Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII:

Bảo hiểm tiền gửi: Luật cần sát thực tế

Thứ Ba, 15/11/2011, 11:16
Một dự thảo luật được đưa ra thảo luận tại Quốc hội tuần qua là Luật Bảo hiểm tiền gửi không chỉ gây nhiều tranh cãi khi thảo luận mà tất cả người dân đều rất quan tâm. Bởi với quy định mức trần 50 triệu đồng cho tất cả các mức tiền gửi là không hợp lý và như vậy việc bảo hiểm cũng chỉ mang tính… an ủi.

Một lượng tiền không nhỏ trong dân đang dùng tích trữ vàng và cho vay tín dụng đen

Người xưa có câu "đồng tiền liền khúc ruột", với bản tính lo xa của người Việt, dám chắc rằng hầu hết ai cũng cố tích cóp một khoản, không nhiều thì ít để… gửi tiết kiệm phòng khi ốm đau. Và có một câu hỏi luôn được mọi người đặt ra với số tiền tích cóp ấy là "làm gì để sinh lời", hay chí ít cũng là "làm gì để đảm bảo giá trị đồng tiền giữa lúc lạm phát như hiện nay".

Hình ảnh những đoàn người rồng rắn trước các cửa hàng vàng để mua vàng vào thời điểm giá vàng ngót nghét 50 triệu đồng/lượng; rồi hàng chục vụ vỡ nợ tín dụng đen xảy ra từ đầu năm đến nay với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng đã chứng minh nguồn tiền tích lũy trong dân là cực lớn. Nhưng có một vấn đề đặt ra là tại sao người dân không dùng số tiền đó để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hay chí ít thay vì đi mua vàng giữa lúc giá hỗn loạn và cao hơn giá thế giới tới mấy triệu đồng/ lượng, hay thay vì cho vay tín dụng đen thì mang đi gửi ngân hàng cho yên tâm?

Lý giải nguyên nhân của những vụ vỡ nợ tín dụng đen thời gian qua, nhiều người vẫn quy về lòng tham của những người hám lời mà cho vay. Tuy nhiên, khi xảy ra vỡ nợ, chúng tôi đã gặp rất nhiều nạn nhân, ngoài lòng tham thì có một nguyên nhân khác là niềm tin vào những "đại gia" khi đi vay đều có một vẻ ngoài rất hoành tráng. Chính niềm tin tới mức mù quáng vào tiềm lực kinh tế của con nợ mà có không ít khổ chủ đi huy động từ nhiều nguồn khác để cho vay lại.

Rõ ràng, ngoài chuyện lãi suất ngân hàng thấp hơn lãi suất tín dụng đen thì nhiều khi các ngân hàng chưa gây được niềm tin cho khách hàng.

Thực tế tại Việt Nam từ 10 năm qua đã thực hiện bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh những ưu điểm, pháp luật bảo hiểm tiền gửi hiện hành vẫn còn nhiều bất cập và chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế mới.

Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi gồm 7 chương và 47 điều với những nội dung cụ thể: Chương I - Những quy định chung. Chương II - Quyền, trách nhiệm của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Chương III - Hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Chương IV - Tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Chương V - Hoạt động thông tin, báo cáo. Chương VI - Thanh tra, khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm tiền gửi. Chương VII - Điều khoản thi hành.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi được xây dựng theo nguyên tắc phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở nước ta, đặc biệt là các điều kiện về sự phát triển của thị trường tiền tệ, thị trường vốn, sự phát triển của hệ thống ngân hàng, mức độ hiểu biết, thói quen tiết kiệm của người dân.

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi thì chỉ bảo hiểm cho tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân mà không bảo hiểm cho tiền gửi bằng đồng ngoại tệ và cũng không bảo hiểm cho tiền gửi của tổ chức. Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi dưới các hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng loại trừ, không bảo hiểm cho các loại tiền gửi: Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó; Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; Tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Mức bảo hiểm mới chỉ mang giá trị… tinh thần

Tuy nhiên, khi thảo luận về dự thảo luật này, đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình với những quy định trong dự thảo luật. Hầu hết các đại biểu tham gia thảo luận đều cho rằng, quy định mức trần 50 triệu đồng cho tất cả các mức tiền gửi là không hợp lý.

Mục đích của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Tuy nhiên, với mức chi trả như dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi duy trì 50 triệu VND/người gửi tiền được cho là quá thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh lạm phát hiện nay, 50 triệu đồng không phải là con số lớn đối với một gia đình trung lưu thành thị. Đó là chưa kể do thị trường chứng khoán, bất động sản đang tạm lắng, chính sách đối với kinh doanh vàng chưa ổn định, không ít nhà đầu tư đã chuyển sang gửi tiết kiệm ngân hàng với con số lên tới hàng trăm triệu đồng hoặc hơn.

"Người ta có tiền, gửi ngân hàng 5 tỉ, 7 tỉ, thế mà khi gặp rủi ro chỉ nhận được 50 triệu là không đảm bảo quyền lợi cho người dân", bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng: "Ý nghĩa, mục đích của luật này rất quan trọng, nhưng tôi thấy nhiều nội dung chưa có tính khả thi, không bảo vệ được lợi ích của người gửi tiền. 50 triệu đồng chỉ là thứ an ủi không đáng kể. Nếu quy định như vậy, chắc chắn người dân sẽ có cách lách luật như, họ chia ra nhiều sổ tiết kiệm và cho nhiều người trong gia đình đứng tên. Như vậy sẽ làm cho thủ tục thêm rườm rà, phức tạp thêm".

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, thực tế trong thời gian qua, hầu hết chưa ai nhận được bảo hiểm vì chưa có ngân hàng nào phá sản cả. Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ chi trả bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng cho mọi đối tượng, mọi mức tiền gửi là quá nhỏ, bởi hiện nay ở nhiều nước châu Âu mức bảo hiểm là 50.000 euro, ở Hàn Quốc cũng là 200.000 USD...

Còn theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, cứ sau khủng hoảng tài chính thì Luật Bảo hiểm tiền gửi xuất hiện. Bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam dù đã ra đời khá lâu, song người dân lại ngộ nhận rằng, đã gửi tiền gửi là được nhà nước "bảo kê" hết. "Đã nhiều lần tôi đề nghị cơ quan bảo hiểm tiền gửi nên lên tiếng là bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm 50 triệu đồng thôi. Nhưng nếu thông báo thì không khéo thì dân rút hết tiền. Hiện nay ngân hàng lời nhiều, lỗ thì dân và Nhà nước chịu".

Là người trong nghề, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Phạm Huy Hùng đưa ra quan điểm gửi tiền ở các ngân hàng bây giờ rủi ro rất cao, vậy mà lại quy định mức trần là 50 triệu đồng là quá ít.

"Nhiều ngân hàng hoạt động không đúng với nội dung ngân hàng, độ mất an toàn rất cao. Thậm chí, huy động 10 đồng thì xài đến 9 đồng rưỡi, huy động ngắn hạn nhưng lại cho vay dài hạn, đầu tư dự án... Có thời điểm hàng 20 ngân hàng rổ rá xếp hàng chờ cứu trợ của Ngân hàng Nhà nước, mà ngân hàng không cứu trợ thì có nghĩa là phá sản, mà ở Việt Nam thì chưa có luật riêng cho ngân hàng phá sản. Gửi đến 500 triệu hay 5 tỉ cũng chỉ được bảo hiểm 50 triệu là không hợp lý" - ông Hùng phân tích

Theo ông Hùng, ở nước ngoài người ta quy định mức tối thiểu. Như ở Đức chẳng hạn, mức phí đóng bảo hiểm là rất thấp, chỉ 0,05%, nhưng chi trả thì tối thiểu cũng là 200.000 USD, đương nhiên là cũng phụ thuộc vào số dư tiền gửi, nhưng mức bảo hiểm và phạm vi bảo hiểm rất rộng. Còn ở Việt Nam thì mức phí bảo hiểm tới 0,15%, nhưng chi trả thì cao nhất cũng chỉ 50 triệu đồng. "Vì Nhà nước ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi, nên người dân tin tưởng là đã có Nhà nước bảo hiểm cho rồi. Người dân cứ thế mang tiền đến ngân hàng gửi, nhưng khi được bảo hiểm không thỏa đáng, họ sẽ làm khó cho Nhà nước".

Vì vậy, theo ông Hùng, bảo hiểm tiền gửi là một dịch vụ đặc biệt, hoạt động thị trường nên phải có những quy chế và quy định cụ thể, phải tuân theo các định chế tài chính, các tổ chức ngân hàng phải thực hiện đúng. Cho phép bảo hiểm tiền gửi nhưng được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước chứ không phải muốn làm thế nào thì làm, yêu cầu cung cấp tất cả những nội dung hoạt động phải hết sức minh bạch không chỉ để bảo hiểm tiền gửi mà còn để giữ cho ổn định thị trường tài chính ngân hàng cũng như tạo ra sự cạnh tranh đồng đều, bình đẳng giữa các ngân hàng.

Liên quan đến những loại tiền được phép tham gia bảo hiểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng dự thảo luật quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi là tiền Việt Nam mà không bảo hiểm tiền gửi là ngoại tệ hoặc vàng là không hợp lý. Theo đại biểu này, khi Nhà nước còn công nhận các đồng tiền ngoại tệ thì cũng đồng thời phải bảo hiểm cho các loại tiền này khi khách hàng gửi. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu bởi hiện ngoại tệ, kiều hối ở Việt Nam đang khá nhiều và có xu hướng tăng lên. Do đó, nếu không nhận bảo hiểm ngoại tệ thì khả năng sau khi luật ra đời, tiền gửi sẽ giảm sút

Nguyễn Thiêm
.
.