Brexit vẫn rối như tơ vò

Thứ Ba, 10/09/2019, 14:51
Hơn 3 năm kể từ khi Anh quyết định “dứt áo” với Liên minh châu Âu (EU), gọi là Brexit sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 26-6-2016, “xứ sở sương mù” vẫn mù sương khi kế hoạch ra đi ngày càng gây chia rẽ sâu sắc.

Không chỉ trong nội bộ quốc hội mà quan hệ giữa chính phủ với cơ quan lập pháp cũng đang lâm vào khủng hoảng. Sau 2 lần gia hạn, thời hạn ra đi 31-10 đang hiện ra với kịch bản nghiêng về Brexit không thỏa thuận.

Việc Hạ viện Anh thông qua dự luật yêu cầu Thủ tướng Boris Johnson đề nghị EU một lần nữa gia hạn Brexit đến 31-1-2020 nếu hai bên không thông qua được một thỏa thuận mới, cũng như bác bỏ đề xuất của người đứng đầu chính phủ tổ chức bầu cử sớm, cũng chưa nói lên điều gì bởi dự luật ngăn chặn “Brexit cứng” của Hạ viện, để thành luật và có tính bắt buộc còn phải được Thượng viện thông qua trước khi Nữ hoàng Anh phê chuẩn.

“Brexit cứng” thất bại tại Hạ viện

Hạ viện Anh tối 4-9 (rạng sáng 5-9 giờ Việt Nam) đã bỏ phiếu ngăn chặn Thủ tướng Boris Johnson đưa Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào vào ngày 31-10 tới, đồng thời phản đối nỗ lực đầu tiên của ông Johnson kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử sớm 2 tuần trước thời hạn Brexit.

Theo giới phân tích, Thủ tướng Boris Johnson đã khởi động các động thái nhằm kích hoạt một cuộc bầu cử sớm sau khi vấp phải thất bại đối với chiến lược Brexit của mình, vốn khiến Công đảng cầm quyền của ông rơi vào nguy cơ đổ vỡ. Với 328 phiếu thuận và 301 phiếu chống, Hạ viện Anh thông qua một dự luật buộc chính phủ phải đề nghị EU cho phép lùi thời hạn Brexit thêm 3 tháng.

Thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn tuyên bố ông chỉ chấp nhận tổ chức bầu cử sớm một khi dự luật trên được Thượng viện thông qua và trở thành luật, điều có thể xảy ra vào ngày 9-10. Ông Johnson cho rằng dự luật này đã đánh chìm các cuộc thương lượng của ông với EU vốn nhằm đưa Anh rời khối.

Dư luận cho rằng nếu trước đây cuộc trưng cầu dân ý Brexit đã đặt dấu chấm hết cho vai trò thủ tướng của ông David Cameron. Thất bại trong việc thực hiện Brexit vừa qua đã khiến người kế nhiệm ông là bà Theresa May buộc phải từ chức hồi tháng 7. Giờ đây, chỉ sau 6 tuần tại nhiệm, bản thân Thủ tướng Johnson mệt mỏi khi sự chia rẽ về Brexit đang xé toạc chính quyền do đảng Bảo thủ cầm quyền.

Chưa kể trước đó, ngày 3-9, ông đánh mất thế đa số của đảng cầm quyền khi một trong những nghị sĩ của đảng Bảo thủ rời bỏ đảng này sang đảng Dân chủ Tự do. Vài giờ sau đó, phép thử đầu tiên của ông Johnson trong cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện đã kết thúc trong sự thất bại nặng nề.

Cùng với đó, lực lượng nghị sĩ chống đối ông Johnson đã lên kế hoạch kiểm soát chương trình làm việc của Hạ viện đồng thời thúc đẩy một dự luật buộc thủ tướng phải trì hoãn Brexit cho đến ngày 31-1-2020, do lo ngại một Brexit không thỏa thuận sẽ làm một thảm họa kinh tế đối với London.

Trong khi ông Johnson cảnh báo giới chỉ trích Brexit không thỏa thuận rằng họ đang “bên bờ vực phá hoại bất kỳ thỏa thuận nào mà Anh có thể đạt được với EU” và rằng ông vẫn muốn duy trì một Brexit không thỏa thuận như một đòn bẩy trong đàm phán với lãnh đạo châu Âu, giới chức EU lại cho rằng Anh chẳng có ý tưởng hay ho nào để thảo luận và họ lo ngại rằng ông Johnson muốn tiến tới một cuộc bầu cử sớm và đổ lỗi cho EU.

Nỗ lực hiện nay của Quốc hội Anh nhằm “trói tay” ông Johnson càng khiến tiến trình Brexit rơi vào tình thế khó đoán định, với những khả năng có thể xảy ra, từ Brexit không thỏa thuận đến từ bỏ hoàn toàn nỗ lực này. Cả hai viễn cảnh này đều không thể chấp nhận được đối với đa số cử tri Anh.

Viễn cảnh bầu cử sớm cũng thất bại

Thủ tướng Johnson đề xuất tiến hành bầu cử sớm vào ngày 15-10. Nếu chiến thắng thì thời điểm này sẽ cho phép ông chống lại dự luật cản trở Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên, ý định khởi động một cuộc bầu cử sớm để tạo thuận lợi cho ông sau đó đến Brussels tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17 đến 18-10 nhằm đạt được một thỏa thuận tốt hơn hoặc thực hiện “Brexit cứng”, nếu thỏa thuận mới một lần nữa “bất khả thi”. Ông đã bị Hạ viện “đánh bại” khi chỉ có 298 phiếu ủng hộ trong khi cần tới 434 phiếu để ông Johnson có thể tiến hành tổng tuyển cử sớm.

Có thể kể đến một trong những nhân tố tạo phản với ông Johnson trong cuộc bỏ phiếu vừa qua là mặc dù ông từng đe dọa sẽ trục xuất ra khỏi đảng tất cả các nghị sĩ Bảo thủ “nổi loạn” nếu bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của phe đối lập nhưng vẫn có đến 21 nghị sĩ Bảo thủ đứng về phía bên kia, trong đó có nhiều nghị sĩ kỳ cựu.

Chính sự khai trừ 21 nghị sĩ này càng khiến chính phủ của ông Johnson không còn nắm sự ủng hộ đa số ở Hạ viện. Đây cũng là nguyên nhân khiến dự luật ngăn chặn “Brexit cứng“ được thông qua dễ dàng hơn.

Nhưng cho dù ông Johnson có đặt cược vốn liếng chính trị của mình vào việc Anh rời EU bất kỳ giá nào, cho đến nay EU vẫn  từ chối tái thương lượng thỏa thuận Brexit mà khối này đã đạt được với cựu Thủ tướng Theresa May. Từ Brussels, các nhà ngoại giao Anh và EU đều tỏ rõ rằng không có triển vọng trước mắt nào về các cuộc đàm phán thực chất về thỏa thuận Brexit.

Trong khi đó, Ireland cho biết ông Johnson chưa đưa ra bất kỳ giải pháp nào về điều khoản “chốt chặn” - vấn đề nan giải nhất trong cơn bế tắc Brexit hiện nay, liên quan đường biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa Ireland thuộc EU và Bắc Ireland thuộc Anh.

Đó là chưa kể xét về phương diện kinh tế, một Brexit “không thỏa thuận” sẽ khiến nước Anh bị mất đến 16 tỷ USD xuất khẩu sang châu Âu. Ngành bị ảnh hưởng nặng nhất có thể kể đến là công nghiệp xe hơi, các ngành chế biến sản phẩm từ gia súc và ngành dệt may. Mặc dù hiện tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp nhưng nhịp độ đầu tư chậm lại trong thời gian Anh chờ ra khỏi EU.

Ngoài việc tạm dừng các kế hoạch phát triển, các doanh nghiệp đang hao tốn rất nhiều năng lượng để chuẩn bị cho Brexit. Tại các công ty đa quốc gia, chi phí chuẩn bị thường lên tới hàng triệu euro, thậm chí lên tới 100 triệu euro như trong trường hợp của Airbus.

Những khó khăn kinh tế hiện nay chưa phải là một sự sụp đổ nhưng là một sự suy sụp chậm. Trong 3 năm qua, tức là kể từ khi diễn ra trưng cầu dân ý về Brexit, Anh đã bị mất từ 2-3% tăng trưởng.

Quang Nguyễn
.
.