Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba

Thứ Bảy, 28/12/2013, 21:05

Ngay cả khi trở về cõi vĩnh hằng, người kiến tạo hòa bình Nelson Mandela vẫn có thể gắn kết những cựu thù lại với nhau, điều đó đã được minh chứng khi lãnh đạo Mỹ và Cuba bất hòa trong hơn 50 năm đã có cái bắt tay lịch sử, biểu hiện thiện ý, hòa hợp theo tấm gương của người anh hùng chống chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi.

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tiến đến lễ đài đọc điếu văn trong lễ tưởng niệm ngập tràn xúc động hướng về vị cố lãnh đạo anh hùng dân tộc Nam Phi Nelson Mandela, ông đã bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro.

Chủ tịch Cuba Raul Castro đã tươi cười đón chào Tổng thống Mỹ, sự kiện này đã được nhiều người dân Cuba xem như một tín hiệu của sự hòa giải, sau hơn nửa thế kỷ khác biệt về ý thức hệ giữa 2 quốc gia chỉ nằm cách nhau 144 km biên giới biển. Đó là  ví dụ giản đơn của sự thân thiện để hàn gắn mối chia rẽ sâu sắc.

Khi tiếp xúc với nhà lãnh đạo một đất nước mà Mỹ đã bất hòa trong hơn 50 năm qua, Tổng thống Mỹ đã noi theo tấm gương Mandela. Không có gì có thể tốt đẹp hơn thế. Chỉ vài ngày sau khi Mandela từ trần, người ta đã thấy sự nồng ấm giữa ông Obama và ông Raul Castro, đó là bằng chứng rõ ràng về sự vị tha - mà Mandela đã để lại cho đời.

Ở quê nhà - thủ đô Havana (Cuba),  lãnh tụ Fidel Castro đã chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của em trai trên vô tuyến truyền hình, trang web chính phủ đảo quốc này bình luận: "Hình ảnh này có thể là sự khởi đầu để kết thúc thái độ hiếu chiến của Mỹ chống lại Cuba".

Ngoài cái bắt tay khiến cả thế giới bất ngờ trong những ngày qua, Chủ tịch Cuba và Tổng thống Mỹ khi phát biểu tại lễ tưởng niệm Nelson Mandela đều có sự "gần gũi". Trong bài phát biểu tại quốc tang cố Tổng thống Nam Phi, bằng giọng đọc mạnh mẽ, chan chứa sự cảm thông với nỗi mất mát không gì bù đắp trong trái tim nhân dân Nam Phi khi vị Cha già dân tộc của họ đã an giấc ngàn thu (người Nam Phi thường gọi Nelson Mandela là: tata - tức cha), Chủ tịch Cuba Raul Castro đã vinh danh ông Mandela là "biểu tượng  của nhân phẩm và đấu tranh cách mạng".

Tổng thống Mỹ ngợi ca nhà lãnh đạo chống chủ nghĩa Apartheid là một "vĩ nhân lịch sử", ông nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt  từ 60 ngàn người dân Nam Phi đã bất chấp cả trời mưa tầm tã để lắng nghe.

"Thật khó có thể ca ngợi bất kỳ người nào - càng khó hơn nhiều để làm điều đó đối với một vĩ nhân của lịch sử, người đã đưa một quốc gia đến công lý và cả tiến trình chuyển động hàng tỉ người trên thế giới" - giọng đầy xúc động, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có những lời lẽ tốt đẹp nhất để tôn vinh những cống hiến vĩ đại mà Nelson Mandela dành cho nhân dân Nam Phi nói riêng và nhân loại nói chung.

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Mỹ gốc Cuba đã bày tỏ sự thất vọng, đồng thời cho rằng sự kiện này chỉ đem lại lợi ích cho Chính phủ Cuba.

Sau khi Tổng thống Mỹ bắt tay lãnh đạo Cuba, phát biểu tại một phiên điều trần với Ngoại trưởng John Kerry, nữ dân biểu Ileana Ros-Lehtinen đã giơ cao bức ảnh chụp lại hình ảnh ông Obama bắt tay ông Raul Castro và cảnh báo những người bất đồng chính kiến sẽ bày tỏ sự "thất vọng" của họ.

"Có khi một cái bắt tay chỉ là một cái bắt tay thế thôi, ấy nhưng mà khi lãnh đạo một thế giới tự do bắt tay… Raul Castro, nó sẽ trở thành một cuộc đảo chính tuyên truyền…", bà Illeana Ros-Lehtinen phát biểu.

Nhưng trái với "sắc mặt cau có" và sự khó chịu của thiểu số nghị sĩ Mỹ gốc Cuba, cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tại lễ tưởng niệm cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã được chào đón trên đường phố Cuba cùng với sự ngạc nhiên và hy vọng về quan hệ của 2 bên sẽ được cải thiện.

Tôn trọng người anh hùng dân tộc Nam Phi Nelson Mandela như một sứ giả hòa bình, Giáo hội Công giáo Cuba đã ghi nhận cái bắt tay của ông Obama và ông Raul Castro có ý nghĩa rất quan trọng. "Người ta hy vọng tấm gương của Mandela tiếp tục là nguồn cảm hứng để tiến đến một viễn cảnh khác có ý nghĩa khác so với cái bắt tay như thế này. Kể từ khi ngài Barack Obama và ngài Raul Castro đã từng nhiều lần nói chuyện theo cách riêng của các vị thì bây giờ chính là lúc để thay đổi chính sách quan hệ giữa Cuba và Mỹ" - ông Orlando Marquez, người phát ngôn của Giáo hội Công giáo Cuba trả lời phỏng vấn báo chí.

Những cái bắt tay từng được biết đến giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba là kể từ Cách mạng năm 1959 thành công và vào năm 2000 tại Liên Hiệp Quốc, trong một cuộc gặp gỡ không hẹn trước, Chủ tịch Fidel Castro đã bắt tay Tổng thống Bill Clinton. Tuy nhiên, cả 2 sự kiện nêu trên không đi vào lịch sử vì những cái bắt tay đó xảy ra ở ngoài tầm ngắm máy ảnh và máy quay phim của báo giới quốc tế. Nhưng, cái bắt tay giữa ông Obama và ông Raul Castro tại tang lễ cựu lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela đã rơi vào tâm điểm ống kính báo chí khắp nơi trên thế giới.

Quan chức Mỹ và Cuba đã từng cùng nhau nói về chủ nghĩa thực tế mới trong thương mại hai chiều. Vào tháng 11 vừa qua ở Miami, ông Obama đã lần đầu tiên thừa nhận những nỗ lực cải cách kinh tế Cuba của nguyên Chủ tịch Fidel Castro theo phong cách Xôviết, đồng thời Tổng thống Mỹ cho biết thêm rằng chính sách của Mỹ, trong đó có cấm vận kinh tế lâu dài đối với Cuba, đã quá lỗi thời.

Một trợ lý Nhà Trắng nhận xét cái bắt tay giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba diễn ra hoàn toàn tự nhiên và hai nhân vật chính đã chào nhau hơn cả một lời chào xã giao thông thường.

"Có lẽ Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba đã nắm chặt tay nhau, bằng cái bắt tay này thì công việc mà họ phải thực hiện cùng nhau sẽ dễ dàng hơn nhiều so với cuộc đấu tranh chống Apartheid của Nam Phi" - Julia Sweig, Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (trụ sở tại New York) phân tích

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.