Bước chuyển mình quan trọng tại Myanmar

Thứ Tư, 11/11/2015, 16:50
Cuộc tổng tuyển cử tại Myanmar ngày 8/11 đang được cả thế giới quan tâm. Ngoài việc đây là cuộc bầu cử tự do đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này trong 25 năm qua, cơ hội chiến thắng cao của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập của bà Aung San Suu Kyi là những điều khiến giới truyền thông bình luận nhiều.

Cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 diễn ra 4 năm sau khi chính phủ quân sự cầm quyền trong suốt một thời gian dài chuyển giao quyền hành lại cho một chính phủ dân sự dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein, người đã đưa ra một số cải cách nhằm chấm dứt tình trạng bị cô lập kinh tế và ngoại giao của Myanmar. Đây được cho là cuộc bầu cử tự do nhất tại Myanmar trong vòng 25 năm qua. Hơn 90 đảng tham gia tranh cử một trong tổng tuyển cử lần đầu từ khi có chính phủ dân sự nắm quyền từ năm 2011.

Hồi tháng 5/1990, Myanmar đã tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên kể từ năm 1960 khi chế độ quân sự lên nắm quyền. Bà Aung San Suu Kyi đã trở về nước hai năm trước đó để chăm sóc mẫu thân sắp mất, nhưng nhận thấy mình bị kẹt giữa những cuộc biểu tình ồ ạt chống lại nhà cầm quyền. Chính quyền quân sự khi đó đã đặt bà trong tình trạng quản thúc tại gia vào năm 1989, cắt đứt mọi liên lạc bà có thể có với thế giới bên ngoài.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1990, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành được hơn 80% số ghế tại Quốc hội. Tuy nhiên, kết quả bầu cử kỳ đó đã bị chính quyền cầm quyền khi đó không công nhận.

Bà Suu Kyi phát biểu trước trụ sở của đảng NLD ngày 9/11.

Trước khi cuộc bầu cử lần này diễn ra, chính quyền Myanmar cho biết sẽ chấp nhận kết quả dù có bất lợi cho họ. Trên trang mạng xã hội Facebook, Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Hạ viện Myanmar U Shwe Mann - một đại diện cho Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền tham gia cuộc tổng tuyển cử hôm 8/11 - đã thừa nhận thất bại.

Ngày 9/11, đảng NLD đối lập của bà Aung San Suu Kyi tuyên bố họ đang tiến tới việc giành được hơn 70% số ghế trong Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử. Người phát ngôn NLD Win Htein nói: "Chúng tôi sẽ giành được hơn 70% số ghế trên toàn quốc mặc dù Ủy ban bầu cử vẫn chưa chính thức xác nhận kết quả này".

Việc thông báo kết quả bầu cử ở Myanmar không giống như các nước khác. Kết quả bầu cử sẽ được cập nhật mỗi ngày tại các trung tâm thông tin ở trụ sở Ủy ban Bầu cử Liên bang Myanmar (MUEC) tại thủ đô Naypyidaw và tại Trung tâm Hòa bình Myanmar ở Yangoon vào lúc 9 giờ, 12 giờ, 15 giờ, 18 giờ, 21 giờ và 23 giờ. Chủ tịch MUEC sẽ chủ trì các cuộc họp báo vào lúc 16 giờ mỗi ngày và có truyền hình trực tiếp. Trong lần đầu thông báo sáng 9/11, MUEC cho biết đảng NLD đã giành toàn bộ 12 ghế Quốc hội.

Nhìn chung theo nhận định của các chuyên gia và các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy đảng NLD của bà Suu Kyi gần như chắc chắn thắng cử. Tuy nhiên, trong phát biểu đầu tiên trước công chúng sau cuộc bầu cử, bà Suu Kyi cho rằng còn hơi sớm để chúc mừng các ứng cử viên của NLD, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ không nên khiêu khích các ứng cử viên đối thủ thất bại.

Cuộc bầu cử ngày 8/11 quyết định quyền kiểm soát cơ quan lập pháp gồm 2 viện gọi là Hluttaw. Cơ quan này hiện còn nằm dưới sự kiểm soát của giới chức thuộc chính quyền quân sự cũ, đã nhượng quyền cho một chính phủ bán dân sự vào năm 2011. Sau cuộc bầu cử toàn quốc, các đại biểu của 2 viện lập pháp sẽ chọn ra một tổng thống.

Nhìn từ phía các nhà cầm quyền ở Naypyidaw thì cuộc bầu cử này là một bước thành công: không xảy ra xô xát tại các phòng phiếu, và cử tri kiên nhẫn chờ đợi để thực hiện quyền công dân. Vào giờ phòng phiếu đóng cửa, người dân Myanmar tỏ ra hài lòng được tự do chọn lựa người lãnh đạo. Đây cũng là lần đầu tiên, chính quyền Myanmar huy động đông đảo quan sát viên đến giám sát các phòng phiếu, trong đó có 150 quan sát viên của Liên minh châu Âu. Mỹ cũng nhìn nhận đây là một bước ngoặt quan trọng đối với tiến trình dân chủ hóa đất nước tại quốc gia Đông Nam Á này.

Vấn đề được đặt ra cho cá nhân bà Suu Kyi và đảng NLD sau bầu cử là rất lớn. Mặc dù đảng NLD có thắng trong cuộc bầu cử này nhưng bà Suu Kyi không thể được bầu làm tổng thống Myanmar. Điều khoản số 59 của Hiến pháp Myanmar, mà người ta cho là được viết nhắm vào bà, nói rằng bất cứ ai kết hôn với một công dân nước ngoài hoặc con em là người nước ngoài, đều không thể lên làm tổng thống hay phó tổng thống. Bà Aung San Suu Kyi, năm nay 70 tuổi, kết hôn với nhà sử học người Anh Michael Aris, đã mất vào năm 1999. Hai người con trai của bà mang quốc tịch Anh.

Người dân ủng hộ bà Suu Kyi và đảng NLD ngày 8/11.

Trước đó ngày 5/11, bà Suu Kyi tuyên bố “có phương án” lãnh đạo chính phủ và “đứng trên cả tổng thống” nhưng giữ bí mật đến phút cuối. Chưa rõ bà sẽ đề cử ai làm tổng thống để có thể chỉ đạo nhưng lời tuyên bố tự tin này đã gây ra nhiều bình luận lẫn tin đồn khó tin nhất, đó là bác sĩ riêng của bà sẽ làm Tổng thống Myanmar.

Tuy có tới hơn 90 đảng phái đưa người ra tranh cử, nhưng cuộc bầu cử này được coi là cuộc đua giữa đảng NLD và đảng cầm quyền USDP, vốn gồm đa số là thành phần thuộc Hội đồng Quân nhân trước kia. Theo giới quan sát, cuộc bầu cử này sẽ không đưa đến dân chủ hoàn toàn cho Myanmar vì theo Hiến pháp, quân đội được dành riêng 25% số ghế trong Quốc hội và có cả quyền phủ quyết mọi dự luật thay đổi hiến pháp. Vì vậy, cho dù đảng NLD có chiến thắng cũng rất khó đạt được thế đa số. Quân đội cũng được bảo đảm là sẽ nắm Bộ Quốc phòng, Nội vụ và Biên phòng.

Giữa lúc một loạt nhóm vũ trang đang hoạt động tích cực, tình trạng đòi tự trị ngày càng tăng, nạn tham nhũng và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước bên ngoài trên đất Myanmar ngày càng lớn, giới chuyên gia lo sợ nguy cơ nước này rơi vào tình trạng tương tự hồi thập niên 50 thế kỷ trước. Khi đó, sự can thiệp trực tiếp của Mỹ và Trung Quốc, cạnh tranh chính trị trong nội bộ đảng cầm quyền và nội chiến suýt hủy diệt quốc gia này.

Kịch bản lý tưởng nhất, theo dự báo của giới chuyên gia, là phe thân chính quyền và đối lập hợp tác trong một chính phủ liên minh. Quốc gia Đông Nam Á này cần phải canh tân môi trường doanh nghiệp để thu hút đầu tư và để tiềm năng kinh tế dồi dào, đừng bị mai một. Giới doanh nghiệp quốc tế đang thất vọng, vì môi trường làm ăn ở Trung Quốc sẽ đổ về Myanmar như họ đã sang Campuchia và Việt Nam. Nếu bầu cử không đưa đến ổn định chính trị thì thật là hoang phí. Tỷ lệ tăng trưởng được dự báo sẽ lên đến 7% mỗi năm trong những năm tới.

Tất cả hy vọng của người dân Myanmar giờ đây đang được đặt lên đôi vai người phụ nữ mảnh khảnh, chờ đợi bà nhanh chóng vực dậy một đất nước tuy giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng đã trải qua 50 năm dưới chế độ quân sự. Năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng của Myanmar đạt tới 8% thế nhưng thu nhập tính theo đầu người tại quốc gia này vẫn thuộc vào hạng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. 1/3 dân Myanmar vẫn sống dưới ngưỡng nghèo khó. Myanmar đang thiếu đủ mọi thứ từ bệnh viện đến trường học từ nhà máy điện đến các trục lộ giao thông. Một phần lớn các hoạt động kinh tế vẫn được đặt trong tay quân đội.

Thành công hay thất bại của Myanmar một phần lớn tùy thuộc vào khả năng của bà Suu Kyi và của đảng NLD giải quyết được ngần ấy đòi hỏi cấp bách của người dân.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.