“Bước tiến Thái Bình Dương” đầy tham vọng của Australia

Thứ Ba, 17/03/2020, 20:25
Chương trình “Bước tiến Thái Bình Dương” (Pacific step-up) ra đời với mục đích tăng cường ảnh hưởng của Australia tại khu vực Thái Bình Dương trong bối cảnh các thách thức kinh tế và an ninh ngày càng tăng.

Chương trình bao gồm thiết lập một ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2 tỷ AUD (1,4 tỷ USD) cho khu vực Thái Bình Dương nhằm cung cấp các khoản viện trợ và vay dài hạn cho các dự án viễn thông, năng lượng, giao thông và nước.

Trong bài viết được đăng trên trang The Australians, tác giả Ben Packham chỉ ra rằng, Chính phủ Australia đã quyết định bắt đầu cắt giảm viện trợ đối với các quốc gia châu Á để tập trung hơn vào chương trình này. Các số liệu trong bản đánh giá viện trợ quốc tế do Bộ trưởng Phát triển quốc tế Alex Hawke thực hiện cho thấy Chính phủ liên đảng Australia thời gian qua đã cắt giảm 42% viện trợ cho các quốc gia Đông Nam Á để hỗ trợ cho chương trình “Bước tiến Thái Bình Dương”.

Thủ tướng Australia Scott Morrison trong chuyến công du Quần đảo Solomon hồi tháng 6-2019.

Tại Campuchia, quốc gia đang ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi Trung Quốc, viện trợ của Australia đã giảm 33% trong cùng thời gian. Con số cắt giảm viện trợ tại Lào và Philippines lần lượt là 41% và 44%. Ở những nơi khác, viện trợ của Australia cho các khu vực Nam và Tây Á đã giảm 42%, trong khi hỗ trợ cho châu Phi và Trung Đông giảm 50%. Đối với Indonesia, nước đối tác chiến lược quan trọng, Australia đã cắt giảm 50% viện trợ trong 5 năm vừa qua.

Mặc dù Chính phủ Australia thời gian qua đã xác định cần phải tăng cường tầm ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương song một số quốc đảo vẫn bị nước này cắt giảm hỗ trợ vì những lý do khác nhau. Nổi bật là trường hợp của Vanuatu, nơi đã bán hàng ngàn hộ chiếu cho các công ty của Trung Quốc để củng cố ngân sách quốc gia, đã mất đến 41% viện trợ Australia trong 5 năm qua, trong khi hỗ trợ của Australia cho Samoa giảm 14%.

Nhìn chung, ngân sách viện trợ của Australia đã giảm gần 1 tỷ AUD (khoảng 670 triệu USD) mỗi năm, phần lớn sự sụt giảm nằm ở các chương trình giáo dục và chi tiêu cho y tế với mức lần lượt là 430 và 260 triệu AUD.

Trong khi đó, dự kiến mức viện trợ của Australia cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn 2019-2020 sẽ đạt kỷ lục 1,4 tỷ AUD (khoảng 940 triệu USD), qua đó làm nổi bật lên sự quan tâm của Australia đối với khu vực này. Chủ tịch Viện Các vấn đề quốc tế Australia (AIIA), cựu Giám đốc Văn phòng Quốc gia Allan Gyngell đã cảnh báo Australia đang sử dụng chương trình viện trợ không hợp lý để đối xử với các đối tác quan trọng.

Theo chuyên gia này, việc tăng cường ảnh hưởng tại Thái Bình Dương là một điều tốt, song Đông Nam Á là một phần quan trọng của thế giới, nơi Australia có khả năng hợp tác với các đối tác quốc tế để định hình kết quả phù hợp nhất với ý nghĩa địa chính trị toàn cầu. Về phần mình, ông Herve Lemahieu, Giám đốc chương trình ngoại giao và quyền lực châu Á thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Lowy, cho rằng chính phủ đang thực hiện bước tiến Thái Bình Dương cùng với bước lùi tại Đông Nam Á.

“Bước tiến Thái Bình Dương” bao gồm thiết lập một ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2 tỷ AUD (1,4 tỷ USD).

Trong khi Australia đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á là một nhiệm vụ quan trọng thay vì tìm cách xây dựng các bức tường giữa khu vực Thái Bình Dương và các khu vực khác.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu John Lee, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hudson (trụ sở ở Washington) và Viện Nghiên cứu Mỹ (Sydney), chương trình “Bước tiến Thái Bình Dương” được triển khai trong bối cảnh Australia ngày càng quan tâm đến việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trên phương diện ngoại giao, kinh tế và quân sự ở Nam Thái Bình Dương. Đây là khu vực được coi như “sân sau” của Australia.

Sách Trắng quốc phòng 2016 của Australia tái khẳng định rằng ưu tiên cao nhất trong chiến lược quốc phòng là đảm bảo không có thế lực thù địch nào có thể tiếp cận lục địa Australia từ Đông Nam Á hoặc Nam Thái Bình Dương. Hơn nữa, mặc dù không chính thức, từ lâu các đồng minh Mỹ và Nhật Bản đã có chính sách đảm bảo an ninh Đông Bắc Á, Mỹ với sự hỗ trợ của Australia ở khu vực Đông Nam Á và riêng Australia nhận trách nhiệm tại khu vực Nam Thái Bình Dương. Australia đã viện trợ và tài trợ phát triển cho các quốc đảo ở khu vực này trong thời gian dài.

Vấn đề mà Australia đang gặp phải là nước này không thể vượt qua Trung Quốc về mặt kinh phí đầu tư trong thời gian ngắn và cũng không được để cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương lợi dụng nguồn viện trợ từ cả nước này và Trung Quốc cùng lúc. Thủ tướng Australia Scott Morrison muốn đảm bảo rằng các nền kinh tế nhỏ này sẽ chọn nguồn viện trợ của Australia, vốn tuân thủ các quy định của Ngân hàng Thế giới (WB) và các tiêu chuẩn tài chính quốc tế khác. Các khoản vay này cũng không bị ràng buộc bởi các quy định không cần thiết, điều kiện hoàn trả phục vụ phát triển bền vững và không gây nguy hiểm cho khả năng thanh toán của các quốc đảo nhỏ.

Cũng theo ông John Lee, Australia biết rằng nước này không thể ngăn chặn Trung Quốc khỏi khu vực Nam Thái Bình Dương, nhưng có thể cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển về hậu quả của các khoản vay từ Trung Quốc và cung cấp một giải pháp thay thế về cơ sở hạ tầng cho các quốc gia.

Minh Hải
.
.