Bất ngờ trong toan tính!

Thứ Hai, 24/12/2018, 11:03
Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố chiến thắng trước IS và rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Syria. Những hoài nghi trước quyết định này cũng đã được đưa ra. Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa của quyết định quan trọng nói trên trong khi IS vẫn còn hiện diện ở Syria.

Quyết định bất ngờ

Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter hôm 19-12: “Chúng tôi đã đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, đó là lý do duy nhất chúng tôi có mặt ở đó trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump”.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders hôm 19-12 nói: “Chúng tôi đã bắt đầu đưa quân đội Mỹ về nước trong khi chúng tôi chuyển sang giai đoạn tiếp theo của chiến dịch này”.

Liên quan tới kế hoạch rút quân, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết, kế hoạch đang được tiến hành cho một cuộc rút quân “toàn bộ” và “nhanh chóng” ra khỏi Syria. Dự kiến các lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Syria vào giữa tháng 1-2019.

Quan chức này nói rằng, Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định này dựa trên niềm tin rằng quân Mỹ không còn vai trò chiến đấu chống IS ở Syria nữa, bởi IS hiện chỉ chiếm giữ khoảng 1% lãnh thổ Syria.

Kế hoạch rút quân nhận được các phản ứng trái chiều. Cũng ngày 19-12, Thượng nghị sỹ Mỹ Lindsey Graham cho rằng việc chính quyền Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria là một sai lầm lớn, khiến các đồng minh của Washington trong khu vực phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Theo quyết định, tới giữa tháng 1-2019, binh sĩ Mỹ sẽ không còn ở Syria. Ảnh: Countercurrents.

Còn Thượng nghị sỹ Marco Rubio cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria là một sai lầm và sẽ đem lại những hậu quả nghiêm trọng, vượt ra ngoài cuộc chiến chống IS.

Tờ Washington Examiner cho biết quyết định mà Nhà Trắng đưa ra còn vấp phải sự phản đối của các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Marco Rubio cho rằng sự ra đi của Mỹ sẽ đẩy Syria vào tay Nga và Iran.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Bob Menendez, một thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nhận định rằng đây là một “hành động thiếu tính toán” và kế hoạch cụ thể.

Tính toán chiến lược hay vội vã nhất thời?

Không thể nói Mỹ “buông” Trung Đông. Trong một động thái có liên quan, ngày 19-12, báo địa phương al-Mashriq dẫn lời người đứng đầu thị trấn al-Qaim, ông Ahmed al-Mahalawi khẳng định Mỹ vừa cho xây dựng căn cứ tại vùng al-Maliha, gần thị trấn al-Qaim, tại tỉnh Anbar, miền Tây Iraq, cách thủ đô Baghdad của Iraq khoảng 400 km về phía tây.

Căn cứ mới sát với biên giới Syria được cho là nhằm giám sát biên giới để bảo vệ các lực lượng Mỹ triển khai tại Syria, gần biên giới với Iraq. Đây là căn cứ quân sự thứ hai được thiết lập tại vùng Rummanah, gần thị trấn al-Qaim. Một căn cứ khác đã được lập hồi đầu tháng 12.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc Mỹ chấp nhận rút binh sĩ khỏi Syria đồng nghĩa Mỹ sẽ chấp nhận Tổng thống Assad tiếp tục tại vị ở Syria. Như vậy, Mỹ sẽ không còn tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad nữa. Đồng thời, Washington sẽ không tài trợ cho hoạt động tái thiết của Damascus trừ khi chính quyền này “thay đổi về cơ bản”.

Thông tin về kế hoạch rút toàn bộ quân của Mỹ khỏi Syria được đưa ra vào thời điểm mâu thuẫn và nguy cơ nảy sinh đối đầu quân sự Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gia tăng. Chỉ vài giờ sau khi Nhà Trắng công bố ý định rút khỏi Syria, Bộ Ngoại giao cho biết Mỹ có kế hoạch bán các tên lửa đất đối không Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Mỹ muốn rút khỏi Syria trong khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa thêm quân tới Syria?

Người Kurd ở Syria được Mỹ hậu thuẫn lại muốn Ankara rời khỏi vùng chiến sự này. Và Mỹ suốt nhiều tháng qua đã chật vật tìm cách thỏa mãn cả hai phía. Trong bối cảnh này, quyết định gây sốc của Washington đã khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về lý do thực sự.

Quân đội Mỹ tham gia tuần tra tại Syria. Ảnh: Courrier Australien.

IS vẫn còn đó...

Người Kurd tại Syria đã rất bất ngờ, thậm chí là lo ngại trước thông tin nói trên. Một thành viên Lực lượng dân chủ Syria (SDF) tại Kobane nói: “Tất cả đều rất buồn, thất vọng và lo ngại. Đó là một sai lầm lịch sử. Chúng tôi muốn là một phần của Mỹ. Chúng tôi đang bị bao vây bởi kẻ thù và (cuộc chiến chống) IS vẫn chưa kết thúc”.

Đa phần các cá nhân được hỏi đều đề nghị giấu tên và đều lo ngại về nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ phát động cuộc tấn công từ phía bên kia biên giới. Nhiều người thậm chí còn cho rằng đó là một hành động “phản bội” của Mỹ.

Joost Hiltermann, Giám đốc Chương trình Trung Đông của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế, dự đoán những rắc rối có thể nảy sinh. Tình hình tại khu vực phía bắc Syria liên tục có những diễn biến mới trong suốt năm vừa qua, với các hoạt động phức tạp đan xen của các nhóm bán quân sự và nhiều lực lượng khác nhau.

Kẹt trong mớ bòng bong này là các binh sĩ Mỹ, với số lượng ước tính vào khoảng 2.000 người, lực lượng ban đầu được triển khai với mục tiêu ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của IS. Tuy nhiên, có một thực tế là quân đội Mỹ còn phải gánh vác một trọng trách khác là kiềm chế nguy cơ xung đột giữa người Kurd và lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tờ Military Times, việc Mỹ rút quân khỏi Syria vô hình trung sẽ trao lại quyền kiểm soát khu vực cho Thổ Nhĩ Kỳ, giải quyết căng thẳng giữa hai đồng minh NATO. Tuy nhiên, sự ra đi này sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ từ bỏ người Kurd, lực lượng đã đóng vai trò hỗ trợ chính trong chiến dịch trên bộ đánh bại IS.

Tham vọng xây dựng “caliphate” - một vương quốc Hồi giáo của IS - đã bị đập tan, song tổ chức cực đoan và khủng bố này có thể tái tập hợp và trỗi dậy bất kỳ lúc nào.

Còn theo CNN, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga hay Iran đang là những nước hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định rút quân này. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin, ngay lập tức trên truyền hình, đã tỏ thái độ ngờ vực về tuyên bố này của ông Trump và cho biết, Nga chưa nhận thấy động thái nào cho thấy một cuộc rút quân thực sự.

Trong khi đó, Anh khẳng định IS vẫn tiếp tục là một sự đe dọa cho dù lực lượng này không còn trấn giữ một vùng lãnh thổ nào tại Syria. Quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Anh ông Tobias Ellwood cho rằng, IS đang biến thể thành các hình dạng cực đoan khác và mối đe dọa của nhóm này vẫn rất hiện hữu. Theo một số báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc, Lầu Năm Góc và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược, IS vẫn còn khoảng 20.000 - 30.000 tay súng ở Iraq và Syria và đang “ẩn mình” trong một vỏ bọc mới.

Một tay súng IS từng hoạt động tại Syria trả lời phỏng vấn tờ The New York Times qua WhatsApp còn cảnh báo về một chiến lược “mưa dầm thấm lâu” và khẳng định IS sẽ quay lại khi liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu chấm dứt các cuộc không kích. Tên này khẳng định IS vẫn hiện diện tại Syria, thậm chí tại nơi mà nhiều người tưởng rằng lực lượng này đã bị đánh bật, với nhiều thành viên cực đoan sẵn sàng thực hiện các vụ đánh bom liều chết khi được yêu cầu.

Hoa Huyền
.
.