Bước leo thang mới trong quan hệ liên Triều

Thứ Hai, 15/06/2020, 15:44
Sau nhiều lần cảnh cáo, ngày 9-6, Bình Nhưỡng ngưng toàn bộ các đường dây liên lạc với chính quyền Seoul. Hãng tin chính thức của CHDCND Triều Tiên KCNA cho biết: “việc ngừng mọi đường dây liên lạc là bước đi đầu tiên của quyết định cắt đứt toàn bộ các quan hệ với Seoul”.

Lí do chính thức cho quyết định này là vì Bình Nhưỡng tố cáo chính quyền Seoul đã để cho những người đào tẩu từ CHDCND Triều Tiên sang Hàn Quốc thả truyền đơn chống phá bằng bóng bay vượt biên giới sang miền Bắc.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cảnh báo rằng trong trường hợp chính quyền Seoul không đưa ra biện pháp ngăn chặn việc rải truyền đơn, có khả năng Bình Những sẽ phá bỏ thỏa thuận với Hàn Quốc được ký kết nhân Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Triều diễn ra vào tháng 9-2018.

Ngay sau sự cố trên, chính quyền Hàn Quốc kêu gọi CHDCND Triều Tiên duy trì các kênh thông tin. Giải thích với Yonhap, sau quyết định cắt đứt liên lạc của Bình Nhưỡng, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết: “Các kênh liên lạc liên Triều cần phải được duy trì...

Căng thẳng leo thang khiến người ta nhớ lại cái bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm.

Theo thỏa thuận liên Triều, chính phủ hai bên có trách nhiệm nỗ lực vì hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Choi Hyun Soo, khẳng định đây là lần đầu tiên CHDCND Triều Tiên không trả lời các cuộc gọi qua đường dây quân sự liên Triều, kể từ khi các đường dây nóng được tái lập vào năm 2018.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, từ trưa 9-6, việc liên lạc qua điện thoại với miền Bắc đã không thể thực hiện được. Thông thường, hai bên vẫn duy trì liên lạc với nhau qua điện thoại qua Văn phòng liên lạc chung ở Kaesong.

Trong một cử chỉ nhằm hạ nhiệt tình hình, ngày 10-6, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã chỉ đích danh 2 tổ chức “Kuensaem” và “Những chiến binh chiến đấu vì tự do Triều Tiên” đã vi phạm Luật Hợp tác và Trao đổi liên Triều khi rải truyền đơn với thông điệp chống phá kèm theo gạo và thuốc men sang biên giới CHDCND Triều Tiên. Hiện nay, Hàn Quốc đang soạn thảo Dự luật cấm rải truyền đơn phê phán miền Bắc.

Theo kết quả điều tra độc lập của Công ty Điều tra dư luận Hàn Quốc công bố ngày 11-6 liên quan đến dự luật trên, 50% người dân Hàn Quốc được hỏi tán thành việc xây dựng luật, 41,1% phản đối.

Phản ứng trước tình hình trên, ngày 11-6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ thất vọng trước động thái cắt đứt mọi đường dây liên lạc với Hàn Quốc của CHDCN Triều Tiên. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng duy trì hoạt động ngoại giao và quay lại bàn đàm phán. Đặc biệt, quan chức này khẳng định Mỹ luôn hợp tác chặt chẽ với nước đồng minh Hàn Quốc khi tiếp xúc với Triều Tiên.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã phản đối phát biểu này và khẳng định đây là vấn đề nội bộ của Triều Tiên mà “không ai có quyền đưa ra quan điểm”, đồng thời gay gắt cảnh báo Mỹ “nên chú tâm vào công việc của mình thì tốt hơn”.

Chuyên gia Liên Hợp quốc Ojea Quintana cho rằng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng nên được nới lỏng để tránh tạo ra thảm kịch nhân đạo vì đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ quan điểm Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên là một dân tộc, do đó, quan hệ hai nước đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh mong muốn hai nước cải thiện quan hệ song phương thông qua đối thoại.

Các phương tiện truyền thông lớn của Trung Quốc như Đài phát thanh và Truyền hình Trung Quốc CCTV, Thời báo Hoàn cầu cũng lần lượt đưa tin về vụ việc Bình Nhưỡng cắt mọi đường dây liên lạc với Seoul nhưng tránh đưa ra bình luận hay nhận xét.

Theo giới quan sát, đằng sau tuyên bố cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc có lẽ là sự phẫn nộ, hết kiên nhẫn, xen lẫn lo lắng của Bình Nhưỡng. Người dân CHDCND Triều Tiên đang bất bình trước tình trạng “giậm chân tại chỗ” trong các cuộc đàm phán với Seoul và Washington. Dù đã có nhiều cuộc họp thượng đỉnh nhưng các biện pháp cấm vận đối với nước này vẫn không được giảm nhẹ. Giao thương với Trung Quốc gần như bị ngưng trệ vì dịch COVID-19.

Ngày 9-6, Tomas Ojea Quintana, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc về nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên, cảnh báo các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Bình Nhưỡng và đại dịch COVID-19 đang tạo ra nhiều hậu quả mà một trong số đó là nạn đói. Ông Quintana kêu gọi nới lỏng trừng phạt để “cứu” người dân.

Quan hệ liên Triều được cái thiện đáng kể sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Singapore ngày 12-6-2018. Trong suốt 2 năm qua, lãnh đạo Bình Nhưỡng và Washington đã mấy lần gặp nhau hoặc điện đàm nhưng quan hệ giữa đôi bên không hề được cải thiện. Mỹ vẫn kiên trì lập trường yêu cầu CHDCND Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi nhận được sự nới lỏng cấm vận của Mỹ.

Bình Nhưỡng thì cho rằng hai bên nên thực hiện cam kết trước đó giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un theo từng bước để tiến tới tổng thể. Cụ thể khi Bình Nhưỡng đóng cửa một lò phản ứng hạt nhân thì Washington phải nới lỏng một phần lệnh cấm. Kết quả là quan hệ Mỹ-Triều gần đây trở nên căng thẳng.

Một số chuyên gia cho rằng CHDCND Triều Tiên có thể đang cố tình tạo ra căng thẳng để tăng sự đoàn kết trong nước hoặc để khởi động một cách thức mới hơn khi vẫn đang đối diện với lệnh cấm vận dai dẳng của Mỹ. Thời gian qua nước này đã gây áp lực để buộc Hàn Quốc phớt lờ sức ép của Mỹ và cải thiện quan hệ kinh tế liên Triều.

Bình Nhưỡng yêu cầu Seoul mở lại dự án du lịch chung tại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương và một khu công nghiệp chung ở Kaesong. Cả hai nơi này đều là những nơi tạo ra nguồn thu quan trọng cho miền Bắc trước khi bị đóng cửa. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã từ chối và kêu gọi CHDCND Triều Tiên trước hết có các bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa.

Mặc dù quan hệ Hàn-Triều đang xấu đi, nhưng điện thoại liên lạc trực tiếp giữa Liên Hợp quốc với quân đội Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm (Hàn Quốc) và một đầu tại tòa nhà Panmungak phía CHDCND Triều Tiên vẫn chưa bị gián đoạn. Dù vậy, vẫn chưa rõ Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của kênh liên lạc với Liên Hợp quốc trong thời gian tới hay không.

Một số nhà phân tích khác lại cho rằng, có thể quan hệ Hàn-Triều sẽ dịu xuống nhưng những vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa sẽ tăng lên trong thời gian tới. Trong trường hợp ông Trump tái cử, chưa chắc quan điểm về CHDCND Triều Tiên sẽ duy trì như cũ. Ở viễn cảnh xấu nhất, những nỗ lực của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy quan hệ với CHDCND Triều Tiên sẽ như “dã tràng xe cát” nếu Mỹ hành động như vậy. Có thể nói để quan hệ liên Triều thực sự được hâm nóng thì trước hết quan hệ Mỹ-Triều phải được “rã đông”.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.