Chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Vladimir Putin:

Bước đệm cho một hiệp ước hòa bình trong tương lai

Thứ Sáu, 22/05/2009, 05:35
Hàng loạt các thỏa thuận hợp tác về kinh tế, trong đó có cả lĩnh vực nhạy cảm như hạt nhân - đó là kết quả chuyến công du đáng chú ý trong tuần này của Thủ tướng Vladimir Putin tới xứ sở Mặt trời mọc. Tuy vấn đề tranh chấp lãnh thổ - trở ngại chính trong quan hệ của hai quốc gia láng giềng này - vẫn chưa có được bước đột phá đáng kể nào, nhưng chuyến đi này có thể coi là bước đệm quan trọng cho một hiệp ước hòa bình trong tương lai…

Những kết quả hợp tác kinh tế

Chuyến công du tới Nhật của ông Putin trên cương vị Thủ tướng nước Nga có thể coi là một bước hiện thực hóa sắc lệnh của Tổng thống Dmitri Medvedev phê chuẩn vào ngày 17/7/2008 về vai trò của chính phủ trong việc thực thi chính sách đối ngoại của đất nước.

Với sắc lệnh mới này, Thủ tướng Nga sẽ có nhiều đặc quyền hơn để quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại. Đó cũng là lý do chính khiến cho chuyến công du này đạt được không ít những kết quả quan trọng về hợp tác kinh tế.

Thành quả đáng nhắc tới đầu tiên trên tiến trình hướng tới những mối quan hệ chặt chẽ và xây dựng hơn giữa Nga và Nhật chính là thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì hòa bình. Thỏa thuận đạt được này, theo đánh giá của quan chức đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nga Sergei Kirilenko, sẽ cho phép hai bên triển khai được những bước hợp tác đầy đủ trong lĩnh vực hạt nhân.

Theo tinh thần của thỏa thuận này, Nga sẽ cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho Nhật, trong khi Tokyo có thể bàn giao cho Moskva những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực xây dựng và vận hành các nhà máy điện nguyên tử.  

Thành công về mặt kinh tế của thỏa thuận hợp tác trên là chuyện không thể bàn cãi nếu biết rằng, sẽ có nhiều xí nghiệp và việc làm mới được hình thành với tổng trị giá hàng tỉ đôla một khi các cam kết được triển khai. Ngoài khía cạnh kinh tế, thỏa thuận còn mang nhiều ý nghĩa chính trị quan trọng khác.

Trước tiên, đây là thỏa thuận rất có ý nghĩa đạt được trong một lĩnh vực nhạy cảm giữa hai quốc gia vốn là kẻ thù trong Chiến tranh thế giới thứ hai và cho tới giờ vẫn chưa có được một hiệp ước hòa bình. Điều này cũng đồng nghĩa với một bước đột phá trong quá trình tìm hiểu và xích lại gần nhau giữa Moskva và Tokyo.

Thứ hai, thỏa thuận này chỉ có thể đạt được xuất phát từ việc cả hai nước đều có cùng quan điểm về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy, triển vọng hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau về hạt nhân giữa Nga và Nhật có được sự đảm bảo dễ dàng của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đồng thời tất cả những điều khoản của thỏa thuận đều quy định không sử dụng cho các mục đích quân sự.

Ngoài vấn đề hạt nhân, trong cuộc gặp gỡ với các thương gia Nhật, Thủ tướng Putin đã tuyên bố rằng, Chính phủ Nga sẽ hỗ trợ hết mình cho các doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư vào nước Nga.

Chẳng hạn như Thủ tướng Putin đã mời gọi giới thương gia Nhật mở rộng đầu tư vào việc chế biến nguyên liệu tại khu vực Viễn Đông - là nơi đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất khí đốt hóa lỏng và cả một tổ hợp công nghiệp về các sản phẩm hóa học - khí đốt. Trong xu hướng mở rộng đầu tư này, một nhà máy sản xuất khí đốt hóa lỏng tại Sakhalin đã đi vào hoạt động, và lô sản phẩm đầu tiên của nó đã được chuyển tới Nhật.

Năng lượng luôn là một lĩnh vực lớn thu hút được sự đầu tư hợp tác của cả hai bên. Theo Hãng tin Nikkei của Nhật, Tokyo sắp tới sẽ ký kết các thỏa thuận về việc hợp tác khai thác những vỉa dầu tại tỉnh Irkutsk của Nga.

Dự tính Công ty quốc gia Japan Oil, Gas and Metals National Corp của Nhật sẽ có được 49% số cổ phần của liên doanh mới này, trong khi tỉ lệ còn lại thuộc về nước chủ nhà. Những thỏa thuận hợp tác đáng chú ý trong chuyến đi này còn được triển khai trong lĩnh vực ngân hàng.

Còn phải nhắc tới một sự kiện đáng chú ý về văn hóa, khi Thủ tướng Nga trong chuyến đi này sẽ giới thiệu cuốn sách của riêng ông với nhan đề "Học Judo với Vladimir Putin" được xuất bản bằng tiếng Nhật.

Tạm gác những tranh chấp lãnh thổ

Một điều không thể không nhắc tới trong quan hệ Nga - Nhật chính là khả năng ký kết một hiệp ước hòa bình, điều mà cả hai bên đều mong muốn từ hơn 50 năm qua nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực vì những tranh chấp về lãnh thổ. Tokyo từ lâu nay vẫn luôn đòi Moskva phải trao lại cho họ 4 hòn đảo thuộc quần đảo Nam Kuril.

Kuril là một quần thể các hòn đảo tạo thành bởi sự phun trào của núi lửa nằm giữa khu vực Kamchatka của Nga và Hokkaido của Nhật. Phía Nga cho rằng những đảo này nằm trong khu vực thềm lục địa của Kamchatka, còn Nhật lại khẳng định chúng nằm trong thềm lục địa của đảo Hokkaido.

Từ trước tới nay, Tokyo luôn đòi Nga phải trao trả lại cho mình các hòn đảo Kunashir, Shikotan, Iturup và hòn đảo không có người sinh sống Habomai, bị Moskva kiểm soát từ năm 1945 sau khi kết thúc chiến tranh. Năm 1956, Liên Xô đã bày tỏ thiện chí sẽ trao trả lại hai đảo Shikotan và Habomai nếu hai bên ký kết được hiệp ước hòa bình. Nhưng Tokyo vẫn cương quyết đòi phải trao trả hết tất cả những hòn đảo thuộc Nam Kuril.

Đây cũng là vấn đề gây trở ngại hàng đầu trong chuyến công du lần này của Thủ tướng Putin. Dù không trực tiếp bàn bạc về tranh chấp trên, nhưng ông Putin vẫn đánh giá, để có thể giải quyết được vấn đề, giữa hai bên cần phải xây dựng được một bầu không khí hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cùng nhau triển khai những dự án chung.

Qua các cuộc gặp gỡ, Thủ tướng hai nước đã thống nhất về nhu cầu cần phải nhanh chóng ký kết được một hiệp ước hòa bình trên cơ sở giải quyết dứt điểm vấn đề chủ quyền đối với các hòn đảo tại Nam Kuril.

"Một khi đã đạt được mục tiêu này, hợp tác chung của cả hai bên sẽ giúp tìm ra giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, trong đó có khả năng ký kết được một hiệp ước hòa bình" - Thủ tướng Nga nhấn mạnh.

Được biết theo thỏa thuận của cả hai bên, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và Thủ tướng Nhật Taro Aso tại cuộc gặp sắp tới trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G-8 sẽ cùng nhau xem xét tất cả các phương án giải quyết vấn đề Nam Kuril, kể cả đề xuất của Nhật về việc phân chia những hòn đảo này

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.