Brexit: Cả Anh và EU đều không có lợi!

Thứ Tư, 08/06/2016, 07:05
Mặc dù cộng đồng quốc tế và đặc biệt nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nỗ lực hết sức để thuyết phục Anh ở lại “ngôi nhà chung”, thậm chí EU còn đưa ra những nhượng bộ có phần ưu ái để giữ London ở lại, song kịch bản “xứ sở sương mù” ra khỏi EU (gọi là Brexit) không thể không tính đến khi tỷ lệ người ủng hộ ở lại và ra đi vào thời điểm 3 tuần trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân (23/6) dường như không có sự chênh lệch rõ rệt.

Những lời cảnh báo về mức độ thiệt hại kinh tế lúc này không chỉ dành cho nước Anh, chính châu Âu cũng phải tính đến “kế hoạch B”, một kịch bản dẫn tới sự xáo trộn trong một liên minh thiếu vắng tiếng nói của một thành viên vốn được coi là chủ chốt lâu nay.

Những dự đoán về Brexit

Đi hay ở lại EU, đó là câu hỏi người dân Anh phải trả lời vào ngày 23/6 tới. Song phần lớn giới phân tích cho rằng London thua thiệt nhiều hơn nếu đa số người dân Anh nghiêng về kịch bản Brexit. Cụ thể, GDP sẽ giảm từ 4-10% do thất thu về thương mại và tài chính. Gần 90% trong số 600 chuyên gia kinh tế được tham khảo ý kiến đều nói tới những tác động tai hại trong trường hợp đa số dân Anh đòi ra khỏi EU.

Theo kết quả thăm dò do Viện Ipsos-MORI công bố, chia tay EU, kinh tế Anh sẽ đổ dốc trong 5 năm tới. Kịch bản Brexit cũng sẽ đè nặng lên thu nhập của các hộ gia đình ở bên kia bờ biển Manche, thậm chí gia tăng áp lực lên thị trường lao động, và làm giảm giá đồng bảng Anh.

Theo cơ quan tư vấn kinh tế Price Water Coopers (PwC), kinh tế Anh sẽ bị thiệt hại đến 100 tỷ bảng - tương đương 5% GDP của nền kinh tế lớn thứ ba trong EU; gần 1 triệu người lao động mất việc làm do hàng trăm doanh nghiệp rời khỏi Vương quốc Anh.

Báo cáo của Chính phủ Anh công bố đầu tháng 4/2016 thậm chí còn cảnh báo quay lưng lại với EU, thu nhập của mỗi hộ gia đình sẽ giảm đi hơn 5.000 euro vào khoảng năm 2030, thâm hụt ngân sách nhà nước ước tính tăng thêm 45 tỷ euro trong 15 năm sắp tới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra kết luận rằng Brexit sẽ gây những hậu quả tai hại cho kinh tế Anh và gây xáo trộn cho các đối tác trong OECD nói chung, cho châu Âu nói riêng.

Giáo sư kinh tế Elie Cohen thuộc Học viện Khoa học Chính trị Paris, Sciences Po, nhấn mạnh đến ba yếu tố giải thích vì sao kinh tế Anh bị thiệt hại trong ngắn và trung hạn nếu như phe bài châu Âu thắng thế. Thứ nhất, không một báo cáo nào tin kịch bản Brexit sẽ có lợi cho kinh tế Anh nói riêng, cho EU nói chung. Cũng không một công trình nào công nhận các lập trường cho rằng, đứng ngoài EU, nước Anh sẽ tự do hơn để định đoạt về chính sách kinh tế, hay thương mại của mình.

Thứ hai, các nghiên cứu đều cho thấy tăng trưởng của Anh sẽ bị giảm trong trường hợp London tách khỏi EU bởi lẽ, nếu phe chống châu Âu thắng thế thì nước Anh sẽ phải mất 2 năm đàm phán lại với Brussels về những điều kiện để vẫn có thể tham gia khu vực tự do mậu dịch với 27 thành viên còn lại. Trong 2 năm đó, không có gì rõ ràng về vị trí của nước Anh đối với EU và do vậy đầu tư, các hoạt động tài chính, giao thương giữa EU với Anh sẽ bị giảm đi đáng kể.

Thủ tướng Anh vận động người dân bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU.

Vấn đề thứ ba là ngay trước mắt, nếu như kết quả trưng cầu dân ý cho thấy phe bài châu Âu thắng thế, thì lập tức giá đồng bảng Anh sẽ giảm mạnh, chỉ số chứng khoán của toàn khối sẽ mất từ 10 tới 15%. Như vậy, vai trò trọng yếu của khu tài chính City ở London, khu vực được mệnh danh là lá phổi tài chính châu Âu, mất đi lợi thế là cánh cổng kết nối thị trường thế giới với châu Âu.

Khi rời khỏi Brussels, nước Anh sẽ phải đàm phán lại với các đối tác châu Âu về điểm này. Do vậy, trưng cầu dân ý về câu hỏi đi hay ở lại châu Âu thuần túy là một vấn đề chính trị nội bộ của nước Anh, nhưng lại bắt cả châu Âu phải chú ý.

“Kế hoạch B” cho kịch bản Brexit

Trong những tuần gần đây, các nhà lãnh đạo châu Âu liên tiếp tiến hành các cuộc thảo luận kín về một liên minh trong tương lai không có Anh, trong đó bao gồm “Kế hoạch B” với trọng tâm là thắt chặt hợp tác quốc phòng và an ninh nếu Anh rời EU.

Thay vì thúc đẩy các nỗ lực hội nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande lại hướng tới việc làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng.

Tuy nhiên, trên hết là việc làm thế nào để đối phó với nguy cơ xáo trộn tài chính và chính trị trong trường hợp nước Anh bỏ phiếu rời EU. Theo kế hoạch, một hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của lãnh đạo 28 nước thành viên EU sẽ được triệu tập từ ngày 28 đến 29-6 tới để thảo luận về một liên minh thiếu Anh.

Một trong những lo ngại mà nhất giới chức châu Âu đặt ra là nguy cơ Brexit có thể lan sang các nước thành viên khác. Một quan chức Pháp lưu ý: “Đánh giá thấp hậu quả của việc Anh rời EU sẽ đặt châu Âu trước rủi ro”.

Một chính trị gia khác giữ vai trò nòng cốt trong việc thảo ra “Kế hoạch B” nhấn mạnh: “Để Brexit diễn ra thành công sẽ là dấu chấm hết cho EU. Điều này không thể xảy ra”. Tuy nhiên, Berlin bày tỏ lo ngại rằng thông điệp mạnh mẽ như thế sẽ chỉ làm tình trạng chia rẽ trong nội bộ EU thêm xấu đi.

Trong bối cảnh còn nhiều bất đồng giữa các nước thành viên EU liên quan đến “Brexit”, một chương trình nghị sự chung về vấn đề an ninh nội và ngoại khối giữ một vị trí nổi bật. Các lựa chọn được đưa ra cân nhắc bao gồm việc đẩy mạnh hợp tác tình báo và sử dụng các hiệp ước EU để tạo lập kế hoạch quốc phòng chung và chia sẻ thiết bị quân sự.

Berlin cũng ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng Italy Matteo Renzi về việc chia sẻ gánh nặng cũng như đưa ra một chính sách ngoại giao và quân sự chung ở Địa Trung Hải, vào thời điểm Italy là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng di cư.

Liên quan đến Eurozone, cả Pháp và Đức đều cho rằng bất kỳ cam kết nào làm sâu sắc thêm quan hệ trong khu vực đều diễn ra từng bước và từ từ, đặc biệt trước khi diễn ra các cuộc bầu cử tại cả hai nước này trong năm tới. Một nhà ngoại giao cấp cao EU nói rằng nếu Brexit xảy ra, các nước trong liên minh không có lựa chọn nào khác là phải xích lại gần nhau.

Các biện pháp tăng cường hội nhập trong Eurozone được đưa ra bao gồm từ việc tăng cường chia sẻ rủi ro trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính cho tới tập trung hóa quyền lực tài chính. Tuy nhiên, những ý tưởng này có phần nhạt dần do thiếu ý chí chính trị giữa các nước thành viên trong khối.

Mặc dù kế hoạch ngẫu nhiên phòng trường hợp Brexit đang được để trong “két an toàn” tại văn phòng EC, nhưng nó được đặt bên trên kế hoạch “Grexit” (khả năng Hy Lạp rời Eurozone).

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.