Bức tranh "màu da cam" tại Việt Nam

Thứ Bảy, 06/06/2009, 20:45
Hơn 30 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, người dân Việt Nam vẫn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chất dioxin mà quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam trong những năm từ 1961 đến 1971. Hậu quả đó là những căn bệnh ung thư, những đứa trẻ ra đời với các dị tật, những vùng đất cằn cỗi, chỉ xơ xác cây lau, cây lách, những con sông, dòng suối vắng hẳn cá, tôm...

Vì thế, bù đắp cho những nỗi đau ấy không chỉ là trách nhiệm, mà còn là lương tâm của những người một thời đã gây ra cảnh tàn phá bi thương, khủng khiếp này...

Dioxin là gì?

Dioxin (còn gọi là chất da cam, tác nhân cam, tác nhân xanh, tác nhân trắng, tác nhân tím...), là tên chung dùng để chỉ hàng trăm hợp chất hóa học tồn tại rất lâu dài khi nó thâm nhập vào thiên nhiên cũng như trong cơ thể con người cùng các động, thực vật khác. Dioxin là sản phẩm phụ, xuất hiện khi chế tạo những chất hóa học công nghiệp liên quan đến clo như thuốc trừ sâu, thuốc tẩy trắng và một số chất dùng cho ngành da giày.

Năm 1944, khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai vẫn đang diễn tiến khốc liệt, lần đầu tiên người ta nhận thấy dioxin - mà cụ thể là chất màu da cam có thành phần hóa học là 2,4,5T, có khả năng làm rụng lá cây. Vì thế, nhằm làm giảm thiểu khả năng xâm nhập, phá hoại của quân biệt kích Nhật, Đức, một số sân bay dã chiến của Mỹ ở Philippines, quần đảo Hawaii, đã được rải chất da cam xung quanh nhằm tạo ra một hành lang trắng. Sau đó, cũng nằm trong nhóm dioxin, người ta còn phát hiện ra chất "trắng", chất "xanh", chất "tím", mà tác dụng cũng tương tự như chất da cam.

Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào cấu trúc phân tử của dioxin, mà chỉ nói đơn giản là dioxine có 75 đồng phân PCDD (poly-chloro-dibenzo-dioxines) và 135 đồng phân PCDF (poly-chloro-dibenzo-furanes) với những độc tính khác nhau. Dioxine còn có nhóm các PCB (poly-chloro-biphényles), là các chất tương tự như dioxine, bao gồm 419 chất hóa học trong đó có 29 chất đặc biệt nguy hiểm.

Trong số các hợp chất dioxine, TCDD là nhóm độc nhất (và đây cũng là thành phần chính của chất da cam mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam). Chính vì thế, nó được các nhà nghiên cứu ở Đức, Mỹ, Pháp, Anh..., đánh giá, là "tác nhân nguy hiểm, đe dọa sức khỏe cộng đồng" vì không có mức độ phơi nhiễm dioxin nào được coi là an toàn. Điều này có thể hiểu là nếu một người phơi nhiễm dioxin, dù ở một lượng nhỏ nhất thì cũng đã mang trong mình hiểm họa căn bệnh ung thư.

Bên cạnh đó, các khảo sát còn cho thấy dioxin là nguyên nhân dẫn đến một số các bệnh nội tiết, thiểu năng trí tuệ và đặc biệt là sinh con quái thai.

Dioxin ở Việt Nam

Năm 1961, căn cứ vào phúc trình của Phái bộ viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV), rằng rừng rậm là nơi ẩn náu an toàn cho lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, và những vườn cây, đồng ruộng ở những vùng "xôi đậu" là nguồn cung cấp lương thực cho Quân giải phóng, Tổng thống Kennedy đã quyết định cho phép MACV được sử dụng chất da cam để làm rụng sạch lá cây trong một chiến dịch mang tên Hadès (có nghĩa là Tử thần - và điều này phần nào chứng minh rằng những người khai sinh ra chiến dịch ấy, đã biết rõ về mức độ nguy hiểm của nó đối với môi trường thiên nhiên, với động, thực vật). Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, nhận thấy cái tên Hadès quá lộ liễu, nó được đổi thành Ranch Hand.

Giữa năm 1961, chất da cam được đưa đến tồn trữ tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai rồi sau đó là sân bay Đà Nẵng - Quảng Nam Đà Nẵng, sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định. Căn cứ theo các bản đồ hoạch định kế hoạch Ranch Hand, sân bay Biên Hòa chịu trách nhiệm rải dioxin ở một số vùng thuộc Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sân bay Đà Nẵng chịu trách nhiệm các vùng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sân bay Phù Cát chịu trách nhiệm vùng Tây Nguyên và một phần duyên hải miền Trung, kéo dài đến tận Bình Tuy (nay là huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Dioxin khi đó được trộn lẫn với dầu hỏa hoặc dầu diesel nhằm làm tăng độ bám dính vào cây cỏ, rồi được cho vào thùng chứa, ném xuống từ máy bay trực thăng UH, hoặc phun ra từ những giàn phun sương đặt trên máy bay trực thăng UH, hoặc máy bay vận tải C123.

Cũng không thiếu những trường hợp dioxin được rải ra từ những chiếc xe bọc thép M113 trong các cuộc hành quân ở Củ Chi, Dầu Tiếng, Bời Lời. Chỉ riêng một huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã phải gánh chịu 434.812 gallon chất da cam - trong đó có chứa 11kg dioxin. Thực nghiệm do các nhà khoa học tiến hành cho thấy chỉ cần một phần triệu gam dioxin trên một kg cơ thể là động vật bị nhiễm sẽ chết, một phần tỉ gam dioxin trên một kg cơ thể bị nhiễm lâu dài sẽ gây nên những căn bệnh khủng khiếp như ung thư, tai biến sinh sản, dị tật bẩm sinh...

Chả thế mà hơn 30 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, nồng độ dioxin trong các mẫu đất lấy ở khu vực xung quanh sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát..., vẫn còn cao hơn  nồng độ cho phép cả trăm lần.

Theo công bố của một nhóm tác giả trên tờ tạp chí rất có uy tín với giới khoa học là Tạp chí Nature, chiến dịch dùng hóa chất ở Việt Nam là cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất thế giới. Trong thời gian 10 năm - từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn đã rải 370kg chất dioxin, được pha trộn thành 76,9 triệu lít hóa chất xuống rừng núi và đồng ruộng Việt Nam. Trong số này có 64% là chất da cam, 27% là chất màu trắng, 8,7% chất màu xanh và 0,6% chất màu tím.

Theo một nghiên cứu chưa đầy đủ của Ủy ban nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đã có 2,63 triệu hécta đất đai bị ảnh hưởng, và gần 5 triệu người sống trong 25.585 xã, ấp, là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của chất độc này, chưa kể nhiều khu vực ở Lào, Campuchia cũng chịu hậu quả tương tự. Nên nhớ rằng năm 1976, vụ rò rỉ dioxin ở Seveso, Italia, chỉ với 30kg nhưng tác hại của nó kéo dài suốt hơn 20 năm trời với hàng chục nghìn người phơi nhiễm.

Ở người, khi tiếp xúc với chất dioxin hàm lượng cao thì chỉ trong một thời gian ngắn, sẽ xuất hiện những vạt da sẫm màu - hậu quả của việc tế bào sắc tố bị biến dị, chức năng gan, thận rối loạn. Nếu tiếp xúc lâu dài, dioxin tác động đến hệ thống miễn dịch, tuyến nội tiết và cả chức năng sinh sản, dẫn đến một số bệnh ung thư. Ở bào thai, dioxin cản trở quá trình phát triển tế bào thai nhi, đặc biệt là hệ thần kinh, hệ xương khớp.

Hậu quả là những đứa trẻ ra đời với nhiều khuyết tật thương tâm, thậm chí có trẻ phải sống đời sống thực vật ngay từ khi lọt lòng. Riêng với thảm thực vật, một thời gian ngắn sau khi bị rải chất dioxin lần đầu, thì 10 đến 20% số cây thuộc tầng cao nhất - chiếm từ 40 đến 60% sinh khối rừng - bị chết. Và khí hậu ở tầng thấp thay đổi vì độ ẩm giảm, cường độ chiếu sáng tăng nên thảm thực vật tầng thấp hoặc chết, hoặc phát triển chậm. Các cây non dù có sống sót cũng khó mà tăng trưởng, chưa kể nhiều loại cây không thể thụ phấn vì ong, bướm, chim chóc không còn nữa sau khi nhiễm dioxin.--PageBreak--

Đến mùa khô, cháy rừng do bom đạn hoặc do con người gây ra tiêu diệt luôn cả cây con. Tiếp theo, do không có rễ cây giữ đất nên khi mùa mưa về, lớp đất màu mỡ trên bề mặt bị xói mòn. Nước mưa mang theo dioxin trôi xuống hạ lưu khiến lắm vùng ở cách xa điểm rải dioxin cả trăm kilômét, vẫn tìm thấy dấu vết dioxin trong đất, trong cỏ cây, tôm cá. Khi đó, chỉ một số loài thực vật cấp thấp như lau, tre, nứa - là những loài cây chịu được khô cằn là có thể mọc được.

Khá nhiều vùng rừng bị nhiễm chất dioxin với nồng độ cao thì đến nay, mặc dù hơn 30 năm trôi qua, hầu như chỉ thấy có cỏ tranh, lau, sậy như vùng đồi núi thuộc huyện Ma D'rak, Đắk Lắk, một số vùng ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Cây rừng bị trụi lá, nguồn nước nhiễm dioxin cũng ảnh hưởng đến các loài thú hoang dã. Chúng chết  vì thiếu thức ăn, vì không có nơi trú ẩn, vì uống nước bị nhiễm độc làm giảm thiểu khả năng sinh sản. Những con sống sót phải di chuyển tới những nơi khác mặc dù điều kiện sống ở những nơi đó chưa hẳn đã hoàn toàn thích nghi với chúng.

Có thể nói rằng hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới phong phú phần lớn đã biến mất mà thay vào đó là những cánh rừng xơ xác, nghèo kiệt. Một số nơi nếu nơi rừng mọc lại, thì những  bụi lau, tre, nứa là nơi ẩn nấp cho loài chuột cùng một số họ gặm nhấm.

Thiên địch của chuột là cầy, cáo, chim cú..., do ảnh hưởng của dioxin, lại rất ít. Hơn nữa sức sinh sản của chúng không thể so sánh được với sự sinh sản của chuột. Kết quả là những nơi đó, chuột chiếm ưu thế và nó đồng nghĩa với việc thiên nhiên lại chịu thêm một sự tàn phá kinh hoàng. Điều này có thể thấy rõ tại vùng rừng ngập mặn ở miền Nam, đặc biệt là rừng Sác, TP HCM, rừng ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Nơi đây, sau hơn 30 năm, các loài động vật đặc trưng như cá, tôm..., xuất hiện rất ít so với thời gian trước khi nhiễm dioxin. Bên cạnh đó, vai trò to lớn của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển cũng bị ảnh hưởng.

Chiến tranh chấm dứt, Chính phủ Mỹ nhanh chóng phủi tay với hậu quả của chất dioxin mà họ đã trực tiếp rải xuống Việt Nam. Riêng các cựu binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam và bị nhiễm chất dioxin, bởi vì họ không có quyền kiện chính phủ Mỹ nên họ đã kiện các nhà sản xuất chất độc này. Năm 1984, họ đã đạt được một thỏa thuận hòa giải, đó là để đổi lại việc họ ngừng kiện tụng, các nhà sản xuất đã đền bù cho họ tổng cộng 180 triệu USD.

Thế nhưng ở Việt Nam, hơn 30 năm sau, những triệu chứng liên quan tới dioxin vẫn xuất hiện. Thậm chí trẻ em thuộc thế hệ thứ ba, sinh ra từ các gia đình có người thuộc thế hệ thứ nhất bị nhiễm độc vẫn bị các dị tật mà nguyên nhân chính là chất dioxin.

Ở chung quanh sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, hàm lượng dioxin trong đất vẫn còn rất cao. Theo tính toán, tùy theo mật độ, thời gian bán hủy của dioxin trong đất (nghĩa là độc tính chỉ còn bằng một nửa so với lúc mới rải xuống), là từ 60 đến 80 năm! Điều này đồng nghĩa với việc nếu không nhanh tay có những biện pháp tẩy trừ, thì nguy cơ nhiễm độc với thế hệ thứ tư, thứ năm vẫn là điều hoàn toàn có thể bởi lẽ chất dioxin tồn dư trong đất, sẽ thẩm thấu vào nguồn nước rồi theo đó, là các loại tôm, cá, rau củ. Lượng dioxin trong động, thực vật này, khi ăn vào sẽ tích lũy rồi đến một ngưỡng nào đó, nó sẽ gây ra hậu quả cho cơ thể người.

Đến nay, không thể chối cãi là chất dioxin đã gây ra những tác động rất xấu với con người. Ngoài việc thiếu ăn vì mùa màng, cây cối không phát triển tốt, còn có các bệnh hiểm nghèo - đặc biệt là bệnh ung thư. Bên cạnh đó, hiện tượng phụ nữ sảy thai, đẻ non, thai nhi dị dạng là chuyện thường gặp. Thậm chí ở những vùng rất xa nơi chất dioxin được rải xuống, những đứa bé sinh ra sau chiến tranh hàng chục năm, cũng mắc các bệnh hiểm nghèo như câm, mù, điếc, tâm thần...

Sự tồn tại hàng loạt trẻ em dị tật trong các gia đình cựu chiến binh có bố hoặc mẹ từng công tác, chiến đấu, hoặc những người dân đã từng sống trong vùng bị rải chất dioxin, vẫn là nỗi đau và gánh nặng to lớn không chỉ riêng cho các em và gia đình, mà còn cho cả xã hội.

Cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ và chi tiết về hậu quả của chất độc dioxin mà người Mỹ đã rải xuống Việt Nam. Nếu có, thì chắc hẳn bức tranh màu da cam” ở Việt Nam sẽ còn khủng khiếp hơn gấp nhiều lần những gì mà chúng ta đã và đang chứng kiến. Chính vì thế,  trong vòng 20 ngày đi từ phía tây đến phía đông nước Mỹ, các nạn nhân chất độc da cam VN - gồm ông Nguyễn Quý ở Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Hồng ở Đồng Nai, ông Võ Thanh Hải và anh Nguyễn Mười ở Thừa Thiên - Huế, đã có hơn 20 cuộc tiếp xúc, vận động người dân Mỹ ủng hộ vụ kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Không ít người dân Mỹ đã bật khóc khi nhìn thấy hình ảnh bà Nguyễn Thị Hồng, mang trong mình bệnh ung thư gan, ung thư vú di căn xương, rối loạn đông máu, chân tay lở loét do nhiễm độc, đi lại rất khó khăn, vượt hàng nghìn dặm đường để đòi các công ty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm với những gì mà họ đã gây ra trong quá khứ. Điểm thành công lớn nhất trong chuyến đi này, là vấn đề chất độc da cam và hậu quả của nó đã được các luật sư, thẩm phán tại phiên tòa phúc thẩm nhìn nhận.

"Vấn đề chất độc da cam đối với sức khỏe của người Việt Nam đã rõ, không còn ai nghi ngờ điều đó. Tiếc rằng một số cá nhân lại phủ nhận hậu quả này. Phải đối xử công bằng và có đạo lý đối với các nạn nhân", đó là lời phát biểu của dân biểu Quốc hội Mỹ là ông Mc Dermott.

Ba triệu USD mà Quốc hội Mỹ chi cho công tác hỗ trợ khắc phục tồn dư chất dioxin - chủ yếu vùng quanh sân bay Đà Nẵng mới chỉ là một phần rất nhỏ trong hành động "công bằng và có đạo lý".

Nhiều cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam cũng bày tỏ sự ân hận, đồng thời góp tiếng nói yêu cầu chính phủ Mỹ, đặc biệt là các công ty hóa chất sản xuất dioxin cần có ngay tức thời những biện pháp và hành động cụ thể nhằm khắc phục hậu quả bi thảm này

Vũ Cao
.
.