Bước qua lời nguyền

Thứ Tư, 08/06/2005, 07:15
Dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít vừa được tổ chức trọng thể hồi đầu tháng 5/2005 đã trở thành một cầu nối tốt lành cho mối quan hệ giữa Moskva và Berlin, giữa cá nhân Tổng thống LB Nga Vladimir Putin và Thủ tướng CHLB Đức Gerhard Schroeder.

Hai nhà lãnh đạo quốc gia này đều sinh ra trong hai gia đình mà người cha trực tiếp cầm súng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Một người sống sót trở về, lập gia đình và sinh ra người con về sau trở thành Tổng thống Nga. Người kia đã ngã xuống nơi quê người đất khách, để lại vợ dại con thơ.

Trong những lần trực tiếp gặp gỡ với nhau ở ngoài khung cảnh lễ nghi chính thức, hẳn ông V. Putin và ông G. Schroeder đã kể cho nhau không ít điều về những người cha của mình. Ông G. Schroeder hẳn đã rất xúc động khi biết về những chặng đường chiến tranh chìm nổi của thân sinh Tổng thống Nga.

Khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại ngày 22/6/1941, thân sinh của Tổng thống Nga lập tức xung phong ra chiến trường và được phân vào một tiểu đoàn tiêm kích của Cơ quan an ninh NKVD (tiền thân của KGB). Tiểu đoàn này chuyên thực hiện nhiệm vụ thả dù các đội đặc nhiệm vào hậu phương quân phát xít.

Theo chính lời kể của ông V. Putin, cha ông từng có lúc sát kề cái chết và chỉ nhờ những tình huống may mắn ngẫu nhiên mà trở về được với gia đình. Khi đó, người cha mới chỉ kịp tham gia vào một chiến dịch ở vùng Estonia ven biển Baltik. Nhóm của ông có 28 người. Họ được thả xuống vùng gần thành phố Kingisepp.

Mặc dù còn lạ nước lạ cái nhưng các chiến sĩ đặc nhiệm Xôviết đã tìm được chỗ trú ẩn trong rừng và nhanh chóng bắt tay vào hoạt động rất hiệu quả, thậm chí đã kịp làm nổ tung một đoàn tàu chở đạn dược của quân phát xít. Nhưng rồi họ bị hết lương thực nên đành phải liên hệ với những người dân địa phương. Những người Estonia này cũng cho họ ăn nhưng lại đi mật báo ngay cho quân Đức.

Trong cuốn Tự thuật, Vladimir Putin kể lại những điều mà ông còn nhớ từ những hồi ức của cha mình: "Quân Đức vây lấy họ từ mọi phía và chỉ có vài người, trong đó có cha tôi, mới thoát được ra ngoài. Trên đường đi, lại bị hy sinh thêm mấy người nữa nên họ quyết định xé lẻ ra. Cha tôi đã phải dìm cả đầu xuống đầm lầy, thở bằng ống sậy, chờ cho tới lúc lũ chó của quân phát xít săn lùng đi qua hết. Thế là thoát. Trong số 28 người chỉ còn 4 người trở về".

Tới đây vẫn chưa kết thúc những thử thách đối với người cha. Theo tập sách "V. Putin, sự lựa chọn của nước Nga", thoát khỏi cái chết mười mươi ở Estonia, ông cụ được phân vào vùng chiến sự ác liệt ở bờ trái sông Neva, quay lưng lại phía hồ Ladoga, trong khu vực phòng thủ Leningrad. Đấy chính là "rẻo đất Neva" lừng danh, chỗ duy nhất còn sót lại ngoài vòng phong tỏa của bọn phát xít.

Khi đó, quân Đức đã chiếm được toàn bộ khu vực này, trừ "rẻo đất Neva". Hồng quân cố thủ địa danh này suốt thời gian Leningrad bị phong tỏa với hy vọng sẽ dùng đây làm bàn đạp phản công khi thời cơ đến. Quân Đức không tiếc bom đạn giội xuống đó. "Rẻo đất Neva" trở thành một "cối xay thịt".

Người cha bị thương trong lúc cùng một đồng đội đi thực hiện nhiệm vụ bắt sống "lưỡi" (tức là một tên địch về làm tù binh để thẩm vấn tin tức). Hai người bò tới gần một căn hầm của quân phát xít và nằm chờ xem có tên lính Đức nào mò ra không. Thế nhưng khi một tên lính Đức bất thình lình xuất hiện trước mặt họ thì cả hai bên đều bị giật mình. Tên lính Đức bình tâm sớm hơn và móc ngay lựu đạn ném vào chỗ họ nằm.

Y nghĩ rằng mình đã giết chết đối phương rồi nên thản nhiên đi tiếp. May mà người cha chỉ bị thương vào chân. Vài giờ sau, ông được đồng đội tìm thấy và đưa về đơn vị. Tuy nhiên, "rẻo đất Neva" đang là tiền phương, còn trạm xá lại ở trong thành phố. Muốn cứu người cha, cần đưa ông vượt qua sông Neva.--PageBreak--

Vladimir Putin kể: "Tất cả đều hiểu rằng, sẽ là tự sát nếu làm vậy vì mỗi một centimet vuông trên sông đều bị xối đạn như mưa. Không một vị chỉ huy nào dám ra lệnh đưa cha tôi về trạm xá. Trong khi đó, cha tôi đã bị mất khá nhiều máu và ai cũng hiểu rằng, ông sẽ chết nếu cứ để như vậy. Lúc đó tình cờ một chiến sĩ, một hàng xóm cũ của cha tôi, tới và chứng kiến cảnh này.

Người đó hiểu tất cả và không cần nhiều lời, vác ngay cha tôi lên vai và vượt qua lớp băng trên sông Neva đưa về trạm xá trong thành phố. Đạn địch bắn ra chíu chít. Họ đã là cái bia lý tưởng trước mũi súng quân Đức nhưng lại vẫn may mắn thoát chết. Người hàng xóm đưa cha tôi tới trạm xá rồi giã biệt và lại quay trở về "rẻo đất Neva" với tâm trạng gặp nhau lần cuối. Ông ấy có lẽ cũng không nghĩ rằng bản thân mình sẽ sống sót trở về  từ "cối xay thịt" và cũng chẳng mấy hy vọng cho cha tôi".

Sau chiến tranh, người hàng xóm chuyển nhà tới thành phố khác. 20 năm sau, năm 1964, họ mới tình cờ gặp lại nhau, đúng dịp kỷ niệm "ngày lễ lệ tràn mi" theo cách nói như lời một bài hát Xôviết rất phổ biến. Người cha qua đời năm 1998, sau khi Vladimir Putin được ngồi vào ghế Tổng thống Nga có vài ngày. Mặc dù đang bận nhiều việc quốc gia to lớn nhưng người con trai duy nhất còn lại của dòng họ Putin vẫn cố gắng ở lại với bố mình trong lúc ông cụ hấp hối.

Trở lại với thời Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Trong lúc người cha cầm súng thì người mẹ, cũng phải chịu rất nhiều thử thách, khó khăn. Là một phụ nữ hiền lành nhưng chăm chỉ, bà Maria Ivanovna Shelomova, trong lúc bình thường cũng có thể đảm đương được việc kiếm kế sinh nhai. Bà vốn không nề hà bất cứ một công việc gì, dù nặng nhọc tới bao nhiêu.

Nhưng gặp thời chiến tranh ác liệt, lại có con mọn nên bà chẳng biết xoay xở ra sao khi chồng đã ra chiến trường rồi. Bố chồng cũng chẳng giúp được gì con dâu và cháu nội vì ông cụ, như lời Tổng thống Nga sau này kể lại, có quá đông con và mọi người cũng đều đã đi chiến đấu.

May lúc "bĩ cực" lại được "thái lai", có ông cậu, Ivan Ivanovich Shelomov, là sĩ quan hải quân. Lúc đó, ông đang làm việc tại Bộ Tư lệnh Hải quân đóng ở điện Smolnyi. Và ông tới đưa người mẹ trẻ và đứa cháu trai duy nhất còn lại vào thành phố giữa lúc bom rơi đạn nổ. Cả nhà sống nhờ vào khẩu phần sĩ quan ít ỏi của ông cậu. Rồi đứa con nhỏ được đưa vào trại thiếu nhi vì ở đó có chế độ ăn uống tốt hơn ở nhà. Chính trong trại mà người anh của vị Tổng thống tương lai đã chết vì bệnh bạch hầu.

Tình hình càng trở nên xấu đi khi ông cậu sĩ quan hải quân phải chuyển công tác và người mẹ còn lại trơ trọi một mình. Có bận, bà lả người đi vì đói, bất tỉnh nhân sự; xung quanh cứ tưởng bà chết và đã xếp bà vào cùng những xác chết khác. May mà bà lại chợt tỉnh và rên lên... Chỉ nhờ một sự tình cờ mà bà Maria mới tìm được chồng mình trong trạm quân y.

Nhìn thấy vợ đang trong cảnh đói khát, gầy yếu, sống dở chết dở nên ông chồng đang được chu cấp theo tiêu chuẩn thương bệnh binh đã chia phần thức ăn ít ỏi của mình cho vợ mỗi khi bà tới trạm xá thăm ông. Ông thương vợ tới mức giấu các y tá chia cho vợ ăn quá nhiều, thành ra chính ông lại bị đói lả. Khi các bác sĩ phát hiện ra điều này, họ đã không cho vợ ông đến thăm ông nữa. Dẫu sao, chuyện nhường cơm sẻ áo của hai vợ chồng đã giúp cho cả hai cùng sống sót qua thời gian khó, hiểm nguy...

Thủ tướng Đức không được may mắn nhớ cha mình vì ông cụ đã chết trong chiến tranh. Và hôm nay, như chính lời ông đã nói trong bài trả lời phỏng vấn tờ Bild mới đây, ông vẫn cảm thấy biết ơn Hồng quân Xôviết cũng như các nước đồng minh khác đã giải phóng nước Đức khỏi họa phát xít.

Ông còn thay mặt nhân dân Đức xin lỗi nước Nga vì những tội ác mà quân đội Hitler đã gây ra ở đây. Đây quả thực là một thái độ tỉnh táo, hợp đạo lý. Bước qua được lời nguyền của quá khứ, hai nước Nga và Đức chắc chắn sẽ tạo dựng nên những mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn và có ích cho hai dân tộc hơn. Đó là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất trong thế giới hôm nay

Trọng Nhân
.
.