Các nước phản đối "Báo cáo về tình hình dân chủ, nhân quyền thế giới 2007" của Mỹ

Thứ Ba, 18/03/2008, 16:00
Ngày 11/3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức công bố bản "Báo cáo về tình hình dân chủ, nhân quyền thế giới 2007" lần thứ 30, đã đưa ra những nhận xét, đánh giá về tình hình dân chủ, nhân quyền tại 190 quốc gia. Nhiều quốc gia được đề cập trong báo cáo đã chính thức lên tiếng phản đối.

Ngày 12/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tần Cương nhấn mạnh: "Trung Quốc cực lực phản đối việc can thiệp vào tình hình nội bộ của nước khác dưới chiêu bài thể hiện sự quan tâm đến vấn đề dân chủ, nhân quyền” được đề cập trong bản “Báo cáo về tình hình dân chủ, nhân quyền thế giới 2007" của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Phát biểu trước báo chí thế giới về lập trường của Trung Quốc đ?i với bản báo cáo này, ông Tần Cương khẳng định: "Trung Quốc cho rằng những cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ và nhấn mạnh đây là một sai lầm của họ".

Trong một động thái được cho là để đáp trả những cáo buộc của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Trung Quốc năm 2007, ngày 13/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho công bố bản "Báo cáo về vấn đề dân chủ, nhân quyền của Mỹ năm 2007”.

Trong đó nhấn mạnh: “Mỹ đã chà đạp lên chủ quyền và là thủ phạm vi phạm dân chủ, nhân quyền ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc quân đội Mỹ tấn công Iraq là thảm kịch nhân quyền lớn nhất và cũng là thảm họa nhân quyền tồi tệ nhất trong thế giới hiện đại”.

Về vấn đề dân chủ, nhân quyền tại Mỹ, bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng: “Quyền của người dân Mỹ trong việc tham gia vào các hiệp hội bị hạn chế, quyền của các tù nhân bị xâm phạm hoặc Mỹ không có khả năng giải quyết nạn đói nghèo và phòng, chống tội phạm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng: Việc Trung Quốc công bố bản báo cáo trên để thế giới có cái nhìn sâu hơn vào những thất bại của Mỹ cũng như phản đối sự thiếu công bằng trong báo cáo về tình hình dân chủ, nhân quyền hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tại Liên bang Nga, trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố bản báo cáo về tình hình dân chủ, nhân quyền trong năm 2007, phần nói về nước Nga, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định: Bản Báo cáo dân chủ, nhân quyền 2007 của Mỹ là bóp méo sự thật. Đồng thời lên tiếng cảnh báo Washington không có quyền thuyết giáo về dân chủ, nhân quyền đối với nước khác.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, đánh giá của Mỹ về dân chủ, nhân quyền tại Nga phản ánh chính sách hai mặt của một đất nước chuyên sử dụng con bài dân chủ, nhân quyền làm "công cụ đối ngoại".

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng: “Những đánh giá của Mỹ về dân chủ, nhân quyền tại Nga trong năm 2007 có nhiều sai sót, vô căn cứ, bịa đặt, không đáng tin cậy về nguồn tài liệu và phản tác dụng". Qua đó Nga còn lên án tình trạng vi phạm nhân quyền của Mỹ ngày càng tồi tệ như: tra tấn, áp dụng án tử hình cho người vị thành niên, phủ nhận trách nhiệm về tội ác chiến tranh...

Kết luận về bản "Báo cáo dân chủ, nhân quyền 2007" của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga, khẳng định: “Chúng tôi tin rằng việc chính trị hóa vấn đề bảo vệ nhân quyền và bóp méo tình hình nhân quyền ở nhiều nước sẽ không giúp giải quyết các vấn đề hiện nay, mà chỉ phá hoại các nguyên tắc và mục tiêu của sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này".

Khi đề cập tới tình hình dân chủ, nhân quyền tại Syria, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra những nhận xét là "đặc biệt tồi tệ", ngày 12/3, Bộ Ngoại giao Syria khẳng định: "Bản báo cáo tình hình dân chủ, nhân quyền năm 2007 của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ xuất phát từ động cơ chính trị xấu và thiếu tính khách quan".

Bộ Ngoại giao Syria cũng lên án mạnh mẽ việc Chính phủ Mỹ đã làm ngơ trước những hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Israel đối với người Palestin.

Ngoài ra, chính phủ một số quốc gia như CHDCND Triều Tiên, Myanmar, Iran, Zimbabwe, Cuba, Belarus, Uzbekistan, Sudan... cũng đã bác bỏ những cáo buộc không khách quan về tình hình dân chủ, nhân quyền tại các nước, mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề cập trong bản "Báo cáo về tình hình dân chủ, nhân quyền thế giới 2007".

Đáng chú ý, trong bản "Báo cáo về tình hình dân chủ, nhân quyền thế giới 2007", phần nói về Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thể hiện hành động thiếu thiện chí trong quan hệ Việt – Mỹ khi cho rằng: "Việt Nam là một trong những nước ra sức kiểm soát ngăn chặn người dân tiếp cận với dịch vụ Internet" hoặc "Tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn bị vi phạm,... v.v".

Nhưng sự thật là ở Việt Nam, sau 10 năm chính thức triển khai dịch vụ Internet, đến nay đã có được những thành tựu vượt bậc. Tính đến hết tháng 9/2007, ở Việt Nam đã có gần 5 triệu thuê bao Internet được quy đổi, với hơn 18 triệu người thường xuyên sử dụng dịch vụ này, đạt tỉ lệ số dân sử dụng Internet là gần 21%; tốc độ truy cập Internet tăng hơn 7.500 lần; giá thuê bao, truy cập rẻ nhất trong khu vực và trên thế giới.

Theo thống kê mới đây nhất của Bộ Thông tin và truyền thông, hiện nay dịch vụ Internet đã phổ biến ở 100% viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, các bệnh viện trung ương, 98% các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, 92% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, 50% các trường trung học cơ sở, bệnh viện cấp tỉnh. 26/26 bộ, ngành, 56/64 tỉnh, thành đã có website riêng.

Dịch vụ Internet đã có mặt ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để phục vụ nhân dân. Việt Nam cũng được nhìn nhận là quốc gia có cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển nhanh nhất.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ Ngoại giao Mỹ nên chấm dứt những hành động kiểu “đâm bị thóc, chọc bị gạo” qua việc đưa ra những thông tin sai sự thật về tình hình dân chủ, nhân quyền ở một số nước, trong đó có Việt Nam, thể hiện trong các báo cáo công bố hàng năm, vì nó đã quá lỗi thời, không có lợi cho quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với các nước và ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ trên trường quốc tế

Thi Nga
.
.