Tổng thống tân cử Mỹ Barack Obama:

Bộ quốc phòng có 2 năm để đóng cửa nhà tù Guantanamo

Thứ Bảy, 27/12/2008, 17:00
Tổng thống tân cử Mỹ, Barack Obama chỉ định cho Bộ Quốc phòng trong thời hạn 2 năm phải đóng cửa nhà tù Guantanamo, một biểu tượng của những sai phạm an ninh nước Mỹ

Trả lời phỏng vấn một ngày sau khi được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm, Tổng thống tân cử Mỹ, Barack Obama tái khẳng định sẽ thay đổi căn bản chính sách ngoại giao của Mỹ sao cho đạt được một sự cân đối hài hòa nhất giữa an ninh Mỹ với việc tôn trọng hiến pháp nước này, đồng thời chỉ định cho Bộ Quốc phòng trong thời hạn 2 năm phải đóng cửa nhà tù Guantanamo, một biểu tượng của những sai phạm an ninh nước Mỹ.

Quyết định này cho thấy chính quyền mới muốn cấp bách giải quyết gánh nặng gây tranh cãi nhất của chính quyền tiền nhiệm và xây dựng lại hình ảnh của nước Mỹ trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc đóng cửa một nhà tù như Guantanamo lại không hề đơn giản như người ta tưởng.

Trước sức ép này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, được Tổng thống tân cử Obama giữ lại từ chính quyền tiền nhiệm, ngày 20/12 vừa qua cho biết, ông đang chỉ đạo thuộc cấp của mình soạn thảo kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo đầy tai tiếng này. Tuy nhiên, ông Gates cũng thừa nhận việc làm này không hề đơn giản vì gặp phải rất nhiều vấn đề về chính trị và pháp lý.

Tính hợp pháp của trung tâm giam giữ trên căn cứ hải quân của Mỹ tại Cuba, Guantanamo, nơi hiện còn giam giữ khoảng 250 tù nhân trên tổng số 800 người từng bị giam cầm tại đây, gây ra rất nhiều tranh cãi kể từ khi nó được mở tháng 1/2002.

Nhà tù Guantanamo - biểu tượng của những sai phạm an ninh nước Mỹ.

Dùng để giam giữ những phần tử bị Washington nghi ngờ có liên quan tới mạng lưới khủng bố Al-Qaeda hoặc Taliban, Guantanamo đã trở thành biểu tượng của những sai phạm trong cuộc chiến chống khủng bố do Tổng thống George W. Bush phát động sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ.

Trái ngược với mọi nguyên tắc của pháp luật Mỹ, những người tình nghi này bị giam giữ vô thời hạn và cũng không được đưa ra xét xử. Một khi bị một tòa án quân sự tuyên án là "chiến binh kẻ thù", họ chỉ có duy nhất một cơ hội kháng cáo lên Tòa án Liên bang Mỹ và điều này chỉ được thực hiện từ tháng 6/2008.

"Ngay cả quỷ dữ cũng không thể tạo ra một nơi như thế này" - Mustafa Ait Idir, 1 trong 5 cựu tù nhân người gốc Algéria vừa được thả khỏi Guantanamo theo một quyết định của luật pháp Mỹ, phát biểu với AFP. Idir khẳng định đã bị đánh đập và hỏi cung không dưới 500 lần trong suốt thời gian bị cầm tù, đó là chưa tính tới những lần bị xúc phạm tới gia đình, tôn giáo.

Cũng giống như Bộ trưởng Quốc phòng Gates, chính Tổng thống Bush cũng khẳng định từ nhiều tháng nay rằng, ông muốn đóng cửa nhà tù Guantanamo, nhưng chính quyền của ông chưa bao giờ thành công trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh từ việc đóng cửa này.

Theo Lầu Năm Góc, kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo của ông Robert Gates đồng thời cũng phải giải quyết luôn vấn đề giải thể các tòa án quân sự đặc biệt bị giới bảo vệ nhân quyền cho là bất hợp pháp, rồi vấn đề thành lập một hệ thống tư pháp mới trên đất Mỹ để giải quyết những tù nhân đã bị tuyên án hoặc trước khi bị kết tội bởi một  tòa án dân sự hoặc quân sự và vấn đề chuyển giao tù nhân cho một nước thứ ba hoặc trả những tù nhân còn lại về quê hương.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cũng để ngỏ khả năng Quốc hội Mỹ phải thông qua điều luật giải quyết những tù nhân được trả tự do nhưng không muốn ở lại đất Mỹ. "Một số cá nhân thực sự nguy hiểm và chúng tôi không muốn họ tới Mỹ. Hy vọng rằng các nước khác sẽ thấy những cá nhân này vô hại trên lãnh thổ của họ" - ông Robert Gates cho biết.

Hiện nay mới chỉ có Bồ Đào Nha tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận những cá nhân mà Mỹ cho là nguy hiểm. Ngoại trưởng Bồ Đào Nha, Luis Amado, phát biểu rằng, đất nước của ông sẵn sàng tiếp nhận một số ít những phần tử trên và yêu cầu các nước khác trong Liên minh châu Âu cũng nên nhận lấy một ít từ Mỹ.

Sở dĩ Mỹ muốn gửi những tù nhân sau khi được trả tự do từ Guantanamo sang một nước thứ 3 là do Lầu Năm Góc lo sợ rằng một khi họ gửi trả khoảng 60 tù nhân về lại quê hương như Tunisia, Libya, Algéria... rất có thể họ sẽ bị xử tử. Thực tế thì việc gửi trả các tù nhân này đã được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng trước.

Một vấn đề khác từng được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cho là khó khăn chính là việc giải quyết những phần tử nguy hiểm nhất đang bị giam giữ tại Guantanamo. Nhóm này hiện còn khoảng 20 người, trong số đó có tới 5 nhân vật đầu não gây ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Trong số những người này, một số đã bị quy kết là tội phạm chiến tranh, số khác hiện vẫn đang được các tòa án quân sự đặc biệt xét xử, hiện ông Obama đang muốn những tòa án này phải biến mất.

Việc chuyển giao các "đại" tù nhân này về nước Mỹ đang trở thành một vấn đề nan giải. Vì các phương pháp hỏi cung tù nhân mà Mỹ thực hiện tại nhà tù Guantanamo sẽ không được bất cứ tòa án dân sự hoặc thậm chí tòa quân sự bình thường nào khác ở Mỹ chấp nhận. Điều này đồng nghĩa là những tù nhân này sẽ được tha bổng. 

Mặt khác, giới phân tích cho rằng nếu Mỹ chuyển những tù nhân đặc biệt này vào Mỹ thì lại phải lập một nhà tù Guantanamo trên đất Mỹ và khi đó làn sóng phản đối không chỉ đến từ dư luận quốc tế. Một khả năng khác cũng được báo chí nước ngoài đặt nghi vấn là những phần tử mà nước Mỹ cho là nguy hiểm nhất hiện đang bị giam giữ tại Guantanamo rất có thể sẽ bị xử lý trong im lặng

Quốc Hùng (Tổng hợp)
.
.