Brexit với những bước đột phá đầu tiên
Đây là bước đi tiếp theo sau đột phá về quyền đánh bắt hải sản đạt được hôm 6-12, hướng đến việc ký kết thỏa thuận tự do thương mại hậu Brexit.
Việc thực thi Quy chế về Bắc Ailen hiện sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, hiện đang gặp một số khó khăn do những yêu cầu mạnh mẽ từ các doanh nghiệp địa phương và các nhà lãnh đạo nông nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, việc thực thi Quy chế về Bắc Ailen chắc chắn sẽ không thể trì hoãn và hai bên đã đạt được nhiều tiến bộ trong viêc giảm thiểu những tác động do việc thiết lập các chốt kiểm soát hàng hóa từ Anh vào Bắc Ailen sau khi Thỏa thuận Anh rời khỏi EU chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2020. Một ủy ban chung Anh-EU sẽ được thành lập trong nay mai nhằm điều phối việc thực thi Quy chế về Bắc Ailen.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch EC Ursula von de Leyen. |
Những khó khăn, vướng mắc xung quanh Quy chế về Bắc Ailen đồng thời được giải quyết song song với tiến trình đàm phán thỏa thuận tự do thương mại hậu Brexit. Hiện, tiến trình đàm phán này đã có sự tiến bộ, với đột phá đầu tiên đạt được hôm 6-12. Theo đó, EU và Anh đã hoàn tất đàm phán và thống nhất hầu hết các điều khoản trong thỏa thuận về việc Anh cho phép ngư dân EU được đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Anh theo từng mức độ khác nhau.
Thỏa thuận đặt ra lộ trình thực hiện dần dần, trong đó giai đoạn đầu chính quyền Anh có thể thu phí ngư dân EU và việc thu phí này sẽ giảm dần trong vòng 5 đến 7 năm. Phần còn lại trong thỏa thuận sẽ tập trung thảo luận trong vài ngày tới.
Vướng mắc về quyền đánh bắt cá được xem là một trong những khúc mắc chính khiến thỏa thuận tự do thương mại Anh-EU hậu Brexit giẫm chân tại chỗ nhiều tháng qua. Với đội tàu đánh cá hùng hậu, việc đạt thỏa thuận đánh bắt cá với nước Anh được xem là thành công của EU nhưng đồng thời cũng là điều mà ngư dân Anh không mong muốn bởi nó ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản của họ.
Đột phá về quyền đánh bắt cá đã giúp giảm bớt những khúc mắc trong tiến trình đàm phán tự do thương mại Anh-EU hậu Brexit. “Khúc xương” lớn còn lại sẽ là các yêu cầu của liên minh Pháp - Đức rằng Anh sẽ đối mặt những hậu quả nhất định nếu không bám sát các quy định mới trong chính sách thương mại của EU. Pháp - Đức đề nghị EU sẽ có quyền đơn phương đánh thuế vào hàng hóa xuất khẩu của Anh nếu số 10 Phố Downing không kịp thời cập nhật các quy định mới của EU.
Nguồn tin phía Anh cho rằng yêu cầu của EU sẽ khiến cho đàm phán sụp đổ. Trước đó, tiến trình đàm phán đã phải tạm hoãn vào chiều ngày 4-12 do hai trưởng đoàn đàm phán David Frost của Anh và Michel Barnier của EU không thể lấp đầy khoảng cách bất đồng giữa hai bên. Các bất đồng khi đó bao gồm quyền đánh bắt thủy sản và yêu cầu của Pháp - Đức nêu trên.
Ngoài ra hai bên cũng cần thiết lập một hệ thống giải quyết các tranh chấp thương mại. Đàm phán chỉ tiếp tục vào Chủ nhật 6-12 sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch EU Ursula von de Leyen. Cần hiểu rằng cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo không mang tính chất quyết định chính trị nhằm tháo gỡ các vướng mắc còn lại trong đàm phán Brexit nhưng nó sẽ giúp khơi thông tiến trình đàm phán.
Chiều 7-12, hai nhà lãnh đạo tiếp tục điện đàm để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc còn lại. Đây là lần thứ hai trong nhiều tháng qua, Thủ tướng Anh Johnson đã đích thân đóng vai nhà đàm phán trực tiếp để giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán Anh-EU hậu Brexit.
Khó khăn lớn nhất vẫn là việc tìm kiếm sự đồng thuận của các quốc gia thành viên EU cũng như các đảng phái chính trị và các thành phần liên quan ở Anh. Ngay như việc thực thi Quy chế về Bắc Ailen còn gặp nhiều khó khăn do các chốt kiểm soát hàng hóa từ Anh vào Bắc Ailen đã gây trở ngại cho các nhà sản xuất ở Anh. Vừa qua, 4 trên 10 nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất ở Anh đã lên kế hoạch tạm dừng hoặc giảm cung ứng hàng hóa vào Bắc Ailen vì những trở ngại nêu trên.
Về phía EU, trưởng đoàn đàm phán Barnier đã được yêu cầu phải báo cáo thường xuyên về tiến trình đàm phán cho các quốc gia thành viên và chính ông này đang gặp áp lực rất lớn trong vai trò đàm phán của mình bởi các yêu cầu, đòi hỏi do các nước thành viên đưa ra. Nhiều nước thành viên EU không muốn nhượng bộ quá nhiều hoặc thậm chí nhượng bộ bất kỳ điều khoản nào trong đàm phán tự do thương mại với Anh. Lãnh đạo một số nước như Pháp, Đức, Bỉ,... không muốn vội vàng đi đến thỏa thuận tự do thương mại với Anh, cho dù thời hạn ký kết thỏa thuận đã sắp hết trong năm 2020 này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng EU thà tiếp tục đàm phán rồi có thể đi đến thỏa thuận với Anh trong năm sau (2021) còn hơn là gấp rút hoàn tất đàm phán ngay trong năm nay nhưng để lại hậu quả là các điều kiện, yêu cầu của các nước EU không được đáp ứng đầy đủ và nhất là phía EU nhượng bộ quá nhiều.
Cuối cùng, các quốc gia EU lo ngại rằng, chính bà Chủ tịch EC Ursula von de Leyen sẽ đích thân đưa ra các nhượng bộ nhằm mau chóng hoàn tất đàm phán ký kết thỏa thuận nhằm hoàn thiện “di sản” của bà trong nhiệm kỳ Chủ tịch EC.