lượng pháo binh sát biên giới với Hàn Quốc. Seoul lập tức rút 6 máy bay chiến đấu đang tập trận với Mỹ về nước. Triều Tiên ngày 24/8 lại điều 20 tàu đổ bộ tới biên giới hai miền.
Lính Triều Tiên thề quyết chiến bảo vệ tổ quốc trong bầu không khí căng thẳng với Hàn Quốc. |
Không khí thêm căng thẳng khi có tin Trung Quốc và Mỹ đều có ý muốn động binh. Truyền thông Trung Quốc hôm 24/8 nói nước này đã điều nhiều xe tăng tới biên giới giáp Triều Tiên để đề phòng bất trắc. Cùng ngày, Mỹ tuyên bố cân nhắc triển khai máy bay ném bom B52 tới Hàn Quốc để bảo vệ đồng minh.
Nhiều nhà quan sát cho rằng thỏa thuận vừa đạt được giữa hai miền Triều Tiên là bước khởi đầu trong một chương mới trong mối quan hệ liên Triều sau nhiều năm căng thẳng. Thỏa thuận trên bao gồm tất cả những điểm chính mà hai bên mong muốn, đó là việc Triều Tiên bày tỏ lấy làm tiếc về vụ nổ mìn và Hàn Quốc cam kết ngừng các buổi phát thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng.
Các nhà quan sát nhận thấy việc Triều Tiên bày tỏ lấy làm tiếc là một động thái hiếm hoi trong những năm gần đây, đồng thời nhận xét rằng thỏa thuận vừa đạt được thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc chấm dứt sự đối đầu quân sự, trong khi nỗ lực thiết lập một khuôn khổ mới cho mối quan hệ liên Triều.
Theo giáo sư Kim Yong-hyun, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Trường đại học Dongguk (Hàn Quốc), hai nhà lãnh đạo về thực chất đã tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh gián tiếp thông qua các đại diện của mình. Đây là cuộc họp giữa những trợ lý thân cận nhất của Tổng thống Park Geun-hye và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, những người có thể truyền đạt một cách rõ ràng ý tưởng của các lãnh đạo.
Ông Kim cho rằng đối với bà Park Geun-hye, thỏa thuận mới này có thể là chiếc chìa khóa giúp bà giải quyết các vấn đề liên Triều trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, còn đối với ông Kim Jong-un, đây có thể là điểm xuất phát của một chính sách mới đối với Seoul.
Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Trường đại học Nghiên cứu Triều Tiên cùng chia sẻ quan điểm trên và cho hay: “Nếu hai chính phủ dần xây dựng được lòng tin, người ta không thể loại bỏ khả năng điều này sẽ dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3”. Hai miền Triều Tiên đã tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh vào các năm 2000 và 2007.
Tuy nhiên, ngoài những ý kiến lạc quan cũng còn một số ý kiến cho rằng nhiều vấn đề cốt lõi giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Nhà nghiên cứu cao cấp về các vấn đề thống nhất và hòa bình Jang Yong-seok thuộc Đại học Quốc gia Seoul nhận định: “Thỏa thuận tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên có thể được coi là một bước tiến bộ, nhưng vấn đề cốt lõi là chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa hề được thảo luận".