Bầu cử Nga có bị phá hoại ngầm?

Thứ Hai, 19/03/2018, 10:16
Trong bối cảnh Nga bị hàng loạt nước phương Tây hơn một năm qua cáo buộc can thiệp vào các cuộc bầu cử của họ (mặc dù không có bằng chứng rõ ràng) thì nay liệu họ có để yên cho Nga tiến hành cuộc bầu cử tổng thống, diễn ra vào ngày 18-3-2018?

Một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố ngày 13-3-2018, khẳng định đã không tìm thấy bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Nga “thông đồng” với ê-kíp của ứng cử viên Donald Trump, trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 2016.

Theo AFP, Ủy ban Tình báo Hạ viện, với phe Cộng hòa chiếm đa số, tuy thừa nhận rằng trong hai năm 2015-2016 đã có nhiều cuộc tấn công tin tặc của Nga nhắm vào các định chế chính trị của Mỹ, đặc biệt thông qua các mạng xã hội, nhưng khẳng định không hề có dấu hiệu về việc chính quyền Putin hậu thuẫn ứng cử viên Donald Trump chống lại đối thủ Hillary Clinton, như kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ hồi tháng 1-2017.

Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ đã khuấy động chính trường Mỹ trong suốt hơn một năm qua. Thậm chí một số nước phương Tây khác như Pháp, Đức và Anh cũng cáo buộc Nga can thiệp các cuộc bầu cử của họ. Nhưng cho đến giờ phút này không có bất kỳ nước nào đưa ra được bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào cho những cáo buộc của họ.

Trong bối cảnh sự nghi kỵ của các nước phương Tây đang ở cao trào, cuộc bầu cử tổng thống ở Nga năm nay khó mà tránh được những đòn trả đũa. Ngày 13-3-2018, tờ Independent của Anh đưa tin, truyền thông nhà nước Nga đã cáo buộc Anh định sử dụng cái chết của cựu đại tá tình báo Nga Sergey Skripal để “can thiệp” vào cuộc bầu cử Tổng thống Nga diễn ra cuối tuần này. Một số phương tiện truyền thông nhà nước Nga cho rằng cáo buộc của Anh nhằm vào Nga là một “nỗ lực của một chính phủ nước ngoài nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, ngày 5-3, cho biết có những cố gắng của phía Mỹ để can thiệp vào quá trình trước bầu cử ở Nga.

Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Điện Kremlin tuyên bố sẽ không đáp ứng “tối hậu thư” của bà Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu Nga thừa nhận việc đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái của ông này là Yulia, hoặc thừa nhận mất khả năng kiểm soát một loại vũ khí hóa học chưa được khai báo.

Trong khi đó, ngày 5-3-2018, trang Sputnik của Nga dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cho biết có những cố gắng của phía Hoa Kỳ để can thiệp vào quá trình trước bầu cử ở Nga. Tờ báo dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tại cuộc họp của Ủy ban lâm thời thuộc Hội đồng Liên bang Nga về bảo vệ chủ quyền quốc gia và ngăn chặn can thiệp vào công việc nội bộ của Nga, nói: “Đã ghi nhận hoạt tính đặc biệt cố gắng can thiệp vào quá trình nội bộ của chúng tôi trong những năm gần đây, nổi rõ trong quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử tổng thống, cũng như bầu chọn Duma Quốc gia của Hội đồng Liên bang. Những nỗ lực như vậy bộc lộ rõ cả trong quá trình vận động tranh cử hiện tại ở Nga”.

Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh: “Bộ Ngoại giao Nga nhận thấy những cố gắng như vậy. Tất nhiên cả những cơ cấu khác của chúng tôi cũng theo dõi chặt chẽ”. Đây là lần thứ hai chỉ trong chưa đầy một tháng qua, ông Ryabkov chỉ đích danh Mỹ đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Nga. Ngày 21-2, ông Ryabkov cũng đã cáo buộc Mỹ âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và làm gia tăng căng thẳng quan hệ song phương trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Nga, đồng thời cho biết Nga không loại trừ khả năng có các biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt tiềm tàng của Mỹ chống lại các công dân Nga khi cáo buộc họ âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016.

Trước đó nữa, Thứ trưởng Ryabkov từng khẳng định, Moskva tin rằng, Mỹ sẽ tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Nga sắp tới. “Không thể nghi ngờ rằng việc đó sẽ xảy ra. Chúng tôi đã quen với việc can thiệp của Mỹ (vào bầu cử của Nga) và đã học cách để sống chung với điều đó và cả việc nghe trộm điện thoại của các cơ quan tình báo Mỹ”, ông Ryabkov nói.

Trong một báo cáo về an ninh mạng công bố ngày 20-2, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev đã đưa ra cảnh báo rằng hệ thống bầu cử quốc gia của Nga có thể trở thành mục tiêu tấn công mạng trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Nga, đồng thời nêu ra những thiệt hại do các vụ tấn công mạng gây ra tại Nga trong năm ngoái và biện pháp đối phó với mối đe dọa này của Chính phủ Nga.

Hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin xuất hiện trên đường phố trước thềm bầu cử Nga vào ngày 18-3.

Theo Hội đồng An ninh quốc gia Nga, trong năm ngoái, tin tặc đã tấn công hơn 500.000 máy tính tại Nga, trong đó nhiều máy tính bị nhiễm mã độc trong 3 vụ tấn công mạng bằng mã độc lớn hồi năm ngoái. Trước tình hình hiện nay, ông Patrushev yêu cầu bảo đảm tuân thủ nghiêm túc quy định về kết nối các nguồn thông tin và cơ sở hạ tầng quan trọng với mạng lưới máy tính công cộng, trước hết là mạng Internet. Ông nhấn mạnh cần đặc biệt chú ý đến các vấn đề liên quan đến quyền bầu cử của công dân và an ninh xã hội trong chiến dịch bầu cử.

Ngày 5-3, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban xây dựng nhà nước và pháp luật của Duma Quốc gia Nga, ông Vyacheslav Lysakov phát biểu với Sputnik rằng án tù chung thân hoặc tử hình dành cho người nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử tại Liên bang Nga là hình phạt chưa thích đáng.

Trước đó, người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia về công việc với Cộng đồng các quốc gia độc lập, hội nhập Âu-Á và liên hệ với đồng bào ở nước ngoài, ông Leonid Kalashnikov chia sẻ với Sputnik rằng sự can thiệp của người nước ngoài vào cuộc bầu cử tại Liên bang Nga nên bị trừng phạt bằng thời hạn giam giữ tối đa hoặc án tử hình.

Liên quan tới kết quả cuộc bầu cử sắp tới tại Nga, ngày 14-3, Ella Pamfilova, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử trung ương Nga, sẽ hủy kết quả bầu cử Tổng thống Nga khi phát hiện thấy nhân vật chiến thắng trong bầu cử có các tài khoản nước ngoài không đóng kín. Tình huống tương tự ở ứng viên thua cuộc sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình bầu cử, việc đó sẽ được phân xử  bằng luật thuế.

Phát biểu của bà Pamfilova được đưa ra khi bình luận về tình hình với tài khoản nước ngoài của ứng viên Pavel Grudinin. Cách đây ít ngày, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga nhận được thông tin từ Cơ quan Thuế Liên bang cho biết rằng vào thời điểm xin tranh cử ông Grudinin có 13 tài khoản ở Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử Trung ương  tuyên bố rằng Ủy ban này không có cơ sở để xem xét hủy bỏ đăng ký ứng viên, vì việc xét duyệt dựa theo hồ sơ mang chữ ký của đương sự và bản tuyên bố nộp khi đăng ký, cam đoan rằng ông này không sở hữu những công cụ tài chính ở nước ngoài.

M.T. (tổng hợp)
.
.