Căn cứ quân sự Mỹ tại Colombia: Khủng hoảng toàn khu vực Mỹ Latinh

Thứ Tư, 19/08/2009, 21:40
Khi quyết định mở các căn cứ quân sự cho binh lính Mỹ, chính quyền Bogota đã tạo ra một cơn thịnh nộ và thái độ lo ngại cho toàn khu vực Mỹ Latinh. Để thuyết phục các quốc gia láng giềng về quyết định trên, Tổng thống Colombia đã có chuyến thăm "giải thích" nhưng lại tránh Ecuador và Venezuela và chính điều này lại càng làm tình hình căng thẳng tại khu vực leo thang. Hội nghị Liên hiệp các quốc gia Nam Mỹ đã được triệu tập khẩn cấp để bàn về vấn đề này.

Khi mở cửa lãnh thổ Colombia cho binh lính Mỹ theo đuổi các chiến dịch quân sự mà trước đây Mỹ thường tiến hành từ căn cứ quân sự Manta ở Ecuador (theo yêu cầu mới đây của Tổng thống Ecuador, Rafael Correa, Mỹ phải rút khỏi căn cứ quân sự Manta, đây là căn cứ cuối cùng của Mỹ tại Nam Mỹ, và được coi là có sứ mạng chính trong cuộc chiến chống thuốc phiện), Colombia đã không lường trước được những tác động từ quyết định này.

Trước hết, giới lãnh đạo Colombia tin rằng nhờ vào quyết định mở cửa biên giới cho binh sĩ Mỹ, chính quyền Barack Obama sẽ xem xét lại quyết định giảm viện trợ quân sự cho Colombia và có thể sẽ nối lại các vòng đàm phán dẫn tới ký kết hiệp định tự do thương mại giữa hai nước. Nhưng hy vọng đó đã không thành hiện thực.

Sau đó, Bogota cho biết nếu giải thích với các quốc gia Nam Mỹ rằng căn cứ quân sự của Mỹ tại Colombia không nhằm do thám các quốc gia láng giềng thì sự việc sẽ êm xuôi. Nhưng một lần nữa, Colombia đã mắc sai lầm. Chưa hết, Bogota cho rằng, nếu cảnh báo cộng đồng quốc tế về sự tiếp tay của một số nước Mỹ Latinh đối với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) bằng cách bán vũ khí cho tổ chức này thì việc Colombia ký kết một hiệp ước khung về quân sự với Mỹ sẽ được chấp nhận. Đây cũng là một tính toán sai lầm của Colombia.

Điều mà chính quyền Bogota không mong chờ chính là sự phản ứng của các quốc gia này lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong một cuộc gặp song phương, cả Tổng thống Brazil,  Lula da Silva, và Tổng thống Chilê, Michelle Bachelet, đều công khai cho biết sự lo lắng của họ đối với hiệp ước quân sự mà Colombia vừa ký với Mỹ, đồng thời triệu tập cuộc họp bất thường của Hội đồng Quốc phòng Nam Mỹ để bàn về vấn đề các căn cứ quân sự của Mỹ tại Colombia trong khuôn khổ Hội nghị Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), diễn ra ngày 10/8 tại thủ đô Quito của Ecuador.

Trước đề xuất này của BrazilChile, Colombia một lần nữa lại có phản ứng gây căng thẳng thêm. Chính quyền Bogota cho biết, thông qua Bộ Ngoại giao, Tổng thống Uribe và Bộ trưởng Ngoại giao, Jaime Bermudez, sẽ không tham dự hội nghị tại Quito. Ngay lập tức, để cảnh báo các nước trong khu vực, Ngoại trưởng Brazil, Celso Amorim yêu cầu, hiệp ước quân sự giữa Colombia và Mỹ vừa ký kết cần phải được giải thích một cách rõ ràng nhất. Ông này cũng gợi ý rằng Colombia cần đưa ra những cam kết đối với các quốc gia láng giềng về hiệp ước trên.

Những tuyên bố của Ngoại trưởng Amorim như gáo nước lạnh dội vào chính quyền Bogota và đẩy vấn đề sang một cấp độ khác. Đối với các quốc gia Nam Mỹ, ngoại trừ Peru, quyết định cho phép thành lập căn cứ quân sự Mỹ tại Colombia là một yếu tố gây bất ổn khu vực. "Đó là quân đội ngoại bang. Chúng tôi sẽ tranh luận trực tiếp với Tổng thống Obama về vấn đề này" - Tổng thống Brazil Lula cho biết.

Những áp lực từ Brazil và Chile mạnh tới mức Tổng thống Colombia Uribe đã phải có chuyến thăm chớp nhoáng tới Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Paraguay, Peru và Uruguay để giải thích nội dung hiệp ước quân sự mà Bogota vừa ký với Mỹ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị bên trong liên minh cầm quyền đã buộc ông Uribe quay trở về Bogota sớm hơn dự định.

Chọn cách phản ứng như vậy, Tổng thống Uribe muốn giảm đi những áp lực từ Chile và Brazil để Colombia xuất hiện trước Hội đồng Quốc phòng Nam Mỹ, nơi ông Uribe muốn tránh phải biện hộ trước những chất vấn của Tổng thống Hugo Chavez và Tổng thống Correa. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cách làm này của ông Uribe rất mạo hiểm. Ngoài Peru, Colombia không có bất cứ sự đảm bảo nào khác từ phía các nước trong khu vực.

Vì những lý do trên, sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên khi một trong hai kịch bản sẽ được diễn ra tại Hội nghị Quito:

Thứ nhất, các quốc gia thành viên Hội đồng Quốc phòng Nam Mỹ quyết định gửi tới Tổng thống Obama những quan ngại của họ trước nguy cơ bất ổn khu vực nếu Mỹ đặt căn cứ quân sự tại Colombia và tìm kiếm một bản thỏa hiệp khi đối thoại trực tiếp với chính quyền Mỹ và các thành viên của UNASUR liên quan tới những hệ lụy xuất phát từ sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Colombia.

Thứ hai, các quốc gia thành viên Hội đồng Quốc phòng Nam Mỹ sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp do sự xuất hiện của quân đội ngoại bang tại châu lục này và buộc Mỹ phải có phản ứng. Hiện tại, tầm ảnh hưởng của các nước Nam Mỹ là rất lớn nhất là trong quan hệ của họ với các nước lớn khác như Nga, Trung Quốc và sự dẫn dắt khu vực này của Brazil lại quá mạnh để Mỹ không thể đứng ngoài cuộc.

Điều chắc chắn trước mắt, đó là quyết định của ông Uribe khi gạt Ecuador và Venezuela ra khỏi danh sách các quốc gia trong chuyến thăm "giải thích" của mình lại càng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Colombia và các quốc gia láng giềng. Mới đây, cả CaracasQuito đều thông báo các biện pháp đáp trả cứng rắn đối với mưu đồ của Colombia, việc làm này đã khiến tình hình càng thêm phức tạp. Giới quan sát cho rằng, đối với chính sách ngoại giao của Colombia, thời gian tới sẽ rất khó khăn. Colombia chưa bao giờ rơi vào một tình huống ngoại giao tuyệt vọng như hiện nay

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.