Bước tiến lớn của Việt Nam tại Liên hiệp Quốc

Thứ Hai, 24/12/2018, 12:39
Việc Việt Nam lần đầu được bầu là thành viên Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025 là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định rằng Việt Nam luôn đề cao pháp quyền, sẵn sàng tham gia xây dựng, định hình luật chơi chung ở cấp độ quốc tế.

Phía sau thành công

Ngày 17-12, tại khóa họp 73 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), các nước thành viên đã ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên UNCITRAL với 157/193 phiếu.

Đây là tin vui của ngoại giao đa phương Việt Nam trước thềm năm mới. Tuy nhiên, thành công không đến sau một giấc ngủ dài. Đằng sau những phiếu bầu quan trọng này là cả một nỗ lực không mệt mỏi từ cuối năm 2017. Khi ấy, Bộ Ngoại giao đã nghiên cứu, lên phương án tham gia vào tổ chức này.

Năm 2018, tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sau khi được Thủ tướng đồng ý, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Phái đoàn thường trực Việt Nam tại New York thông báo chính thức cho Chủ tịch Nhóm châu Á - Thái Bình Dương (APG) và các phái đoàn của các nước tại LHQ về việc Việt Nam ứng cử.

Tuy nhiên, năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử UNCITRAL, một số nhóm nước có nhiều ứng viên hơn số vị trí cần bầu, dẫn đến cần tiến hành bỏ phiếu tại Đại Hội đồng. Nhóm châu Á - Thái Bình Dương mà Việt Nam ứng cử có 9 nước ứng viên cho 7 ghế của nhóm được bầu nên cần phải tiến hành bỏ phiếu tại Đại Hội đồng.

Trước khó khăn này, từ giữa năm 2018, Bộ Ngoại giao đã tích cực triển khai công tác tiếp xúc, vận động các nước qua các kênh, tại các diễn đàn khác nhau. Chúng ta phải thông tin với các nước thành viên về việc tại sao Việt Nam quyết định tham gia, đánh giá ý chí của Ủy ban, thực tế Việt Nam làm được gì để đóng góp vào công việc, nêu các thành tựu cụ thể về kinh tế đối ngoại, về thương mại và đầu tư, các chủ trương chính sách, thành tựu trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực tế của việc Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương, trong đó có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới...

Vừa qua, Việt Nam là một trong những nước phê chuẩn và tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên châu Á - Thái Bình Dương (CPTPP) cũng có tác động rất lớn.

Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hiệp Quốc tham dự và phát biểu tại một phiên họp.

Chủ động hội nhập pháp lý

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, có thể khẳng định, sự kiện Việt Nam ứng cử thành công, được bầu làm thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025 là một bước đi mới trong lĩnh vực pháp lý quốc tế khẳng định Việt Nam đề cao pháp quyền ở cấp độ quốc tế và quốc gia, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đánh dấu bước tiến tiếp theo trong việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam mà ở đây là hội nhập pháp lý đa phương, vận dụng và tham gia xây dựng, định hình luật chơi chung ở cấp độ quốc tế trong khuôn khổ của LHQ.

Được bầu làm thành viên UNCITRAL cũng thể hiện vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam. Sự ủng hộ cao của các nước trên thế giới dành cho Việt Nam cho thấy các nước ghi nhận, đánh giá cao thành tựu nước ta đạt được, uy tín, sự đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có lĩnh vực pháp lý quốc tế.

Chia sẻ quan điểm với Thứ trưởng Lê Hoài Trung, bà Caitlin Wiesen, Quyền đại diện thường trú Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam khẳng định việc trở thành thành viên của UNCITRAL là bước tiến lớn của Việt Nam.

“Đây là tổ chức có vai trò hài hòa hóa và nhất thể hóa luật pháp quốc tế. Việt Nam sẽ có tiếng nói với những cải cách, thay đổi về luật thương mại quốc tế, cải cách pháp luật về trọng tài quốc tế. Điều này giúp Việt Nam củng cố vị thế với các đối tác và diễn đàn quốc tế. Tôi muốn nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, vốn có thể phát sinh các tranh chấp và giải quyết các tranh chấp bằng trọng tài quốc tế”, bà Caitlin Wiesen bày tỏ.

Hội nhập pháp lý

Hội nhập trong lĩnh vực pháp lý cũng tạo lực để Việt Nam hoàn thiện hơn nữa hệ thống nội luật về thương mại. Về khía cạnh này, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, tham gia và trở thành thành viên UNCITRAL, Việt Nam có thể tăng cường được tiếng nói của ta ở trong UNCITRAL, cùng với các nước cải thiện môi trường pháp luật kinh doanh để những khác biệt được thu hẹp đến mức thấp nhất, đồng thời mở rộng đến mức cao nhất sự tương đồng, hài hòa hóa các quy định pháp luật trong nước để làm tương thích hơn các quy định pháp luật trong nước đối với pháp luật quốc tế. “Khi đã có chung một hệ thống pháp luật hài hòa hóa và nhất thể hóa như vậy thì tranh chấp ít khi xảy ra”, ông Huỳnh nhấn mạnh.

Thêm vào đó, theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, với việc trở thành thành viên UNCITRAL, các bộ, ngành, chuyên gia pháp lý của Việt Nam sẽ có điều kiện phát huy hiệu quả hơn nữa các văn kiện và sáng kiến của UNCITRAL trong việc triển khai các cam kết về tự do hóa thương mại, đầu tư nước ngoài; Bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển xã hội nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững;...

Tuy nhiên, trở thành thành viên UNCITRAL cũng là những thách thức đối với các bộ, ngành của Việt Nam, vì phải chủ động bố trí nhân lực, nguồn lực để tham gia, đặc biệt là cần có cán bộ, chuyên gia pháp lý, đối ngoại có chuyên môn sâu, có kỹ năng đối ngoại đa phương, có đủ năng lực để tham gia, có đóng góp chất lượng, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương.

Do đó, theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, các cơ quan, tổ chức đào tạo, nghiên cứu, thực hành pháp luật cần chủ động để có thể tận dụng tối đa sự hỗ trợ kỹ thuật của UNCITRAL để phổ biến pháp luật về thương mại quốc tế, soạn thảo và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, cũng như cơ chế, thủ tục giải quyết tranh chấp về thương mại, đầu tư quốc tế.

Phương Hằng
.
.