Bất đồng trong kế hoạch hồi hương người Rohingya
- "Đám cưới hy vọng" trong trại tị nạn người Rohingya ở Bangladesh
- Một tháng, 6.700 người Rohingya thiệt mạng
- Hành trình chạy trốn đầy nước mắt của người Rohingya
Kế hoạch hồi hương vừa được hai nước Myanmar và Bangladesh nhất trí thông qua là bước đi đầu tiên để thực hiện thỏa thuận hồi hương người Rohingya đạt được hồi tháng 11-2017. Các tuyên bố từ Bộ Ngoại giao hai nước nói rằng, Bangladesh sẽ lập 5 trại trung chuyển trên phần đất của mình nằm dọc biên giới với Myanmar. Từ những trại này, người Rohingya sẽ lần lượt được chuyển sang các trung tâm tiếp nhận bên phần đất Myanmar.
Tiến trình hồi hương người Rohingya sẽ bắt đầu từ ngày 23-1 tới. Bộ Lao động, Di cư và Dân số Myanmar nói rằng, Myanmar sẽ bắt đầu bắt buộc hồi hương với tiến độ 150 người mỗi ngày. Tuyên bố cũng cho biết, Myanmar tiếp tục khẳng định cam kết của mình trong nỗ lực ngăn chặn dòng người Rohingya tị nạn tràn sang Bangladesh. Myanmar sẽ xây dựng một trại trung chuyển có khả năng tiếp nhận khoảng 30.000 người hồi hương.
Thông báo của Myanmar nhấn mạnh cả hai nước cần phải triển khai các biện pháp phòng ngừa khả thi nhằm ngăn chặn các vụ tấn công nhắm vào người Rohingya. Myanmar đã trao cho Dhaka danh sách tên của 1.000 phiến quân Rohingya để phối hợp hỗ trợ trong việc sàng lọc, truy lùng.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya bắt đầu bùng phát sau khi các phiến quân người Rohingya nổi dậy tấn công các đồn bốt an ninh ở bang Rakhine, Tây Myanmar, vào ngày 25-8-2017. Các cuộc tấn công đã khiến quân đội Myanmar đáp trả bằng hành động quân sự quyết liệt, nhiều người Rohingya đã bị chết, nhà cửa, làng mạc bị đốt phá khiến hàng trăm ngàn người (thống kê của Liên Hiệp Quốc đưa ra con số 750.000) phải bỏ làng chạy lánh nạn. Họ đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng nhiều nhất là nước láng giềng Bangladesh, vì địa bàn giáp ranh, thuận tiện để chạy nạn.
Dòng người Rohingya tị nạn sống trong các điều kiện không đảm bảo đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo dọc biên giới Myanmar - Bangladesh trong nhiều tháng qua. Cơ quan Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thành viên đã lên án các cuộc hành quân càn quét của quân đội Myanmar, cáo buộc quân đội nước này tiến hành “thanh trừng sắc tộc”, nhưng phía Myanmar đã lên tiếng bác bỏ, cho rằng đó chỉ là những chiến dịch hành quân chống quân nổi dậy.
Người Rohingya trong một trại tị nạn trên đất Bangladesh. |
Trong khi đó, người Rohingya tị nạn sống trong các trại tị nạn ở Bangladesh đã xuất hiện nhiều trường hợp trẻ em được sinh ra nhưng không biết bố là ai. Chính quyền Bangladesh đã lên tiếng kêu gọi Myanmar cho hồi hương những đứa trẻ “sinh ra trong hoàn cảnh không xác định”, ám chỉ những đứa con được thụ thai từ những vụ hãm hiếp phụ nữ Rohingya do quân đội Myanmar gây ra.
Điều này được các nhân viên y tế của Liên Hiệp Quốc và các nhà hoạt động nhân đạo xác nhận. Họ khẳng định, tình trạng phụ nữ Rohingya bị lực lượng an ninh Myanmar hãm hiếp khá phổ biến. Nhiều phụ nữ Rohingya khi được hỏi đã khai nhận điều này.
Phản ứng trước thông tin hai nước Myanmar và Bangladesh thống nhất kế hoạch hồi hương người Rohingya, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đã đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc bắt buộc hồi hương 750.000 người Rohingya. Họ là những nạn nhân của bạo lực, đã bỏ xứ, bỏ làng chạy sang Bangladesh để thoát khỏi một cuộc xung đột ở bang Rakhine, phía Tây Myanmar, bắt đầu vào tháng 10-2016 và tháng 8-2017.
Guterres cho rằng, việc UNHCR không trực tiếp tham gia cuộc họp thống nhất kế hoạch ở Naypyitaw là điều đáng tiếc, và ông nhấn mạnh UNHCR cần được tham gia đầy đủ trong kế hoạch nhằm bảo đảm các hoạt động hồi hương tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Paul Ronalds, Tổng Giám đốc Tổ chức Save the Children Australia đánh giá kế hoạch hồi hương của Myanmar và Bangladesh hôm 16-1 còn rất sơ sài, chưa đề cập đầy đủ đến các điều kiện sống của người Rohingya khi họ quay trở về. Tổng Thư ký Guterres phân tích, điều bất cập rõ nhất chính là việc hai nước muốn tạo ra một tình trạng mất ổn định lâu dài cho người Rohingya, chuyển họ từ các trại tị nạn trên đất Bangladesh sang các trại trên đất Myanmar và không cho phép họ quay trở về với cuộc sống bình thường như trước đây.
Phát ngôn viên của UNHCR Andrej Mahecic cho rằng, nên để cho người Rohingya tự nguyện hồi hương thì tốt hơn, khi họ cảm thấy an toàn và muốn trở về quê hương. UNHCR khẳng định, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tình hình an ninh, sự an toàn tại quê hương gốc của người Rohingya có đảm bảo hay không. Họ cần được đảm bảo mọi điều kiện sống cần thiết, được tư vấn về nguyện vọng khi hồi hương.
Zaw Htay, người phát ngôn Chính phủ Myanmar khẳng định, những người Rohingya tị nạn khi hồi hương có thể nộp đơn xin cấp quốc tịch “sau khi họ vượt qua một quy trình xác thực”. Tuy nhiên, chính những người Rohingya tị nạn lại không mấy tin tưởng vào những gì Chính phủ Myanmar tuyên bố. Nhiều người cho rằng việc chuyển từ trại tị nạn trên đất Bangladesh sang Myanmar không khác gì nhau, nhưng họ lo sợ rằng tình hình ở Myanmar sẽ tệ hơn.
Nhiều người cho biết, sau khi chứng kiến những hành động quân sự của quân đội Myanmar, họ không dám tin tưởng rằng họ sẽ được an toàn khi quay trở về. Nhiều thanh niên trẻ lo sợ họ có thể bị bắt với cáo buộc khủng bố nếu quay trở về Myanmar.