Brexit: “Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”

Thứ Tư, 22/08/2018, 16:00
Các cuộc đàm phán liên quan đến việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, cho dù đang gây mâu thuẫn trong nội bộ Vương quốc Anh và mâu thuẫn với EU, tuy nhiên người ta đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi một tài liệu tiết lộ 85% nội dung của thỏa thuận đã được hoàn tất.

Cả hai bên đều lo ngại rằng, những vấn đề khó khăn nếu không được giải quyết, khi Brexit sụp đổ, cả nước Anh và EU đều thiệt hại. Việc nhanh chóng rời đi giờ là yếu tố sống còn với cả hai.

Trong tuần qua, những thông tin giật gân về việc một triệu phú người Anh là Julian Dunkerton tuyên bố sẽ trao tặng 1 triệu bảng Anh để ủng hộ sáng kiến tổ chức trưng cầu ý dân lại về Brexit. Triệu phú Julian Dunkerton, tuyên bố sẽ tài trợ 1 triệu bảng Anh cho tổ chức “Lá phiếu của nhân dân” nhằm vận động tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân khác về Brexit. Và lần đầu tiên kể từ sau sự kiện Brexit, số lượng cử tri mong muốn tổ chức trưng cầu dân ý về các điều khoản cuối cùng của thỏa thuận Brexit đã vượt qua số cử tri nói không.

Cả nước Anh, EU đều đang bị mắc kẹt với các tiến trình chính trị và theo khung chính trị và pháp lý. Ảnh: EPA.

Nguy cơ về một nước Anh có thể “hỗn loạn” với tiến trình Brexit đã khiến EU đứng ngồi không yên. Từ khi bắt đầu các cuộc đàm phán về Brexit, các cuộc đàm phán đã đi theo chiều hướng quá quen thuộc. Châu Âu lên chương trình nghị sự, nước Anh thúc đẩy để châu Âu có những nhượng bộ hoặc đạt được thỏa thuận đặc biệt, trong khi cố gắng thực hiện được điều họ thực sự muốn. Châu Âu nói không và tỏ ra cứng rắn.

Nhưng giờ đây, với 85% nội dung của một thỏa thuận đã được hoàn tất và những vấn đề khó khăn nhất đang tồn tại, các quan chức EU lại bày tỏ sự lo ngại rằng Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May nếu bị chia rẽ và mong manh đến mức có thể sụp đổ, điều đó sẽ phá tan cơ hội đạt được một thỏa thuận, và điều này chắc chắn gây thiệt hại cho nền kinh tế các nước EU.

Chính những lo ngại này mà theo lời các quan chức cấp cao của EU, họ đang tìm cách ký một thỏa thuận về Brexit vào cuối năm nay để có thể phê chuẩn vào cuối tháng 3-2019, thời điểm Anh sẽ rời khỏi EU bất kể có đạt được thỏa thuận hay không. Nhưng một số vấn đề khó khăn nhất sẽ được để lại cho giai đoạn đàm phán “quá độ” dự kiến kéo dài thêm 19 tháng nữa, cho đến cuối năm 2020.

Các vấn đề lớn vẫn đang được giải quyết, trong đó vấn đề biên giới Ireland được đặt lên hàng đầu. Châu Âu cho biết họ có thể đồng ý với cách diễn đạt mơ hồ trong tuyên bố chính trị của thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU - cùng với những dòng “tiến tới đàm phán về quan hệ đối tác thân thiết nhất có thể”. Mục tiêu là làm giảm những tranh cãi chính trị trong nội bộ nước Anh về việc làm sao để giữ lời hứa không có đường biên giới cứng giữa Ireland, nước vẫn ở trong EU, và Bắc Ireland sẽ rời EU do Brexit.

Tân Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt mới đây đã có chuyến công du Bắc Âu để vận động hành lang cho lập trường của Anh, cảnh báo về một sự hỗn loạn nếu không đạt được thỏa thuận về Brexit, và thúc giục Brussels “thay đổi cách tiếp cận”.

Các nhà đàm phán của Anh và EU trong lần nhóm họp bất thường mới đây, đã khẳng định, điểm mấu chốt lớn là làm thế nào để xử lý các tranh cãi giữa Anh và EU, do bà May, bị thúc ép bởi những người ủng hộ tích cực Brexit, không muốn đưa bất cứ vấn đề nào của Anh ra Tòa dân sự tối cao châu Âu một khi nước này rời EU.

Nhưng vấn đề hóc búa nhất là bản chất của đường biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland, bởi vì quy chế của đường biên giới này phụ thuộc hoàn toàn vào một số thỏa thuận không chính thức về quan hệ thương mại trong tương lai giữa Anh và EU, hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Đáp lại, về phía Anh, Thủ tướng May đã ủng hộ khái niệm “khu vực thương mại tự do hàng hóa” - không bao gồm dịch vụ - có thể được thực hiện bởi điều mà bà gọi là một “thỏa thuận thuế quan thuận tiện”. Các quan chức châu Âu cho biết tuyên bố Chequers ít nhất đã làm rõ, lần đầu tiên, điều mà nước Anh mong muốn, ngay cả khi họ bác bỏ đề xuất về thuế quan của bà May.

Điều khó chịu, các nhà đàm phán của Anh không đề cập “quan hệ đối tác kinh tế” với EU như một phần của thị trường hàng hóa đơn lẻ. Châu Âu đã nói rõ rằng Anh không thể giữ lại những gì họ được hưởng với tư cách một thành viên trong EU mà không thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, đặc biệt là sự tự do lưu thông hàng hóa cũng như vốn, dịch vụ và nhân công.

Theo các quan chức EU, Anh đã không hiểu được rằng chính EU cảm thấy bị đe dọa từ bên ngoài như thế nào kể từ cuộc trưng cầu ý dân về Brexit - bởi những thách thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nga và một số nước lớn mới nổi, cũng như sự nổi lên của các nhà lãnh đạo ở châu Âu và những nhân vật theo chủ nghĩa dân túy nói chung, phần lớn là chống lại Brussels.

EU rõ ràng cần sự thỏa hiệp. Nếu một liên minh thuế quan chính thức là điều không thể thì giải pháp có thể là một thỏa thuận tự do thương mại với EU cho phép lưu thông hàng hóa không bị gây trở ngại qua biên giới giữa Anh và Ireland. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng một hiệp định thương mại tự do như vậy sẽ nhanh chóng đạt được. Thông thường các hiệp định như vậy phải mất nhiều năm đàm phán.

Cả Anh và EU đều đang bị mắc kẹt với các tiến trình chính trị trong nước và buộc phải tuân theo khung chính trị và pháp lý của họ để đảm bảo sự đoàn kết - điều vẫn được cho là quan trọng hơn nhiều so với những tác hại kinh tế từ một Brexit hỗn loạn.

Vấn đề càng trở nên khó khăn hơn khi một nhóm nhỏ những người theo đường lối cứng rắn quả quyết rằng họ thà không có thoả thuận hơn là có một thoả thuận tồi, dù biết chắc đây sẽ là thảm hoạ. EU giờ càng muốn Anh “rời đi” thật sớm để cả khu vực tránh được một sự hỗn loạn đã được trù tính.

Huyền Hoa
.
.