Bầu cử quốc hội Nhật: Sẽ không có đổi ngôi

Chủ Nhật, 11/09/2005, 11:23
Thủ tướng Junichiro Koizumi đã chơi một nước cờ mạo hiểm khi giải tán Quốc hội (ngày 8/8/2005) và tổ chức bầu cử sớm (sau khi Thượng viện bác bỏ dự luật tư nhân hóa ngành bưu điện). Cuộc bầu cử sớm cũng là dịp để Thủ tướng Koizumi kiểm chứng mức độ tin cậy và ủng hộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông...

Nhìn lướt cục diện hơn một tuần trước ngày bầu cử, có thể thấy đảng đối lập Dân chủ Nhật Bản (DPJ) khó có thể đảo ngược tình thế và lật đổ LDP của ông Junichiro Koizumi. Theo nhật báo Nihon Keizai Shimbun, tổ chức đại diện doanh nghiệp Nhật Nippon Keidanren đã kêu gọi hơn 1.600 thành viên ủng hộ LDP. Kyodo News tái khẳng định rằng, Chủ tịch Nippon Keidanren - Hiroshi Okuda (Chủ tịch Hãng Toyota) - đã cam kết theo LDP đến cùng. Đối thủ chính của LDP là DPJ với thủ lĩnh Katsuya Okada. Tuy nhiên, ngay cả Okada cũng không tự tin "so kiếm" với ông Koizumi và cho rằng DPJ có thể chỉ giành chừng 150 trong 480 ghế.

Theo thăm dò của tờ Asahi, LDP và liên minh New Komeito có thể giành được 250 ghế hoặc ít nhất 240. Dẫu thế nào, cũng cần khảo sát về sự khác biệt trong chính sách của DPJ và LDP. Về tổng thể, như bình luận của nhà phân tích chính trị Hisane Masaki trên Asia Times, LDP đặt quan hệ Nhật - Mỹ lên hàng đầu; việc cải thiện ngoại giao với Trung Quốc và Hàn Quốc được xếp sau. Trong khi đó, DPJ xem quan hệ châu Á là số một và bang giao Mỹ là thứ yếu. DPJ đặc biệt nhấn mạnh quan hệ với Trung Quốc, đồng thời yêu cầu xem xét lại một số hiệp ước song phương với Washington, trong đó có Hiệp định quy chế lực lượng quân sự (SOFA - cho phép Mỹ đóng quân ở Nhật). Cựu Chủ tịch DPJ Naoto Kan từng kêu gọi Mỹ rút quân khỏi các căn cứ Nhật (chẳng hạn Okinawa) và DPJ nhiều lần từng nói rằng việc Tokyo gửi lính Nhật sang Iraq là điều bất hợp lý. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, DPJ không hẳn chống Mỹ (theo cách như Đức hoặc Pháp). Tháng 7/2004, Chủ tịch DPJ Katsuya Okada từng sang Mỹ (chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ khi nhậm chức lãnh đạo DPJ).

Thật ra vấn đề không thuần túy chống Mỹ hay khuyến khích bang giao tốt hơn với láng giềng châu Á. Việc Thủ tướng Junichiro Koizumi được ủng hộ từ giới doanh nghiệp là dấu chỉ rõ nhất cho sự hài lòng về chính sách kinh tế thành công của Nội các ông Koizumi. Sau nhiều năm giậm chân tại chỗ, kinh tế Nhật đã bùng nổ vài năm trở lại đây. Một trong những yếu tố giúp hồi phục kinh tế là sự giảm thiểu chi tiêu công trình công cộng. Ngân sách cho công trình công cộng đã giảm trung bình 6%/năm từ khi Thủ tướng Junichiro Koizumi nhậm chức năm 2001. Giới ngân hàng cũng đáp ứng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Heizo Takenaka việc hạn chế nợ quá hạn còn 1/2 vào trước năm 2005. Nợ quá hạn tại 7 tập đoàn ngân hàng lớn nhất Nhật là 132 tỉ USD (tính đến ngày 30/9/2003), giảm 13% trong 6 tháng. Cùng lúc, Chính phủ cũng giải quyết suôn sẻ vụ phá sản Resona Holdings (ngân hàng lớn thứ 5 Nhật) và quốc hữu hóa Ngân hàng Ashikaga Bank vào năm 2003. Trong khi đó, nhiều công ty làm mạnh chính sách tái cấu trúc, giúp bộ máy công ty tinh gọn và hiệu quả.

Theo Hãng Kiểm toán Merrill Lynch, năm 2003, các đại công ty Nhật đã thanh lý gần 50 tỉ USD trị giá tài sản không hữu dụng. Hajime Sawabe - Tổng giám đốc điều hành của Hãng Sản xuất phụ tùng điện tử TDK - cho biết trong hai năm qua, công ty ông đã đóng cửa 10 nhà máy khắp thế giới, sa thải 8.000 công nhân và giảm hàng tồn kho khoảng 1/2. Ba năm qua, Chủ tịch Kunio Nakamura (Hãng Matsushita) cũng đóng cửa hơn 20 nhà máy và giảm 20% lực lượng công nhân. Nhiều công ty khác cũng áp dụng chiến lược tương tự, từ Sony, Toshiba, Fujitsu, Komatsu đến Nippon Steel. Toàn cảnh, chiến lược tinh gọn đã giúp các công ty lớn nhất Nhật đạt lợi nhuận cao hơn 20% trong năm ngoái, so với đỉnh điểm tăng trưởng vào năm 1990. Thăm dò của tờ Nihon Keizei Shimbun cho biết thêm, hầu hết công ty lớn đều bày tỏ lạc quan.

Một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nữa là xuất khẩu. Vài năm gần đây, xuất khẩu đã đóng góp đến 1/2 tổng tăng trưởng GDP Nhật. Và phát triển mạnh nhất vẫn là lĩnh vực sở trường của Nhật: điện tử. Nhìn chung, công nghiệp điện tử Nhật hiện đạt tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong ba năm, với sự hình thành 100 công ty mới hoặc mở rộng công ty trong năm ngoái. Từ năm 2002 đến 2003, tỉ lệ mua đất tại Nhật để mở công ty đã tăng 24,6%. Không chỉ các hàng hóa truyền thống như truyền hình, đầu máy DVD..., điện tử Nhật cũng đang đánh mạnh vào thị trường điện thoại di động (năng suất điện thoại di động tăng 28,8% năm 2003 - đóng góp 4,7% trong tổng suất lượng công nghiệp điện tử). Liên tục cải tiến là châm ngôn lâu nay trong làng công nghiệp điện tử Nhật và điều này tiếp tục được duy trì. Trong tương lai gần, công nghiệp điện tử sẽ tung ra sản phẩm cao cấp với kỹ thuật hiện đại nhưng giá rẻ. Tất nhiên vấn đề còn xuất phát từ chính sách.

Sau khi trở thành Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật cách đây hơn hai năm, Toshihiko Fukui đã thực hiện nhiều biện pháp chống lại dịch giảm phát kinh niên, trong đó có chính sách tạo thoải mái cho hoạt động tiền tệ (chẳng hạn mua cổ phiếu công ty) nhằm bôi trơn hệ thống kinh tế bằng tiền mặt. Ngoài ra, Chính phủ Nhật cũng bỏ ra 900 tỉ yên để mua USD nhằm duy trì đồng yen yếu, do đồng yen yếu hỗ trợ mạnh cho công nghiệp xuất khẩu Nhật nhờ có thể giảm giá hàng hóa Nhật ở thị trường nước ngoài...

Tất cả chi tiết trên cho thấy ông Koizumi (Thủ tướng thứ 34 của Nhật thời hậu chiến) đã và đang thật sự thành công. Cần nhấn mạnh, trừ 10 tháng trong năm 1993, LDP luôn nắm quyền lực tại Nhật suốt từ khi thành lập năm 1955 đến nay. Thanh thế và uy tín LDP cũng như cá nhân ông Koizumi đang ở đỉnh cao. Rất ít khả năng DPJ của ông Katsuya Okada có thể đảo lộn tình hình

M.Kim (Tổng hợp)
.
.