Bầu cử tổng thống Afghanistan: Vẫn sẽ là Hamid Karzai?

Thứ Năm, 13/08/2009, 06:45
Cuộc đua vận động tranh cử chiếc ghế tổng thống Afghanistan - ấn định vào ngày 20/8 tới - đã bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút. Các kết quả đánh giá sơ bộ đều cho thấy, ưu thế vẫn đang nghiêng về đương kim Tổng thống Hamid Karzai. Nhưng tất cả những động thái trên không có nghĩa cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Afghanistan không thể không có bất ngờ.

Ngoài việc phải cạnh tranh với một đối thủ nặng ký là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Abdullah Abdullah, ông Karzai còn phải đương đầu với những âm mưu chống phá của phe Taliban, khi tổ chức này kêu gọi người dân tẩy chay cuộc bầu cử.

Hôm 3/8/2009, thêm một ứng cử viên tổng thống nữa là Abdul Madzid Samim đã chính thức tuyên bố bỏ cuộc để ủng hộ cho đương kim Tổng thống Hamid Karzai. Trước đó không lâu, cũng đã có 2 ứng cử viên khác là Sayed Hashemi và Baz Muhammad Kufu cũng rời đường đua.

Đương kim Tổng thống Hamid Karzai và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Abdullah Abdullah.

Theo đánh giá, những người này do tự nhận thấy không có cơ hội thắng cử nên đã bỏ cuộc sớm để gia nhập vào liên minh của ứng cử viên sáng giá do mình ủng hộ, với hy vọng sẽ nhận được những vị trí chủ chốt trong chính phủ mới.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều đứng về phía Hamid Karzai, chẳng hạn như một ứng cử viên khác đã từ bỏ cuộc đua là Nasarullah Baryalai lại chuyển sang ủng hộ cho người được đánh giá là đối thủ chính của đương kim Tổng thống - cựu Bộ trưởng Ngoại giao Abdullah Abdullah.

Chiến dịch tranh cử tại Afghanistan hiện đã bước vào giai đoạn cao điểm. Tổng thống Karzai vừa có bước quan trọng củng cố ưu thế của mình vào tuần qua, khi tổ chức một cuộc mít tinh nằm ngoài thủ đô Kabul thu hút được hàng ngàn người, tại một ngôi làng ở tỉnh Baglan phía bắc Afghanistan có tình trạng an ninh tương đối tốt.

Trong cuộc mít tinh, ông Karzai đã tuyên bố rằng, kết quả chính trong những năm cầm quyền của mình là đã biến đổi đất nước trở thành "một ngôi nhà thực sự cho người dân Afghanistan" sau 30 năm chiến tranh và tàn sát lẫn nhau. Những mục tiêu tranh cử của ông Karzai tập trung ở 3 ưu tiên chính: hòa bình và thống nhất dân tộc, phát triển và cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế.

Ông Karzai còn cho biết, nếu tái đắc cử trong nhiệm kỳ mới sẽ tập trung nỗ lực đàm phán với thủ lĩnh các phe nhóm vũ trang đối lập. Theo lời ông, chiến tranh không thể là một phương pháp để giải quyết vấn đề. Ông Karzai kêu gọi thủ lĩnh Omar của phong trào Taliban và Gulbuddin Hekmatyar của đảng Hồi giáo Afghanistan cùng tham gia vào các cuộc bầu cử tổng thống và đại biểu hội đồng các tỉnh.

Đối thủ hàng đầu của ông Karzai là Abdullah Abdullah hôm 2/8 cũng tổ chức một cuộc mít tinh tranh cử tại sân vận động trung tâm của thủ đô Kabul, nhưng với quy mô khiêm tốn hơn (chỉ có khoảng 500 người tham dự). Trong phát biểu của mình, ông Abdullah kêu gọi người dân bỏ phiếu cho ông vì số phận của phụ nữ Afghanistan, đồng thời hứa hẹn sẽ ra sức bảo vệ quyền công dân của họ.

Sự thua kém của Abdullah trong đợt tranh cử cuối tuần qua không có nghĩa cuộc bầu cử sắp tới sẽ không thể có kịch tính. Ứng cử viên này trước đó đã tổ chức một vài cuộc mít tinh ngoài Kabul thu hút được hàng ngàn người tham dự. Những người dân tham dự các cuộc mít tinh này đều tuyên bố, họ sẽ bỏ phiếu cho Abdullah với hy vọng sẽ có nhiều thay đổi mới tốt đẹp hơn cho nhân dân.

Cần biết là bản thân Tổng thống Karzai, từng có uy tín cao cả trong lẫn ngoài nước, từ vài năm gần đây đã đánh mất đáng kể tỉ lệ ủng hộ vì căn bệnh tham nhũng trầm kha trong chính quyền, tình trạng bạo lực cũng như bùng phát của tệ nạn trồng và chế biến chất ma túy.

Có một vấn đề công luận quan tâm trong bối cảnh Afghanistan còn đang trong tình hình đầy bất ổn như hiện nay là, người chiến thắng và cả những người thất bại sẽ phản ứng như thế nào sau khi kết quả bầu cử được chính thức công bố.

Một trong những quan chức đại diện ban tham mưu tranh cử của Abdullah tuần trước đã tuyên bố, không loại trừ khả năng sẽ tổ chức những cuộc tuần hành phản đối trên đường phố nếu ứng cử viên của mình thất bại. Theo nhận định của ông này, chiến thắng của Hamid Karzai (nếu có) hoàn toàn có thể là kết quả của những trò gian lận bầu cử.

Trước đó không lâu, ủy ban tranh cử của Abdullah đã có kiến nghị chính thức lên Ủy ban giám sát tranh cử Afghanistan, trong đó khiếu nại hoạt động của đài truyền hình và phát thanh quốc gia, cho rằng những cơ quan này chỉ chủ yếu hoạt động tuyên truyền cho đương kim Tổng thống Hamid Karzai.

Thống kê cho thấy có tới 67% thời lượng phát sóng của truyền hình và phát thanh quốc gia là nhằm đưa tin về các hoạt động tranh cử của Karzai. Tỉ lệ này còn cao hơn nữa (70%) trong số các bài viết trên báo in của chính quyền.

Vào thời điểm chỉ còn hai tuần nữa trước khi bầu cử tổng thống, chính quyền Afghanistan đang triển khai những nỗ lực tối đa để đảm bảo kết quả không thể gây ra những nghi ngờ và thắc mắc cả trong lẫn ngoài nước. Báo chí địa phương cho biết, để thực hiện đúng thủ tục bầu cử đã có tới 3.000 con lừa để vận tải và phân phối phiếu bầu tới những khu vực khó tiếp cận nhất. Do có tính toán đến tình trạng có tới 70% người dân mù chữ, nên trên lá phiếu còn cho in những biểu tượng riêng dành cho từng ứng cử viên. Chẳng hạn như biểu tượng tranh cử của Hamid Karzai là con chim bồ câu, còn của Abdullah Abdullah là 3 chiếc ấm trà.

Phe Taliban sau khi kêu gọi người dân tẩy chay cuộc bầu cử, cũng bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động của mình nhằm phá hoại tiến trình dân chủ tại Afghanistan. Thủ đô Kabul vừa phải chịu một đợt bắn phá vào đêm và sáng sớm hôm 5/8, trong đó có một quả tên lửa nổ ngay bên cạnh Đại sứ quán Mỹ. Cũng trong ngày này tại tỉnh Zabul phía nam đất nước, một tên khủng bố liều chết đã cho nổ tung một quả bom ngay cạnh một chiếc xe cảnh sát là 5 người chết và 19 người bị thương

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.