Boris Yeltsin: Chọn đúng người kế vị

Thứ Tư, 25/04/2007, 09:15
Theo lời ông Yeltsin kể lại, ông thực sự để ý tới ông Putin khi ông Putin lãnh đạo Cục Kiểm soát của Văn phòng Tổng thống và đặc biệt là khi ông được cử làm Phó chánh Văn phòng thứ nhất phụ trách lĩnh vực tinh tế và dễ gây bùng nổ nhất - quan hệ với các chủ thể trong LB.

Theo Itar-TASS, vị Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, Boris Yeltsin, nắm quyền từ năm 1991 tới 1999, đột tử vì bệnh tim vào hồi 3h45' chiều giờ địa phương ngày 23/4 tại một bệnh viện ở Moskva. Tang lễ được tổ chức ngày 25/4.

Trong bài phát biểu đặc biệt trên truyền hình, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh: "Nhờ ý chí mạnh mẽ và những sáng kiến trực tiếp của ông Yeltsin, một thời đại mới đã được khởi xướng và nước Nga mới đã ra đời, một quốc gia tự do mở cửa với thế giới''. Ông Putin có lý do chính đáng để ca ngợi người tiền nhiệm vì chính nhờ có "con mắt xanh" của ông Yeltsin mà ông Putin mới có được vị trí như hiện nay và nước Nga mới đang có được một nhà lãnh đạo xứng đáng với uy lực và truyền thống của mình.

Tư liệu sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn hoàn cảnh và những nguyên nhân dẫn tới việc ông Putin được chọn làm Tổng thống Nga.

Theo một giả thuyết từng được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Nga, vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga thời "hậu Xôviết", Boris Yeltsin, biết tới Vladimir Putin lần đầu là vào năm 1994. Điều gây ấn tượng lớn nhất đối với ông chủ Điện Kremli lúc đó là thói quen đến muộn của vị Phó thị trưởng "kinh đô phương Bắc".

Trong một lần vị "trưởng lão" tới Saint Petersburg, đã diễn ra một cuộc trò chuyện tay ba giữa ông Yeltsin cùng Thủ tướng lúc đó là Victor Chernomyrdin với Thị trưởng Anatoly Sobtchak. Khi nói về hoạt động kinh tế ở địa phương, ông Chernomyrdin hỏi gì thì ông Sobtchak cũng bảo là không biết, phải chờ cấp phó của ông tới thì mới có số liệu cụ thể được.

Nhà lãnh đạo nội các Nga tỏ ra cáu kỉnh vì "đường đường một đấng" như ông lại phải chờ một Phó thị trưởng còn vô danh nào đó. Còn Thị trưởng Sobtchak thì lại bênh cán bộ của mình chằm chặp, bảo đấy là người tin cậy nhất mà ông có trong bộ máy chính quyền ở đây. Ông Sobtchak còn cam đoan rằng, cả ông Yelstin lẫn ông Chernomyrdin sẽ thích Phó thị trưởng Putin ngay khi gặp mặt trực tiếp.

Quả nhiên, khi ông Putin tới (muộn 15 phút!) thì cách làm việc chắc chắn, tin cậy của ông đã xóa tan đi ấn tượng khó chịu ban đầu. Đối với bất cứ câu hỏi nào của thượng cấp, ông Putin đều có ngay câu trả lời dung dị, rõ ràng...

Lần thứ hai ông Yeltsin biết tới ông Putin là trong một cuộc đi săn lợn rừng tại Saint Petersburg năm 1994. Sau khi tiễn nữ hoàng Anh Elizabeth rời khỏi nước Nga sang Phần Lan sau chuyến thăm chính thức của bà, ông Yeltsin nhận lời mời của Thị trưởng Saint Petersburg ở lại nghỉ ngơi.

Như thường lệ và theo đúng sở thích mu gích của Tổng thống Nga, một cuộc đi săn lợn rừng lớn đã được tổ chức. Trước khi khởi hành, mọi người cùng ngồi vào bàn ăn lót dạ ngoài trời. Đúng lúc đó đã xảy ra một tình huống oái oăm không lường trước được: Một chú lợn rừng khổng lồ bỗng từ đâu xuất hiện, đứng nhìn trừng trừng vào Tổng thống Nga.

Bị bất ngờ, ông Yeltsin luống cuống đánh rơi cả kính đeo mắt. Những người tùy tùng đổ xô xuống gầm bàn, nửa như vừa muốn trốn họa lợn rừng, nửa như muốn tìm kính cho Tổng thống. Mọi người đều hoảng loạn. Trong đám đông lúc đó chỉ có hai người còn giữ được bình tĩnh. Đó là Phó thị trưởng Vladimir Putin và một người cận vệ của Tổng thống.

Không biết bằng cách nào, ông Putin đã có súng trong tay và ông nhằm thẳng vào con lợn rừng bóp cò. Anh lính bảo vệ cũng kịp nổ súng. Các kiểm tra sau đó cho thấy, viên đạn trúng tim con lợn rừng làm nó chết ngay bay từ khẩu súng của Phó thị trưởng Putin... 

Khi ông Sobtchak bị thất cử vào mùa hè năm 1996, ông Putin, mặc dù được vị lãnh đạo mới đắc cử mời ở lại tiếp tục làm việc trên cương vị cũ (Phó thị trưởng) nhưng ông đã từ chối vì cho rằng mình phải chịu trách nhiệm chính trong thất bại cay đắng của ông thầy cũ.

Tuy vậy, ông lại ủng hộ hết lòng một số người từng là thuộc quyền của ông nhưng vẫn có ý định ở lại cộng tác với chính quyền mới vì theo ông, cần phải có các chuyên gia lo việc cho một thành phố lớn như Saint Petesburg. Nói chung, tính đồng đội nhân ái của vị Tổng thống tương lai đã được thể hiện rõ ngay từ khi ông còn trẻ. Ông thường nghiêm khắc với mình hơn với những người khác...

Tốt với bạn, bạn sẽ tốt với mình. Ngồi chơi xơi nước một thời gian ngắn, ông Putin được các bạn đồng nghiệp cũ, lúc đó đã khá "chắc chân" xung quanh Tổng thống Yeltsin mời lên Moskva. Người có công khá lớn để giúp ông được thuyên chuyển lên thủ đô là anh bạn đồng liêu Aleksei Kudrin, vốn cũng từng là Phó thị trưởng phụ trách về kinh tế và tài chính thời ông Sobtchak rồi được đưa lên Moskva làm Thứ trưởng Bộ Tài chính. Sau khi ông Putin làm chủ Điện Kremli, ông Kudrin lập tức trở thành Bộ trưởng Tài chính và ngồi chắc cho tới nay.

Chính ông Kudrin đã nói chuyện với Chánh Văn phòng Tổng thống đề nghị xếp cho người đồng hương đang thất nghiệp vào chân Vụ trưởng Vụ giao tiếp với công luận. Rồi sau đó, ông Putin lại được một người đồng hương khác giới thiệu vào chức Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài sản Văn phòng Tổng thống vào giữa năm 1996. Sự mẫn cán của ông dần dà giúp ông vào giữ các trọng trách mới như Cục trưởng Cục Kiểm soát (1997), Phó chánh Văn phòng thứ nhất (1998)...

Tại Điện Kremli, năng lực làm việc và lòng trung thành, tận tụy với các thủ trưởng của ông lại càng được đánh giá cao. Ông Putin nhanh chóng lấy được lòng tin của đội ngũ thân cận với Tổng thống.

Theo lời ông Yeltsin kể lại, ông thực sự để ý tới ông Putin khi ông lãnh đạo Cục Kiểm soát của Văn phòng Tổng thống và đặc biệt là khi ông được cử làm Phó chánh Văn phòng thứ nhất phụ trách lĩnh vực tinh tế và dễ gây bùng nổ nhất - quan hệ với các chủ thể trong LB. Chính trên cương vị đó mà ông Putin đã biết cách thiết lập các đầu mối công việc cần thiết với các thống đốc, các thủ lĩnh địa phương. Đôi khi do cấp trưởng đi vắng nên cấp phó phải đảm nhiệm việc tạm thời phụ trách Văn phòng Tổng thống. Và ông có thêm điều kiện tiếp xúc trực tiếp với vị "trưởng lão".

Ông Yeltsin kể lại: "Các bản báo cáo của Putin là mẫu mực của sự rõ ràng. Anh ấy cố gắng không "bày tỏ", như các vị Phó chánh văn phòng khác, tức là không diễn giải các quan niệm của mình về thế giới và nước Nga; dường như anh ấy đã cố gắng loại bỏ trong quan hệ giữa chúng tôi với nhau những yếu tố cá nhân. Nhưng cũng chính vì thế nên tôi lại muốn nói chuyện với anh ấy! Tôi rất kinh ngạc trước khả năng phản ứng tức thời nhanh như điện của Putin. Đôi khi các câu hỏi của tôi, ngay cả những câu giản đơn nhất, cũng có thể bắt người ta đỏ mặt và khó khăn tìm câu trả lời. Putin lại đối đáp được một cách bình tĩnh và tự nhiên tới mức, có cảm giác như chàng trai này, còn trẻ theo thước đo của tôi, sẵn sàng đón nhận tất cả mọi sự trên đời, hơn nữa, còn trả lời được một cách rõ ràng, mạch lạc".

Tại trại nghỉ ở Shuiskaia Trupa trong vùng Karelia, ngày 25/7/1998, ông Yeltsin đã bất ngờ ký quyết định bổ nhiệm ông Putin vào chức Giám đốc FSB rồi trao nó cho vị Thủ tướng lúc đó là Sergei Kirienko mang về đưa cho "khổ chủ". Lúc đầu, ông Putin không cảm thấy mừng vì bản tính vốn không thích lội một khúc sông hai lần trong đời. Ông quá thấm thía nỗi cực nhọc khó kể ra ngoài của công tác trong cơ quan an ninh.

Theo lời ông tâm sự, ông còn nhớ lúc còn trẻ, mỗi khi tới gần tòa nhà làm việc của KGB, ông đã có cảm giác như bị điện giật. Làm một cán bộ An ninh tức là phải chịu "kiêng cữ" rất nhiều điều vì cái gì cũng là bí mật cả. Thế nhưng, nhiệm vụ là nhiệm vụ, không thể nào chối từ. Và thói quen của ông Putin là, một khi đã nhận rồi thì làm cho tốt.

Tới tháng 3/1999, ông được cho kiêm luôn cả chức Thư ký Hội đồng An ninh LB Nga. Ông Yeltsin về sau nhận xét: "Putin không vội vã lao vào "nền chính trị lớn" nhưng cảm nhận thấy mối nguy hiểm tinh nhạy và mạnh mẽ hơn những người khác và luôn báo động trước cho tôi". Và sau khi thử gần hết các nhân vật thân cận và có máu mặt  vào  chức Thủ tướng mà vẫn không được như ý, ông Yeltsin bắt đầu đầu tư nhiều hơn cho vị Giám đốc trẻ của FSB.

Sau khi được đưa vào ghế Thủ tướng không lâu, ngày 31/12/1999, ông Putin được nhường luôn cho vai trò làm chủ Điện Kremli với những lời lẽ đầy cảm động. Ông Yeltsin trong bài phát biểu từ nhiệm đã xin lỗi người dân Nga vì "những mơ ước không trở thành sự thật" của họ trong thập niên đang qua, sau khi LB Xôviết tan vỡ: "Những gì chúng ta  nghĩ là dễ dàng hóa ra lại vô cùng khó khăn".

Sắc lệnh đầu tiên mà Quyền Tổng thống Putin ký ngày 31/12/1999 là cam kết để vị Tổng thống đầu tiên của LB Nga được miễn mọi trách nhiệm hình sự, sẽ không thể bị xét hỏi hay bắt giữ... Cũng ngay trong ngày hôm đó, ông  đã cho họp ngay chính phủ và khuyến cáo nội các nên tập trung vào các nhiệm vụ kinh tế - xã hội chứ không để cho bị lôi kéo vào cuộc vận động tranh cử...

Trong “Tự thuật”, ông Putin nói rằng, ông được đưa lên là do công việc chung cần phải như thế... Con gái ông Yeltsin, Tachyana Dyachenko, về sau cũng nói trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” rằng, Vladimir Putin là típ người "hoàn toàn không cầu cạnh những chức vụ mà cấp trên muốn mời ông đảm nhiệm".

Quả thực là không phải ai cũng có "con mắt xanh" tinh tường như Boris Yeltsin. Hoặc giả vị "trưởng lão" có một thính giác đặc biệt nhạy bén, tới mức phi phàm, để nhìn ra một thủ lĩnh mới cho nước Nga trong thế kỷ XXI ở một viên chức bề ngoài có vẻ bất cần danh vọng và phù hoa như Vladimir Putin lúc đó.

“Chính trị - đúng như nhà tài phiệt có đầu óc thông thái Boris Berezovsky từng nói - là nghệ thuật tạo ra cái có thể". Cứ thế, trong những điều kiện thuận lợi thiên tạo hoặc nhân tạo, từ không sẽ thành có ngay thôi, mặc cho các nhà thơ và những người ngoại đạo phải sửng sốt tự hỏi: "Xảy ra như thế nào?".

Trang sử mới đã tới cùng với nước Nga từ đó.

Việt Nam chia buồn sâu sắc với gia đình cựu Tổng thống LB Nga Boris Yeltsin

Ngày 24/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam khi nghe tin cựu Tổng thống LB Nga Boris Yeltsin qua đời, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng nói: "Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến cựu Tổng thống LB Nga Boris Yeltsin và nhân dân Nga. Việt Nam đánh giá cao những đóng góp tích cực của cựu Tổng thống Boris Yeltsin trong việc khôi phục và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và LB Nga"

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có bài phát biểu đặc biệt trên truyền hình, bày tỏ sự chia buồn sâu sắc đối với bà Naina Iosifovna và gia đình của ông Boris Yeltsin.

 

Ông Vladimir Putin cũng cho biết cựu Tổng thống Boris Yeltsin được mai táng tại nghĩa trang Novodevichye vào ngày 25/4. Bài phát biểu quốc gia trước Quốc hội Liên bang của Tổng thống Vladimir Putin cũng đã được dời từ thứ 4 (ngày 25/4) sang thứ năm (ngày 26/4).

.
.