Brexit - Cuộc ra đi chưa thể dứt áo
Như vậy, sau 3 năm rưỡi kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về Brexit, Vương quốc Liên hiệp Anh sẽ không còn là quốc gia thành viên EU.
Cụ thể, với 621 phiếu thuận, 49 phiếu chống và 13 phiếu trắng, EP đã chính thức thông qua thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đàm phán với 27 nhà lãnh đạo EU khác vào mùa thu năm 2019, một quyết định quan trọng cuối cùng chấp thuận các điều khoản để Anh rời EU.
Mặc dù ủng hộ sự ra đi của Anh sau khi nước này trưng cầu dân ý hồi tháng 6-2016, song các nước EU đã chuẩn bị cho khả năng rằng các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới với Anh có thể sụp đổ vào cuối năm 2020 và kế hoạch về một Brexit không thỏa thuận cho một kết thúc hỗn loạn trong giai đoạn chuyển tiếp là điều cần thiết.
Giới phân tích cho rằng dù có tốt hay xấu, sự ra đi của Anh cũng để lại “khoảng trống” đối với một liên minh vững chãi như EU. Dù không còn tiếng nói trong việc đưa ra các chính sách, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói: “Chúng tôi sẽ luôn yêu quý các bạn và không bao giờ cách xa”. Song là quốc gia đầu tiên rời khỏi EU, đối với nhiều người châu Âu, thời điểm “xứ sở sương mù” chính thức ra đi sẽ là một khoảnh khắc buồn sâu thẳm, không chỉ khiến số lượng thành viên của khối giảm xuống còn 27 quốc gia, mà còn làm giảm 73 nghị sĩ Anh khỏi cơ quan lập pháp 751 ghế.
Nhà đàm phán của EP về vấn đề Brexit Guy Verhofstadt nói rằng “cuộc bỏ phiếu này không phải là một lời từ biệt” mà “chỉ là một lời chào tạm biệt”. Trong khi ông Nigel Farage, một người đã tham gia vận động cho Brexit suốt 2 thập kỷ qua cho rằng: “Mọi chuyện đã kết thúc”.
Hiện giờ, các cuộc đàm phán sẽ chuyển sang vấn đề hai bên hợp tác như thế nào trong tương lai. Anh đang tìm cách đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện trong vòng 11 tháng. Khoảng thời gian đó được nhiều nhà quan sát coi là quá tham vọng bởi các cuộc thảo luận về thương mại thường có thể kéo dài trong nhiều năm. EU nói rằng một khoảng thời gian như vậy là quá ngắn và vẫn lo ngại rằng một sự ra đi đầy hỗn loạn vẫn có thể xảy ra vào cuối năm nay nếu quá trình chuyển tiếp kết thúc mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.
Anh chính thức chấm dứt tư cách thành viên EU từ ngày 31-1. |
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Monchalin đánh giá: “Sự gấp rút trong 11 tháng sẽ chẳng thể khiến chúng ta phải vội vàng, phải chấp nhận thỏa hiệp mà làm tổn hại đến lợi ích của chúng ta. Một hiệp ước thương mại là một thỏa thuận kéo dài vài thập kỷ và chúng ta nên đảm bảo rằng chúng ta luôn đặt các vấn đề cơ bản về nội dung trước các vấn đề về thời gian”.
Mặc dù lực lượng đặc nhiệm của Ủy ban châu Âu, đứng đầu là chính trị gia Michel Barnier, đang đàm phán thay mặt EU, nhưng tác động của các quốc gia lớn như Pháp và Đức đối với các cuộc đàm phán này vẫn rất quan trọng.
Bà De Montchalin nói rằng nếu Anh không yêu cầu kéo dài thời gian chuyển tiếp trước mùa hè, cả hai bên sẽ phải đối mặt với một kịch bản chông chênh vào cuối năm, khi mà biên giới có thể bị đóng cửa, thuế quan được đưa ra và các quy tắc thay đổi qua đêm, gây bất lợi cho thương mại. Đó là lý do tại sao châu Âu đã thảo luận rất lâu về sự cần thiết phải chuẩn bị cho một kịch bản như vậy, thông qua các biện pháp dự phòng mà lục địa già phải tiếp tục hoạt động để sẵn sàng cho mọi viễn cảnh sau cùng.
Giới phân tích cho rằng trên thực tế, Brexit vẫn chưa thể hoàn thành vào ngày 31-1. Anh sẽ bước vào một giai đoạn chuyển tiếp, mà theo đó nước này sẽ phải tuân thủ tất cả luật của EU và tiếp tục đóng góp vào ngân sách của khối này. Và các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ không chỉ đề cập đến vấn đề thương mại mà còn cả tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ, an ninh, trao đổi dữ liệu, thủy sản, dịch vụ tài chính, nghiên cứu...
Hơn thế nữa, như bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh trong cuộc gặp với Thủ tướng Boris Johnson tại Phố Downing hồi đầu tháng này, những cuộc đàm phán này thậm chí sẽ còn khó khăn hơn quá trình đàm phán ra đi.
Những thay đổi mới của dự luật càng khiến vấn đề trở nên khó khăn. Dự luật đã loại trừ việc kéo dài thời hạn chuyển tiếp đến sau năm 2020. Những cam kết về bảo vệ quyền lợi người lao động sau Brexit cũng biến mất, theo kế hoạch của ông Johnson về việc tách khỏi các quy định của EU. Dự luật cũng bỏ các điều khoản cho các nghị sĩ vai trò đáng kể trong xem xét và bỏ phiếu thông qua những thỏa thuận tương lai với EU. Mục đích là tránh lặp lại tình cảnh “khổ sở” của cựu Thủ tướng Theresa May khi liên tục thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit của mình.
Tất cả những điều này phù hợp với giọng điệu của phe ủng hộ Brexit rằng cách để đạt được một thỏa thuận có lợi với Brussels là phải cứng rắn, rằng việc đặt ra những điều khoản khắt khe sẽ buộc EU phải nhượng bộ và 27 nước thành viên khối này sẽ mất đoàn kết khi bị gây áp lực và châu Âu cần nước Anh hơn là điều ngược lại, trong khi việc tuân thủ những quy định của Brussels là sai lầm về nguyên tắc cũng như không cần thiết cho việc duy trì quan hệ thương mại gần gũi.