Brexit: "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"

Thứ Ba, 01/10/2019, 17:25
Chính phủ Anh do Thủ tướng Boris Johnson dẫn đầu vẫn liên tục gặp khó khăn trong việc hoàn thành tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit - đúng thời hạn. Cản trở ông Boris Johnson đương nhiên vẫn là sự phản đối của Quốc hội và đảng đối lập.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Boris Johnson còn đối mặt với nguy cơ bị buộc phải từ chức và sự không hài lòng của đối tác châu Âu với những gì đang diễn ra ở bên trong nước Anh.

Quốc hội tiếp tục bất đồng với Chính phủ

Quốc hội Anh đã nối lại hoạt động một ngày sau khi Tòa án Tối cao nước này ra phán quyết rằng quyết định của Thủ tướng Boris Johnson đình chỉ hoạt động cơ quan lập pháp là trái luật, không có giá trị và không có hiệu lực. Trước đó một ngày, Tòa án Tối cao Anh kết luận quyết định tham vấn Nữ hoàng nhằm tạm thời đình chỉ Quốc hội của ông Johnson là trái pháp luật và "không có hiệu lực".

Phán quyết của Tòa án Tối cao Anh cũng cho biết các nghị sĩ có thể quay trở lại Quốc hội "càng sớm càng tốt". Thủ tướng Anh dù không đồng tình với quyết định này nhưng ông vẫn phải miễn cưỡng chấp nhận.

Một điều dễ thấy là khi Quốc hội hoạt động trở lại thì những hành động của Thủ tướng Anh liên quan đến việc thúc đẩy Brexit đúng tiến độ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tại Quốc hội, các nghị sĩ đối lập sẽ có quyền bỏ phiếu phản đối các quyết định của Chính phủ, thậm chí bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ và bản thân ông Johnson hay cao hơn là gây sức ép buộc ông phải từ chức.

Phe đối lập đã liên tiếp công khai các kế hoạch nhằm trì hoãn Brexit. Mới đây nhất, các nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do đối lập tuyên bố sẽ tìm cách hủy bỏ kế hoạch Brexit không thỏa thuận trước ngày 19-10 bởi họ biết chắc rằng Thủ tướng Johnson sẽ không tuân theo một đạo luật yêu cầu ông đề nghị EU hoãn Brexit nếu ông không đạt được một thỏa thuận mới với EU.

Áp lực từ phe đối lập đối với Thủ tướng Johnson càng lúc càng lớn khi ngày 24-9, lãnh đạo Công đảng đối lập chính ở Anh, Jeremy Corbyn kêu gọi ông Johnson từ chức. Ông Corbyn cũng kêu gọi lãnh đạo đảng Bảo thủ "tổ chức một cuộc bầu cử để chọn một chính phủ tôn trọng quyền dân chủ". Cùng ngày, nghị sĩ đảng Dân tộc Scottland (SNP) Joanna Cherry cũng cho rằng Thủ tướng Johnson nên từ chức sau phán quyết của Tòa án Tối cao.

Về phần mình, Thủ tướng Anh Johnson cho biết sẽ không từ chức và vẫn kiên quyết giữ vững lập trường rằng ông sẽ không tính đến việc gia hạn Brexit bất chấp việc quốc hội nước này thông qua dự luật do các đảng đối lập khởi xướng, buộc ông kéo dài thời hạn "ly hôn".

Phát biểu với Quốc hội sau khi cơ quan này trở lại làm việc, Thủ tướng Johnson đã trả lời mạnh mẽ "Không" khi các nghị sĩ yêu cầu ông phải đề nghị EU gia hạn Brexit sau ngày 30-10 nếu không thể có được một thỏa thuận hoặc cơ quan lập pháp Anh không thông qua kế hoạch "Brexit cứng" trước ngày 19-10.

Ngoài ra, Thủ tướng Johnson đã chỉ trích các đảng đối lập kêu gọi tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối chính phủ của ông trong bối cảnh phe đối lập gia tăng sức ép ông phải từ chức. Theo ông, các đảng đối lập đã không làm gì ngoài việc "e sợ và trì hoãn", còn các nghị sĩ thì chỉ tìm cách cản trở Brexit.

Mặc dù vậy, Chính phủ Anh đã nhiều lần tuyên bố sẽ tuân thủ luật do Quốc hội ban hành, song ông Johnson cũng cho hay ông sẽ không đề nghị gia hạn thời điểm Anh rời khỏi EU vào 31-10 như kế hoạch. Những tuyên bố này đã khiến giới nghị sĩ liên tiếp đặt câu hỏi về việc làm thế nào chính phủ có thể cùng lúc vừa tuân theo luật vừa không trì hoãn Brexit.

Thủ tướng Boris Johnson phát biểu tại Quốc hội.

EU vẫn cứng rắn về điều khoản "chốt chặn"

Trước những diễn biến "bùng nhùng" tại nước Anh, phía đối tác EU đã tỏ ra khá quan ngại song cho biết họ sẽ không can dự vào công việc nội bộ của nước Anh, điều họ chờ đợi là quyết định cuối cùng của London trước thời hạn chót, đặc biệt là việc thông qua thỏa thuận Brexit với các điều khoản về "chốt chặn".

Trong một tuyên bố mới nhất, ngày 25-9, điều phối viên của Nghị viện châu Âu (EP) về Brexit Guy Verhofstadt cho biết Anh vẫn chưa đưa ra được một đề xuất nào hợp lý về mặt pháp lý để thay cho điều khoản chốt chặn đối với Ireland, mà chỉ mới đệ trình một phần phương hướng "tiềm năng" thay thế cho "điều khoản" này mà thôi.

Ông Verhofstadt giải thích những đề xuất của Anh mới chỉ đề cập tới các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, vốn chỉ chiếm 30% các mặt hàng trao đổi của hai bên. Các đề xuất của Anh còn bỏ sót các mặt hàng công nghiệp và hàng hóa chế biến. Điều phối viên EP cho rằng, phía Anh chỉ đưa ra được một phần của vấn đề và điều này không thể chấp nhận được.

Ông Verhofstadt nhấn mạnh, EP sẽ làm mọi cách để đạt được một thỏa thuận vào ngày 31-10 nhưng ông sẽ không có bất cứ nhượng bộ nhỏ nào với London, vì điều đó sẽ rất có hại cho EU. Cũng theo ông Guy Verhofstadt, các giải pháp theo từng tình huống sẽ không thể chấp nhận được.

Trước đó, trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (về Brexit, ông Michel Barnier cũng cho rằng quan điểm hiện nay của London không có bất cứ "cơ sở nào để đạt được một thỏa thuận" về việc Anh rời khỏi EU. Ông Barnier nhấn mạnh rằng trên cơ sở cách nghĩ hiện nay của Anh, khó mà thấy được cách các bên đi đến một giải pháp khả thi hợp pháp mà đáp ứng tất cả các mục tiêu của điều khoản “chốt chặn” và do vậy hiện các bên chưa có một căn cứ gì để đạt được một thỏa thuận.

Điều khoản "chốt chặn" về vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland là nội dung gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit. Điều khoản này quy định sau Brexit, Anh sẽ ở lại liên minh thuế quan trong khi vùng Bắc Ireland duy trì quan hệ thương mại gần gũi hơn với EU để đảm bảo tránh một đường biên giới cứng trên đảo Ireland, cũng như sự toàn vẹn của "Hiệp ước ngày thứ Sáu tốt lành" ký kết năm 1998 vốn mang lại sự ổn định ở vùng này sau cuộc xung đột kéo dài 30 năm khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Phe bài EU tại Anh kịch liệt phản đối vì cho rằng điều khoản này sẽ khiến Anh mắc kẹt vô thời hạn trong những quy định thuế quan của EU và khó tiến tới mục tiêu tự do về kinh tế.

Lâm Phong
.
.