Bùng nổ sử dụng an ninh tư nhân chống cướp biển

Thứ Năm, 15/09/2011, 10:30

Khi nạn cướp biển Somali bắt đầu gây chú ý trên toàn thế giới vào năm 2008, chính quyền các nước phản ứng lại bằng giải pháp quân sự thông thường. Họ gửi tàu chiến tuần tra quanh Ấn Độ Dương nhằm mục đích ngăn cản những cuộc tấn công của bọn cướp biển. Ngày nay có khoảng 30 tàu hải quân của 10 quốc gia được tổ chức thành ít nhất 3 đội tàu chiến quốc tế - một đội do Mỹ chỉ huy và hai đội còn lại do EU và NATO chịu trách nhiệm - tuần tra chéo trên khu vực biển nguy hiểm.

Với vùng biển rộng bao la phải tuần tra và 25.000 tàu thương mại lưu thông qua Ấn Độ Dương trong một năm cần được bảo vệ, thì 30 chiếc tàu chiến xem ra là một lực lượng dàn trải quá mỏng lại quá cách xa để có thể ứng cứu khi cần thiết. Do đó không có gì ngạc nhiên khi những vụ cướp thành công đến 50% trong 3 năm qua, bất chấp những cuộc tuần tra tăng cao của hải quân.

Ngoài việc đeo đuổi một chiến lược quân sự thất bại, chính quyền các nước trên thế giới dường như đang tìm thấy giải pháp thông thường để chống cướp biển là sử dụng đội quân đánh thuê. Một nhóm nhỏ vệ sĩ vũ trang có lẽ đủ để đánh bại một cuộc tấn công cướp tàu hàng. Tuy nhiên việc mang vũ khí trên tàu hàng dân sự đòi hỏi một số quy định mới. Đây cũng là khó khăn khác mà luật ban hành khá chậm chạp. Không có sự trợ giúp quân sự cũng như thiếu cả vũ khí, thủy thủ tàu hàng phải dùng đến những biện pháp liều lĩnh. Như trường hợp một thủy thủ tàu đánh cá Trung Quốc kháng cự lại bọn cướp biển trang bị vũ khí đầy đủ chỉ nhờ vào bom xăng và vòi rồng.

Hành động dũng cảm nhưng có nguy cơ thủy thủ đoàn bị giết sạch trong cuộc chiến không cân sức như thế. Giải pháp quân sự không thành công kết hợp giới hạn pháp lý về trang bị vũ khí trên tàu hàng tất nhiên giúp lợi thế nghiêng hẳn về bọn cướp biển. Murphy, chuyên gia về cướp biển,  tuyên bố trong năm 2009: "Bọn cướp biển đang chiến thắng". Do đó mà Lực lượng tuần duyên Mỹ khuyến khích các tàu hàng thương mại lập ra một số biện pháp "phòng vệ thụ động", như là bố trí những buồng an toàn khóa từ bên trong, lắp đặt hệ thống chuông báo động v.v… Trong khi đó, một vài chính quyền cho phép tàu hàng dễ gặp nguy cơ sử dụng vệ sĩ vũ trang hoặc tàu vệ sĩ tư nhân đi kèm sát bên tàu hàng.

Một vệ sĩ an ninh biển của PVI đang bảo vệ tàu hàng hợp đồng.

Tây Ban Nha là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành luật cho phép tàu hàng thương mại sử dụng vệ sĩ. Lúc đầu những vệ sĩ này không được trang bị vũ khí nóng mà chủ yếu dựa vào vũ khí âm thanh và vòi rồng để tự vệ. Năm 2008, một nhóm vệ sĩ không mang súng phải lùi bước trước sự tấn công áp đảo của bọn cướp biển. John Dalby, người sáng lập Công ty an ninh biển tư nhân Tây Ban Nha Marine Risk, nhận xét: "Họ - nhóm vệ sĩ - bị đánh bại chỉ là những cựu vệ sĩ gác siêu thị và chỉ được huấn luyện một tuần  trong bể bơi. Năng lực chỉ có vậy".

Công ty an ninh tư nhân Mỹ nổi tiếng Blackwater, nay đổi tên thành Xe, trang bị một tàu tuần tra nhận sứ mạng hộ tống và cung cấp dịch vụ bảo vệ trên Ấn Độ Dương. Nhưng sự liên can của Blackwater trong vụ nổ súng ở Quảng trường Nisour ở Iraq năm 2007 đã khiến cho công ty mất khách hàng và chẳng bao lâu sau buộc phải giải tán đội an ninh chống cướp biển của mình.

Những vệ sĩ chỉ được huấn luyện sơ sài thậm chí nhát gan cùng với một số công ty an ninh biển không đáng tin đã khiến cho thế hệ những người bảo vệ tàu hàng đầu tiên phải mang tiếng xấu. Nhưng hiện nay tình hình đã đổi khác. Sự huấn luyện chuyên nghiệp hơn đã mở ra một kỷ nguyên mới của những vệ sĩ bảo vệ tàu hàng. Tháng 3/2010, vệ sĩ "thế hệ mới" đã bắn chết một tên cướp biển trong vụ tấn công tàu hàng thương mại Panama - thành công đầu tiên của đội ngũ chiến binh chống cướp biển hiện đại.

Claude Berube, Giáo sư Học viện Hải quân Mỹ, đề nghị: "Cá nhân tôi cho rằng việc sở hữu tàu hộ tống tư nhân là chấp nhận được. Mỗi chiếc tàu hàng nên thuê 4 vệ sĩ chuyên nghiệp trên tàu". Năm 2011, chính quyền các nước và nhiều tàu hàng thương mại tán thành đề nghị này. Từ đó ra đời nhiều công ty an ninh biển tư nhân mới trên thế giới - bao gồm Công ty Anh Protection Vessels International (PVI). Và phần đông số công ty mới hiện nay tìm kiếm cựu quân nhân, nhất là những người từng tham gia tuần tra chống cướp biển của hải quân.

Maersk, một trong những công ty vận chuyển hàng hóa trên biển hàng đầu thế giới, chỉ chọn thuê vệ sĩ là cựu thành viên đơn vị đặc nhiệm hải quân Mỹ nổi tiếng SEAL (Hải cẩu). Stephen Carmel, Phó chủ tịch Maersk, nói: "Cuối cùng, chúng ta đã có được những vệ sĩ được huấn luyện chuyên nghiệp, nhưng rất đắt tiền, trên thế giới". Carmel cho biết mỗi chiếc tàu của Maersk trả khoảng 5.000 USD một ngày cho vệ sĩ chuyên nghiệp loại này. Một chuyến vượt biển có thể tốn 100.000 USD hoặc cao hơn để ký hợp đồng bảo vệ với một công ty an ninh biển tư nhân.

Trước nguồn lợi béo bở này, PVI tuyển chọn khoảng 200 vệ sĩ từ hàng ngũ cựu lính thủy đánh bộ Anh. Paul Gibbin, người phát ngôn của PVI, thừa nhận: "PVI chứng kiến nhu cầu tăng mạnh về bảo vệ an ninh tàu hàng thương mại trong thời gian hiện nay". PVI đã hoàn thành hơn 1.000 sứ mạng hộ tống trên biển và đẩy lùi thành công tất cả 30 cuộc tấn công của bọn cướp biển. Điều đó cho thấy lực lượng vệ sĩ biển là đội ngũ thay thế (cho hải quân) có hiệu quả. Nhưng hãy còn quá sớm để nói mức độ hiệu quả như thế nào và vệ sĩ có giúp hạ thấp tỷ lệ cướp tàu hàng thương mại hay không. Nhiều công ty vận tải biển lớn chắc chắn sẽ vung tiền ra để thuê vệ sĩ chuyên nghiệp, trong khi đó giá cả thuê quá cao sẽ khiến cho số công ty vận tải nhỏ hơn có nguy cơ không được bảo vệ

T.T. (tổng hợp)
.
.