Bão tố và chính trị

Thứ Tư, 13/09/2017, 13:07
Trong 2 tuần qua, nước Mỹ hứng chịu 2 siêu bão với tổn thất nặng nề. Và đó mới chỉ là sự khởi đầu của mùa bão tại Mỹ. Tính hung dữ và bất thường của những cơn bão được mệnh danh là “quái vật” đang trở thành đề tài chính trị tại Mỹ khi mà chính quyền Washington hiện xem những nguyên nhân mà giới khoa học đưa ra là “bịp bợm”.

Sau Harvey, Irma còn những cơn bão khác mạnh hơn

Cuối tháng 8-2017, cơn bão Harvey đổ bộ vào bang Texas và Louisiana khiến ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ gần như tê liệt. Thiệt hại của cơn bão này tính đến nay ước đạt 75 tỷ USD, gần bằng mức thiệt hại do bão Katrina gây ra hồi năm 2005. Mười ngày sau, khi người dân Mỹ vẫn chưa trở về nhà sau bão, các nhà máy lọc dầu ở Texas còn chưa khôi phục hoạt động thì bang Florida lại hứng chịu cơn bão thứ hai, Irma, được đánh giá là cơn bão Đại Tây Dương mạnh nhất trong lịch sử với sức gió lên tới gần 300 km/giờ.

Tổng thống Trump không tin vào những gì giới khoa học nói về nguyên nhân gây nên các cơn bão.

Irma có nghĩa là “nữ thần chiến tranh” theo từ tiếng Đức cổ “Irmin”. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10-9 đã gọi cơn bão Irma là “quái vật lớn”. Điều chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ là đã có đến 6,3 triệu cư dân bang Florida, tức khoảng 1/3 dân số, được lệnh sơ tán.

Lệnh giới nghiêm cũng được ban bố tại nhiều nơi, Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida cũng bị buộc phải đóng cửa để tránh bão. Căn biệt thự 11 phòng ngủ của Tổng thống Donald Trump trên hòn đảo St. Martin thuộc quần đảo Virgin cũng không nằm ngoài phạm vi tàn phá của bão Irma.

Điều đáng nói trời chưa yên, biển... còn lâu mới lặng vì sau Harvey, Irma sẽ là các cơn bão Jose, Katia, Lee, Maria, Nate, Ophelia, Philippe, Rina, Sean, Tammy, Vince, và Whitney. Và cường độ của trận bão sau theo dự báo sẽ mạnh hơn trận trước. Nhìn lại 20 năm qua, Mỹ trải qua nhiều trận bão nhiệt đới, nghiêm trọng nhất là Katrina tàn phá các bang Louisiana, Mississipi, Florida và Alabama. 80% thành phố lớn nhất của tiểu bang Louisiana là New Orleans ngập trong biển nước.

Chỉ một tháng sau Katrina, tháng 9-2005 cơn lốc xoáy Rita thổi tới Vịnh Mexico, làm 6 người chết tại Texas và Mississipi. Bờ biển phía đông bắc của nước Mỹ năm 2012 phải đương đầu với bão Sandy, khiến 120 người thiệt mạng. 71 tỷ USD bị bão cuốn trôi.

Tại những vùng lãnh thổ bên ngoài nước Mỹ, người dân vùng Caribe, từ Cuba đến Antigua, có thể phải mất nhiều năm để khôi phục nhịp sống kinh tế và khôi phục ngành du lịch. Irma khi quét qua Caribe đã làm ít nhất 28 người thiệt mạng, phá hủy nhiều nhà cửa, trạm điện, khiến nhiều đảo mất liên lạc và bị cô lập. Khu vực bờ biển thủ đô Havana, Cuba, đến sáng 10-9 vẫn hứng chịu những đợt sóng cao đến 10m. Khu nghỉ dưỡng Varadero, cách không xa Havana, một trong những khu du lịch quan trọng nhất của Cuba, cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong ngày này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tuyên bố thảm họa đối với Puerto Rico, tăng cường nỗ lực cứu trợ khu vực này và quần đảo Virgin thuộc Mỹ. Bão Irma làm hàng nghìn người phải sống trong tình trạng không có điện ở Puerto Rico. Thủ tướng Antigua và Barbuda, ông Gaston Browne, nói Irma đã “tàn phá hoàn toàn” đảo Barbuda, gần như toàn bộ nhà cửa đã bị phá hủy.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao và Ngoại thương Charles Fernandez, mức độ thiệt hại “đến 90%”. Pháp, nước quản lý đảo St. Barthelemy và một nửa đảo St. Martin, tăng số cảnh sát trên hai đảo lên gần 500. Theo Chính phủ Pháp, 10 người đã thiệt mạng trên hai đảo. Chi phí tái thiết sau bão Irma ước tính lên đến 1,2 tỷ euro.

Irma là cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay trên Đại Tây Dương.

Tính từ năm 1994 tới nay, Mỹ trải qua 8 trận bão nhiệt đới. Các nhà khoa học ghi nhận, các trận bão xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và đây là một trong những dấu hiệu báo động về “nguy cơ trái đất nóng lên”.

Nhà nghiên cứu Michale Mann, Đại học Pennsylvania, nhắc lại: trong hơn một chục năm, Mỹ trải qua 4 trận bão “ngoại hạng” và 3 trong số đó gây thiệt hại về vật chất, tài chính “nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ”: 108 tỷ USD sau bão Katrina, 75 tỷ vì bão Sandy và 37 tỷ vì bão Ike.

Theo một nghiên cứu của Đại học Toulouse, Pháp, cho tới năm 1970, do không có đủ phương tiện - chủ yếu là hình ảnh vệ tinh, các nhà khoa học không thể đưa ra những kết luận đầy đủ về mật độ của các cơn lốc xoáy trong toàn thế kỷ XX. Chỉ biết là từ năm 1995, lốc xoáy trong khu vực phía bắc Đại Tây Dương ngày càng xảy ra nhiều hơn, nhưng giới khoa học không dám khẳng định đấy là những hiện tượng tự nhiên hay do biến đổi khí hậu gây ra.

Ở vùng tây bắc Thái Bình Dương, trong gần 3 thập niên, tính từ năm 1980 đến năm 2010, dường như các trận bão lớn thưa hơn so với trước. Bước sang thế kỷ XXI, các nhà nghiên cứu sử dụng các phương tiện khoa học hiện đại để đi đến kết luận: Dường như thế giới ít bị bão hơn, nhưng mỗi đợt thiên tai, hậu quả lại thảm khốc hơn.

Chuyên gia Valérie Masson Delmotte thuộc nhóm nghiên cứu GIEC của Liên Hiệp Quốc cho rằng: Nước biển càng được hâm nóng và độ ẩm càng cao thì bão càng lớn. Cả hai yếu tố kể trên đều do hiệu ứng nhà kính gây ra. Trong mắt nhà khoa học Oppenheimer, Đại học Princeton, Harvey và Irma là “tín hiệu báo động”. Nhiệt độ trên trái đất nóng thêm 1 độ C, lượng nước mưa trút xuống trong mỗi trận bão sẽ tăng thêm 7%.

Thành phố Houston ngập chìm trong nước do bão Harvey ập vào.

Theo lời tiến sĩ Gerry Bell, chuyên gia hàng đầu về bão của Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia  (NOAA), mùa bão năm 2017 sẽ “náo nhiệt” và các trận bão có thể còn tiếp tục hình thành trong những tháng tới.

Trước mùa bão năm nay, hôm 25-8, NOAA đưa ra bản thông cáo báo chí cho hay “vùng Đại Tây Dương có thể gặp một mùa bão cao hơn bình thường trong năm nay”, tiên đoán là sẽ có 45% cao hơn bình thường. Đến ngày 9-8, mức độ này được nâng lên tới 60%.

Ông Bell cho hay hai trong những yếu tố khiến có thêm nhiều bão là nước biển Đại Tây Dương đang ấm hơn từ 1 đến 2 độ trên mức trung bình và chiều gió mạnh từ châu Phi thổi tới tạo điều kiện hơn cho việc tạo bão. Kevin Trenberth, khoa học gia kỳ cựu của Trung tâm Nghiên cứu thời tiết quốc gia nói: “Đại Tây Dương là cái nôi chờ đợi những trận bão như Harvey, Irma”.

Ai có thể thuyết phục được Tổng thống Trump về hiện tượng nóng lên toàn cầu?

Chính quyền của Tổng thống Trump không tin vào những cáo buộc cho rằng, sự nóng lên của khí hậu trái đất làm cho những cơn bão ngày càng mạnh. Không phải chỉ lúc này, Tổng thống Trump mới cho rằng: “Thay đổi khí hậu toàn cầu chỉ là trò lừa”.

Để hoàn tất cuộc cách mạng “xóa bỏ tàn tích” của người tiền nhiệm Obama như bỏ luật giới hạn thán khí phát ra từ nhà máy lọc dầu và giếng dầu cũ lẫn mới, Tổng thống Trump bỏ sắc lệnh hành pháp năm 2013, sắc lệnh này bắt buộc các cơ quan liên bang sẵn sàng chuẩn bị đối phó với những thay đổi môi sinh và hồi tháng 6-2017, ông rút khỏi Hiệp định Paris về môi trường. 10 ngày trước trận bão Harvey, Tổng thống Trump hủy bỏ sắc lệnh hành pháp quy định tiêu chuẩn các chương trình xây dựng hạ tầng kiến trúc ở các vùng dễ bị lụt ở Texas.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được gần 200 nước thông qua tại Pháp hồi tháng 12-2015. Các quốc gia nhất trí cắt giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu. Tổng thống Trump cho rằng, Hiệp định Paris, được ký dưới thời Barack Obama chỉ mang lại cho các nước khác lợi thế trước ngành công nghiệp Mỹ, phá hủy việc làm ở Mỹ.

Ngày 29-6, AFP dẫn lời Tổng thống Trump cho tuyên bố: “Để bảo vệ việc làm, các công ty và công nhân Mỹ, chúng ta đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tôi sẽ nói rằng chúng ta tự hào về hành động đó”. Quyết định của ông đã Trump tạo ra sự phẫn nộ tại Mỹ và thế giới. Cựu tổng thống Obama nói, rút khỏi Hiệp định Paris nghĩa là Mỹ “đang gia nhập một nhóm nước từ chối tương lai”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gọi quyết định của Trump là “sai lầm nghiêm trọng”, trong khi Thủ tướng Đức tuyên bố, bằng hành động này “Mỹ đang gây hại cho toàn bộ hành tinh” vì sự rút lui của Mỹ đồng nghĩa với sự rút lui của quốc gia thải ra lượng khí thải nhiều thứ hai trên thế giới, gần 18% lượng khí thải toàn cầu mỗi ngày.

Hơn nữa, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris còn tạo ra tiền lệ xấu, không chỉ trong các thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu sau này mà còn là cách ứng xử thực dụng cho việc đặt lợi ích quốc gia trên hết, trên trách nhiệm quốc tế.

Bão Irma đổ bộ vào bờ biển Miami, Florida ngày 10-9.

Thái độ chống khoa học của đảng Cộng hòa có từ thời Barry Goldwater, người chủ trương chiến tranh nguyên tử bất cứ lúc nào. Tổng thống Trump có lẽ bắt chước Tổng thống Nixon, 4 năm sau Goldwater. Tổng thống Nixon xem các nhà khoa học là thành phần nguy hiểm chống đảng Cộng hòa, ông đóng cửa Viện Khoa học kỹ thuật và đuổi các cố vấn khoa học ra khỏi nội các.

Tổng thống  George H. W Bush có thay đổi, ông sẵn sàng ký hiệp định Liên Hiệp Quốc về thay đổi khí hậu toàn cầu được Thượng viện chấp thuận. Đến thời Tổng thống George W. Bush (con), ông do dự trước vấn đề môi sinh, vì là người Texas ông hãnh diện ủng hộ năng lượng dầu mỏ.

Ông Bush cùng các cố vấn đã chịu nhiều chỉ trích nặng nề khi phản ứng với bão Katrina năm 2005 vì phán đoán thiếu sót về khu vực đón bão chính cùng phản ứng quá thiếu trách nhiệm làm 1.833 người chết, tổng thiệt hại lên đến 108 tỉ USD. Tệ hại hơn, những ngày đầu diễn ra thiên tai, ông Bush được cho là đang đi nghỉ dưỡng!

Sau trận bão Harvey và Irma chắc không ai có thể thuyết phục được Tổng thống Trump về hiện tượng nóng ấm toàn cầu vì ông nổi tiếng không tin vào khoa học. Điều đáng chú ý là ông Trump chú tâm không bổ nhiệm ai ngồi vào vị trí lãnh đạo Văn phòng Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng (người thường giữ vai trò giám đốc khoa học hay nói cách khác là trợ lý khoa học cho tổng thống).

Không những vậy, các vị trí cho Hội đồng Cố vấn về Khoa học và Công nghệ của Tổng thống Mỹ - bao gồm một nhóm các nhà lãnh đạo khoa học công nghệ và dân sự tham gia cố vấn cho tổng thống - cũng bị phớt lờ. Thomas Pyle, trưởng ban chuyển quyền ở Bộ Năng lượng từ chính quyền Dân chủ sang chính quyền Cộng hòa, cho rằng cánh tả đang khai thác sự kiện bão Harvey và Irma cho kế hoạch chính trị của họ nhưng sẽ không thành công.

Cả hai nhóm này đều có ý nghĩa giúp cho Tổng thống có một cái nhìn mang tính chuyên môn về các vấn đề khoa học. Trước đây, họ đã khuyên các vị tổng thống tiền nhiệm về nhiều vấn đề như nghiên cứu y, sinh học, an ninh mạng, sự xuất hiện của bệnh truyền nhiễm, chính sách hạt nhân và khoa học về khí hậu.

Heartland Institude, một nhóm bảo thủ lập dự án cắt giảm nhiều quy định của Cơ quan Bảo vệ môi sinh Mỹ (EPA) thời chính quyền Obama, cho rằng: “Những sự kiện xảy ra chưa đủ để có báo động về hậu quả khí hậu biến đổi, và chúng ta sẽ còn tiếp tục phải tranh đấu cho sự thật trong những tháng năm sau này”.

Kết luận ấy phù hợp với thực tế, chỉ với điều kiện là con người đã và sẽ có nhiều bài học về thiên tai nhưng có học được gì từ đó hay không? Dù ông Trump từng hứa sẽ cắt giảm chi tiêu của chính phủ liên bang nhưng ông cũng không hề nêu rõ dự định về nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học. Đa số học giả thực hiện nghiên cứu với khoản trợ cấp từ các cơ quan chính phủ như Viện Y tế Quốc gia (NIH) và Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF).

Trong lịch sử, nguồn kinh phí cấp cho các cơ quan nghiên cứu thường cao hơn dưới thời cầm quyền của đảng Cộng hòa. Một nghiên cứu vào năm 2015 trên Tạp chí Chính sách Khoa học và Lãnh đạo chỉ ra khi đảng Dân chủ kiểm soát chính phủ, kinh phí dành cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) và Bộ Giao thông tăng lên.

Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ ngày 7-9 thông qua một dự luật chi tiêu bao gồm 10 triệu USD giúp tài trợ cho cơ quan biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc giám sát Thỏa thuận khí hậu Paris, mặc dù Tổng thống Donald Trump đã quyết định ngừng cấp kinh phí, được xem là thêm một hành động thách thức ông Trump trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Mộc Thạch - Quang Học (tổng hợp)
.
.