Bừng sáng tinh thần đoàn kết ASEAN

Thứ Năm, 16/04/2020, 11:56
Hợp tác khu vực và quốc tế bằng cách chia sẻ các dữ liệu y tế liên quan chính là góp phần tích cực nhất ngăn chặn, giảm thiểu dịch COVID-19 hiệu quả. ASEAN đang cho thấy sự phản ứng nhanh nhẹn, kịp thời và đồng bộ của cả khối trước nạn dịch hoành hành.

Giãn cách xã hội thiếu quyết liệt sẽ phải trả giá

Các đánh giá mới đây về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 ở ASEAN đã nhận định Indonesia là nước dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch này bởi hệ thống y tế được đánh giá là có nguy cơ cao nhất. Hiệp hội Bác sĩ Indonesia đã hối thúc chính phủ nước này đảm bảo an toàn cho đội ngũ y tế bằng cách tăng thêm trang bị bảo hộ.

Cho đến nay, ít nhất 18 thành viên Hiệp hội đã tử vong trong đợt bùng phát này, bên cạnh đó, gần 100 nhân viên y tế ở Jakarta đã nhiễm virus SARS-CoV-2 do thiếu trang bị bảo hộ trong lúc điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Chính phủ Indonesia cho biết đã phân phối hàng trăm nghìn thiết bị bảo hộ trên khắp cả nước nhưng tình trạng khan hiếm vẫn còn, buộc nhiều bệnh viện phải kêu gọi quyên góp các vật dụng như găng tay và nước rửa tay.

Thái Lan, Malaysia, Singapore và Việt Nam - đã báo cáo những ca nhiễm đầu tiên từ cuối tháng 1. Tại Thái Lan, các nhóm gây lây nhiễm trong cộng đồng bắt đầu tăng nhanh ở Bangkok vào tháng 3, gồm một nhóm người tại một hộp đêm và một trận đấu Muaythai được tổ chức tại sân vận động Boxing Lumpinee. Cho đến ngày 6-4, hơn một nửa trong số 2.220 ca nhiễm được xác nhận là ở Bangkok và vùng phụ cận.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Tây Java  Indonesia. Ảnh: THX.

Tại Malaysia, 16.000 người tụ tập tại nhà thờ Hồi giáo Sri Petaling ở ngoại ô Kuala Lumpur có lẽ đã tạo ra một ổ dịch lớn. Một lượng lớn du khách từ Thái Lan, Indonesia và cả Việt Nam đã tham gia sự kiện trên. Trong một diễn biến khác, Indonesia đang chuẩn bị tiếp nhận làn sóng lao động di trú trở về từ Malaysia, cũng như gần 12.000 thuyền viên từ khắp nơi trên thế giới. Một nguy cơ đáng lo ngại khác là tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu từ cuối tháng 4 với hàng triệu người Indonesia trở về quê hương.

Để ngăn chặn nguy cơ lây lan, Philippines đã áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài một tháng trên hòn đảo chính Luzon với 60 triệu dân, quân đội được huy động để hỗ trợ thực thi lệnh phong tỏa này. Malaysia đã đóng cửa biên giới và tạm dừng các hoạt động kinh doanh không cần thiết từ giữa tháng 3, đồng thời phạt nặng những người vi phạm. Từ lệnh cách ly 14 ngày đối với du khách đến từ các nước láng giềng và các nơi khác trên thế giới, Singapore đã thi hành biện pháp cấm nhập cảnh toàn bộ đồng thời ra lệnh đóng cửa trường học và các nơi làm việc từ ngày 7-4.

Thái Lan đã đưa ra những chính sách thậm chí còn nghiêm khắc hơn như lệnh giới nghiêm và hạn chế phát ngôn. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho rằng đây là thời điểm phải đặt sức khỏe lên trên các quyền tự do. Campuchia dường như cũng đi theo đường hướng tương tự.

Muộn nhất là Indonesia. Tổng thống Joko Widodo đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia nhưng vẫn lưỡng lự trong việc thắt chặt nền kinh tế hơn nữa. Chuyên gia phân tích Krzystof Halladin nhận định rằng sự kết hợp giữa các biện pháp giãn cách xã hội thiếu quyết liệt và dịch vụ chăm sóc y tế yếu kém làm cho Indonesia trở thành nước kém hiệu quả trong việc chặn đứng sự lây lan của virus thời gian tới.

Malaysia có một nền kinh tế tương đối phát triển và đã tiến hành số xét nghiệm nhiều nhất nhưng nguồn lực cũng bị dàn trải. Chính phủ nước này đang cố gắng huy động thêm bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, kể cả những người đã nghỉ hưu. Khi các bệnh viện trong khắp khu vực quá tải, một số nước đang lập các bệnh viện dã chiến. Thái Lan đã quyết định tận dụng một ký túc xá đại học và một số khách sạn.

Malaysia cũng làm tương tự với một trung tâm triển lãm và có kế hoạch tận dụng cả các sân vận động trong nhà. Indonesia đã mở một khu căn hộ vốn từng dành cho vận động viên tham dự Đại hội thể thao châu Á năm 2018 và đang chuẩn bị một hòn đảo hoang làm khu vực cách ly.

Trong khi đó, nguy cơ cũng chưa buông tha các quốc gia khác như Lào và Myanmar - những nước mới chỉ ghi nhận một số ít ca nhiễm bệnh kể từ khi công bố ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 3. Còn Singapore, nước có nền y tế phát triển nhất khu vực tuy đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn virus từ sớm nhưng nước này đã ghi nhận 6 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 trên tổng số khoảng 1.300 ca nhiễm bệnh.

Xây dựng lòng tin để đối mặt với khủng hoảng

Sau vài tháng tranh cãi, WHO cuối cùng đã thừa nhận rằng kinh nghiệm trong việc đeo khẩu trang đã giúp kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Trên thực tế, nhiều nơi trên thế giới phản đối việc đeo khẩu trang đối với những công dân khỏe mạnh. Trong khi đó, người dân ở những nơi như Hong Kong và một số nước ASEAN thấm nhuần bài học lịch sử từ dịch SARS năm 2003 bởi là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch SARS.

Để đối phó với dịch bệnh lần này, người dân cần thể hiện sự đoàn kết, can đảm và sự quan tâm đến y tế cộng đồng. Bên cạnh đó, chính quyền các nước cũng có một thế hệ các nhà quản lý ưu tú trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe còn đương chức hoặc đã nghỉ hưu, từng chỉ huy chống dịch bệnh SARS năm xưa. Kinh nghiệm thực tiễn của họ giúp ích rất nhiều cho công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Riêng với ASEAN, các nhà nghiên cứu cho rằng, ASEAN cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng giải quyết những tình huống cần chung tay. ASEAN có thể đưa ra các cơ chế hiện có, tích lũy kinh nghiệm trong việc chống lại dịch bệnh trước đây và các giá trị nội tại của mối quan hệ láng giềng tốt và cởi mở để vạch ra con đường. Mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng do đại dịch COVID-19, vì vậy phản ứng của ASEAN phải rất nhanh nhẹn và kịp thời.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng mang lại một số bài học cho ASEAN để tăng cường sự chuẩn bị cho khu vực và ứng phó với các mối nguy hiểm sức khỏe trong tương lai. Ví dụ, ASEAN nên xem xét việc phát triển một kho dự trữ vật tư y tế trong khu vực; mở rộng phạm vi công việc của khu vực phòng thủ ASEAN về quản lý thảm họa để bao gồm hỗ trợ nhân đạo trong các trường hợp khẩn cấp về y tế và huy động các nguồn lực và xây dựng năng lực cho các quốc gia thành viên trong việc phát triển một chiến lược y tế công cộng dài hạn khả thi.

Hồng Nguyễn
.
.