Bộ Công an điều tra vụ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh
- Miễn phí xét nghiệm, điều trị cho học sinh nhiễm sán lợn
- Triệu tập một đối tượng tung tin thất thiệt về sán lợn ở Bắc Ninh
- Bồng bế con đội mưa rét đi xét nghiệm sán lợn từ tờ mờ sáng
Đến ngày 18-3, đã có gần 2.000 trẻ chủ yếu ở độ tuổi 1-3 tuổi ở Thuận Thành làm xét nghiệm, và phát hiện 209 trẻ dương tính với sán lợn. Bác sỹ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện đang huy động toàn bộ nhân viên Khoa xét nghiệm tiếp tục chạy các mẫu còn lại và tiếp tục chạy nhóm giun sán thứ 3 để đánh giá khả năng dương tính chéo của các loại ký sinh trùng trước khi đưa ra kết quả cuối cùng.
Mấy ngày qua, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương quá tải bệnh nhân đến làm xét nghiệm.
Các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm cho các cháu mầm non huyện Thuận Thành sáng 18-3. Ảnh: Công Phương. |
Trước tình hình trên, để thuận tiện cho các gia đình cũng như tránh gây hoang mang dư luận, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cùng huyện Thuận Thành phối hợp với Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương lấy mẫu xét nghiệm của học sinh 19 trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành nghi nhiễm sán lợn.
Việc lấy mẫu bắt đầu từ ngày 18-3 để chuyển lên Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương xét nghiệm. Chi phí xét nghiệm sẽ do tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ.
Chiều 18-3, ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đã thông tin về vấn đề này.
Ông Chiến dẫn lời GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: "Trường hợp một số trẻ ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn được nhận định là có "3 không": Đây không phải là ngộ độc thực phẩm - Không phải là dịch - Không phải là bệnh cấp tính. Sán lợn là bệnh chữa được, người dân không nên hoang mang, dao động. goài ra, ông Chiến cũng cho biết, chưa nên đổ lỗi cho cơ sở nào vì cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh và chưa có kết luận điều tra chính thức.
Theo GS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng (Trường Đại học Y Hà Nội), ăn phải sán lợn gạo thì chỉ từ 10 đến 15 ngày xét nghiệm máu bằng phương pháp ELISA là có thể phát hiện có dương tính với sán hay không. Nếu người bệnh dương tính với sán lợn thì cần uống thuốc theo bác sĩ kê đơn và khám lại sau một thời gian. Ở những trường hợp mới nhiễm sán thì việc điều trị đơn giản hơn những người bị sán lâu ngày.
Mặc dù ngày 18-3, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã lấy mẫu xét nghiệm sán cho trẻ mầm non ở 2 trường, nhưng vẫn có gần 1.000 trẻ nhiều lứa tuổi ở Thuận Thành lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương xét nghiệm sán.
TS Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương cho biết, trong ngày 18-3, có 726 trẻ ở rải rác một số xã của huyện Thuận Thành tới Viện xét nghiệm. Các mẫu xét nghiệm lấy tại Bắc Ninh trong ngày 18-3 cũng được đưa về Viện để chạy kết quả. Các bác sĩ Khoa xét nghiệm làm việc hết công suất, nhưng do mẫu xét nghiệm nhiều nên chưa thể có kết quả trong ngày, mà phải 2 ngày sau mới có.
Chiều 18-3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn tại một số địa phương.
Để chủ động phòng, chống bệnh này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế cử ngay đoàn công tác về Bắc Ninh và các tỉnh có phát hiện để chỉ đạo phòng, chống bệnh, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa; tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc kịp thời khám, điều trị cho người bệnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm, nhất là các cơ sở có bếp ăn cho học sinh và vệ sinh trường học; tuyên truyền, vận động học sinh và phụ huynh học sinh thực hiện ăn uống hợp vệ sinh và vệ sinh thân thể. Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra làm rõ thực phẩm bị nhiễm ấu trùng sán lợn tại Bắc Ninh.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trước nhu cầu khám xác định bệnh ấu trùng sán lợn tăng vọt, trong đó chủ yếu là từ các gia đình ở Bắc Ninh, các bác sĩ đã và đang tích cực khám, chẩn đoán phát hiện các triệu chứng, đánh giá các nguyên nhân, các yếu tố dịch tễ, tiền sử sử dụng các loại thức ăn bị ô nhiễm, làm xét nghiệm và tiến hành các phân tích để có chẩn đoán.
Cũng theo Cục Y tế dự phòng, để tìm ra nguyên nhân trẻ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh, việc chẩn đoán hiện tại có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố, vì xét nghiệm ELISA kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó. Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác nguồn lây truyền, đường lây cần có các điều tra, đánh giá dịch tễ cẩn thận, rõ ràng, chính xác đảm bảo khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học.
Dự kiến Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương sẽ cử đoàn chuyên gia về Thuận Thành điều tra dịch tễ học. Tuy nhiên, vì trẻ đến xét nghiệm đông nên chưa thể thực hiện ngay, bệnh viện cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể, khoa học để có đánh giá và thông tin cẩn trọng, đưa ra kết luận chính xác nhất.
Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đối với vụ việc xảy ra ở Trường mầm non Thanh Khương, cơ quan Công an đã xác định Công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành là đơn vị cung cấp thức ăn. Kiểm tra hồ sơ và các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc thực phẩm của công ty này thấy có một số vi phạm.
Cơ quan điều tra sẽ xác định vi phạm và xử lý nghiêm. Nguyên nhân khiến hàng loạt trẻ em nhiễm sán lợn đang được cơ quan Công an và Bộ Y tế làm rõ, trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Người dân tránh hoang mang và cần tìm hiểu về loại bệnh này để có kiến thức phòng ngừa cũng như phối hợp với bác sỹ điều trị cho con em mình.