Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM triển khai phương pháp điều trị viêm gân chi trên bằng sóng radio
Vừa qua, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM (CTCH TP HCM) đã triển khai phương pháp “Điều trị viêm gân chi trên bằng sóng radio”. Đây là một phương pháp điều trị tiên tiến, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Với phương pháp điều trị mới này, bệnh nhân sau điều trị một thời gian ngắn sẽ trở về trạng thái ổn định và khỏi hẳn. Đây thực sự là tin vui đối với những người chơi thể thao.
Chúng tôi đã trao đổi vấn đề nhiều bạn đọc quan tâm với bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Thái, Trưởng khoa Chi trên Bệnh viện CTCH TP HCM. Theo BS Thái thì bệnh viêm mỏm trên lồi cầu ngoài (LCN) còn được gọi là hội chứng Tenniselbow, tức là đau khuỷu của những người chơi tennis hay gặp nhất trong các trường hợp đau ở khuỷu tay. Đây là tình trạng viêm mãn tính của các cơ duỗi cổ tay và ngón tay do sử dụng quá mức cả về thời gian và cường độ. Theo thống kê có khoảng trên 50% bệnh này là của những người chơi tennis trên 30 tuổi. Thường là những người từ 35 đến 50 tuổi có kỹ thuật không cao, có cú đánh tay trái quá kém. Ngoài ra còn do vợt nặng, căng dây cứng, cầm vợt không đúng kỹ thuật, hay không khởi động đủ nóng trước khi chơi. Những người sử dụng đánh trái tay bằng một tay có nguy cơ bị viêm mỏm trên LCN nhiều hơn là người đánh bằng cả 2 tay. Ngoài chơi quần vợt thì người chơi bóng bàn, cầu lông cũng hay bị mắc. Những người làm việc dùng sức mạnh của cánh tay đập lên đập xuống nhiều, hay những chị em nội trợ cũng thường mắc căn bệnh này.
Triệu chứng của bệnh viêm mỏm trên LCN thường khởi đầu bằng những cơn đau không rõ ràng ở phía ngoài của khuỷu tay rất thầm lặng, sau một thời gian hoạt động quá sức sẽ tăng mạnh lên. Người bệnh có cơn đau với hoạt động thông thường như vặn tay nắm cửa, mở nắp lọ hay sử dụng máy vi tính. Đau ở đêm thì gặp ở những người mãn tính. Động tác nắm cứng bàn tay, gồng cứng với cổ tay duỗi sẽ rất đau ở phía ngoài của khuỷu. Khi đau cấp tính, người bệnh có thể không cầm nổi một cái chổi quét nhà hay không cầm được một ly nước trà...
Điều trị bệnh này lúc đầu thường có kết quả tốt, đó là nghỉ ngơi, uống thuốc kháng viêm trong giai đoạn cấp tính. Nếu điều trị bằng thuốc không giảm thì vấn đề chích kháng viêm tại chỗ sẽ rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc uống và chích thuốc chỉ làm giảm triệu chứng tạm thời chứ không phải là điều trị đặc hiệu. Nếu cứ chơi quần vợt trở lại, hay tiếp tục làm nặng thì cơn đau lại tái phát.
BS Nguyễn Văn Thái cho biết, khi điều trị bảo tồn thất bại thì vấn đề phẫu thuật được đặt ra. Có nhiều cách thức phẫu thuật để điều trị viên mỏm trên LCN như lấy bỏ tổ chức mô hạt, bóc vỏ xương mỏm trên LCN, khoan hay mài chảy máu ở xương tạo nên các gừng mạch máu sau đó khâu lại các gân dưới. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy kết quả tốt. Tuy vậy cũng còn một số thất bại do cắt bỏ không hết mô thoái hóa.
Gần đây do công nghệ y học phát triển, ở các nước tiên tiến đã dùng kỹ thuật điều trị viêm mỏm trên LCN bằng sóng radio cho kết quả rất tốt và các bệnh nhân chơi các môn thể thao dùng sức mạnh ở tay như quần vợt, cầu lông, bóng bàn đều chơi trở lại bình thường mà không đau. Đặc biệt là các vận động viên.
Ngày 8/10/2008 khoa Chi trên Bệnh viện CTCH TP HCM đã phối hợp với Công ty Trang thiết bị Thanh An - Hà Nội tổ chức lớp tập huấn về điều trị viêm gân ở vai và khuỷu tay bằng sóng radio với sự giúp đỡ của chuyên gia kỹ thuật và Giáo sư Denny-Lie người Singapore. Lớp tập huấn thu hút gần 100 bác sĩ ở các bệnh viện lớn trên cả nước tham dự. Trong đợt tập huấn này, các bác sĩ đã tham gia thực tập kỹ thuật điều trị viêm gân chi trên (khớp vai, khuỷu tay) bằng sóng radio trên mô hình và theo dõi mổ thị phạm, điều trị cho một bệnh nhân bị viêm mỏm trên LCN 2 năm đã uống thuốc và chích thuốc nhiều lần, bằng phương pháp điều trị mới này. Đây là ca mổ đầu tiên ở Việt Nam để điều trị bệnh viêm mỏm trên LCN bằng sóng radio và công nghệ được chuyển giao ở Bệnh viện CTCH TP HCM. Hiện tại Bệnh viện CTCH TP HCM đã triển khai, tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân bị viêm khớp vai.
Đây là một kỹ thuật mới dùng sóng radio để đốt các mô viêm nên không phải cắt mở gân, nạo xương như các phương pháp mổ cũ. Chỉ cần mở một đường mô nhỏ 2 đến 3cm ở ngay mỏm trên LCN bộc lộ rõ đầu các gân duỗi và dùng sóng radio đốt mô viêm. Thời gian mổ khoảng 15 đến 20 phút, sau mổ rất ít đau, bệnh nhân xuất viện trong ngày. Thường thì 2 đến 3 tuần sẽ hết đau hẳn và chơi thể thao lại được từ 2 đến 3 tháng.
Tổng chi phí cho mỗi ca chữa trị khoảng từ 8 đến 9 triệu đồng. So với giá điều trị ở các bệnh viện ở nước ngoài khoảng từ 5.000 - 7.000USD (chưa kể chi phí đi lại) thì mức giá này sẽ tiết kiệm cho bệnh nhân rất nhiều