“Sự ra đi” của Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama:

Cái giá phải trả cho thỏa hiệp với Mỹ!

Thứ Sáu, 11/06/2010, 18:05
"Tuần trăng mật" của chính quyền mới được thành lập tại Nhật Bản vào mùa thu năm ngoái đã kết thúc nhanh chóng sau chưa đầy một năm. Ngày 2/6/2010, Thủ tướng Yukio Hatoyama đã chính thức tuyên bố sẽ từ chức, đồng nghĩa với việc nước Nhật đã có vị Thủ tướng thứ tư phải ra đi chỉ trong vòng 4 năm.

Nhật Bản có thể coi là một trong những nước có "tuổi thọ tại vị" trung bình của các vị nguyên thủ quốc gia thuộc loại thấp nhất thế giới. Với tuyên bố từ chức mới đây của ông Hatoyama, đất nước Mặt trời mọc lại tiếp tục chứng kiến vị thủ tướng thứ tư phải ra đi chỉ trong vòng có 4 năm.

Cũng vì những "tiền lệ" kiểu này, nhiều nhà quan sát đã từng dự đoán, chính phủ mới do đảng Dân chủ (DJP) lần đầu tiên lên nắm quyền sau cả nửa thế kỷ sẽ chỉ có thể tồn tại không quá 1 năm. Tuy nhiên, việc không thể thực thi một trong những lời hứa quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử của ông Hatoyama về căn cứ quân sự Mỹ lại còn đẩy nhanh hơn nữa cái kết cục đã được dự đoán trước này. 

Quay trở lại với quá khứ, quân đội Mỹ đã đặt chân lên đất nước Mặt trời mọc từ ngay khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Tuy nhiên từ vài năm gần đây, sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại đây bắt đầu gây ra nhiều phản ứng trong cư dân Nhật. Vào năm 2006, Mỹ và Nhật đã đạt được thỏa thuận về việc di dời căn cứ quân sự khỏi đảo Okinawa nhưng không nêu rõ thời hạn cụ thể, cũng như địa điểm di chuyển tới trong tương lai. Ban đầu, căn cứ trên được dự định chuyển tới một hòn đảo nhân tạo. Sau đó lại có ý kiến chuyển căn cứ tới khu vực quận Nago cũng trên đảo Okinawa. Nhưng tất cả những kế hoạch trên đều bị công chúng Nhật bác bỏ.

Trong chiến dịch tranh cử Quốc hội năm 2009, Hatoyama đã từng hứa hẹn sẽ chuyển căn cứ Futenma ra khỏi nước Nhật, hay chí ít khỏi đảo Okinawa. Ngay sau khi lên nhậm chức Thủ tướng vào tháng 9/2009, ông Hatoyama lập tức đàm phán với Washington về vấn đề này. Tuy nhiên, Mỹ đã viện cớ về những khó khăn về mặt kỹ thuật đã tìm cách trì hoãn việc rút quân. Chính phủ Nhật còn xem xét phương án chuyển căn cứ sang hòn đảo Tokunosima phía bắc Okinawa. Tháng 4 vừa qua, thị trưởng của 3 thành phố trong khu vực trên đã cùng lên tiếng kịch liệt phản đối kế hoạch này. Một tháng sau, đến lượt người Mỹ gợi ý chỉ chấp nhận một chỗ mới ngay tại đảo Okinawa.

Đến mức này, ông Hatoyama buộc phải nhượng bộ. Đầu tháng 5/2010, Thủ tướng đến Okinawa, thông báo với người dân tại đây về việc phải thay đổi những cam kết khi tranh cử của mình do "những nghĩa vụ với đồng minh". Căn cứ theo đó vẫn sẽ tồn tại trên hòn đảo, thậm chí nằm sát một khu vực đông dân khác. Ngày 28/5, Nhật và Mỹ cuối cùng đã đạt được thỏa hiệp về vấn đề khó xử trên. Người Mỹ đồng ý chuyển căn cứ quân sự của mình khỏi khu vực đông dân Ginowan tới khu vực Henoko.

Công luận Nhật đã coi quyết định trên là một sự nhượng bộ. Những cuộc thăm dò ý kiến cuối tuần qua đã đem đến một kết quả hết sức thất vọng cho ông Hatoyama. Nếu như vào thời kỳ đầu mới lên cầm quyền, Thủ tướng nhận được sự ủng hộ của gần 70% số dân, thì giờ đây con số đó chỉ còn chưa đầy 20%. Chưa kể hơn một nửa số người được hỏi đã tuyên bố, người đứng đầu chính phủ cần phải từ chức vì không thực hiện lời hứa di dời căn cứ quân sự tại Okinawa

Mặt khác, lời hứa rút bỏ căn cứ quân sự của Mỹ trong thời gian tranh cử chính là điều kiện cơ bản cho việc thành lập một liên minh cầm quyền giữa DJP của Thủ tướng Hatoyama và đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Chính vì vậy, khi chính phủ chính thức thừa nhận vẫn phải cho phép sự tồn tại của căn cứ quân sự Mỹ tại hòn đảo Okinawa, kết cục của liên minh cầm quyền gần như đã được định đoạt. SPD nhanh chóng có phản ứng với quyết định rời khỏi liên minh, một hành động chẳng khác gì đưa chính phủ đến bờ vực tan vỡ. Ông Hatoyama tất nhiên cũng mất luôn ưu thế đa số trong Quốc hội, nên chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố từ chức.

Ông Hatoyama dường như đã nhận thức được kết cục này và đứng ra nhận hết trách nhiệm về mình. "Đáng tiếc là công việc của chúng ta đã không nhận được sự đồng tình của người dân. Có thể kể ra hai nguyên nhân. Đầu tiên là việc di chuyển căn cứ Futenma. Tôi đã đem lại sự bất an cho người dân Okinawa và Tokunosima. Nhưng thực tế là tôi đã cố gắng làm tất cả để chuyển căn cứ ra khỏi khu vực trên. Còn nguyên nhân thứ hai chính là vấn đề tiền bạc trong chính trị" - Hatoyama đã tuyên bố như vậy trong phiên họp bất thường của các đại biểu DJP.

Nguyên nhân thứ hai được ông Hatoyama nhắc đến chính là việc các cơ quan điều tra đang khởi tố vụ việc chống lại những tay chân thân cận nhất của nhân vật thứ hai trong DJP, Tổng thư ký Ichiro Ozawa, người bị cáo buộc gian dối trong việc điều hành quỹ hoạt động chính trị của đảng. Cũng vì chuyện này, Thủ tướng cho biết cũng đã đề nghị ông Ozawa nên từ chức để có thể hy vọng khôi phục lại hình ảnh của DJP và Tổng thư ký đã đồng ý với tôi.

Tuy nhiên, theo các kết quả thăm dò gần nhất, bất chấp cả những lời sám hối công khai và quyết định ra đi của ông Hatoyama, phe Dân chủ gần như không có cơ hội tái đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới diễn ra vào ngày 11/7. Đảng Dân chủ tự do đối lập LDP (từng cầm quyền liên tục từ năm 1945-2009) cho rằng hành động từ chức trên của ông Hatoyama chỉ nhằm cứu vãn uy tín đang sụt giảm nghiêm trọng của DJP trước cuộc bầu cử Thượng viện đã ấn định vào tháng 7 tới. Theo LDP, ông Hatoyama cần phải giải tán tiếp cả Hạ viện để bầu lại

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.