Cách phòng tránh vi khuẩn "ăn thịt người"

Thứ Tư, 05/06/2013, 17:30

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhân nam, 40 tuổi ở Tiền Hải, Thái Bình, nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, viêm hoại tử cả cánh tay trái. Kết quả xét nghiệm tuy không tìm thấy vi khuẩn vì trước đó, bệnh nhân đã uống khá nhiều kháng sinh nhưng các triệu chứng cho thấy bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng hoàn toàn giống với các ca nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” Aeromonas hydropila…

Vi khuẩn "ăn thịt người" Aeromonas hydropila là gì?

Aeromonas thuộc nhóm vi khuẩn gram âm, nằm trong họ Vibrionaceae. Chúng là những vi khuẩn phổ biến trong tự nhiên, thường sống trong môi trường nước trên bề mặt và thường gây bệnh cho các loài cá, tôm, động vật lưỡng cư. Thật ra, ở các nước phát triển, Aeromonas hydropila là loại vi khuẩn không xa lạ gì nhưng ở nước ta, nó ít được quan tâm. Vì vậy, khi tên gọi vi khuẩn “ăn thịt người” xuất hiện, người ta thấy sao quá rùng rợn.

Theo Tiến sĩ Cadwell, thuộc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, thì tên gọi vi khuẩn “ăn thịt người” không đúng với bản chất của nó vì thỉnh thoảng Aeromonas hydropila mới gây bệnh cho người. Trên thế giới, hàng năm y học vẫn ghi nhận những trường hợp viêm mô mềm và nhiễm trùng máu do vi khuẩn Aeromonas.

Aeromonas thường gây ra 3 thể bệnh chính,  gồm tiêu chảy do uống nước nhiễm khuẩn Aeromonas, nhiễm trùng đường mật, nhiễm trùng máu ở bệnh nhân xơ gan; viêm mô mềm hoại tử. Ở người khỏe mạnh có vết sây sát, tiếp xúc với nước bẩn, hoặc bùn, rác bùn có Aeromonas thì có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.

Aeromonas được phát hiện lần đầu tiên từ những người hay nằm trong phòng có máy điều hòa không khí với những triệu chứng ở đường hô hấp như ho, khò khè, khó thở.... Sau đó, nó có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, từ nhẹ tới nặng hoặc rất nặng. Một trong những dạng nặng nhất này là nhiễm trùng máu mà biểu hiện bằng hiện tượng viêm bất chợt ở một hoặc nhiều vị trí trên cơ thể.

Trở lại với bệnh nhân bị nhiễm Aeromonas tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trước đó bệnh nhân này sốt cao, một ngày sau cẳng tay trái sưng lên rồi lan ra khắp cánh tay, lên vai. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc do nhiễm trùng máu nhưng toàn bộ da cánh tay bên trái đã hoại tử nên ông được chuyển sang Viện Bỏng Quốc gia để tiến hành ghép da.

Cũng cần nói thêm rằng từ năm 2009 đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận hàng chục ca nhiễm trùng máu do  Aeromonas hydropila gây ra. Chúng gây hoại tử nhanh chóng các tổ chức viêm nên được mệnh danh là vi khuẩn “ăn thịt người”. Trong 10 ca nhập viện năm 2010-2011,  chỉ có 3 ca được cứu sống, 7 ca còn lại đều tử vong. Có 7 bệnh nhân không xác định được yếu tố phơi nhiễm,  3 người còn lại thì 1 người ăn hàu sống, bị ngạnh cá đâm rách da, 1 người lội xuống cống nước thải và 1 người làm việc trong môi trường nước ngâm tre nứa.

Phòng tránh Aeromonas hydropila

Cái tin có bệnh nhân tử vong do vi khuẩn “ăn thịt người” lan ra đã khiến không ít người hoang mang, lo sợ. Mặc dù bệnh ít gặp nhưng trước đây, nếu đã nhiễm trùng máu thì coi như cầm chắc cái chết vì bệnh diễn tiến rất nhanh. Tuy nhiên hiện nay, với những tiến bộ về hồi sức nên hậu quả có thể hạn chế được phần nào mặc dù người bệnh  vẫn có thể phải chịu nhiều di chứng do hoại tử.

Và mặc dù vi khuẩn Aeromonas rất dễ gặp nhưng không phải bất cứ ai tiếp xúc với nguồn nước bẩn có Aeromonas đều bị nhiễm. Nguy cơ chỉ xảy ra  trong quá trình ngụp lặn, bị sặc nước bẩn có chứa Aeromonas và cơ thể lúc đó mẫn cảm với Aeromonas, hoặc đang mắc phải một số bệnh nhiễm trùng như bệnh phổi, bệnh nhiễm virus, các loại bệnh gây suy giảm miễn dịch như luput ban đỏ, vảy nến, hoặc dùng thuốc khiến sức đề kháng suy giảm.

Vì vậy, để phòng ngừa nhiễm Aeromonas, nên hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn, nhất là khi trên cơ thể có vết trầy xước. Những người phải làm việc thường xuyên trong môi trường nước bẩn cần được trang bị quần áo, mũ, găng tay, kính đeo mắt thích hợp. Nếu có dấu hiệu sưng nề, hoại tử ở vùng có vết thương sau khi tiếp xúc nước bẩn thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Với những người thường xuyên bơi lội, thân thể hay bị va chạm, trầy xước khiến virus, nấm, một số bệnh ngoài da dễ xâm nhập… Do vậy, nếu có những trầy xước thì không nên đi bơi để tránh bị nhiễm bệnh. Sau khi bơi, nên tắm lại bằng xà phòng, sữa tắm có độ kiềm cao để tẩy sạch chất hữu cơ bám dính vào cơ thể. Khi có bệnh mạn tính hoặc đang bị bệnh cấp tính nào đó, nếu nằm trong phòng có máy điều hòa thì nên để nhiệt độ ở khoảng 26oC. Với những người khỏe mạnh, cũng đừng nên quá hoang mang khi đi bơi tại các hồ bơi vì nguồn nước thường được khử khuẩn bằng dung dịch Clor nên Aeromonas khó tồn tại.

Bên cạnh đó, nó cũng dễ bị tiêu diệt bởi các dung dịch như formol 2%, cồn 70%, nước Javel, cồn iod. Điều đáng quan tâm là những nguồn nước công cộng như hồ bơi hay công viên nước dễ dàng trở thành nguồn lây bệnh như đau mắt đỏ, viêm họng và một số bệnh phụ khoa - nhất là bệnh tả, kiết lị nếu có người bị các bệnh này bơi ở đó, rồi người khác vô tình bị sặc nước vào mũi, miệng…

V.C.
.
.