Bạo lực trường học và trách nhiệm người thầy
- Nghệ An đưa ra mức kỷ luật đối với 4 nữ sinh bắt bạn quỳ và đánh hội đồng
- Điều tra vụ bắt quỳ và đánh hội đồng một nữ sinh trung học cơ sở
- Vụ nữ sinh Hưng Yên bị hành hung: Xem xét cách chức toàn bộ Ban Giám hiệu
Đoạn clip ghi lại cảnh 5 nữ sinh tra tấn, lột đồ bạn học xảy ra chiều ngày 22-3 tại Trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên), lại gây rúng động cộng đồng sau một chuỗi chuyện buồn bên trong cánh cổng trường học.
Có thể gọi trận đòn ấy là một tội ác, bởi nạn nhân đã phải nhập viện tâm thần điều trị và chỉ cần đủ độ tuổi theo luật định, là những đứa trẻ đã nhẫn tâm xuống tay với bạn có nguy cơ đối diện với hình phạt tù. Ngày 1-4, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện một clip 7 nữ sinh ở Nghệ An kéo bạn ra bãi biển đánh đập rồi bắt quỳ gối xin lỗi...
Bạo lực học đường chưa thể ngăn chặn, việc truy trách nhiệm của nhà trường, giáo viên và trang bị cho học sinh kỹ năng ứng phó khi bị bắt nạt, phải chăng là lời giải cho bài toán khó này?
Trách nhiệm thuộc ai?
Những trận đánh bạn được lũ trẻ ghi lại bằng điện thoại rồi hồn nhiên "post" (đăng tải) lên mạng, luôn làm người lớn rùng mình. Sợ hãi, bởi nạn nhân trong một ngày nào đó, rất có thể sẽ là chính những đứa con của mình.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cùng đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên tại buổi làm việc với Trường THCS Phù Ủng sáng ngày 31-3-2019. |
Cha mẹ bận bịu công việc cả ngày, không thể luôn ôm con, che chắn chúng trong vòng tay. Bởi vậy, sự an nguy của con lúc ở trường, cũng chỉ biết phó thác, gửi gắm nơi thầy cô. Vậy nên phản ứng "dậy sóng" của cộng đồng khi xem đoạn clip tra tấn nữ sinh lớp 9A, trường THCS Phù Ủng được phát tán trên mạng, là điều dễ hiểu.
Sự việc nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải gọi điện chỉ đạo xử lý. Trên không gian mạng, nhiều ý kiến yêu cầu xem xét xử lý hình sự đối với nhóm nữ sinh này, vì nạn nhân bị đánh đã phải nhập viện tâm thần để điều trị những sang chấn tâm lý.
Đồng thời, dư luận cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm… trước sự việc lần này, khi mà cháu bé đã bị bắt nạt nhiều lần trước đó. Hành động yêu cầu học sinh xóa clip, không được kể cho ai biết sự việc, phải chăng là hệ lụy của bệnh thành tích học đường vẫn đè nặng tâm trí những người thầy?
Sáng ngày 31-3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã trực tiếp làm việc với Trường THCS Phù Ủng. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cho rằng để sự việc học sinh bị bạo hành nhiều lần mà giáo viên chủ nhiệm không báo cáo, nhà trường không có biện pháp phối hợp kịp thời với gia đình để xử lý là không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông phân tích: "Hội đồng kỷ luật của trường lại du di thì sao xử lý trường hợp khác. Đó là trách nhiệm của hội đồng, cần kiểm điểm. Học sinh thấy bạn bị hành hung mà không can ngăn thì xếp hạnh kiểm để làm gì? Các em còn trẻ mà đã không có ý thức, trách nhiệm trước đồng loại. Những học sinh này không được giáo dục thì sẽ thế nào trong tương lai?".
Bộ trưởng Giáo dục đã nghiêm khắc phê bình nhà trường vì học sinh bị bạo hành có hoàn cảnh khó khăn nhưng giáo viên không bảo vệ, tăng cường kỹ năng sống cho em. "Không thể nói do em ấy hiền lành, không có kỹ năng nên bị như vậy", ông Nhạ bức xúc.
Nhận định đây là vụ việc rất nghiêm trọng, vượt qua phạm vi thông thường của bạo lực học đường, có nguyên nhân ý thức thực thi công vụ của các cấp, đặc biệt là nhà trường chưa làm hết trách nhiệm, người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Hưng Yên có biện pháp mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu Vụ Học sinh sinh viên "phải từ bài học xương máu này để cảnh tỉnh đội ngũ giáo viên trong toàn ngành, trên tinh thần không né tránh".
Đối với giáo viên chủ nhiệm ở các nhà trường, ông yêu cầu: "Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm là phải sâu sát, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm, diễn biến tâm lý của học sinh có những biểu hiện gì để phối hợp với nhà trường có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ chứ không thể để xảy ra sự việc đau lòng như vừa rồi. Qua đây để thấy có rất nhiều giải pháp phòng chống chủ động chứ không phải khi để xảy ra sự việc rồi mới tìm giải pháp khắc phục".
Ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã thừa nhận "đây là sự việc rất đau lòng" và yêu cầu UBND huyện Ân Thi xem xét làm quy trình cách chức đối với Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường, tổng phụ trách đội; xem xét kỷ luật Hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ. Đối với giáo viên chủ nhiệm cần bị xử lý nặng hơn "vì đã không nắm được tâm tư của học sinh".
Ông Phóng cho biết hiện nữ sinh bị đánh đã được địa phương thăm hỏi, động viên. Mặt khác lực lượng Công an địa phương đang tích cực điều tra xác minh về sai phạm của tập thể, cá nhân, để có biện pháp xử lý. Đối với nhóm học sinh đã chứng kiến vụ bạo hành nhưng không can ngăn, bênh vực bạn yếu thế, để bạn bị đánh và quay video, cũng sẽ bị xem xét về hạnh kiểm.
Tác dụng cảnh báo
Phản ứng trước động thái quyết liệt của ngành chủ quản và lãnh đạo địa phương trong xử lý sự việc, nhiều người dân đã bày tỏ sự tán thành. Anh Lại Đức Thủy ở quận Long Biên, Hà Nội, bình luận: "Việc kỷ luật, thậm chí cách chức Ban giám hiệu và giáo viên, tôi thấy thỏa đáng, vì bản thân họ đã không làm tròn trách nhiệm quản lý học sinh, thi hành nội quy trường học. Xử lý mạnh tay sự việc này, có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn đối với toàn ngành giáo dục. Các thầy cô từ nay sẽ gắn sự an nguy của trẻ tới trường với sự nghiệp riêng của mình. Khi đó, người ta sẽ không dám thờ ơ bỏ mặc học sinh trước các nguy cơ đe dọa chúng".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi nạn nhân tại bệnh viện. |
Là người có nhiều năm gắn bó với nghề sư phạm, bà Nguyễn Thúy Hạnh, giáo viên nghỉ hưu ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Bệnh thành tích trong giáo dục qua nhiều năm, đã trở nên trầm kha và gây ra bao hệ lụy. Trong đó có hiện tượng Ban giám hiệu, giáo viên không tích cực thực hiện các giải pháp cần thiết để giải quyết các tiêu cực vi phạm nội quy học đường, vì sợ mang tai tiếng, báo chí vào cuộc, không có lợi cho thành tích, nhất là các trường đang muốn "đạt chuẩn".
Ở nhiều trường, khi xảy ra sự cố nghiêm trọng, phản ứng dễ thấy là các thầy cô đều có ý muốn giấu nhẹm đi, hay cố gắng đơn giản hóa, hạ bớt tầm quan trọng của nó. Sự việc không được chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời thì hậu quả lớn xảy ra là tất yếu. Xử lý nghiêm vụ việc này sẽ giúp cảnh tỉnh cho cán bộ, giáo viên trong toàn ngành".
Còn nhớ hơn 10 năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Chỉ thị 40/2008/CT-BGD-ĐT phát động phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" trong các trường phổ thông. Mới đây, theo kết quả điều tra xã hội học trên 3.000 học sinh ở 30 trường THCS, THPT tại TP Hà Nội, cho ra những con số khá quan ngại.
Chẳng hạn, có tới 80% số học sinh được hỏi cho biết từ trước đến nay đã bị bắt nạt trong trường học ít nhất một lần; 71% em cho biết bị bạo lực trong vòng 6 tháng trước thời điểm khảo sát. Tất cả đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bất ổn, về văn hóa ứng xử càng xấu đi trong môi trường giáo dục vốn trong lành, uy nghiêm.
Do đó, việc nghiêm trị những học sinh vi phạm kỷ luật, nhất là hành hung bạn học dã man như trường hợp này là hết sức cần thiết. Nếu hành vi đủ căn cứ xử lý hình sự thì kiên quyết thực hiện để răn đe, phòng ngừa chung trong giới học sinh.
Bên cạnh đó, cần truy đến cùng trách nhiệm của Ban giám hiệu, giáo viên trước mỗi sự việc nghiêm trọng, để tăng cường ý thức trách nhiệm của họ trong việc duy trì kỷ luật học đường, bảo vệ học sinh khỏi những nguồn nguy hiểm bên trong cánh cổng trường học. Hơn tất cả, giải pháp căn cơ cho chuyện này là phải tăng cường bồi dưỡng kỹ năng mềm cho học sinh để có thể tự mình ứng phó với bạo lực.
Ứng xử khi bị bắt nạt
Chia sẻ những kỹ năng xử lý tình huống bị bắt nạt trong trường học, Võ sư - thầy giáo Đào Hoàng Long, Trường THCS Nguyễn Quang Bích, Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái phân tích: "Để ứng phó với những kẻ bắt nạt, cần phải hiểu tâm lý của chúng. Trước hết, chúng thích "săn" những con mồi yếu hơn mình. Càng ủy mị, yếu đuối như nạn nhân trong vụ này, càng dễ bị bắt nạt. Nếu thấy "mục tiêu" tỏ ra mạnh mẽ, chúng sẽ nhụt chí, bỏ ý định vì thấy không an toàn. Do đó, đừng để kẻ bắt nạt thấy mình dễ "xơi".
Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng báo cáo tại buổi làm việc. |
Trong các tình huống cụ thể, nạn nhân cần giữ bình tĩnh để lựa chọn những cách ứng xử khôn ngoan. Thầy Long nói: "Trường hợp biết trước mình sẽ bị bắt nạt, các em cần chủ động thông báo trước sự việc với Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, hoặc gọi điện cho người nhà, hay báo một số bạn bè của mình biết để bảo vệ. Cũng có thể nhờ người quen nhóm đối tượng để nói chuyện trước. Cần nhớ là phải đi cùng bạn bè lúc tan học hay khi ra chơi, chứ đừng đi lại một mình.
Đông người bao giờ cũng an toàn hơn, nếu có bạn bè ở bên cạnh thì kẻ bắt nạt sẽ không dám làm gì. Không nên ngoan ngoãn đi nói chuyện theo yêu cầu của đối tượng. Cố gắng tránh gặp kẻ bắt nạt, ở trường hay ở trên đường, nhưng đừng tỏ cho họ thấy điều đó. Nếu họ biết các em đang sợ hãi, họ sẽ càng lấn tới. Nếu họ cùng đường đi với các em, hãy đi đường khác".
Theo thầy Long, khi buộc phải đối mặt với kẻ bắt nạt và không có sự trợ giúp từ bên ngoài, hãy thể hiện mình là người không dễ bắt nạt, sẵn sàng đương đầu và đối tượng sẽ trả giá thích đáng nếu bắt nạt mình. Trước khi tình hình diễn biến phức tạp, việc thủ sẵn trên tay vật dụng nào đó... và thái độ quyết liệt từ cử chỉ đến cách nói, sẽ làm đối tượng chùn bước. Vì biểu hiện quyết liệt của nạn nhân sẽ kích hoạt nỗi sợ bên trong kẻ tấn công.
Phân tích sai lầm trong ứng xử của nhiều học sinh khi bị đánh, như trong sự việc vừa qua tại trường THCS Phù Ủng, thầy Long nói: "Khi bị vây đánh, không nên đứng chịu trận, phó mặc cho số phận. Hãy di chuyển, chạy… nếu đối tượng bắt đầu ra tay. Quyền phòng vệ được đặt ra lúc này, các em hãy chống trả quyết liệt bằng tất cả sức mạnh bản năng, chớp cơ hội bỏ chạy đến nơi an toàn, như phòng giáo viên, ban giám hiệu, phòng hội đồng (nếu bị đánh trong trường học), hoặc trụ sở cơ quan, các tổ CSGT, nhà dân... khi bị đánh trên đường.
Khi chống trả, hãy hô hoán thật to, kêu cứu để thu hút sự chú ý của những người xung quanh... Ngay khi thoát khỏi đối tượng, cần tính đến việc bị kẻ bắt nạt tiếp tục đánh nên cần điện cho người nhà, báo thầy cô giáo, báo Công an... để chủ động giải quyết sự việc".
Trong trường hợp có bạn bị bắt nạt, học sinh thường không biết ứng xử thế nào cho đúng, vừa cứu được bạn lại không bị vạ lây. Theo thầy Long, nếu biết tin bạn mình có thể bị đánh, các em cần báo trước cho nạn nhân biết để chủ động đề phòng và ngăn chặn hậu quả. Khi chứng kiến bạn bị vây đánh, cần gọi người giúp, xét thấy không an toàn thì không nên xông vào can ngăn, vì như vậy sẽ bị cuốn vào, thậm chí bị đánh hội đồng theo. Tình huống này, các em có thể giúp bạn bằng cách hô hoán kêu cứu hoặc bấm máy gọi Cảnh sát 113, gọi người lớn trợ giúp.
Cách này phù hợp nếu ở gần nhà dân, trường học, gần chỗ có người lớn. Nhưng khi đã can thiệp (gọi trợ giúp), chắc chắn sẽ sinh mâu thuẫn với nhóm đánh hội đồng, có nguy cơ bị trả thù về sau. Vì thế, sau đó phải báo cáo với bố mẹ và thầy cô giáo vì chỉ có họ mới có thể giải quyết được sự việc.
Lúc này, bố mẹ làm việc với thầy cô, với từng người trong nhóm đánh hội đồng bạn, với bố mẹ của các đối tượng đó. Thậm chí, nhờ cả Công an vào cuộc, gọi hỏi, bắt viết cam kết... để ngăn ngừa các hành động mất kiểm soát sau đó.
"Có một cách khác an toàn hơn cả và tránh bị trả thù về sau, đó là nên lẳng lặng chạy đi gọi người lớn, hoặc chạy ra khỏi chỗ đó rồi mới gọi Công an, gọi bố mẹ, thầy cô hoặc người lớn, để nhóm đánh hội đồng không biết ai gọi trợ giúp, xử lý vụ việc" - Võ sư Long tư vấn.