Cả thế giới dõi theo G20

Thứ Tư, 26/06/2019, 14:57
Trong tuần này, thành phố Osaka của Nhật Bản sẽ được toàn thế giới dõi theo bởi Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay là hội nghị quan trọng nhất kể từ khi các lãnh đạo tụ hội với nhau để cùng hợp tác tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. G20 đã từng kém hiệu quả hơn trong thời bình, song dường như mỗi khi có khủng hoảng, nó lại phát huy được vai trò vốn có.

Năm 2008 khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, G-20 tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh thông qua tuyên bố chung khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất về phối hợp hành động ứng phó với khủng hoảng. Đến nay, G20 đã tổ chức 12 Hội nghị Thượng đỉnh để thảo luận hầu hết các vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu, đã thông qua nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng về chống khủng hoảng tài chính toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng, thương mại, đầu tư, đổi mới - sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh,...

Những đám mây mù trước cơn bão

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro, bất trắc do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang căng thẳng trở lại, nhiều điểm nóng địa - chính trị diễn ra phức tạp. Hợp tác và liên kết kinh tế tuy vẫn được thúc đẩy nhưng nhiều thể chế và diễn đàn đa phương gặp khó khăn, đang tìm hướng cải cách để thích ứng với bối cảnh mới. Cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục phát triển mạnh với nhiều vấn đề đặt ra cần tăng cường hợp tác quốc tế để xử lý.

Bên cạnh đó, nội dung nghị sự G20 những năm gần đây mở rộng nhiều lĩnh vực (tài chính, thương mại, đầu tư, lao động, xã hội, môi trường, công nghệ,...) nhưng việc đạt đồng thuận trong một số vấn đề kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhất là cam kết tự do hóa thương mại, chống bảo hộ, chống biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo các nước trong một kì họp thượng đỉnh G20.

Chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã phá vỡ hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc đa phương mà Mỹ đã ủng hộ trong suốt 70 năm qua. Tới đây, nếu như Bắc Kinh và Washington đạt được một thỏa thuận vượt ra ngoài các quy tắc đa phương đã được thiết lập, có lẽ, thế giới sẽ chuyển sang nền thương mại bị hạn chế, xa rời các thị trường tự do, và gạt Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra ngoài lề.

WTO hiện vẫn chưa hoàn thiện và cần một số cải cách. Thất bại khi không thể hoàn thành các cuộc đàm phán Vòng tròn phát triển Doha vốn khởi động từ năm 2001 cho thấy các quy tắc đã lỗi thời hoặc không còn tồn tại trong những lĩnh vực mới của thương mại có thể thích ứng với thế kỷ XXI. Những lỗ hổng trong các quy tắc này đã trở thành các đề tài gây tranh cãi giữa các cường quốc thương mại lớn. Những diễn tiến này sẽ trở thành ác mộng đối với các lợi ích của Australia và châu Á.

Vì vậy, hiện nay các lãnh đạo thế giới rất trông chờ vào thái độ của cả ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình ở Osaka với hy vọng giữa họ sẽ đạt được một thỏa thuận song phương có lợi. Nếu không có thỏa thuận nào, chiến tranh thương mại sẽ leo thang, vượt ra ngoài vấn đề thương mại và lan rộng sang các nước khác, đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào nguy hiểm.

Nhật Bản là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay.

Nhiệm vụ của “thuyền trưởng”

Nước chủ nhà Nhật Bản hẳn không muốn lặp lại thất bại của Papua New Guimea - nước đã không thể làm trung gian để dàn xếp được một tuyên bố chung giữa các lãnh đạo với tư cách chủ trì APEC năm 2018 do những căng thẳng Trung - Mỹ.

Liệu Nhật Bản có nhận nhiệm vụ lèo lái nền kinh tế toàn cầu tới một nền tảng vững chắc hay không? Thời gian qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tích cực lấp chỗ trống trong vị trí lãnh đạo toàn cầu và bảo vệ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút khỏi và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ra đời. Trong thời gian tới, Nhật Bản cần có một tuyên bố mạnh mẽ về việc bảo vệ hệ thống xử lý tranh cãi và một hướng đi chiến lược rõ ràng để cải cách WTO.

Có lẽ, thế giới cần một “khoảnh khắc Merkel” khác, tương tự như khi Thủ tướng Đức Angela Merkel quy tụ được nhóm 19 (G20-Mỹ) chống 1 (Mỹ) tại Hamburg và bảo vệ chủ nghĩa đa phương. Thế giới cần đồng lòng trước mục tiêu này và cần một thủ lĩnh, đó là Nhật Bản và ngay tại G20 lần này, Tokyo cần đưa ra một tín hiệu sớm và rõ ràng.

Logo Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.

Cho tới thời điểm hiện tại, G20 tới đây sẽ bao gồm 4 phiên thảo luận. Phiên một: Về kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư: Hợp tác xử lý các rủi ro, thách thức kinh tế toàn cầu (như mất cân đối, già hóa,...); quản lý nợ bền vững và minh bạch, thúc đẩy tài chính bao trùm; tự do hóa thương mại; hệ thống hóa thương mại đa phương, cải cách WTO; đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao...

Phiên hai: Về đổi mới sáng tạo và kinh tế số: Tiến trình số hóa, thúc đẩy khái niệm “Lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm tin cậy”, xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới công nghệ như thương mại điện tử, an ninh và an toàn thông tin trong kinh tế số,...

Phiên ba: Về phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế: Thực hiện Nghị sự 2030 về phát triển bền vững; ứng phó với già hóa dân số; bình đẳng giới; thích ứng lao động với việc làm tương lai; thúc đẩy phụ nữ tham gia lao động; đào tạo lao động nữ; thúc đẩy phổ cập y tế toàn dân (UHC),...

Phiên bốn: Về môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu: Thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường hiệu quả năng lượng; tranh thủ công nghệ mới trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác ngăn ngừa và xử lý rác thải nhựa đại dương,... Hy vọng trong các phiên thảo luận, các bên sẽ cùng tìm ra hướng giải quyết cho những vấn đề chung và Nhật Bản sẽ lồng ghép được những thông điệp của riêng mình để ngăn ngừa những điều tồi tệ đến với nền kinh tế toàn cầu.

Năm 2019, Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời. Với tư cách này, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 trong năm 2019; tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.