CHDCND Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch: Những dư chấn ở Đông Bắc Á
- Chủ tịch Triều Tiên thăm các đơn vị quân đội sau vụ thử bom nhiệt hạch
- Sau vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên: ‘Cơn mưa’ trừng phạt và những nghi vấn
- Triều Tiên đã thử bom nhiệt hạch giả?
- Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án vụ Triều Tiên tuyên bố thử bom H1
Dư luận quốc tế bị nhiễu với câu hỏi “Bom A hay H?”
Ngày 6-1, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết trận động đất mạnh 5,1 độ Richter, tâm chấn nằm ở độ sâu 10km, xảy ra vào lúc 8 giờ 30 phút (theo giờ Việt Nam). Phía Hàn Quốc cho rằng, trận động đất xảy ra cách bãi thử hạt nhân Punggye-ri 49km. Trong khi đó, Trung tâm Mạng lưới động đất Trung Quốc (CENC) đưa ra thông số: Trận động đất này có cường độ 4,9 độ Richter và có tâm chấn ở độ sâu 10km, ban đầu được đo ở vị trí 41,3 độ vĩ Bắc và 129,1 độ kinh Đông.
Dư luận quốc tế lúc này nháo nhào và đặt câu hỏi phải chăng CHDCND Triều Tiên vừa thử bom hạt nhân. Chẳng phải chờ lâu, ít phút sau, kênh Truyền hình Trung ương Triều Tiên KCNA đưa thông báo khẳng định: “Với thành công tuyệt đối của cuộc thử bom hydro, chúng ta đã gia nhập hàng ngũ các cường quốc hạt nhân”. KCNA còn nói, quả bom được thử hôm 6-1 là một đầu đạn hạt nhân được thu nhỏ.
Cuối bản tin, KCNA nhấn mạnh: Triều Tiên sẽ hành xử “như một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm” và cam kết sẽ không sử dụng bom hạt nhân trước trừ khi chủ quyền bị xâm phạm. Bình Nhưỡng cũng cho biết sẽ không chuyển giao công nghệ hạt nhân cho bất kỳ bên nào khác.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin vụ thử bom của Triều Tiên ngày 6-1. |
Vậy là đã rõ nguyên nhân của vụ động đất trên, nhưng một nghi vấn khác lại nảy sinh - tuyên bố của CHDCND Triều Tiên có đáng tin? Những tranh cãi về khả năng CHDCND Triều Tiên sở hữu bom H được đưa ra từ hồi tháng 12-2015, khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng, Bình Nhưỡng đã phát triển được một quả bom H. Khi đó nhiều chuyên gia phương Tây đã đưa ra ý kiến và nhận định CHDCND Triều Tiên sẽ còn khá lâu mới chế tạo được bom H.
Chính quyền Mỹ lúc đầu nói rằng, chưa thể xác nhận thông tin từ phía CHDCND Triều Tiên, cùng lúc, Không quân Mỹ đã điều các máy bay trinh sát chuyên dụng tới bán đảo Triều Tiên để xác minh vụ việc, thu thập mẫu và phân tích thành phần không khí.
Trả lời phỏng vấn Hãng tin CNN ít phút sau vụ thử, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết phải mất vài ngày, thậm chí vài tuần để thu thập và phân tích dữ liệu xác định liệu đợt thử nghiệm hôm 6-1 của CHDCND Triều Tiên có thành công hay không và đó là loại bom gì. Một quan chức quân sự Mỹ nói với Hãng tin Reuters rằng, CHDCND Triều Tiên chưa thể có bom nhiệt hạch (tức bom H).
Dư luận lúc này bị loãng. Thay vì tập trung vào vụ thử vũ khí của CHDCND Triều Tiên thì họ chú tâm vào tranh luận loại bom mà Bình Nhưỡng vừa thử nghiệm. Chuyên gia về nguyên tử Crispin Rovere của Úc nhận xét: “Các dữ liệu địa chấn cho thấy vụ nổ rõ ràng là mạnh ít hơn những gì người ta chờ đợi trong một vụ thử bom H. Mới nhìn thì có vẻ Triều Tiên đã thử bom thành công, nhưng họ không tiến được đến giai đoạn hai”.
Các bom A, tức bom nguyên tử chế tạo bằng phương pháp phân hạch - phân rã các hạt nhân uranium hay plutonium, giải thoát ra khối năng lượng nhỏ hơn so với bom H (còn gọi là bom nhiệt hạch hay bom khinh khí). Loại bom nhiệt hạch sử dụng trước hết là kỹ thuật phân hạch, rồi đến hợp hạch tức tổng hợp nguyên tử, theo một phản ứng dây chuyền.
Tổng thống Hàn Quốc, Park Geun-Hye (giữa), trong cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia, tại Seoul ngày 6-1, sau khi CHDCND Triều Tiên thông báo thử nghiệm thành công bom H. |
Choi Kang, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chính trị ở Seoul cũng nhận định: “Tôi không nghĩ rằng đó là bom H, vì vụ nổ sẽ phải mạnh hơn rất nhiều”. Nhà phân tích Bruce Bennett của Rand Corporation cũng tỏ ra nghi ngờ thông báo của Bình Nhưỡng. Ông nói: “Nếu đó là một quả bom H thực sự, thì sẽ gây ra động đất mạnh gấp nhiều lần, ở cường độ 7 độ Richter chứ không phải 4-5 độ Richter như các cơ quan địa chất của Hàn Quốc và Mỹ đo được”.
Theo ông Bennett, vụ nổ hôm 6-1 tương ứng với một quả bom từ 10.000-15.000 tấn, cỡ bằng quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima hồi năm 1945. Nếu là bom nhiệt hạch, thì có thể quy trình hợp hạch đã bị thất bại, hoặc quy trình phân hạch đã diễn ra không chính xác.
Tóm lại, theo giới quan sát vụ thử nghiệm hôm 6-1 của CHDCND Triều Tiên có thể là bom A nếu là bom H thì mới chỉ ở giai đoạn một (tức cũng chỉ kích hoạt được vụ nổ phân hạch chứ chưa đạt tới mục đích cuối cùng của bom H là từ đó gây ra phản ứng nhiệt hạch). Nhưng truyền thông CHDCND Triều Tiên thì nói đó là bom H. Triều Tiên là đất nước khép kín nhất thế giới, vì vậy rất khó kiểm chứng tính xác thực của vụ việc.
Sự khác biệt này kéo theo những tác động và hệ lụy rất khác. Trên thế giới hiện chỉ có 5 quốc gia gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp là từng thử nghiệm thành công loại bom H. Cho đến nay chưa có quả bom H nào được sử dụng ngoài các vụ thử nghiệm. Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga chỉ có loại bom này dưới dạng mini, với sức mạnh khác nhau. Khi một quả bom H nổ, các vụ nổ hóa học, hạt nhân và nhiệt hạch tiếp nối nhau trong thời gian cực ngắn. Quả bom A đầu tiên nổ kéo theo sự gia tăng nhiệt độ rất cao để kích hoạt sự hợp nhân.
Ngày 1-11-1952, Mỹ đã bí mật cho nổ quả bom H trong quần đảo Marshall ở giữa Thái Bình Dương. Quả bom H mạnh nhất từng được thử nghiệm là của Liên Xô vào ngày 30-10-1961 tại Bắc Cực, có sức mạnh 57 mégatonne, mạnh hơn quả bom ở Hiroshima 4.000 lần. Việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom H sẽ khiến nước này trở thành một “cường quốc hạt nhân đầy đủ”, mở ra một trang sử hoàn toàn mới.
Đài truyền hình Triều Tiên đưa thông báo nước này vừa thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch ngày 6-1. |
Thời đại của bom nguyên tử kéo dài 70 năm qua, với một số ít quốc gia có thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Dù bị cấm vận, CHDCND Triều Tiên vẫn là quốc gia sở hữu công nghệ chế tạo vũ khí hạng nặng, nhưng trong những lần thử trước đây, giới phân tích đánh giá vũ khí của CHDCND Triều Tiên là loại bom hạt nhân cơ bản, sức công phá yếu.
Trước đây Pyongyang đã thử nghiệm bom A 3 lần vào năm 2006, 2009 và 2013, dùng phương pháp phân nhân. Những vụ thử đó đã kéo theo nhiều chế tài của cộng đồng quốc tế. Nếu Bình Nhưỡng nắm giữ công nghệ chế tạo bom H, họ thực sự đạt được bước tiến vượt trội trong quá trình chế tạo bom hạt nhân. Dù bom nguyên tử sử dụng nhiên liệu plutonium đã có sức hủy diệt vô cùng lớn, bom H với thành phần chính là uranium có thể gây ra những hệ quả tàn khốc.
Việc sở hữu bom H giúp CHDCND Triều Tiên có khả năng răn đe hạt nhân lớn hơn rất nhiều. Và thế giới sẽ phải chú tâm nhiều hơn tới CHDCND Triều Tiên. Nhưng dù là bom hạt nhân hay bom H thì đây đã là vụ thử hạt nhân thứ 4 của CHDCND Triều Tiên và được coi là sự thách thức trực tiếp của Bình Nhưỡng đối với những nước từng cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phải “trả giá đắt” nếu tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của mình.
Ngày 6-1, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tuyên bố khởi động bàn bạc các biện pháp phản ứng ngay lập tức việc CHDCND Triều Tiên thử bom H, bao gồm khả năng áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới đối với nước này. Ngày 7-1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thảo luận qua điện thoại với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Trong một thông cáo được Phủ Tổng thống Hàn Quốc công bố, hai lãnh đạo Mỹ-Hàn nhất trí cho rằng vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng đáng bị những biện pháp trừng phạt dữ dội và toàn diện nhất. Đối với ông Obama và bà Park Geun hye, “Triều Tiên sẽ phải trả một cái giá thích đáng”. Nhật Bản cũng phản ứng cứng rắn.
Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ cùng nhất trí với nhau là phải đi đầu trong việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất nhắm vào CHDCND Triều Tiên. Riêng Tokyo còn xem xét một số trừng phạt của riêng Nhật Bản.
Vị trí trận động đất xảy ra gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri của CHDCND Triều Tiên sáng 6-1. |
Trung Quốc phải làm gì?
Được coi là đồng minh duy nhất của CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc lại không được Bình Nhưỡng thông báo về vụ thử bom hôm 6-1. Vụ thử này giáng một đòn đau vào uy tín của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Theo Xie Yanmei, nhà phân tích của International Crisis Group ở Bắc Á, có trụ sở tại Bắc Kinh, thì Trung Quốc, người đối thoại chính của Bình Nhưỡng, “sẽ phải đối mặt với áp lực tăng lên, vừa từ trong nước vừa quốc tế, đòi trừng phạt và kìm hãm lãnh đạo Kim Jong un, buộc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
Phải nói là việc Hội đồng Bảo an nhanh chóng phản ứng sau vụ Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch vào sáng 6-1 trái ngược hẳn với thái độ chần chừ trước đây. Điều đó cũng có nghĩa là dường như Trung Quốc đã bắt đầu mệt mỏi trước thái độ của nước láng giềng "gây khó xử" như CHDCND Triều Tiên. Nhưng liệu rằng Bắc Kinh có biểu quyết để trừng phạt Bình Nhưỡng hay không? Đó là lằn ranh đỏ mà từ trước tới nay, Trung Quốc chưa bao giờ vượt qua.
Trung Quốc có thể gây áp lực mạnh lên nước láng giềng nhỏ bé này, nhưng họ cũng không muốn sự hiện diện của Mỹ ngay sát bên mình. Bài xã luận của Le Figaro ngày 6-1 mang tựa đề “Trung Quốc đứng trước thách thức”, cho rằng Washington cần vượt qua bằng cách đề nghị một thỏa thuận ở tầm khu vực. Những hành động của Bình Nhưỡng sẽ cho thấy liệu Bắc Kinh có sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng ngoại giao tương xứng với sức mạnh kinh tế, vì hòa bình thế giới hay không.
Tương tự, báo Les Echos nhận xét: “Bắc Kinh lên án nhưng không có lợi lộc gì nếu đồng minh Triều Tiên lung lay. Một nước Triều Tiên thống nhất và hàng ngàn lính Mỹ trấn giữ gần biên giới – Washington vốn là đồng minh quân sự chủ chốt của Seoul – là một điều mà không bao giờ Bắc Kinh chấp nhận được”.
Sau vụ thử bom của CHDCND Triều Tiên, Bắc Kinh đã lên tiếng “kiên quyết phản đối”, triệu mời đại sứ để “nghiêm khắc cảnh báo”, nghiêm nghị nhắc lại nên giữ các cam kết…và chỉ có thế! Theo chuyên gia Shi Yongming của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Bắc Kinh chẳng có thể làm gì khác.
Theo phân tích của chuyên gia chống phổ biến vũ khí hạt nhân, Joe Cirincione, thuộc Quỹ Ploughshares của Mỹ, đã đến lúc quốc tế, đứng đầu là Trung Quốc và Mỹ, cần xét lại chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. Trừng phạt Bình Nhưỡng không ngăn cản được Kim Jong un chế tạo bom nguyên tử. Vậy thì phải chăng chỉ còn con đường đối thoại? Cho dù không có gì bảo đảm giải pháp đó sẽ mang lại kết quả. Bởi vì, khoanh tay ngồi nhìn CHDCND Triều Tiên chế tạo bom nguyên tử cũng là một giải pháp đầy mạo hiểm.
Theo Mike Chinoy, tác giả của cuốn “Meltdown: The Inside Story of the North Korean Nuclear Crisis” (Sự sụp đổ: Câu chuyện bí mật của khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên), phát động chiến tranh với Triều Tiên cũng là giải pháp cực kỳ nguy hiểm. Đối thoại với Triều Tiên là cách duy nhất.