CHDCND Triều Tiên - Hàn Quốc: Những nỗ lực hàn gắn quan hệ

Thứ Tư, 12/06/2013, 22:45

Hàn Quốc đang có đáp ứng tích cực đối với một đề nghị bất ngờ của CHDCND Triều Tiên để đôi bên tiến hành đàm phán về nhiều vấn đề khác nhau. Đây được xem là dấu hiệu cho những nỗ lực nhằm hàn gắn mối quan hệ vốn căng thẳng trong nhiều tháng qua.

Trong một đề nghị bất ngờ, Triều Tiên vào hôm 6/6 đã đề nghị Hàn Quốc mở thảo luận về một loạt các vấn đề thương mại và nhân đạo, từ việc mở lại một khu công nghiệp chung cho đến khởi động lại chương trình đoàn tụ gia đình bị ly tán. Vài tiếng đồng hồ sau, Seoul đã đáp ứng trên nguyên tắc lời mời của Bình Nhưỡng.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Seoul "chấp nhận một cách tích cực" đề nghị của Bình Nhưỡng về việc tiến hành các cuộc thảo luận. Phát ngôn viên Kim Hyung-seok của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho báo chí biết rằng đây là một cơ hội để hai miền Triều Tiên xây dựng niềm tin. Ông nói thêm rằng chi tiết về ngày giờ và nghị trình thảo luận sẽ được thông báo sau.

Khu công nghiệp Kaesong đã ngưng hoạt động từ tháng 4/2013 khi Triều Tiên rút 53.000 công nhân của họ ra khỏi khu phức hợp này.

Đề nghị bất ngờ của Bình Nhưỡng được đưa ra ngày 6/6 vừa qua bởi Ủy ban Hòa bình Thống nhất Triều Tiên trong một loan báo đặc biệt vào giữa trưa trên Đài Truyền hình và Đài Phát thanh của Nhà nước Triều Tiên. Xướng ngôn viên Đài Truyền hình Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng đề nghị tiến hành đàm phán về việc bình thường hóa các hoạt động ở Khu Công nghiệp Kaesong và thực hiện những tour du lịch tới núi Kim Cương. Các vấn đề nhân đạo, như việc đoàn tụ của những gia đình bị ly tán vì cuộc chiến Triều Tiên, cũng có thể được bàn tới trong các cuộc đàm phán, nếu cần.

Ủy ban Hòa bình Thống nhất Triều Tiên cũng cho biết, Bình Nhưỡng sẽ khôi phục lại các kênh thông tin liên lạc bị cắt đứt nếu Hàn Quốc chấp thuận đề nghị đàm phán. Xướng ngôn viên của Triều Tiên nói thêm rằng Bình Nhưỡng sẽ để cho Seoul ấn định ngày giờ và địa điểm hội nghị.

Khu Công nghiệp Kaesong, nằm ngay phía bắc khu phi quân sự chia đôi hai miền Triều Tiên, đã ngưng hoạt động từ tháng 4/2013, khi Triều Tiên rút 53.000 công nhân của họ ra khỏi khu phức hợp này. Trước đây Hàn Quốc đã đề nghị tiến hành các cuộc thảo luận cấp công tác với CHDCND Triều Tiên, nhưng chỉ bàn về việc để cho các nhân viên quản lý của hơn 100 công xưởng của Hàn Quốc trong khu phức hợp này đến lấy nguyên vật liệu và thành phẩm còn để lại ở miền Bắc sau khi họ rút đi.

Được thành lập năm 2004, khu công nghiệp Kaesong nằm cách biên giới chung khoảng 10km, trên phần lãnh thổ CHDCND Triều Tiên, là dự án biểu tượng cho sự hợp tác liên Triều. Đây cũng là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng.

Phát ngôn viên Kim Hyung-Seok của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho báo chí biết đây là một cơ hội để hai miền Triều Tiên xây dựng niềm tin, ngày 6/6/2013.

Khu du lịch núi Kim Cương, một liên doanh hiếm hoi khác giữa hai miền Nam -  Bắc, cũng đã giúp cho Chính phủ Bình Nhưỡng có được một nguồn thu hàng triệu đôla. Ba năm trước, CHDCND Triều Tiên đã tịch thu tài sản của chính phủ và các công ty tư nhân của Hàn Quốc tại khu du lịch này. Họ đã trục xuất những nhân viên người Hàn Quốc còn ở lại để trông coi các khách sạn và nhà hàng sau một vụ việc xảy ra vào năm 2008, trong đó một nữ du khách Hàn Quốc bị lính Triều Tiên bắn chết gần khu du lịch.

Đề nghị đàm phán có tính chất linh động của Triều Tiên về các dự án bị đình chỉ được xem là một sự đảo ngược đáng kể sau những lời lẽ hiếu chiến mà Bình Nhưỡng đưa ra trong vài tháng nay. Triều Tiên đã dọa phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân. Họ cũng đơn phương tuyên bố vô hiệu hóa Hiệp định Đình chiến năm 1953 và cho biết sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, bất chấp những biện pháp chế tài của cộng đồng quốc tế.

Đề nghị của Bình Nhưỡng như vậy đã được Seoul chấp thuận trên nguyên tắc, và nếu mọi việc đều suôn sẻ, thì đó sẽ là những cuộc đàm phán liên Triều chính thức đầu tiên từ nhiều năm nay.

Các nhà phân tích đã hoan nghênh diễn biến tích cực này, nhưng không che giấu quan điểm thận trọng, cho rằng chương trình nghị sự cụ thể của các cuộc đối thoại có thể tạo ra các trở ngại không thể vượt qua. Một trong những khó khăn là quan điểm hai bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Đề nghị đàm phán của Bình Nhưỡng được loan báo không lâu sau khi Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye đọc bài diễn văn nhân ngày Lễ Chiến sĩ Trận vong trong đó có đề cập một cách trực tiếp tới Triều Tiên. Tổng thống Park Guen-hye từng cho là đối thoại rất cần thiết, nhưng cũng đã nhấn mạnh rằng muốn có đàm phán thực chất, Bình Nhưỡng phải thực hiện cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Triều Tiên ngược lại đã nhiều lần nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân không thể là hồ sơ đàm phán.

Bà Park Guen-hye nói: "Triều Tiên phải từ bỏ những chính sách đang làm cho họ bị cô lập và tụt hậu và hãy can đảm nắm lấy bàn tay hòa giải mà Hàn Quốc và cộng đồng toàn cầu đưa ra và cùng nhau hợp tác cho sự thịnh vượng chung của hai miền Triều Tiên".

Hàn Quốc và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao và đôi bên chưa hề ký kết một hòa ước tuy cuộc chiến Triều Tiên đã kết thúc cách nay hơn nửa thế kỷ.

Moon Hong-sik, một nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc gia (Hàn Quốc), cho hay thái độ của Bình Nhưỡng có thể là do áp lực của Trung Quốc và cũng có thể là ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt do Liên Hiệp Quốc đưa ra. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 6/6 ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hoan nghênh việc Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã có những nỗ lực cải thiện quan hệ song phương. Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh, Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực của hai nước thông qua đối thoại và tham vấn giải quyết mọi vấn đề, vì sự phát triển của mỗi nước cũng như góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ngày 6/6 cũng hoan nghênh diễn biến này, gọi đây là diễn biến "đáng khích lệ, giúp giảm căng thẳng để thăng tiến hòa bình và ổn định trong khu vực". Ông Ban Ki-moon kêu gọi đôi bên không nên "từ bỏ bất cứ nỗ lực nào" để hòa giải hai miền

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.