Bầu cử Tổng thống Pháp: Bất lợi lớn đối với ông Sarkozy

Thứ Sáu, 27/04/2012, 20:40

Các kết quả sơ bộ từ vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra hôm 22/4 cho thấy lần đầu tiên kể từ khi nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp ra đời (1958), đương kim Tổng thống đã thất bại ngay từ vòng 1 cuộc bầu cử. Gom tất cả những dữ liệu phân tích, người ta vẫn thấy rất ít hy vọng để ông Sarkozy lật ngược thế cờ ở vòng 2, kể cả khi ông có được sự ủng hộ của tất cả cử tri từng ủng hộ đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) ở vòng 1.

Theo kết quả thăm dò cử tri tại các phòng bỏ phiếu, ứng cử viên đảng Xã hội Pháp Francois Hollande đã giành được lợi thế dẫn đầu với 28,8% phiếu bầu, về nhì là đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy, với 27%. Như vậy, có thể thấy ông Sarkozy đã thất bại tại vòng 1 cuộc bầu cử, và điều này không khiến nhiều người bất ngờ bởi người ta đã có thể dự báo trước.

Đáng ngạc nhiên nhất chính là trường hợp thăng tiến mạnh của ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen, con gái nhà sáng lập đảng FN Jean-Marie Le Pen, với 18% phiếu bầu sau vòng 1. Tại vòng 1 cuộc bầu cử năm 2002, ông Le Pen đã từng gây sốc trên chính trường Pháp và cả châu Âu khi giành được tỷ lệ ủng hộ kỷ lục là 16,7% và cùng ông Jacque Chirac bước vào vòng 2. Lần này, con gái ông tuy vượt qua kỷ lục phiếu bầu của cha nhưng không thể vào vòng 2. Các ứng cử viên cánh tả còn lại lần lượt đạt 9,1% và 11,1%.

Nhìn vào kết quả trên, nhiều nhà phân tích đưa ra nhận định rằng, hy vọng của ông Sarkozy là rất mong manh. Muốn có hy vọng giành ưu thế trước ông Hollande ở vòng 2, ít nhất ông Sarkozy phải nhận được toàn bộ tỷ lệ ủng hộ của cử tri đảng cực hữu FN, nhưng thực tế điều này không hề dễ, bởi ngay cả nhiều cử tri cực hữu cũng không ưa thích ông Sarkozy và đã bỏ phiếu chống lại ông ở vòng 1. "Tôi nghĩ Sarkozy thế là hết" - phát biểu của nhà sáng lập đảng FN Jean-Marie Le Pen trên kênh truyền France 2 tối chủ nhật 22/4. Nhiều ý kiến khác cũng đồng ý với ông Le Pen khi nhận định về cơ hội của ông Sarkozy ở vòng 2.

Tuy nhiên, mọi dự báo ai là người chiến thắng sau ngày 6/5 tới đều có thể là quá sớm, bởi mỗi ứng cử viên đều còn thời gian và cơ hội vận động cử tri như nhau. Hiện tại, Chủ tịch đảng FN Marine Le Pen chưa quyết định ủng hộ ai, do đó cũng chưa đưa ra lời kêu gọi cử tri ủng hộ ai; phải chờ đến ngày 1/5, bà Marine Le Pen mới chính thức công bố.

Ngoài đảng FN, ông Sarkozy còn hy vọng vào cử tri ủng hộ các ứng cử viên các đảng nhỏ khác, và để giành được lá phiếu của các cử tri này, Sarkozy buộc phải tiến hành một chiến dịch vận động hiệu quả. Nhưng trước mắt mọi người đều thấy hầu như toàn bộ cử tri theo các ứng cử viên đảng cánh tả khác sẽ ủng hộ ông Hollande, và việc có đến trên 80% cử tri đi bỏ phiếu cho thấy tỉ lệ cử tri "không biết theo ai" là không nhiều, nghĩa là cơ hội vận động cử tri tự do của ông Sarkozy cũng không nhiều. Trong khi đó, việc ông Sarkozy cố gắng lôi kéo các cử tri cực hữu bài ngoại, chống Hồi giáo, chống châu Âu đã khiến cho một bộ phận cử tri truyền thống quay lưng lại với ông.

Hôm 23/4, ông Sarkozy đã đưa ra lời thách đố cùng ông Hollande tranh luận 3 buổi trên truyền hình để "phân thắng bại", nhưng ông Hollande đã bác bỏ lời đề nghị này, quyết tâm bảo lưu 1 buổi tranh luận như truyền thống.

Hollande - Sarkozy, ai sẽ mỉm cười chiến thắng sau ngày 6/5?

Phân tích về nguyên nhân thất bại của ông Sarkozy, nhiều nhà phân tích cho rằng, trước hết do cử tri "trừng phạt" ông Sarkozy bởi những chính sách và phong cách điều hành đất nước của ông. Ông Sarkozy thường bị phe đối lập và cả một số người "phe mình" phê phán vì cách ông thúc đẩy thông qua các chính sách một cách quá "thô bạo". Thế nhưng khi kết quả thực hiện các chính sách đó không như tính toán hoặc cho kết quả trái ngược thì ông thường thay đổi quan điểm hoặc nói ngược lại. Điều này tạo nên hình ảnh một Tổng thống thiếu tầm nhìn và bất nhất.

Nắm gần như toàn bộ quyền hành trong tay, nhưng ông lại còn "đổ lỗi" cho chính phủ của vị thủ tướng dưới quyền vốn không có mấy quyền hành và ít được quyền trực tiếp điều hành đất nước, do vậy mà đánh mất luôn những đồng minh chung vai chia sẻ khó khăn trong giai đoạn hiện nay, khi mà nền kinh tế nước Pháp đang trì trệ, thất nghiệp gia tăng và việc áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng để chống khủng hoảng đang khiến cho cử tri oán trách.

Gần đây nhất, việc Tổng thống Sarkozy kết hợp quá chặt chẽ với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong vấn đề giải quyết khủng hoảng nợ công châu Âu đã làm cho một bộ phận người Pháp bị chạm tự ái dân tộc, và người ta kết tội ông Sarkozy đã khiến cho nước Pháp phải "theo đuôi Đức". Như một sự châm biếm, trong khi ông Sarkozy chạy đi lo chuyện của nước khác (giải cứu Hy Lạp, Italia,…) thì ngay chính bản thân nền kinh tế Pháp cũng bắt đầu có dấu hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng, uy tín tín dụng bị đe dọa tụt giảm, thất nghiệp gia tăng, đời sống người dân gặp khó khăn,…

Trong khi bực mình, chán ngán kiểu điều hành đất nước của ông Sarkozy, thì người dân Pháp lại thấy xuất hiện một Hollande tiêu biểu cho sự thay thế hợp lý, với những chính sách mới và lời hứa hẹn thay đổi, hấp dẫn hơn. Hơn thế, trong suốt thời gian vận động tranh cử và cả sau khi có kết quả sơ bộ vòng 1, Hollande luôn tỏ ra là một nhân tố của sự đoàn kết, thống nhất, của ổn định và chắc chắn. Hollande là sự đối nghịch với phong cách ngạo mạn, hung hăng nhiều khi đến thô bạo của Sarkozy. Nhiều cử tri đã nói với báo chí ngay sau khi bỏ phiếu rằng, họ chọn ông Hollande vì hy vọng vào những chính sách thay đổi của ông, hoặc đơn giản vì không còn muốn ông Sarkozy ngồi trong Điện Elysée nữa.

Giới phân tích đặt vấn đề: Nếu ông Hollande giành chiến thắng sau ngày 6/5, cục diện chính trị Pháp sẽ thay đổi cơ bản, và sẽ có ảnh hưởng nhất định đến các chính sách của Liên minh châu Âu, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn đang hoành hành tại đây. Hollande vốn là người chống lại việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng. Ông không phủ nhận sự cần thiết của một chính sách như thế, nhưng chống lại việc áp dụng quá triệt để làm mất hết những cơ hội đầu tư phát triển, từ đó khiến cho nền kinh tế vốn đã khó khăn càng trở nên yếu đuối, què quặt, tuy có thể chặn được đà thâm hụt ngân sách nhưng khả năng hồi phục tăng trưởng kinh tế rất khó khăn.

Ông Hollande mạnh dạn tuyên bố, (nếu thắng cử), ông sẽ thay đổi, định hướng lại cách giải quyết khủng hoảng của châu Âu "theo hướng tăng trưởng và tạo ra công ăn việc làm". Vì thế, châu Âu đang hồi hộp ngóng chờ ai sẽ lãnh đạo nước Pháp sau ngày 6/5

Văn Trương (tổng hợp)
.
.