Bất ổn vùng Vịnh: Chiến tranh chỉ là lựa chọn cuối cùng
Iran quyết vững vàng
Phát biểu với quốc dân trên sóng truyền hình, ngày 23-9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ một lần nữa nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran cho thấy chính sách gây sức ép tối đa của Washington đã thất bại. Tổng thống Rouhani nhấn mạnh việc Mỹ tiếp tục trừng phạt các thể chế và tổ chức vốn đã nằm trong danh sách trừng phạt cho thấy "sự tuyệt vọng hoàn toàn" của Mỹ cũng như chiến lược "gây sức ép tối đa" của Washington đã thất bại và đất nước Iran "đã phản kháng thành công".
Tuyên bố của ông Rouhani được đưa ra sau khi Mỹ ngày 20-9 vừa qua đã áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với một số thể chế của Iran, trong đó có Ngân hàng Trung ương Iran vốn đã bị trừng phạt trước đó sau vụ tấn công các cơ sở lọc dầu hôm 14-9.
Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 23-9 cũng cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công hôm 14-9, đồng thời cho biết nước này sẽ hợp tác với Mỹ và các đồng minh châu Âu nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Vùng Vịnh. Đáp lại, trong tuyên bố đưa ra cũng ngày 23-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho rằng thay vì thực hiện các nỗ lực vô ích chống Iran, Chính phủ Anh cần ngừng bán vũ khí sát thương cho Saudi Arabia.
Phát biểu hôm 22-9 tại lễ diễu binh kỷ niệm cuộc chiến tranh Iran - Iraq, Tổng thống Rouhani khẳng định sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài "luôn đem tới sự đau khổ", "logic của Vùng Vịnh là an ninh đến từ nội tại". Ông kêu gọi các lực lượng nước ngoài "hãy tránh xa" Vùng Vịnh và "không nên biến khu vực này thành một cuộc chạy đua vũ trang".
Tuy nhiên, Tổng thống Iran cũng nhắc tới một lối thoát cho căng thẳng hiện nay, ông nói: "Trong thời khắc lịch sử nhạy cảm và quan trọng này, chúng tôi thông báo với các nước láng giềng rằng chúng tôi chìa cánh tay của bạn hữu và anh em với họ".
Trên mạng Twitter, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng thông báo việc Tổng thống Rouhani trình chi tiết bản kế hoạch "Nỗ lực vì hòa bình cho Hormuz" tại kỳ họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ), khai mạc ngày 23-9. Theo kế hoạch, bên lề sự kiện, Tổng thống Rouhani sẽ gặp Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cùng các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Nhật Bản.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Iran có thể gặp Mỹ theo thể thức "5+1", nhấn mạnh các cuộc tiếp xúc song phương là bất khả thi. Ngoại trưởng Zarif cũng cho rằng Iraq, Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Oman và Kuwait nên tham gia một liên minh an ninh Vịnh Persia mà Iran sẽ đề xuất tại kỳ họp của ĐHĐ LHQ lần thứ 74. Theo ông Zarif, các nước này dự kiến sẽ hợp tác dưới sự bảo trợ của LHQ.
Iran cáo buộc các lực lượng nước ngoài gây bất ổn vùng Vịnh. |
“Lên gân” rồi chùng xuống
Nếu đúng Tehran đứng đằng sau vụ tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Saudi Arabia hồi cuối tuần trước thì họ đã đẩy các đối thù tiềm tàng trên khắp Trung Đông vào thế khó chịu và bất lợi.
Tuy nhiên, dù tuyên bố mạnh miệng, Riyadh không mấy tỏ ra hào hứng về việc trả đũa Iran bởi họ dường như đang ngày một sa lầy vào cuộc chiến hỗn loạn đầy tranh cãi tại Yemen và họ cũng như Washington, không muốn có thêm bất ổn ở Vùng Vịnh.
Về khía cạnh đảm bảo nguồn cung dầu mỏ, mặc dù Saudi Arabia vẫn sản xuất 10% cho nguồn cung dầu của thế giới, song Mỹ hiện vẫn là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới và sự phụ thuộc của nước này vào lượng dầu nhập khẩu từ Saudi đã giảm đáng kể, giảm 50% chỉ riêng trong 2 năm qua. Mặc dù giá dầu có tăng đôi chút sau cuộc tấn công vào cuối tuần trước, song thị trường dầu toàn cầu đã không xảy ra sự hoảng loạn.
Một biểu hiện cụ thể là đến nay, thiệt hại tới các cơ sở vật chất của công ty dầu Aramco dường như khá hạn chế và giới chức Saudi Arabia cho biết toàn bộ hoạt động sản xuất sẽ nhanh chóng được nối lại. Có thể nói việc bảo vệ các mỏ dầu của Saudi Arabia là một vấn đề lớn cho chính vương quốc này trong khi với Mỹ, đó không phải là nhu cầu chiến lược như trước đây.
Thế giới đang trải qua thời điểm rất quan trọng, khi mà cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc tại nhiều điểm nóng trên khắp toàn cầu đẩy các mâu thuẫn âm ỉ ở khu vực bùng phát. Bất kỳ nước đi sai lầm nào cũng có thể gây ra những hậu quả tai hại. Phát động một cuộc chiến tranh trong khu vực sẽ mở “chiếc hộp Pandora” và dẫn đến những rủi ro kinh tế và rủi ro chiến lược chưa từng có.
Nhiều nhà quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sử dụng chiến lược “câu giờ” bằng cách cử Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Trước đây, một cuộc tấn công có quy mô như vậy nhằm vào đồng minh thân cận của Mỹ có thể khiến Washington ngay lập tức phát động chiến dịch quân sự thậm chí không cần bất kỳ bằng chứng nào.
Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi và ông Trump cũng không phải là một tổng thống có suy nghĩ trực diện như vậy. Thái độ thận trọng của ông Trump phản ánh tình thế “tiến thoái lưỡng nan” mà ông phải đối mặt. Trên thực tế, ông không muốn tham gia vào một cuộc xung đột quân sự khác ở Trung Đông nhưng cũng không muốn tỏ ra là một nhà lãnh đạo yếu đuối.
Nếu như đã không có mong muốn tiến hành hành động quân sự chống Iran, việc thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao dường như là lựa chọn duy nhất của Mỹ và đồng minh châu Âu vốn vẫn đang nỗ lực duy trì các lựa chọn đó. Một động thái đáng chú ý về mặt nhân sự là Cố vấn an ninh quốc gia mới của ông Trump, người từng là nhà đàm phán con tin của Mỹ - ông Robert O'Brien - có lý lịch hoàn toàn khác với ông John Bolton, một đại biểu của phe "Diều hâu".
Hơn nữa, cuộc bầu cử Mỹ chỉ còn chưa đầy một năm nữa sẽ diễn ra và vào thời điểm đó, ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm sẽ muốn nổi danh là người ngăn chặn chiến tranh hơn là kích động cuộc chiến.