Bầu cử Quốc hội ở Nhật Bản: Ưu thế thuộc về Thủ tướng Junichiro Koizumi

Thứ Hai, 12/09/2005, 10:53

8h sáng 11/9, cuộc chạy đua vào Quốc hội Nhật Bản đã bắt đầu với việc 103 triệu cử tri đi bỏ phiếu bầu các nghị sĩ Hạ viện. Khoảng 1.131 ứng cử viên tham gia tranh cử cho 480 ghế trong Hạ viện. Không khí căng thẳng, náo nhiệt ở khắp nơi bởi lẽ cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 44 này sẽ quyết định sự thành bại của đương kim Thủ tướng Junichiro Koizumi.

Vài tiếng trước giờ bỏ phiếu, đảng Dân chủ tự do của ông Junichiro Koizumi (LDP) và đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) vẫn "hăng say" với chiến dịch vận động tranh cử của mình, tranh thủ những giờ phút cuối cùng để lấy lòng cử tri. Tờ Yomiuri cho biết, số cử tri tham gia bầu cử lần này đã tăng 32% so với cuộc bầu cử cách đây 2 năm (khoảng 8,36 triệu người không đi bầu). Đây là một điều đáng mừng và nó chứng tỏ người dân Nhật Bản bắt đầu quan tâm hơn đến hệ thống chính trị của nước mình.

Cuộc bầu cử trước thời hạn ở Nhật Bản bắt nguồn từ lời kêu gọi của Thủ tướng Junichiro Koizumi sau khi Quốc hội bỏ phiếu phản đối dự thảo cải cách bưu điện do chính ông nêu ra, trong đó đề nghị trao 3 tỷ USD cổ phần vào tay tư nhân để tạo sức cạnh tranh lành mạnh. Không chịu lùi bước trước thách thức và nhằm thể hiện quyết tâm cải tổ ngành bưu điện đồ sộ với tổng số tài sản trị giá 3.200 tỷ USD, ông Junichiro Koizumi đã chấp nhận đánh "canh bạc sự nghiệp" của mình.

Một số chủ đề chính trong cuộc tranh cử

Cải tổ bưu điện: LDP muốn đến năm 2017 đã hoàn thành việc tư nhân hoá bưu điện, chia hệ thống này thành các công ty tư nhân chuyển phát thư, ngân hàng và bảo hiểm.

Hệ thống trợ cấp lương hưu: Hệ thống trợ cấp lương hưu Nhật Bản đang gặp phải vấn đề là dân số nước này phần đông là người già và không đủ lực lượng lao động trẻ. Ông Junichiro Koizumi đề xuất không tăng thuế trong khi đảng đối lập lại muốn tăng mức thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%.

Chính sách đối ngoại: LDP kêu gọi mở rộng liên minh Nhật - Mỹ, trong khi phe đối lập muốn tăng cường hợp tác ở khu vực châu Á.

Giới phân tích nhận định, cá tính liều lĩnh, táo bạo của Thủ tướng một phần đã khiến cho dân chúng thấy sự cần thiết phải cải tổ ngành bưu điện, nơi tập trung 25.000 văn phòng và 260.000 nhân viên để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản. Chả thế mà ngay khi bị thất bại trong cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội, chỉ số người ủng hộ ông Junichiro Koizumi đã xuống ở mức thấp nhất. Thế nhưng, chỉ một tuần sau đó, số người ủng hộ Thủ tướng ngày càng gia tăng. Theo con số thăm dò dư luận của Asahi Shimbun đưa ra chiều 10/9, hiện số cử tri ủng hộ LDP là 36% (cao hơn nhiều so với 16% người ủng hộ DPJ). Các cuộc thăm dò khác cũng cho thấy 30% người được hỏi cảm thấy hài lòng với đường lối lãnh đạo của đảng cầm quyền và chỉ có 19% người phản đối.

Năm nay 63 tuổi, Thủ tướng Junichiro Koizumi lên cầm quyền năm 2001 và được mệnh danh là vị Thủ tướng gần dân nhất trong suốt mấy thập kỷ qua. Vẻ ngoài lịch lãm cùng cá tính "quân phiệt" của ông đôi khi khiến nhiều người khó chịu nhưng lại nhận được sự ủng hộ của phần đông dân chúng. Những chính sách kinh tế, chính trị mà ông Junichiro Koizumi đưa ra trong suốt 4 năm cầm quyền vừa qua đã đẩy nền kinh tế Nhật Bản vốn đang ì ạch, nhích dần từng bước, tăng trưởng nhanh; giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp; mang lại một đời sống an lành cho dân chúng.

Vì vậy, theo giới phân tích nhận định, thất bại của Thủ tướng trong Quốc hội không có gì đáng nghiêm trọng và ông Junichiro Koizumi đã đi nước cờ khôn khéo khi kêu gọi bầu cử Hạ viện sớm. Với những thành tích đã đạt được, với khả năng thuyết phục cử tri và sự gợi mở một tương lại sáng lạn cho Nhật Bản, ông Junichiro Koizumi vẫn trở thành ứng cử viên chưa có đối thủ trong cuộc chạy đua vào Quốc hội

 

Huyền Chi
.
.