Bảo vệ loài ếch có khả năng chữa bệnh cho người

Chủ Nhật, 06/05/2012, 16:25

Một số loài ếch tiết ra các hóa chất có tính năng chữa bệnh cho người. Nhưng có một loại nấm gọi là "bệnh đậu mùa của loài lưỡng cư" đang tận diệt một số loài ếch quý. Đó là lý do buộc các nhà khoa học phải tiến hành chiến dịch giải cứu đặc biệt.

Đã nửa đêm ở khu rừng mưa miền Trung Panama. Nhà sinh học Brian Gratwicke đang vất vả lội qua con suối cùng với một nhóm các nhà nghiên cứu để tìm kiếm những đốm nhỏ màu xanh đậu trên lá cây. Sau 90 phút lặn lội trong rừng rậm, nhóm nhà khoa học phát hiện một cá thể ếch duy nhất.

Trong những năm  gần đây, giới khoa học ghi nhận quần thể ếch đã giảm đến 80% tại một số khu vực trên thế giới. Mất môi trường sống, khí hậu biến đổi và tình trạng ô nhiễm đã đẩy các loài ếch đến bờ vực diệt vong. Một thủ phạm nguy hiểm khác là "chytrid" - loại nấm độc hại có nguồn gốc ở châu Phi đã lan rộng khắp thế giới. Tại nhiều vùng ở Trung Mỹ, loài nấm chytrid di chuyển khoảng 32km một năm. Đó là lý do tại sao các nhà sinh học của Vườn thú quốc gia Smithsonian ở Washington D.C. cố gắng tìm kiếm thu thập các loài ếch và động vật lưỡng cư khác trong rừng mưa nhiệt đới trước khi nấm chytrid lan đến.

Cuối cùng, nhóm của nhà sinh học Gratwicke phát hiện một con "ếch thủy tinh" vì nó có thân hình trong suốt có thể nhìn thấy quả tim đang đập bên trên dạ dày trong cơ thể của nó. Con ếch đang canh gác đống trứng sền sệt với những ấu trùng nhỏ xíu đang ngọ nguậy bên trong.

Các nhà nghiên cứu cẩn thận thả những con ếch quý mà họ tìm thấy vào trong những chiếc túi nilông để di dời chúng khỏi khu vực rừng rậm. Tại Vườn thú quốc gia Smithsonian, những con ếch lành mạnh được nuôi nhốt trong những chiếc container hàng hóa cải tạo thành các "vỏ bọc ếch". Nhà nghiên cứu Angie Estrada cho biết, có một số ếch được tìm thấy trong khu rừng trên núi nên các "vỏ bọc ếch" cần có nhiệt độ thấp và độ ẩm cao. Những cá thể ếch này rất cần ánh sáng cả đêm và ngày. Chúng cũng cần tia UV để biến đổi. "Vỏ bọc ếch" được các nhà khoa học gọi là con thuyền Noah giúp các loài ếch quý tồn tại đến các thế hệ tương lai.

Theo Edgardo Griffith - nhà khoa học lãnh đạo dự án bảo tồn gọi là El Valle ở miền Tây Panama - đây là nỗ lực gần như tuyệt vọng của giới khoa học bởi vì nấm chytrid tấn công và giết chết ếch rất nhanh.  Trong khi đó các loài ếch quý là loài đặc biệt nên vẫn chưa có sách vở nào chỉ dạy cách nuôi dưỡng chúng.

Ếch lá đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Brian Grawicke giải thích: Những con ếch quý này cần được bảo vệ nghiêm  ngặt vì chúng có thể được sử dụng trong y khoa. Ví dụ, có một loài ếch màu trắng sống trên cây ở Australia sản sinh ra một hóa chất gọi là caerin có khả năng tấn công và giết chết các tế bào HIV. Thậm chí da của loài ếch chân vàng sinh ra các hợp chất tiêu diệt các siêu vi gây bệnh trong bệnh viện gọi là MRSA. Hoặc loài cóc bụng lửa tiết ra chất làm hạ huyết áp. Hay ếch độc ma sinh ra chất giảm đau mạnh hơn morphine gấp 200 lần và ếch khỉ (waxy monkey) tiết ra chất chống vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh và tiết ra một loại protein ngăn không cho mạch máu phát triển nên có thể được dùng để tiêu diệt khối u ung thư.

Một nghiên cứu mới nhất của Mỹ phát hiện vi khuẩn trên da của loài kỳ nhông, hay còn gọi là rồng lửa, có thể chống lại cuộc tấn công độc hại của nấm chytrid. Hiện thời các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu loại vi khuẩn này để có cách bảo vệ các loài ếch sống trong tự nhiên.

Tại Vườn thú Summit ở Gamboa (Panama), nhà nghiên cứu Angie Estrada đã cứu sống được một loài ếch nhỏ màu đen quý hiếm gọi là Atelopus certus, và cuối cùng một cá thể ếch thuộc loài này đã chào đời thành công trong điều kiện nuôi nhốt. Estrada dự đoán nấm chytrid sẽ lan đến khu vực Tây Panama trong khoảng 1 hay 2 năm nữa, và khi đó 90% các loài ếch ở đấy sẽ bị tiêu diệt. Estrada hy vọng một ngày nào đó giới khoa học sẽ tìm ra phương cách tiêu diệt nấm độc để khi ấy những con ếch đang nuôi nhốt sẽ được thả trở về môi trường tự nhiên

An An (tổng hợp)
.
.