Bước tiến quan trọng cho hòa bình Yemen

Thứ Năm, 21/02/2019, 21:14
Chính phủ Yemen và phiến quân Houthi vừa đạt được thỏa thuận rút quân giai đoạn 1 khỏi các khu vực cảng biển. Liên Hiệp Quốc đánh giá thỏa thuận rút quân này là "bước tiến quan trọng" trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 12-2018 tại Stockholm, Thụy Điển.

Theo một tuyên bố của LHQ, thỏa thuận rút quân giai đoạn 1 đã được chính phủ Yemen và phiến quân Houthi nhất trí vào tối 17-2 giờ địa phương, sau hai ngày đàm phán tại thành phố Hodeidah. Cuộc đàm phán đã được tiến hành với sự chủ trì của tướng Michael Lollesgaard, Chủ tịch Ủy ban điều phối rút quân (RCC) với thành phần bao gồm người của chính phủ Yemen và phiến quân Houthi. Theo thỏa thuận, trong giai đoạn 1, chính phủ Yemen và phiến quân Houthi sẽ rút quân khỏi khu vực cảng biển của các thành phố Hodeidah, Saleef và Ras Issa, và một số khu vực có các cơ sở nhân đạo trong thành phố Hodeidah.

Mục đích việc rút quân này là để tạo điều kiện cho công tác cứu trợ nhân đạo sẽ được triển khai trong thời gian thực thi Thỏa thuận ngừng bắn Stockholm. Cùng với thỏa thuận rút quân giai đoạn 1, hai bên đàm phán còn nhất trí về nguyên tắc giai đoạn 2 của việc rút quân, sẽ được thảo luận cụ thể và chi tiết tại một cuộc họp giữa lãnh đạo hai bên dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2. Đây là bước đi quan trọng nhằm xây dựng lòng tin giữa chính phủ Yemen và phiến quân Houthi, tạo nền tảng cho việc thực thi nghiêm túc các cam kết trong Thỏa thuận ngừng bắn Stockholm.

Thỏa thuận rút quân là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo thực thi ngừng bắn.

Thỏa thuận ngừng bắn Stockholm có hiệu lực từ ngày 18-12-2018, từng được dư luận quốc tế đánh giá là thành quả mang tính bước ngoặt trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế do LHQ bảo trợ nhằm chấm dứt cuộc nội chiến thảm khốc ở Yemen.

Một phần quan trọng của thỏa thuận này, hai bên tham chiến là chính phủ Yemen và phiến quân Houthi phải rút quân khỏi các vị trí cảng biển và việc này phải bắt đầu tiến hành sau hai tuần kể từ ngày 18-12. Thế nhưng thời hạn đó đã trôi qua mà không bên nào thực hiện việc rút quân, khiến cho việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, những vụ tấn công nhỏ cũng liên tục xảy ra ở thành phố Hodeidah và nhiều nơi khác ở Yemen làm cho nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn luôn treo lơ lửng.

Phiến quân Houthi và chính phủ của Tổng thống Abd Rabbu Mansour Hadi luôn đổ lỗi cho nhau vi phạm Thỏa thuận ngừng bắn, và không bên nào chịu nhường bên nào. Mỹ và Anh đứng sau lưng chính phủ Yemen cáo buộc phiến quân Houthi gây ra nhiều vụ tấn công gây thương vong nhỏ, trong đó có một vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào một cuộc duyệt binh làm chết 6 người, trong đó có chỉ huy tình báo quốc gia.

Trước tình thế này, các quốc gia đồng bảo trợ cho Thỏa thuận Stockholm đã liên tục có những động thái nhằm cứu vãn Thỏa thuận. Ngày 16-1-2019, Hội đồng Bảo an LHQ đã phải nhóm họp khẩn cấp để thông qua Nghị quyết (do nước Anh đề xuất) nhằm cứu vãn Thỏa thuận ngừng bắn. Nghị quyết tăng cường thêm năng lực và nhân sự giám sát ngừng bắn của LHQ tại Yemen, đồng thời ràng buộc các bên tham chiến phải nghiêm túc thực thi Thỏa thuận ngừng bắn.

Nhiều cuộc họp ở các cấp độ khác nhau cũng được tiến hành nhằm tìm hướng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc thực thi các điều khoản trong thỏa thuận, trong đó việc rút quân khỏi các vị trí như đã nêu trong thỏa thuận là yêu cầu cấp bách, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác cứu trợ nhân đạo, ngăn chặn kịp thời thảm họa nhân đạo được xem là tồi tệ nhất thế giới. Bên cạnh đó, các quốc gia đồng bảo trợ thỏa thuận ngừng bắn cũng tìm cách thuyết phục hai nước ủng hộ chính phủ Yemen là Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) không tiếp tục những hành động quân sự nhằm bảo đảm thỏa thuận ngừng bắn được duy trì, đồng thời tạo thêm niềm tin cho phiến quân Houthi.

Bên cạnh việc rút quân và ngăn chặn sự tái diễn các hành động quân sự, các quốc gia bảo trợ ngừng bắn ở Yemen (gồm Mỹ, Anh, LHQ) cũng khẩn trương tìm kiếm giải pháp giúp nước này khôi phục kinh tế để có thể tự lo liệu những vấn đề kinh tế, xã hội mà bên ngoài khó có thể làm thay. Các quan chức cấp cao của Mỹ, Anh, Saudi Arabia và UAE đã liên tục có những cuộc họp vào các ngày 11 và 13-2 để bản phương án giải quyết khó khăn trước mắt về kinh tế của Yemen là thiếu tiền mặt.

Cuộc nội chiến kéo dài 3 năm qua đã giết chết hơn 10.000 người Yemen, khiến cho hệ thống kinh tế nước này gần như kiệt quệ. Ngân hàng Trung ương không còn tiền mặt để chi tiêu nhiều thứ, trong đó có vấn đề chi trả lương cho những người làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước, các viện, trường học, cơ sở y tế ở những nơi chính phủ kiểm soát. Đã ba năm qua, chính phủ đã không chi trả lương cho các khu vực phiến quân Houthi kiểm soát. Không chỉ thiếu tiền, Yemen còn xảy ra tình trạng thiếu lương thực, thuốc men, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em bị chết do đói khát, do suy dinh dưỡng và bệnh tật.

Tại cuộc họp tối 11-2, các đại sứ Mỹ, Anh, Saudi Arabia và UAE đã đồng ý "bơm tiền" vào Ngân hàng Trung ương Yemen đã tạo sức mạnh cho hệ thống tiền tệ, từ đó giúp nền kinh tế có "sức sống" trở lại nhằm tạo bước đệm mạnh mẽ cho những bước đi tiếp theo trong thực thi Thỏa thuận ngừng bắn, hướng đến mục tiêu cuối cùng là chấm dứt hoàn toàn cuộc nội chiến.

Chính phủ Yemen cũng đã cam kết, với sự trợ giúp từ 4 quốc gia nêu trên, nước này sẽ nỗ lực tối đa để phối hợp cùng các cơ quan cứu trợ nhân đạo từng bước giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại Yemen. Trước hết là giải quyết nạn đói cho người dân Yemen bị ảnh hưởng chiến tranh, sau đó là củng cố lại hoạt động của các thiết chế kinh tế, đặc biệt là hệ thống ngân hàng nhằm tạo điều kiện khôi phục lại nền kinh tế.

An Châu (tổng hợp)
.
.