Bấp bênh quan hệ Mỹ - Cuba

Chủ Nhật, 22/01/2017, 12:05
Quan hệ Mỹ - Cuba vừa ấm trở lại sau gần 6 thập kỷ được dự báo có nguy cơ căng thẳng trở lại sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ.

Nhiều sáng kiến, chính sách mang dấu ấn của người tiền nhiệm Barack Obama có nguy cơ bị hủy bỏ, trong đó đáng chú ý nhất là quan điểm của tổng thống sắp mãn nhiệm đối với Cuba. Không loại trừ khả năng những nỗ lực nhằm thay đổi cách tiếp cận của Washington đối với quốc đảo này từ tháng 12-2014 dù mới chỉ ở giai đoạn đầu với một số sắc lệnh hành pháp có thể dễ dàng bị hủy bỏ một cách đơn phương bởi chính quyền kế tiếp. Câu hỏi đặt ra là ông Donald Trump liệu có và nếu có thì sẽ thay đổi chính sách đối với Cuba như thế nào?

Trong cuộc họp báo cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ diễn ra ngày 17-1, ông Obama vẫn bảo vệ quyết định khởi động tiến trình nối lại quan hệ với Cuba. Theo ông Obama: “Điều chúng ta có thể thấy được là sự kết nối giữa người dân Cuba và Mỹ cũng như những thành công lớn mà cộng đồng doanh nghiệp hai bên thúc đẩy trong các hoạt động kinh tế thương mại song phương.

Mỹ cũng đã quyết định xóa bỏ chính sách “chân ướt chân ráo” áp dụng đối với người nhập cư Cuba bởi vì chính sách này không còn ý nghĩa nữa khi quan hệ hai bên ngày càng phát triển và Mỹ - Cuba nối lại các hoạt động đi lại.”

Chưa hết, chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama còn chỉ đạo các cơ quan chính phủ khác nhau sửa đổi một loạt quy định, trong đó gồm cả những khía cạnh trong "Quy định kiểm soát tài sản" của Cuba - trụ cột trong lệnh cấm vận của Washington đối với quốc đảo này. Bằng cách đó, ông Obama đã gỡ bỏ những hạn chế đối với hoạt động du lịch từ Mỹ đến Cuba cũng như nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Cuba.

Tuy nhiên, tổng thống không thể gỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba. Theo các điều khoản của Điều luật Helms-Burton 1996, nếu muốn chấm dứt lệnh cấm vận này, Quốc hội Mỹ cần phải tiến hành bỏ phiếu còn La Habana phải tiến hành các cuộc cải cách như cho phép các cuộc bầu cử tự do và giải tán một số cơ quan an ninh nội địa.

Tương lai quan hệ Mỹ - Cuba liệu có thay đổi dưới thời ông Donald Trump?

Ngay cả khi lệnh cấm vận vẫn còn hiệu lực, những thay đổi trong chính sách của Mỹ đã làm lợi cho nền kinh tế Cuba. Tự do hóa việc đi du lịch tới Cuba mở đường cho việc có thêm hàng chục nghìn công dân Mỹ tới thăm hòn đảo này mỗi năm. Doanh thu du lịch của Cuba đã tăng từ mức 1,7 tỷ peso Cuba (khoảng 64 triệu USD) trong năm 2014 lên 1,2 tỷ peso chỉ riêng trong nửa đầu năm 2016. Đây là sự tăng trưởng đáng hoan nghênh đối với ngân khố của Cuba.

Luồng khách du lịch từ Mỹ còn khích lệ các cơ sở kinh doanh nhỏ trong ngành dịch vụ của Cuba và giúp một số công dân nước này, đặc biệt là những người ở La Habana có thêm thu nhập và nhờ đó có thể giảm bớt gánh nặng chi tiêu của chính phủ.

Ngoài ra, du lịch còn đem lại cho Chính phủ Cuba thêm nguồn thu ngoại tệ bằng đồng bạc xanh vô cùng cần thiết. Giới phân tích cho rằng thực tế mối quan hệ Mỹ - Cuba ấm lên sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, đáp ứng sự mong đợi của người dân hai nước. Mỹ có thể thu được các lợi ích về kinh tế và chính trị với những cá nhân và doanh nghiệp Mỹ đều được hưởng lợi nhiều hơn, người Mỹ có thể đến Cuba du lịch, xuất khẩu của doanh nghiệp Mỹ sang các địa phương của Cuba cũng trở nên dễ dàng hơn. Còn với quốc đảo này, nối lại quan hệ với Mỹ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, tiến trình chuyển tiếp quyền lực tại Mỹ đã phủ bóng đen hoài nghi lên tương lai của nguồn thu nhập này. Tùy thuộc vào tiến triển của mối quan hệ Mỹ-Cuba trong 4 năm tới, Chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể quyết định hủy bỏ những thay đổi mà người tiền nhiệm đã xúc tiến. Nếu dư luận Mỹ về Cuba trở nên xấu đi, hoặc nếu Chính phủ Cuba chấm dứt việc đưa ra những nhượng bộ để đổi lấy việc tiếp tục có những điều chỉnh trong các "Quy định kiểm soát tài sản" của Cuba, tổng thống sắp tới có thể gia tăng áp lực đối với La Habana.

Mặt khác, nếu La Habana không chịu nhượng bộ trước áp lực của Washington, Mỹ có thể đáp lại bằng cách khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Cuba. Nhận thức rõ những rủi ro đến từ việc phớt lờ những mong muốn của chính quyền Mỹ tiếp theo, có thể Chính phủ Cuba sẽ cẩn thận xem xét những đề nghị của Mỹ.

Hơn nữa, giữa La Habana và Washington vẫn còn một số vấn đề tồn đọng cần giải quyết như chưa đàm phán về việc hồi hương những người Mỹ tị nạn tại Cuba trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việc đạt được sự cảm thông về những vấn đề này có thể giúp Mỹ và Cuba tiếp tục duy trì tiến trình làm nồng ấm quan hệ dưới thời chính quyền Donald Trump.

Chính phủ Cuba cũng có thể sẽ tiến hành một số cuộc cải cách để làm hài lòng vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Theo đó, La Habana có thể sẽ đề nghị tiến hành các cuộc đàm phán ngoại giao cấp thấp tương tự như những cuộc thảo luận đã dẫn đến những thay đổi đầu tiên trong chính sách của Mỹ đối với Cuba năm 2014.

Tuy nhiên, dư luận khó có thể dự đoán chính quyền Donald Trump sẽ có những động thái gì đối với Cuba trong 4 năm tới. Với nền tảng là thế đa số của đảng Cộng hòa tại Quốc hội, Chính quyền Donald Trump có khả năng sẽ gây áp lực với Cuba trong các vấn đề chính trị trong nước và nhân quyền.

Những sáng kiến của ông Obama có thể sẽ được Washington tiếp tục duy trì trong trường hợp hoặc là ông Trump quá bận với các vấn đề đối ngoại khác nên "quên bẵng" vấn đề Cuba hoặc là "ngầm chấp nhận" tăng cường quan hệ kinh tế của La Habana mà không đưa ra điều kiện kèm theo - một khả năng rất khó xảy ra.

Bảo Trân
.
.