Brazil: Những cam kết thay đổi trong lần thứ hai đăng quang của bà Rouseff

Thứ Năm, 06/11/2014, 06:40

Với hơn 99,7% số phiếu được kiểm, bà Dilma Rouseff, đương kim Tổng thống Brazil theo đường lối cánh tả và cũng là đại diện của đảng Lao động (PT) đã nhận được 51,6% sự ủng hộ của cử tri, vượt qua đối thủ Thượng nghị sĩ Aécio Neves của đảng Xã hội Dân chủ (PSDB) theo xu hướng trung hữu, với 48,4%, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2.

Chiến thắng của bà Rousseff được cho là sẽ giúp củng cố và mở rộng những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế song song với thực hiện công bằng xã hội mà PT đã đem lại cho đất nước hơn 200 triệu dân này, sau khi ông Luiz Inácio Lula da Silva lên cầm quyền hồi năm 2003.

Phát biểu trước những người ủng hộ, bà Rousseff cảm ơn người dân đã giúp bà có được chiến thắng này: “Cuộc bầu cử vòng hai là cải thiện các hành động của những người cầm quyền. Tôi biết đó là những gì mà người dân nói khi họ bầu ra một nhà lãnh đạo. Do đó, tại thời điểm này  tôi muốn trở thành một tổng thống tốt hơn so với trước đây”. Bà khẳng định cuộc bầu cử đã không chia rẽ đất nước như nhận định của một số nhà phân tích: “Dù họ có đưa ra những quan điểm đối lập song đều có cùng ước muốn vì một tương lai tốt đẹp hơn cho Brazil”.

Khác với nhiệm kỳ đầu tiên khi bà Dilma Rousseff dành ưu tiên cho các vấn đề xã hội, “người đàn bà thép” của Brazil cho biết, trong nhiệm kỳ thứ hai, cải cách chính trị sẽ được ưu tiên hàng đầu, đồng thời cam kết xóa bỏ nạn tham nhũng.

Đương kim Tổng thống Brazil Dilma Roussef mừng chiến thắng.

Kết quả bầu cử đã lật ngược thế cờ và một kết thúc có hậu cho một cuộc tranh cử hết sức gay cấn, căng thẳng, có cả những cáo buộc tham nhũng, những lời xúc phạm cá nhân và những màn giật gân khiến người hâm mộ bà Roussef phải thót tim; đã có lúc bà Roussef bị đối thủ dẫn trước trong các cuộc thăm dò cử tri khiến dư luận nghĩ đến một kết cục “bi đát” dành cho bà và đảng PT. Vì vậy, chiến thắng đó có thể nói không chỉ của riêng bà Roussef. Những người ủng hộ bà đã thở phào và yên tâm rằng điều họ mong muốn rốt cuộc đã được đáp ứng.

Thực ra, chiến thắng của bà Roussef đã phản ánh những thay đổi rộng rãi ở Brazil kể từ khi đảng Công nhân lên nắm quyền cách đây 12 năm, khi người tiền nhiệm của bà, ông Luiz Inacio Lula da Silva lần đầu được bầu làm Tổng thống. Lula da Silva rồi Dilma Roussef liên tiếp thực thi chính sách mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội, giúp cho hàng triệu người nghèo cải thiện cuộc sống. Sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng Brazil, nhất là đại bộ phận dân nghèo, dành cho chính sách an sinh xã hội đồng thời cũng là sự ủng hộ dành cho ông Lula da Silva và bà Roussef. Đây là chiếc phao giúp bà Roussef vượt qua đối thủ Neves.

Phát biểu trên truyền hình hôm 27/10, bà Roussef tuyên bố những thay đổi cụ thể trong chính sách điều hành đất nước sẽ được công bố vào tháng 11 tới, sau khi bà có những cuộc thảo luận, bàn bạc kỹ với các lãnh đạo tài chính và công nghiệp Brazil. Tổng thống Roussef nhấn mạnh, bà sẽ thay đổi tất cả, không bỏ qua một lĩnh vực nào, đặc biệt là sẽ cải tổ triệt để ngành thuế nhiều tai tiếng.

Thực hiện những cam kết thay đổi, bà Roussef phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Trước mắt là nhiệm vụ cải thiện “tình trạng sức khỏe” của nền kinh tế Brazil, vốn lâm vào tình trạng trì trệ trong suốt nhiệm kỳ đầu của bà, và chính nó đã làm xói mòn niềm tin của giới doanh nghiệp dành cho bà.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế José Francisco Lima Gonzalves của Ngân hàng Đầu tư Fator, nhiệm vụ trước mắt của Tổng thống Dilma Rousseff là phải lấy lại lòng tin đã đánh mất trong lĩnh vực kinh tế và “thách thức đầu tiên của bà sẽ phải thực hiện là thông báo ngay đường lối kinh tế và chi tiêu công”.

Ông Richard Lapper, chuyên gia phân tích của tờ LatAm Confidential – một bộ phận nghiên cứu của Financial Times thì nêu rõ, mặc dù Brazil vẫn đang thu hút được một lượng lớn đầu tư nước ngoài, nhưng “lòng tin của các công ty đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, các nhà doanh nghiệp và các nhà đầu tư đang cảm thấy không bằng lòng với chính sách của chính phủ: Tổng thống cần phải cấp bách xây dựng “cầu nối” trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, chính sách can thiệp vào các hoạt động kinh tế của đảng PT không hấp dẫn chút nào trong mắt các doanh nhân Brazil. Việc này không kích thích tăng trưởng và cải thiện khả năng cạnh tranh.

Bà Roussef cũng sẽ phải đối mặt với những vụ bê bối tham nhũng, cáo buộc rửa tiền tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của đảng PT; một cựu lãnh đạo tại Petrobras đã khai trước tòa rằng ông ta đã từng đút lót hối lộ cho đảng PT và một số đồng minh của đảng này. Trong khi tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp kỷ lục, mối bận tâm của công chúng sẽ dồn vào các vụ án tham nhũng, và điều này sẽ càng làm cho các vụ việc nghiêm trọng hơn.

Một bước đi quan trọng để cải thiện nền kinh tế đất nước là việc chọn ra Bộ trưởng Tài chính mới. Một bộ trưởng Tài chính thân thiện thị trường sẽ giúp làm mềm hóa một số chính sách của bà Roussef và giới doanh nghiệp sẽ ủng hộ bà nhiều hơn. Nhưng Roussef cũng bị áp lực từ trong nội bộ đảng PT là phải chọn người từ đảng này hoặc chí ít cũng đi theo quỹ đạo của đảng. Khó khăn này sẽ là thách thức khả năng cân bằng quyền lực của bà Roussef, quyết định sự thành bại trong nhiệm kỳ II của bà

Văn Trương - Khổng Hà (tổng hợp)
.
.