Bầu cử Quốc hội Nga: Bản lĩnh của Tổng thống Dmitry Medvedev

Thứ Tư, 07/09/2011, 18:30

Quyết định hôm 29/8 của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho tiến hành bầu cử Duma quốc gia Nga vào ngày 4/12 chính thức mở màn cho cuộc vận động tranh cử lập pháp và hành pháp bởi tháng 3/2012 sẽ có kỳ bầu cử tổng thống.

Bầu cử Duma quốc gia lần này báo hiệu sẽ không gay cấn gì vì đảng “Nước Nga thống nhất” gần như chắc chắn sẽ lại giành được đa số tuyệt đối. Tuy nhiên, thú vị hơn sẽ là cuộc bầu cử tổng thống vì cho đến nay vẫn chưa ai biết được ông Medvedev hay ông Putin sẽ ra tranh cử tổng thống.

Chiến dịch tranh cử vào Hạ viện Duma Nga đã được phát động. Lần đầu tiên, Viện Duma quốc gia sẽ được bầu cho 5 năm. Đây là lần thứ hai và cuối cùng để có thành phần đại diện đầy đủ trong Quốc hội, các đảng phái chính trị phải vượt qua ngưỡng 7% phiếu bầu. Tuy nhiên, trong các cuộc bầu cử lần này, cuộc cải cách hệ thống chính trị ở Nga đã tạo cơ hội cho những chính đảng nhỏ thể hiện mình và có đại diện trong Quốc hội. Rõ ràng, chiến dịch tranh cử sẽ không có vẻ lặp lại nhàm chán.

Tổng thống Medvedev kêu gọi các đảng phái chính trị, trong chiến dịch bầu cử, không sử dụng bất kỳ cuộc tranh luận nào, có khả năng kích động xung đột sắc tộc. "Cần thiết phải loại bỏ những nỗ lực gây kích động xung đột giữa các sắc tộc. Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận. Cũng như đối với bất kỳ sự kêu gọi những hành động bất hợp pháp nào" - người đứng đầu Nhà nước Nga đề nghị các lãnh đạo đảng -  "Đây không còn là lời yêu cầu, mà là sự đòi hỏi quán triệt từ tôi" - ông bổ sung thêm. "Những âm mưu và xúi giục mang tính chất được nêu sẽ bị ngăn chặn một cách mạnh mẽ nhất, còn những người có hành vi như vậy phải bị trừng phạt" - ông Medvedev nói.

Tổng thống Nga hy vọng rằng, thành phần viện Duma quốc gia tương lai sẽ phản ánh rõ ràng sự lựa chọn chính trị của đông đảo người Nga. Theo lời Tổng thống Nga, để đạt mục tiêu này nhất thiết phải áp dụng những biện pháp đổi mới, được thử nghiệm qua những cuộc bầu cử những năm gần đây.

Tham gia bầu cử sẽ có 7 chính đảng đã chính thức đăng ký. Ngoài bộ tứ nghị viện gồm "Nước Nga thống nhất", đảng Cộng sản Nga, đảng Dân chủ tự do và đảng "Nước Nga công bằng" có truyền thống tranh ghế trong Quốc hội, ba đảng là Yabloko, "Những người yêu nước Nga" và "Sự nghiệp chính nghĩa" cũng thể hiện sự phấn đấu rõ rệt. Như vậy, Hạ viện Quốc hội Nga khóa 6 sắp tới có thể có nhiều đại diện. Nguyên nhân ở đây là do hạ thấp mức hạn chế về bầu cử. Xin nhắc lại rằng, trong cuộc bầu cử Duma sắp tới, mức quy định 7% được duy trì, nhưng các chính đảng có được 6% số phiếu sẽ nhận được hai ghế trong nghị viện hoặc một ghế cho 5% phiếu bầu cử tri.

Theo ông Vyacheslav Nikonov, Giám đốc Quỹ Chính trị Nga, một trong những yếu tố chính đáng quan tâm của chiến dịch tranh cử là đảng "Nước Nga thống nhất" sẽ bảo vệ được vị trí của họ trong Viện Duma Quốc gia: "Đảng "Nước Nga thống nhất" đã định vị như một đảng bảo thủ duy trì các nguyên tắc dân chủ xã hội truyền thống châu âu, có lẽ giống với nền dân chủ Thiên Chúa giáo. Nói chung, đảng này hướng tới toàn dân. Trong trường hợp đó, hầu hết hoạt động của đảng "Nước Nga thống nhất" chủ yếu hướng tới các tầng lớp nhân dân thực sự tham gia quá trình thực thi quyền lực trong nước. Đó là đảng ủng hộ nền kinh tế thị trường do chính phủ điều hành, ủng hộ một nước Nga với tư cách là một trung tâm độc lập trong thế giới hiện đại và là một trong các cực của một thế giới đa cực".

Tổng thống Medvedev trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây.

Đối với đảng Cộng sản, chỉ số uy tín của đảng này đang ổn định và chiếm khoảng 18% số phiếu cử tri, nhưng thành phần cử tri tiềm năng dường như được thay đổi. Chủ tịch Viện Chiến lược quốc gia Mikhail Remizov nhận xét: "Tầng lớp cử tri của đảng Cộng sản ngày càng trở nên đa dạng. Đây không chỉ là những người về hưu hoài nhớ thời Liên Xô cũ. Trong số các cử tri tiềm năng của họ có "những người bất bình mới". Số lượng lớn lá phiếu của những người không hài lòng với chế độ đang chuyển sang ủng hộ đảng Cộng sản, vốn đang giữ vị trí đảng đối lập chính, được thể hiện trong bảng xếp hạng của nó".

Hiện giờ tất cả các đảng đều chuẩn bị cho cuộc đại hội gần như đồng thời vào tháng 9. Tại các đại hội đó, danh sách đề cử sẽ được thông qua. Các chuyên gia lưu ý rằng cuộc bầu cử Duma sẽ là một kiểu "bầu cử sơ bộ" dưới ánh sáng cuộc bầu cử tổng thống Nga sắp tới. Nước Nga sẽ bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống trong tháng 12 năm nay.

Ngay khi ông Medvedev lên làm Tổng thống, báo giới phương Tây đã bình luận rằng ông chỉ là “cái bóng”, “vật thế thân”… cho ông Putin chuẩn bị trở lại nắm quyền. Sự suy đoán này ngày càng có những minh chứng khá rõ. Chẳng thế mà trong tất cả các cuộc phỏng vấn của truyền thông phương Tây nhằm vào hai ông Putin và Medvedev thời gian gần đây, cánh phóng viên đều xoáy vào chủ đề cuộc bầu cử tổng thống Nga sắp tới.

Vào ngày làm việc cuối cùng của Diễn đàn kinh tế Saint-Peterburg, Tổng thống Nga Medvedev đã trả lời cuộc phỏng vấn dài cho báo Financial Times. Câu hỏi chính trong  cuộc phỏng vấn này không lấy gì làm độc đáo và đã được đặt ra rất nhiều lần đối với Tổng thống Nga. Đó là kế hoạch sắp tới trong cuộc tranh cử năm 2012 cũng như khả năng tồn tại những bất đồng nào đó giữa bộ đôi quyền lực. Mặc dù tìm mọi cách để dẫn ông Medvedev tới câu trả lời "có" hoặc "không", các nhà báo Anh vẫn chỉ nhận được lời đáp: chưa tới thời điểm để ra một tuyên bố dứt khoát. Tuy nhiên, nguyên thủ Nga thừa nhận rằng, ông mong được thực hiện đến cùng những công việc đã khởi đầu và thay đổi diện mạo quen thuộc của nước Nga.

Tại Saint Petersburg, ban đầu câu hỏi này được bàn luận bên lề Diễn đàn kinh tế, sau đó dõng dạc vang lên từ bục phát biểu và còn được nhắc lại trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn của tờ Financial Times. ông Dmitry Medvedev thừa nhận rằng, ông hiểu thấu nguyên nhân sự băn khoăn của các doanh nhân Nga cũng như nước ngoài: "Theo tôi, tất cả chúng ta, từ Tổng thống, Chính phủ cho đến Quốc hội phải làm tất cả những gì phụ thuộc vào mình để những yếu tố có tính chất chưa rõ ràng như vậy không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Đâu là sự khác biệt giữa nền kinh tế hiện đại, phát triển với đang phát triển? Khi mà nền kinh tế của Nga vẫn đang ở giai đoạn đang phát triển, sự khác nhau là ở chỗ, những biến động quyền lực: ai được đặt vào vị trí nào, ai thắng cử, ai bị loại, nhìn chung không tác động mạnh đến môi trường đầu tư. Nói cho cùng, việc ai trở thành Thủ tướng Anh cũng thế thôi? Hay cũng như ai sẽ là Tổng thống Mỹ. Môi trường đầu tư, thị trường ngoại hối của các nước này dao động với mức độ nhỏ, chẳng hạn, trước chiến thắng của đảng Bảo thủ hay Công đảng, hoặc việc quyền lực nghiêng về đảng Cộng hòa hay phe Dân chủ".

Đúng là giữa Tổng thống và Thủ tướng Nga vẫn tồn tại những quan điểm và cách tiếp cận khác nhau về giải pháp cho nhiều vấn đề. Nhưng theo giới bình luận, đó là biểu hiện bình thường, không hề có cơ sở để nói tới bất đồng chính kiến. Nguyên thủ Nga cũng cho biết, sự tham gia của cả ông và Thủ tướng Putin vào cuộc tranh cử năm 2012 là điều không khả dĩ: "Tôi nghĩ, các vị cũng biết đó là điều rất khó hình dung ít nhất bởi một nguyên nhân. Tôi và ông Vladimir Putin (đồng nghiệp và bạn hữu của tôi) ở một mức độ đáng kể đều đại diện cho cùng một thế lực chính trị. ở đây, sự cạnh tranh lẫn nhau có thể tác động tiêu cực tới chính những nhiệm vụ và mục tiêu mà chúng tôi thực hiện trong những năm qua. Bởi vậy, đó không phải là một kịch bản hiệu quả nhất cho đất nước cũng như tình hình hiện nay".

Tổng thống Nga cũng không giấu rằng, ông không phản đối việc mình ở lại điện Kremli thêm một nhiệm kỳ. ông Medvedev ghi nhận: "Mỗi nhà lãnh đạo ở cương vị Tổng thống đều muốn tiếp tục một nhiệm kỳ mới". Đó là nhằm hoàn thành những công việc được họ bắt đầu. Tổng thống Nga đương nhiệm cũng có không ít kế hoạch, và chúng đều đòi hỏi nhiều năm tháng lao động bền bỉ

M.T. (tổng hợp)
.
.